Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-10-LÀM XONG VIỆC CỦA MÌNH

HẠNH PHÚC XIV

Anākulā ca kammantā: Làm xong việc của mình [ix]

(Sở hành theo nghiệp chánh)

 Làm xong việc của mình, nghĩa là làm việc gì thì phải làm cho đến kết quả, không làm nửa chừng bỏ dở. Thí dụ ta như người lái xe, nhờ chiếc xe chạy được và có địa điểm cho xe tới, thì ta chạy đến chốn đến nơi. Chạy đến mục tiêu như vậy ta thành công đắc quả. Ta nên noi theo gương kiên trì của đức Phật, ngay trong việc làm của ngài từ lúc xuất gia đến khi thành đạo. Trên vũ trụ này, chỉ có một người làm việc giỏi nhứt mà lại kết quả tốt đẹp nhứt đó là đức Phật. Đã hơn 25 thế kỷ chưa có ai làm việc như ngài, việc làm của ngài thật là cao thượng, kết quả rất quý báu. Số người vâng giữ hành theo lời chỉ bảo của ngài nhiều không kể xiết.
Ta hãy đi ngược lại dòng thời gian để tìm biết việc làm của đức Phật từ khi ngài quyết chí xuất gia lìa bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ, mà người đời ai ai cũng ham muốn. Ngài hành khổ hạnh suốt 6 năm giữa rừng già. Khi thấy sự hành khổ hạnh ấy không đem lại kết quả tốt, ngài liền bỏ và hành theo trung đạo mới đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác dưới cội bồ-đề. Sau khi đắc được quả vị tối cao xong rồi, ngài lại quyết định thuyết pháp độ đời suốt 45 năm, không màng cực nhọc, quyết tâm cứu độ chúng sanh.
25 thế kỷ đối với ta thật là lâu, nhưng việc làm của ngài vẫn còn sáng chói, và vẫn coi như mới tinh. Việc làm của ngài là việc làm bất diệt, đến nay vẫn còn ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm của hàng Phật tử chân chánh khắp bốn biển, năm châu. Việc làm của ngài đi từng giai đoạn, từ sơ khởi đến kết quả, không bỏ dở dang, mặc dầu trải qua biết bao cam go, trở ngại.
Muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, ta nên theo lời Phật dạy, phải biết phân biệt có hai loại việc làm là: Việc làm đem sự an vui đến và việc làm đem tai hại đến:

+ Việc làm đem sự an vui đến, có ba nhân tố là:

1. Anākulaṃ: Làm cho đến kết quả, không bỏ dở giữa chừng.
2. Dalahaṃ: Làm đầy đủ không thiếu sót.
3. Sucaritaṃ: Làm với tâm trong sạch, nghĩa là việc làm không tội lỗi.
Sở dĩ người ta làm việc không tới nơi tới chốn là vì người ấy không bền chí, hay ngã lòng trước nghịch cảnh, thiếu cương quyết để làm cho đến cùng.

+ Đây là trạng thái của người làm việc hay bỏ dở công việc:

1. Kālatikammaṃ: Thường làm mất thì giờ, thường kéo dài thì giờ. Như chuyện lẽ ra làm xong trong một giờ, mà người ấy phải làm tới hai ba giờ.
2. Appaṭirupakaraṇa: Việc làm không xứng với số tiền có được, nghĩa là làm việc ít mà lương bổng nhiều.
3. Akaraṇa: Không quan tâm đến việc làm.
4. Sithikakaraṇa: Làm một cách lỏng lẻo, miễn cưỡng.
5. Sakaladivasabhāgaṃ supitvā: Ngủ cả ngày.
6. Rattimimhi te kattuṃ na uttasati: Ban đêm không làm việc.
7. Niccakālaṃ surāmatto: Say rượu cả ngày.
8. Itthī ādisu soṇḍo: Chạy theo phụ nữ.
9. Alaso [x]: Lười biếng, ngủ nướng và hay ngủ dậy trưa.
10. Leso [xi]: Đổ thừa rằng lạnh quá, nóng quá ...
Theo Phật dạy, người muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, thì phải có bốn pháp gọi làIddhipāda - bốn pháp Như Ý. Đức Thế Tôn đắc được quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng do nơi bốn pháp ấy.
Bốn pháp như ý là:
1. Chanda: Dục như ý (vui lòng làm việc).
2. Viriya: Tinh tấn như ý (cương quyết làm việc)
3. Citta: Niệm như ý (cố để tâm làm việc)
4. Vimaṃsā: Tư duy như ý (suy nghĩ hiểu cách làm) [xii]
Phàm người muốn làm việc gì, phải có chương trình, kế hoạch - mà quan trọng nhứt, trước hết phải có vốn liếng là tiền bạc. Riêng theo Phật dạy, thì vốn ấy là tâm cương quyết thích làm việc mà mình định làm.
Đức Phật dạy trước nhứt phải có tâm cương quyết làm việc, vì vậy trong bốn pháp như ý, đều có nói đến tâm, và tâm là động lực chánh yếu chủ động.
- Dục như ý - điều gì mà tâm đã yêu hay thích, thì tâm chăm chú vào điều ấy rồi khiến con người cố gắng làm xong việc.

+ Tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn đều phải do nơi hai nguyên tắc, theo trật tự sau đây:

a. Để tâm đúng vào việc làm và yêu việc làm.
b. Bắt buộc tâm phải làm việc.
Phải có đủ hai nguyên tắc theo trật tự này, thì chắc chắn việc làm sẽ được kết quả mỹ mãn, bằng ngược lại, thì việc làm rất khó được kết quả, mặc dù là chút ít. Vì vậy đức Phật dạy trước hết phải có tâm thích nghề trong việc làm của mình tức là dục như ý túc vậy.
- Tinh tấn như ý (tôi xin tạm dịch là tâm can đảm): Pháp tinh tấn là pháp mà đức Phật thuyết rất nhiều chỗ trong các số pháp. Phật tử nghe tiếng tinh tấn thì hiểu rằng đó là sự siêng năng làm việc, cương quyết hoặc can đảm làm việc. Người mà có tinh tấn làm việc, thì làm việc gì cũng kết quả mỹ mãn. Tinh tấn không có nghĩa là đem hết sức mình mà làm việc nhứt thời, mà có nghĩa là ta làm tùy theo sức ta, nhưng không khi nào bỏ gián đoạn, không chịu thua hoàn cảnh, không chịu thua sự thất bại. Tinh tấn có nghĩa là làm từ từ, không gián đoạn, không miễn cưỡng. Hơn nữa không phải người tinh tấn là làm việc hoài không nghỉ; nhưng nghỉ theo trường hợp, đừng để sức khỏe kém dần đi đến kiệt quệ.
- Niệm như ý (tôi xin dịch là lưu ý đến công việc làm): Nghĩa là bao giờ tâm cũng nghĩ đến việc làm của mình đang làm, chú ý đến việc làm. Tâm luôn luôn suy nghĩ và nghiên cứu việc làm của mình không hề xao lãng. Người làm bất cứ công việc gì nhưng thiếu một pháp nào kể trên cũng không được, vì nếu thiếu là cầm chắc thất bại.
- Tư duy như ý: Là dùng trí tuệ để quan sát lại việc làm của mình. Nếu thiếu trí tuệ kiểm soát tâm thì không khác nào xe chạy trong đêm tối mà không đèn.
Vậy chúng ta muốn làm xong công chuyện không bị thất bại và bỏ dở thì phải có bốn pháp trên. Đó là nói về phương diện ở đời, còn về đạo đức thì phàm người tu Phật tại gia hay bậc xuất gia, khi làm một việc gì cũng phải có đủ bốn pháp như ý ấy, chẳng hạn như bố thí, trì giới, hay tham thiền...
Tôi xin nhắc tích của vị học tham thiền.
“- Thầy là người rất tinh tấn hành đạo có tiếng trong thời kỳ nọ. Nhưng khi thầy ngồi lại tham thiền, thì thầy ngủ gục, không thể nào làm cho tâm được cái thấp nhất là hỷ lạc. Mỗi lần bị buồn ngủ, thầy lấy cỏ quấn lại một nùi đội lên đầu, rồi lội xuống trầm mình dưới sông Gaṅgā và tự bảo lấy mình rằng: “Ta đã thả trôi sự buồn ngủ rồi”. Vị ấy hành như thế đến mười hai năm mới đắc A-la-hán quả. Như thế ta mới thấy rõ vị đại đức ấy rất yêu việc làm của mình, ngài rất cương quyết tinh tấn làm cho xong việc, không chịu thua hoàn cảnh; và ngài có trí tuệ quan sát biết yếu điểm của mình là hay buồn ngủ và tìm cách khử trừ nó cho đến viên mãn.
Còn đức Thế Tôn kiếp chót là thái tử Sĩ-đạt-ta, sau khi bỏ ngai vàng xuất gia, sáu năm khổ hạnh chỉ còn da bọc xương, ngài cũng không thối chí ngã lòng. Dưới cội bồ đề, ngài phát nguyện rằng: “Nếu ta không thành đạo, dầu xương tan, thịt nát ta cũng không rời khỏi nơi này”. Rồi nhờ tấm lòng yêu đạo, cương quyết, kiên nhẫn, ngài tìm thấy con đường giải thoát và đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh. Nói tóm lại, khi người tại gia cư sĩ muốn làm việc gì, từ nhỏ đến lớn mà hành theo bốn pháp như ý - thì ngân quỹ gia đình được dồi dào, sung túc rồi nền kinh tế của nước nhà cũng thịnh vượng; và chính mình thì được bốn điều an vui sau đây:
a. An vui vì có của cải, tài sản.
b. An vui vì có đầy đủ phương tiện trong những nhu cầu sinh hoạt thường ngày.
c. An vui vì không bị nợ nần.
d. An vui vì việc làm không tội lỗi.

+ Ngoài ra còn những điều lợi lạc sau đây:

1. Người trong gia đình và quyến thuộc cùng người trong xã hội có thể nương nhờ được.
2. Có dự trữ được việc lành làm vật thực về ngày vị lai.
3. Là tự bảo vệ lấy mình.
4. Sẽ được sanh vào cõi trời.
5. Nếu duyên lành đầy đủ thì có thể đắc được đạo quả.
6. Nếu chưa đắc đạo quả trong kiếp nầy, thì việc làm ấy là duyên lành sẽ đưa người ấy được đắc quả trong ngày vị lai.
7. Không dễ duôi.
8. Được các bậc trí tuệ thường ngợi khen.
9. Không xa ba điều lợi ích [xiii].
10. Được gọi là thiện nhân là vì luôn luôn có hạnh phúc bên mình.

 


[i] Đại sư Viên Minh dịch - Kinh tụng, Huyền Không, lưu hành nội bộ.
[ii] Tôi cố ý để nguyên văn, sau đó, hiệu đính giải thích cho nhiều người cùng hiểu. Là giáo hệ tam tạng của Theravāda chỉ có Pháp và Luật, sau này, các vị kết tập sư mới phân ra tạng Kinh, tạng Luật và tạng Abhidhamma (Vi diệu pháp, Thắng nghĩa pháp) - chứ không có tạng Luận. Luận là những triết lý, triết luận, tư tưởng (thuộc lý trí, trí năng chứ không phải bởi tuệ giác) được sáng tác bởi chư tổ thuộc các hệ phát triển - ví dụ Trung quán luận của Long Thọ, Đại thừa khởi tín luận của Mã Minh, A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận và Duy thức tam thập tụng của Thế Thân...
[iii] Tôn trọng nguyên văn, chưa kiểm tra được.
[iv] Tứ vô lượng tâm - là đề mục thiền định sắc giới, đòi hỏi một quá trình tu tập rất công phu, miên mật mới có thể đắc tứ định. Từ, bi và hỉ thuộc sơ, nhị và đệ tam thiền; riêng xả phải là đệ tứ thiền. Vậy, cha mẹ có Tứ vô lượng tâm chỉ là ví dụ cho mọi người tạm hiểu - rằng là cha mẹ cũng có những thuộc tính, những năng lượng của Tứ vô lượng tâm ấy.
[v] Nói 4 pháp là đủ, nhưng thật ra, nó có 5: Tín, giới, văn, thí, tuệ. Và còn lưu ý: Khi đức Phật dạy 5 pháp này cho Phật tử tại gia, theo pháp thuận thứ, thì tuệ này chỉ mới là tuệ thế gian, phân biệt phải trái, đúng sai, thiện ác; và phước báu chỉ là nhân, thiên. Còn tuệ có được từ minh sát (vipassanā) - thì nó nằm trong tín, tấn, niệm, định, tuệ - chính tuệ này mới thấy rõ Tam tướng, mới giải thoát.
[vi] Xem ghi chú 31- về tránh 5 nghề tà mạng.
[vii] Ngày nay, các nước Phật giáo Nam Tông như Thái, Miên, Lào, Myanmar... thường cho thiếu niên, thiếu nữ, thanh niên, thanh nữ xuất gia gieo duyên - hoặc nửa tháng, 01 tháng, 3 tháng, 01 năm, 03 năm tùy khả năng và hạnh nguyện.
[viii] Xem ghi chú 43.
[ix]  Câu này, thật ra nó có nghĩa khác, chính xác hơn. Kammanta, thường nghĩa là việc làm, nhưng phải hiểu là sở hành, không đơn thuần là nghề nghiệp - mà còn là hành động của thân, khẩu và ý nữa. Anākula là không lẫn lộn, không vướng dính. Vậy, có lẽ ta nên hiểu đây là sở hành theo chánh nghiệp (thập thiện nghiệp) không lẫn lộn, không vướng dính ác pháp, tội lỗi - thì đúng với văn mạch hơn. Đại sư Viên Minh dịch là “Sở hành theo nghiệp chánh”.
[x] Alasa: Lười biếng.
[xi] Lesa: Duyên cớ, sự lừa phỉnh.
[xii] Tứ như ý túc, tứ thần túc: Dục như ý túc: Khởi tâm làm, mong muốn thực hiện; nung chín ước muốn ấy. Tấn như ý túc: Ráng sức, cố gắng, nỗ lực để thực hiện ước muốn của mình. Tâm như ý túc: Nhận biết việc đang làm, chú tâm nhất mực với công việc ấy, không xao lãng, không gián đoạn. Thẩm sát (quán, tuệ) như ý túc: Quán thông, sáng suốt, thấy rõ việc mình làm và cả tiến trình của nó.
[xiii] Như ghi chú ở trước - là không xác định là 3 điều lợi ích gì. Tôi dựa pháp số để chép ra đây. I/- Lợi ích hiện tại, đời này (diṭṭhadhammamikattha). II/- Lợi ích tương lai, đời sau (Samparāyikattha). Lợi ích rốt ráo - hàm chỉ Niết-bàn (Paramattha). Ba lợi ích khác: I/- Tự lợi (Attattha). II/- Lợi tha (Parattha). III/- Lợi cả hai (Ubha-attha).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét