Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-11-GIỮ MÌNH THEO LẼ CHÁNH

HẠNH PHÚC VI

Attasammāpaṇīdhi: Giữ mình theo lẽ chánh
(Chơn chánh hướng tự tâm)


Atta nghĩa là mình, là ta, và ngụ ý sâu rộng hơn là chữ tâm, vậy câu này nghĩa là: Hướng tâm mình theo lẽ chánh.
Câu này dạy rằng: Giữ mình theo lẽ chánh, vì ngụ ý có chánh, là có tà, mà tà là ác. Mà ác là phiền não, mà phiền não thì đưa ta vào vòng luân hồi mãi mãi, vì vậy nên đức Phật dạy:“Người nên giữ mình theo lẽ chánh, đem tâm mình ra khỏi các pháp phiền não là tham lam, sân hận và si mê - để ra khỏi vòng luân hồi.”
Từ vô số kiếp đến giờ phút này, tâm ta không ở trong thiện pháp, nghĩa là không ở trong lẽ chánh, dầu có chăng cũng chỉ là thoáng qua; trong một phần rất lớn của những ngày luân hồi của chúng ta, tâm ta thường mải miết trong ác pháp, làm những điều tội lỗi xấu xa; vì vậy hôm nay chúng ta vẫn còn luân hồi trong vòng thống khổ. Cho nên đức Phật dạy, hãy đưa ta, hay tâm ta thoát khỏi vòng trầm luân, nghĩa là cho tâm ta giải thoát khỏi tam độc, đưa tâm vào pháp bố thí, trì giới và tham thiền.
Ý câu này đức Phật dạy ta phải uốn nắn dạy tâm, hay chùi rửa, sửa trị tâm theo chánh đạo.
Theo bộ chú giải, giảng về điều hạnh phúc thứ VI nầy thì mình phải để tâm mình vào những pháp là: Đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, trí tuệ [xvi]. Năm pháp này gọi là Saradhammanghĩa là pháp có lõi, ngụ ý nói pháp này cứng rắn, có khả năng đối trị với phiền não - giúp cho người thọ trì, hành theo năm pháp ấy là người đang tạo cho mình một thành trì kiên cố chống kẻ thù địch là phiền não, không có phiền não xâm nhập vào mình được. Là người đã ở một nơi rất kiên cố, tránh khỏi kẻ thù phiền não.
Giữ mình (hay hướng tâm mình) theo lẽ chánh còn có nghĩa là dẫn dắt tâm hành theo minh sát tuệ. Khi người nào thường thiền quán, tu tập minh sát, thì chắc chắn tâm người ấy cứng rắn, không bị xao động vì phiền não; và đó là một pháp đưa ta ra khỏi luân hồi, chống đối phiền não khi chưa hoàn toàn giải thoát. Vì chăng, xưa nay tâm ta thường cột oan trái oán thù làm hại kẻ khác. Khi ta đã hiểu đạo, nhận thấy đó là những điều ác, là nguyên nhân đưa vào đường sanh tử luân hồi, thì ta phải đưa tâm ta ra khỏi những điều tội lỗi ấy và để tâm ta vào nơi trong sạch, tức là giữ mình theo lẽ chánh. Người vì không để tâm theo lẽ chánh, nên hằng bị luân hồi, trái lại để mình theo lẽ chánh, thì người được những quả báo sau đây:
1. Là nhân đưa sự an lành đến.
2. Là người không dễ duôi
3. Là người thực hành theo lẽ chánh pháp
3. Là người không có lỗi, nghĩa là người không bị chi phối vì hoàn cảnh bên ngoài.
5. Là người có tam học trong tâm (Giới, định, huệ).
6. Là người đã chuẩn bị mọi việc trước khi chết, ý nói là người đã chuẩn bị sẵn những phương tiện để đi đến nơi an lạc.
7. Là người hộ trì Pháp bảo.
8. Là người đi đến đâu cũng đến được sự an lành.
9. Là người có hy vọng được sanh về cõi người, trời và đắc quả Niết-bàn.
10. Đáng gọi là người cúng dường cao quý Tam Bảo.
11. Là lương dân của chánh phủ.
12. Là người đang làm khuôn mẫu cho người đời noi theo.
13. Là người đóng cửa ác đạo.
Sự tích dưới đây cho thấy rằng người biết hướng tâm theo lẽ chánh thì được an lành và đắc đạo quả.
“- Khi đức Thế Tôn ngự tại Xá-vệ, có thầy bà-la-môn tên Bharadvājagotra là người tà kiến, khi nào y nghe tới tiếng Phật pháp, thì y bịt tai lại lập tức. Vợ y là vị Tu-đà-hoàn đệ tử Phật; khi nào bà nhảy mũi hay làm gì giựt mình, thì bà niệm Phật.
Ngày kia ông chồng muốn làm lễ cúng dường 500 vị bà-la-môn, mới yêu cầu bà đừng niệm Phật trong khi cúng dường cho các thầy; vì họ không ưa nghe tiếng niệm Phật, và không bao giờ chịu thọ thực tại nhà của Phật tử.
Bà vợ nói: “Ông muốn cúng dường ai cũng được, tôi vui lòng làm cho, nhưng xin thưa, là tôi không thể không niệm Phật được”.
Ông ấy nói: “Nếu bà không nghe tôi, thì tôi sẽ chặt cổ bà bằng cây đao này”.
Bà liền đáp: “Nếu ông có bằm nhỏ tôi ra thì tôi cũng chẳng màng. Thật ra, dù chỉ một khoảnh khắc, tôi cũng không thể lãng quên hay lìa xa Tam Bảo được”.
Sáng ngày các thầy bà-la-môn đến thọ thực nơi nhà họ. Bà vợ vâng lời chồng đi dâng cúng cho các vị bà-la-môn, chẳng may bị vấp bà liền niệm Phật. Mấy thầy bà-la-môn nghe được lấy làm tức giận bỏ ra về, sau khi mắng chửi thí chủ.
Thầy bà-la-môn gia chủ tà kiến ấy lấy làm tức giận, muốn giết vợ nhưng không giết được, nên vào chùa gây sự với đức Phật. Thầy mới hỏi: “Người diệt được gì mới ngủ yên giấc? Người diệt được gì mới không sầu? Này thầy Cồ Đàm! Thầy thích diệt pháp gì?”
Đức Phật đáp: “Người diệt được lòng sân hận mới không sầu khổ. Nầy thầy bà-la-môn! Các bậc thánh nhơn thường diệt lòng sân hận, vì lẽ lòng sân hận có chất thật độc (là sự khổ), ngọn nó có vị ngọt (ý nói khi làm hại kẻ thù được thì lòng rất vui vẻ, thỏa mãn). Khi người diệt được lòng sân hận xong thì không bị sầu khổ nữa”.
Khi nghe xong câu kệ, thầy bà-la-môn liền phát sanh trong sạch, có đức tin xin xuất gia theo Phật và ráng lo hành đạo đắc quả thánh”.
Tích này chỉ cho quý vị thấy con người sầu khổ cũng vì lòng sân hận, khi đã diệt được lòng sân hận thì được an lạc gọi là người được nhiều sự an lành cũng nhờ để tâm theo lẽ chánh hay là giữ mình theo lẽ chánh.
Xin nhắc lại một lần nữa rằng: “Chúng ta là Phật tử, tức là người mong được giải thoát, hãy xin quan sát tâm, coi tâm ta ở trong chánh pháp hay tà pháp và nên đem tâm mình ra khỏi tà pháp để vào chánh pháp”.



[i] Đại sư Viên Minh dịch - in trong Kinh tụng Huyền Không, phát hành nội bộ.
[ii] Ghi chú 14.
[iii] Nơi, chỗ, xứ để làm việc phước thiện.
[iv] Thật ra , nếu nói đầy đủ thì phải là thập tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm sự chết, niệm tịch tịnh (Niết-bàn), niệm thân, niệm hơi thở.( 8 đề mục đầu chỉ đưa đến cận định, 2 đề mục sau thì có khác - như niệm thân có thể đắc đến tứ thiền; niệm hơi thở thì đến tứ thiền, đạo quả và Niết-bàn). Tuy nhiên, trong một buổi giảng nói, có lẽ pháp sư không đi sâu vào chi tiết, chỉ nói những cái khái quát.
[v] Cho đầy đủ là: Sandiṭṭhiko: Thiết thực hiện tại; Akāliko: Vượt thời gian; Ehipassiko: Đến để mà thấy; Opanāyiko: Có khả năng hướng thượng (chú tâm, chánh niệm); Paccattaṃ  veditabbo viññūhi: Bậc trí tự mình giác hiểu.
[vi] Chưa rõ “thất bảo”hàm chỉ vật trân quý gì. Có thể là 7 thánh sản : Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ? Hay là thất giác chi: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả? Theo tôi, có lẽ là 7 thánh sản.
[vii] Trong Nikāya, Hòa thượng Minh Châu dịch là “ngũ dục công đức”, do phước báu thù thắng nên thọ hưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc hơn người.
[viii] Đây là sự phân tích, kiến giải riêng của Pháp sư!
[ix] Có lẽ Pháp sư muốn giảng rộng cho đại chúng hiểu; chứ thật ra, tâm trong sạch chính là thân khẩu ý trong sạch; và câu cuối có lẽ là nói phải có tàm (hổ thẹn tội lỗi) và quý (biết ghê sợ tội lỗi).
[x] Những dấu hỏi này (cả quyển sách) là do người hiệu chính chưa tìm ra nghĩa, có lẽ trước đây đánh máy sai hoặc pháp sư trích quá tóm tắt. Thành thật xin cáo lỗi.
[xi] Các câu 33, 34, 35, 36 đều có từ  Sadisa, có nghĩa là giống nhau, như nhau, ngang bằng nhau.
[xii] Sura còn có nghĩa là vị thần, vị thiên.
[xiii] Câu 42 này và câu 33 - giống nhau.
[xiv]  Seta là màu trắng, Usabha là bò chúa; vậy có lẽ là ngưu vương, bạch ngưu.
[xv] Assarāja: Vua của loài ngựa.

[xvi] Tức là tín, giới, văn, thí, tuệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét