Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-13-NGHE NHIỀU HIỂU RỘNG

KỆ NGÔN III

HẠNH PHÚC VII

Bāhusacca: Nghe nhiều, hiểu rộng
(Đa văn, uyên bác)

 Có hai loại nghe nhiều, hiểu rộng.
- Nghe nhiều, hiểu rộng của người tại gia, tức là kiến thức thu lượm được giữa thế gian, của người đời.
- Nghe nhiều, hiểu rộng của người xuất gia tức là kiến thức tích lũy được khi nghe đạo, học pháp.
Người đời vì phải sanh sống, cần phải nghe và học nhiều để tìm việc làm nuôi mình và gia đình.
Người tại gia cư sĩ là người còn lăn lộn trong đời, nên ai ai cũng mong cầu an vui hạnh phúc, bằng cách tạo lập tài sản và ngăn đón những điều khổ não hay là tai nạn; vì vậy người ta cần phải biết nhiều hiểu rộng, phải có kiến thức thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Kiến thức là nấc thang giúp người ta leo lên khỏi bậc đói nghèo, tiến tới chỗ ấm no; kiến thức còn là chìa khóa để mở cửa kho bảo vật có tánh cách vật chất như danh lợi, tước quyền và bảo vật có tách cách tinh thần như an vui và hạnh phúc.
Sanh ra ai cũng như ai, đều là dốt nát từ buổi ban sơ, nhờ học với trường và học trong đời mà người ta mới có kiến thức. Ai bền tâm học hỏi thì kiến thức được nhiều, nghĩa là cái tâm tạo nên kiến thức, nó cũng tạo nên trí tuệ. Người nào biết dùng trí tuệ mở rộng cái tâm để thâu thập kiến thức, thì kiến thức được chánh đại.
Trong pháp hạnh phúc thứ VII này, đức Phật dạy ta phải nghe nhiều hiểu rộng để làm lợi ích cho mình.
Trong tạng kinh có nhiều đoạn đức Phật dạy chúng sanh phải nghe nhiều hiểu rộng để làm lợi ích cho mình.
Trong bộ Dīghanikāya, có một bài kinh đức Thế Tôn có dạy rằng: Cha mẹ có 5 phận sự với con, mà một phận sự là cha mẹ phải lo cho con ăn học cho thành tài.
Cũng trong kinh ấy, ngài còn dạy: Bực thầy đối với trò cũng có 5 phận sự, mà một phận sự là thầy phải dạy học trò cho châu đáo.
Trong kinh Anguttaranikāya, đức Phật có dạy 6 điều [1] nên tôn kính, mà điều thứ 4 là tôn kính điều học (Sikkhagāravatā).
Cũng trong kinh ấy, ngài lại dạy về thất bửu [2]của nhà Phật mà vật báu thứ 5 làBāhusacca, nghĩa là nghe nhiều hiểu rộng.
Trong kinh Anguttaranikāya, chỗ dạy 10 pháp tạo thành chỗ nương nhờ [3], nương tựa(Nāthakaraṇadhamma) thì pháp thứ 2 là Bāhusacca - tức là phải đa văn, nghe nhiều, hiểu rộng.
Bao quát hơn, đức Phật dạy tín đồ về tam học là giới, định  và tuệ, để nghe nhiều học rộng cho chơn chánh để hiểu rõ chân lý của ngài mà hành theo, hầu thoát khỏi trầm luân.
Người ta có thể hỏi: Chúng ta nên học những gì?
Trong đời này có nhiều môn để chúng ta học, Phật dạy người nên chọn một nghề nào mà mình thích và có khả năng học được. Nghề nào cũng chẳng hèn, miễn là nghề ấy là nghề vô tội, hay nói theo bát chánh đạo, là phải chánh mạng.
Tóm lại: Người tại gia cư sĩ học gì cũng được, miễn là chánh nghiệp và chánh mạng.Còn bậc xuất gia thì phải học ba điều sau đây để làm kiến thức căn bản:
- Pariyattisuta: Nghe nhiều hiểu rộng có từ Tam tạng.
- Paṭipattisuta: Nghe nhiều học rộng về pháp hành và hành theo chánh đạo để đạt Niết-bàn.
- Paṭivedhasuta: Nghe nhiều học rộng về pháp thành, là hiểu rõ pháp giải thoát và hành cho đến nơi giải thoát [4].
Bậc gọi là nghe nhiều hiểu rộng phải có đủ 5 điều kiện [5] là:
1/- Bāhusuta: Được nghe nhiều.
2/- Dhatā: Thuộc rõ ý nghĩa của các pháp [6].
3/- Vacasā paricitā: [7] Thuộc làu và có thể giảng giải và ví dụ cho người nghe hiểu rõ rệt những pháp mà mình giảng.
4/- Manasānupekkhitā: [8] Hằng suy nghĩ nghiên cứu các pháp, nghĩa là hằng theo pháp mà mình đã học hiểu rồi, và nhận thấy lợi ích của sự học nhiều hiểu rộng.
5/- Diṭṭhiyā supaṭividdhā: [9] Hiểu thấu bằng trí tuệ, nghĩa là dùng minh sát tuệ quan sát cho thấy rõ ngũ uẩn và đắc được đạo quả Niết-bàn.

+ Những người Phật tử nghe nhiều hiểu rộng có được nhiều sự hạnh phúc là:

1. Hiểu rõ ý nghĩa của Tam tạng.
2. Được phước cao quý.
3. Hiểu thông pháp học và pháp hành.
4. Đối đáp rất giỏi khi bị cật vấn.
5. Nói năng hoạt bát.
6. Hộ trì pháp.
7. Không dễ duôi.
8. Được hưởng hương vị của pháp.
9. Sẽ được hưởng an lạc trong cõi người, trời hay Niết-bàn ngày vị lai.
10. Diệt từ từ được tam độc.
11. Được lợi lộc, danh dự, quyền chức, ngợi khen và hạnh phúc.
12. Dứt hết nhân quả và không còn luân hồi nữa.
Chính đức Phật (còn Bồ Tát) đã dùng trí tuệ [10] để hiểu biết và cứu độ chúng sanh, chẳng hạn như sự tích sau đây:
“- Thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh vào dòng bà-la-môn và giữ chức quân sư của vua xứ Bārāṇasī, tên là Senāka, nổi danh là bậc trí thức nghe nhiều hiểu rộng. Ngài thường đăng đàn thuyết pháp ngày mùng 8, rằm, 23 và 30; thường dạy người bỏ dữ về lành, thực hành theo thiện pháp, như thọ ngũ giới hay bát quan trai. Đây là sự thực hành trí tuệ ba-la-mật của ngài.
Lúc ấy, có một thầy bà-la-môn ăn xin chuyên nghiệp, ông ta dành dụm được một trăm đồng tiền vàng rồi đem gởi cho một người bạn thân.
Ví túng quẫn, người bạn của của ông ta đã xài hết số tiền ấy nên phải đem con gái gả cho thầy bà-la-môn ăn xin ấy để trừ khoản nợ.
Khi được vợ trẻ đẹp, thầy bà-la-môn không còn biết trời đất là gì nữa, chỉ có bà vợ thôi. Vợ ông sai ông đi ăn xin một nơi xa để có nhiều tiền cho cô tiêu dùng. Nhân dịp ông chồng già đi vắng, cô lại tư tình với một thầy bà-la-môn trẻ tuổi. Thầy bà-la-môn già đi xin xứ xa lâu ngày, để dành được một số vốn lớn là 700 đồng tiền vàng, lật đật trở về thăm vợ. Khi về gần tới nhà, thầy đến ngồi dưới cội cây to có bộng, mở bị ra lấy cơm ăn rồi xuống mé sông uống nước. Lúc ấy có một con rắn độc chui vào bị của ông. Khi uống xong, lên cột bị lại rồi mang lên vai ra đi, ông không hề biết rằng có một con rắn độc đã nằm trong bị. Vị thọ thần ở trên cây ấy thấy vậy thương hại ông nên nói rằng: “Thầy bà- la-môn ơi! Nếu thầy chưa về tới nhà đêm nay, thì thầy sẽ chết dọc đường, bằng về tới nhà thì vợ thầy chết”. Thầy bà-la-môn lấy làm kinh sợ vì thầy không muốn chết, mà cũng không muốn cho vợ mình chết, ông khóc lóc không dám về nhà mà đi vào thành. Ngày ấy, nhằm ngày giới, đức Bồ Tát Senāka có thuyết pháp tại tư dinh của ngài nên người trong thành đem hương hoa đến dâng cúng và để nghe pháp. Thầy bà-la-môn ăn xin biết tin ấy, nên ông liền theo đoàn người đi nghe thuyết pháp, và nghĩ rằng: “Biết đâu, nhờ nghe pháp mà lòng ta được yên tĩnh trở lại!”. Khi đến nơi, thầy bà-la-môn với dáng bộ thiểu não, nước mắt còn dàn dụa. Thấy vậy, đức Bồ Tát mới hỏi và biết tự sự nguồn cơn. Do trí suy luận sắc bén, ngài hỏi: “Thế khi thầy ăn cơm xong, thầy có bỏ đi đâu không?”. Lão đáp: “Dạ, có đi, có xuống mé sông uống nước!”. Bồ Tát nhíu mày rồi hỏi tiếp: “Vậy khi đi, cái bị kia có cột lại không?”. Lão thưa: “Dạ không!”
Vậy là chỉ vài câu vấn đáp, đức Bồ Tát đã biết ngay rằng, trong khi xuống mé sông uống nước, bị không cột nên đã có một con rắn độc bò vô trong bị của thầy. Vị thọ thần chứng kiến điều ấy nên thương hại mách bảo cho. Chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra nằm trong hai trường hợp sau: Nếu thầy mở bị ra ăn cơm chiều thì rắn ấy sẽ cắn thầy, thầy sẽ chết; bằng về nhà, bà vợ tham lam sẽ tự tay mở bị ra rồi bà sẽ bị rắn độc cắn chết.
Thấy rõ điều này, Bồ Tát mỉm cười, trấn an thầy bà-la-môn: “Ta sẽ cứu ông thoát chết mà bà vợ trẻ của ông cũng không chết, được chưa nào!” Mọi người vui cười, đổ xô quây quần lại, tò mò xem chuyện lạ! Sau đó, Bồ Tát cho mời một thầy rắn đến rồi bảo thầy bà-la-môn nới lỏng sợi dây cột bị ra! Lát sau, một con rắn độc chui ra khỏi khoảng hở, bò ra ngoài, thầy rắn bèn thò tay bắt rồi bỏ vào đãy của ông ta một cách dễ dàng. Những người có mặt nơi ấy đều hoan hô trí tuệ và công đức của Bồ Tát.
Chuyện chưa thôi. Bồ Tát ngắm nhìn lão bà-la-môn, thấy phong trần, già nua nhưng toát ra cái vẻ thật thà, chất phác, hiền lành nên khởi tâm bi mẫn, muốn giúp ông ta cho đến nơi đến chốn. Nghĩ vậy, ngài mới cho thầy ấy thêm ba trăm đồng nữa hiệp với bảy trăm của thầy xin được cho đủ ngàn; và dạy thầy bà-la môn ấy rằng: “Ngươi đem của này về chôn giấu một nơi nào xong rồi hãy vào nhà; cứ làm như lời ta dặn - thì sẽ phát sanh chuyện lạ!”
Thầy bà-la-môn bái tạ đức Bồ Tát rồi đem giấu tiền vào một chỗ kín rồi mới vô nhà. Vợông lo nước cho ông tắm rửa rồi hỏi ông đi xin được bao nhiêu tiền bạc. Ông nói thật số tiền đã xin được là một ngàn đồng vàng và cho biết số tiền hiện giấu ở chỗ nọ. Vợ ông liền cho nhơn tình biết chỗ giấu tiền. Người nhơn tình đến nơi ăn cắp số tiền giấu đó. Sáng hôm sau, thầy bà-la-môn đến nơi mình chôn tiền để lấy về, mới thấy số tiền đã mất; ông khóc lóc và đến nhà đức Bồ Tát thuật lại tự sự.
Đức Bồ Tát dường như biết rõ chuyện ấy sẽ xẩy ra nên lấy tiền khác cho thầy và dạy rằng: “Đừng lo! Nếu nghe lời ta thì tiền ấy không mất đâu! Thầy hãy lấy số tiền này về làm lễ cúng dường 7 ngày cho các thầy bà-la-môn để hồi hướng phước báu cho cha mẹ thầy. Nhưng nên nhớ, phần thầy phải mời 7 vị bà-la-môn và phần vợ thầy cũng phải mời đủ 7 vị. Rồi mỗi ngày, mỗi bên phải bớt đi một người cho đến ngày thứ bảy, sẽ chỉ còn hai người, bên thầy một và bên vợ thầy một, lúc ấy sẽ báo cho ta biết!”
Thầy vâng lời làm theo, đến ngày thứ bảy, bên thầy còn lại một bà-la-môn già còn bên vợ thầy còn một thầy bà-la-môn trẻ tuổi. Thầy liền đến báo cho đức Bồ Tát biết, ngài bèn ra lệnh bắt thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy đến để thẩm vấn trong phòng riêng.
Ngài hỏi:“Tại sao ngươi trộm tiền của thầy bà-la-môn già nua tội nghiệp nầy?”
Ông ta bèn chối: “Thưa ngài đại trí thức! Tôi nào có ăn cắp gì của lão đâu”.
Đức Bồ Tát nghiêm mặt nói: “Đừng chối quanh! Những việc làm ám muội của ngươi, ta biết rõ từng chi tiết một. Khôn hồn hãy khai đi! Nếu không, ta sẽ tuyên bố cả bàng dân thiên hạ cả cái tội tư tình lén lút, xấu xa của ngươi nữa!”. Vì kinh sợ, nên thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy bèn cung khai hết mọi việc.
Người bà-la-môn già lấy lại được tiền; và từ đấy cô vợ trẻ cũng không dám ngoại tình nữa”.
Sau khi thuyết tích nầy xong, đức Thế Tôn mới dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong khi Như Lai sanh làm vị đại trí thức Senāka ấy, Như Lai trông thấy rõ nguyên nhân của chuyện ấy bằng trí tuệ thế gian - là một loại trí tuệ giả đoán, phân tích, suy luận - nên đã giải khổ cho thầy bà-la-môn ấy và còn cho rất nhiều người khác nữa!”
Người đã biết rộng hiểu nhiều còn cần phải có thêm trí tuệ thì kiến thức mới có lợi lạc. Mà muốn có trí tuệ, thì phải hành theo pháp Phật và trước hết phải biết những nguyên nhân nào làm cho trí tuệ được phát sanh và tiến triển.

+  4 nguyên nhân phát sanh trí tuệ [11]:

1. Sappurisasaṃseva: Thân thiện với các bậc trí thức.
2. Sadhammassavana: Nghe pháp (lời dạy bảo) của bậc trí thức như là:
a. Saddha: Có đức tin, tin nhân quả.
b. Sīla: Trì giới (Ngũ giới, bát quan trai hay cụ túc giới).
c. Hiri: Có sự hổ thẹn tội lỗi.
d. Ottappa: Có sự ghê sợ tội lỗi.
đ. Bāhusacca: Đa văn
e. Cāga: Bố thí (Dứt bỏ)
g. Paññā: Có trí tuệ.
3. Yonisomanasikāra: Khi được nghe pháp của các bậc trí thức xong phải nghiệm xét cho chu đáo rồi hãy hành theo.

4. Dhammānudhammapatipatti: Hành đúng theo những pháp của các bậc trí thức đã dạy cho cao thượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét