Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-36-XÚC CHẠM VIỆC ĐỜI, TÂM KHÔNG XÔN XAO SÓNG

KỆ NGÔN X

HẠNH PHÚC XXXV

Phuṭṭhassa loka-dhammehi cittaṃ yassa ra kampati

Tâm không xao động vì pháp thế gian

(Khi xúc chạm việc đời. Tâm không động, không sầu)


Câu Phật ngôn này có ba từ nên giải cho rõ:
1. Loka: Nghĩa là thế gian. Phạn ngữ loka còn có nghĩa là hư hoại, tiêu diệt, tan rã... Ý nghĩa ấy rất đúng vì thế gian nầy có gì bền vững lâu dài đâu, mặc dầu là núi non, sông bể đều cũng có ngày thay đổi hay tiêu diệt.
2. Lokadhamma: Nghĩa là pháp thế gian. Pháp thế gian có 8 điều, thường ở trong thế gian hay là ở trong tâm của con người. Vì con người còn luân hồi trong thế gian, nên pháp ấy gọi là thế gian pháp hay là pháp thế gian.
3. Kampati: Là rung động. Tâm người vì còn phiền não nên bị 8 pháp ấy làm rung động, xao xuyến, lay chuyển nên không bao giờ yên được. Vì tâm rung động bởi các pháp ấy nên người rất lo chạy theo nó, hoặc tìm về vì chưa có, hay kiếm lại vì bị mất, hoặc vì sợ mất nên lo giữ. Đấy là nguyên nhân sanh khổ - vì khi được cũng khổ mà khi mất lại càng khổ. Thật vậy khi mất thì khổ đã đành, nhưng khi được lại mất công gìn giữ, sợ bị mất. Trong 8 pháp ấy có những pháp mà mình không thích, không ưa, nên mình lại không muốn cho nó đến với mình, hết sức cố gắng không cho nó đến, mà nó vẫn đến!
8 pháp ấy ví như cái lưới, còn chúng sanh ví như cá trong lưới thật là khó thoát khỏi.
Đây tôi xin giải luôn tiếng “chúng sanh”; phạn ngữ satta nghĩa là chúng sanh, nhưng còn có nghĩa là dính, ý nói dính trong pháp thế gian; ví như cá mắc dính trong lưới, hay cắn phải câu vậy.

+ Còn 8 pháp thế gian ấy là:

                      Thích
                    Ghét
1. Lābho: Được lợi
3. Yaso: Được danh
5. Pasaṃsā: Được khen
7. Sukha: Được lạc
2. Alābho: Mất lợi
4. Ayaso: Mất danh
6. Nindā: Bị chê
8. Dukkha: Bị khổ
Trong 8 pháp này có 4 pháp người ưa thích, còn 4 pháp người chán ghét.
Chúng ta ham mê hay ưa thích 4 pháp “được lợi, được danh, được khen, được lạc”. Vì ưa thích nên ta chạy theo nó, đến nỗi quên già. Chúng ta quên rằng, những gì mà ta ưa thích, ta chưa thỏa mãn, thì lại bị mất đi; hay ta lại bỏ nó ra đi, tôi muốn nói ta chết và không đem gì theo được. Vì con người chưa có trí tuệ, nên không nhận thức vô thường, khổ não, vô ngã, nên cứ chạy theo các pháp ấy. Ta lại thương tiếc buồn rầu vì những của cải không phải là ta mà cũng không phải là của ta, cũng không trung thành với ta nữa. Đã gọi là loka (thế gian) nghĩa là tan hoại, thì làm sao tìm được một điều gì trung thành với ta được? Con người cũng vì tám pháp thế gian nên giết hại nhau. Vì 8 pháp ấy mà cá nhân tranh với cá nhân, gia đình tranh với gia đình, xóm này tranh với xóm kia, xứ này tranh với xứ nọ, nên thế gian thường bị chiến tranh tiêu diệt. Xét kỹ, không có gì gây thảm họa cho chúng ta hơn là 8 pháp ấy. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy chúng ta không nên rung động, xao động vì pháp thế gian - ý nói không nên để 8 pháp ấy ngự trị trong chúng ta.
Khi chúng ta biết 8 pháp ấy gây thảm họa cho nhân loại, thì chúng ta cũng nên tránh đi được phần nào hay phần ấy, khi chúng ta cố tránh thì lợi ích trước nhất là chúng ta được an vui, mà người ở gần ta cũng được hạnh phúc.

+ Muốn diệt trừ 8 pháp ấy, ta cần phải trang bị 3 pháp sau đây: 

1. Lokapāladhamma: Pháp hộ trì thế gian (loka); nó gồm có hai pháp: Hiri - là tàm, là hổ thẹn tội lỗi; và ottappa - là quý, là ghê sợ tội lỗi.
Như ta biết loka là hư hoại, tiêu hoại; mà pháp này gọi là pháp gìn giữ (hộ trì), thì rõ ràng là pháp tương đối, hay đối trị với pháp tiêu hoại. Hai pháp này có ý nói rằng, khi người đời biết hổ thẹn, biết ghê sợ tội lỗi, thì không bao giờ dám làm tội; mà không dám làm tội thì không khi nào ác pháp đến gần - do vậy, tức nhiên ta sẽ được hạnh phúc.
2. Sati: Trí nhớ (niệm);  sampajañña: Biết mình (Tỉnh giác).
Hành giả phải có trí nhớ (chánh niệm) để quan sát những đề mục mà tâm thâu lấy, trí nhớ ví như người giữ cửa thành, cần biết người nào nên cho vào, người nào không nên cho vào. Trí nhớ cũng vậy, không cho các ác pháp xâm nhập vào. Biết mình (tỉnh giác) là khi biết pháp ác đã xâm nhập vào rồi, nên cố gắng diệt trừ nó bằng mọi phương cách.
3. Yonisomanasikāra: Có trí tuệ suy xét cho chu đáo (như lý tác ý).
Ý nói khi ta muốn làm việc gì nên dùng trí tuệ suy nghĩ cho kỹ, và biết đâu là hại đâu là lợi để thực hành.
Trong chú giải bài kinh hạnh phúc có dạy rằng: Vì chúng sanh còn nhiều phiền não nên bị 8 pháp ấy chi phối, nên khi được lợi thì vui, khi mất lợi thì buồn, tức sanh ra oán thù, cột oan trái làm hại kẻ khác, đó là nhân làm cho người
luân hồi và phải khổ mãi mãi, chung quy là ta không diệt
bỏ được 8 pháp thế gian ấy.
Riêng về các bậc trí thức[1], khi được lợi lộc, danh vọng,  quyền chức... cũng như khi bị mất đi, các ngài không lấy đó làm vui hay buồn. Vì các ngài thấy rõ rằng, các món làm ta ưa thích, có theo liền với ta chăng nữa, thì ngày kia cũng phải một lượt với xác thân này ra đi. Trong lúc đó, thế thường thì những gì ta yêu thương lắm, thích thú lắm, khi cái ấy hư hay mất vì nguyên nhân nào, thì ta càng buồn nhiều. Mà nếu ta có nhiều vật mà ta yêu thương, mỗi ngày mất đi một món thì cái khổ ấy sẽ càng tăng gia.
Tâm không rung động vì pháp thế gian là tâm của các bậc thánh nhơn, ta còn phàm nhơn, không sao tránh khỏi, nhưng ta cũng phải ráng diệt lần đi, ngày nào nhân tròn, duyên đủ ta cũng đắc được thánh quả vậy.

+ Còn có 2 pháp nữa cần phải thực hành để cho tâm ta không rung động vì 8 pháp thế gian:

1. Bước đầu tiên học và hành minh sát tuệ, để trí nhớ quan sát mọi việc, dùng trí tuệ phán đoán việc làm, làm cho trí tuệ và trí nhớ càng tăng trưởng. Quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã nên bền công tu tập mãi theo minh sát tuệ.
2. Hành theo bát chánh đạo để chứng ngộ Niết-bàn (đã giải kỹ rồi).

+ Tâm không xao động vì pháp thế gian có hạnh phúc là:

1. Là người không bị nóng nảy.
2. Là phước lành.
3. Được an vui.
4. Không dễ duôi.
5, Là người thực hành nghiêm túc theo lời giáo huấn của đức Từ Phụ.
6. Là người hành theo giới, định, huệ.
7. Là người biết thành tựu lợi lạc cho mình trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.
8. Là người đáng là gương mẫu cho hậu sanh.

9. Là nhân làm cho Phật giáo được thạnh hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét