Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-17-Nói lời Chân thật

HẠNH PHÚC X

Subhāsitā ca yāvācā: Người nói lời ngay thật

(Chân thật) 

Phạn ngữ Subhāsitā thật là khó dịch cho đúng nghĩa với Việt ngữ. Vì tiếng Subhāsitā có nhiều ý nghĩa như sau đây: Lời nói ra không hại người và cũng không hại mình, lời nói đem lợi ích cho người và cho mình, lời nói ấy không làm cho người nghe bị khó chịu (ý nói là lời dịu ngọt và hợp thời). Thiết tưởng có thể tạm dùng tiếng “Cam ngôn mỹ từ”[36] để dịch tiếng Phạn ấy.
Đức Thế Tôn có dạy trong bài kinh Subhāsitā với ý rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ bốn chi pháp, lời nói ấy mới gọi là lời subhāsitā; lời nói như vậy không có một ai chê được, không có tội lỗi.
Lời nói có đủ bốn chi pháp, ấy là:
1- Nên nói lời chân thật (subhāsitā), không nói lời ác khẩu hay giả dối (dubhāsitā).
2- Nên nói pháp, không nên nói ngoài pháp.
3- Nói những lời mà người ưa thích, yêu mến, không nên nói lời mà người ta ghét bỏ.
4- Nói lời thành thật, không nói lời hoang đàng.
Thầy tỳ-khưu nói đúng theo bốn chi pháp trên, mới gọi là subhāsitā.
Tương tợ như thế, theo lời giải Ṭīkā của Saccakammadvārakathā thì người nói đúng bốn chi pháp sau đây mới gọi là subhāsitā:
1. Không nói đâm thọc
2. Không nói chuyện hoang đàng.
3. Không nói lời hung ác.
4. Không nói dối.
Khi giảng về subhāsitā đức Phật có dạy: Người hằng nói dối, nói vu vơ, nói hung ác, sẽ bị sanh vào bốn đường đau khổ - vì đó không phải là subhāsitā.
Lời chú giải Atthasālinī nói về khẩu nghiệp có dạy thầy tỳ-khưu nói lời subhāsitā, không nói lời đê tiện; mà nói lời vô tội, nói lời mà các bậc tri thức ngợi khen.
Để ta nhận thức khái quát toàn bộ ngữ nghĩa thế nào là lời nói subhāsitā, đức Phật có dạy trong Subhāsitāsutta rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ năm chi pháp thì được gọi là lời nói subhāsitā.
Năm chi ấy là gì? Năm chi ấy là:
1. Nói hợp thời.                                               
2. Nói chân thật.
3. Nói lời dịu ngọt                                           
4. Nói lời có ích.
5. Nói lời có năng lượng từ bi.
Thiết tưởng cần giảng giải năm chi pháp kể trên cho rõ, như sau đây:
I. Kālena ca bhāsitā hoti: Lời nói hợp thời. Người ở đời muốn nói một chuyện gì cần phải xem coi cảnh ngộ có thuận tiện cho mình nói hay không. Lắm khi nói sự thật mà sai thời(không đúng thời) sẽ có hại đến cho mình - như tích của con rùa và hai con hạc kể sau đây:
“- Xưa kia có con rùa ở một cái ao trong rừng gần thành Bārāṇasī. Mỗi ngày có một cặp hạc thường đến ao kiếm ăn. Rùa và hạc lâu ngày làm quen nhau và trở nên bạn thân. Rùa mới hỏi thăm chỗ ở của hạc, biết hạc ở trên rừng, tại Hy-mã-lạp sơn. Rùa muốn viếng thăm xứ bạn mà ngại đường xa, mới nghĩ ra một kế đem ra bàn với cặp hạc. Cặp hạc ngậm hai đầu của một khúc cây để rùa ngậm ở giữa, cặp hạc bay đi thì mang rùa đi. Cặp hạc bằng lòng và căn dặn rằng: “Khi nghe thấy gì lạ, anh cũng chẳng nên nói, hỏi chi cả”. Rùa đồng ý. Nhưng khi hạc bay ngang qua thành Bārāṇasī, trẻ con thấy lạ mới la lên rằng: “Coi con rùa biết bay”. Rùa ta quyết cải chánh rằng nó được hai bạn khiêng, chớ có bay được đâu; nhưng vừa hé miệng, nó liền té rơi xuống đất, chết ngay trước mặt nhà vua và vị quân sư”.
Vị quân sư thừa dịp, tay chỉ con rùa, kể lại vụ việc rồi nói với vua rằng: “Người nói không tùy thời thì thường bị tai hại như vậy đó”.
Sau khi nhắc sự tích nầy xong, đức Thế Tôn mới giáo giới rằng: Vị quân sư ấy là tiền thân của ngài, tùy phương tiện nhắc nhở nhà vua hãy nói cho hợp thời.
Chúng ta nên xem gương nầy mà răn mình. Đừng nói những việc không nên nói, hãy nín thinh trong trường hợp nên nín thinh, dầu biết rằng, điều mình sắp nói ra là đúng. Cho dù mình nói hơn người, nói đúng sự thật mà không hợp thời thì lời nói ấy cũng trở thành vô ích. Như chúng ta thấy rùa nói sự thật nhưng không hợp thời nên bị hại. Tôi còn nhớ câu phương ngôn Bắc phạn dạy: “Câm đi còn hơn là nói không hợp thời”.
II. Sacca ca bhāsitā hoti: Lời nói chân thật. Lời nói chân thật tuy rất nhiều, nhưng gom lại, chỉ có hai. Một là ta làm điều nào, nói điều ấy, không ngại rằng, lời nói thật ấy có thể tai hại đến ta, vậy là ta đã không nói dối. Hai, nói lời chân thật còn có nghĩa là nói pháp Tứ diệu đế.
Đức Thế Tôn có dạy: Có một sự thật ở đời mà không  mấy ai nhận thấy, đấy là: Đời đầy đau khổ, nào già, nào bệnh, nào chết; chúng sanh ở trong những cảnh già, bệnh và chết mà không nhận ra rằng mình sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết; trái lại cứ tìm phương thế che đậy cái già, tưởng mình sẽ không bệnh, không chết để sống đời dễ duôi, xem thường, phóng túng trong lạc thú ngũ dục - để tử thần và trầm luân đau khổ lôi kéo vào tứ ác đạo.
Chúng sanh chìm đắm trong khổ não mà đa số không nhận chân ra sự thật - đúng như lời dạy của đức Thế Tôn.
Đức Phật thuyết tất cả 8 vạn bốn ngàn pháp môn [37], toàn là lời chân thật, tức là chân lý; cho đến ngày nay vẫn còn giá trị nguyên vẹn; và đã có rất nhiều các bậc học thức uyên thâm quan tâm khảo cứu để học hỏi và thực hành theo - quả đúng như đức Thế Tôn đã dạy:“Saccaṃ va amattavācā: Lời nói chân thật là lời nói bất diệt”.
III. Saṇha ca vācā: Lời nói dịu ngọt. Lời nói dịu ngọt là lời nói không thô lỗ, cộc cằn, không làm cho người nghe xốn tai, khó chịu. Có hạng người nham hiểm, tuy họ không mắng chửi, không nói lời cộc cằn, thô lỗ mà lại nói lời rất dịu dàng, nghe như mật ngọt - mà ý nghĩa lại mỉa mai, cay độc làm nhức óc người nghe - lời nói như thế ấy không được gọi là lời nói dịu ngọt. Bao giờ lời nói dịu ngọt, êm ái, mà ý nghĩa lời nói không làm cho người nghe phải khó chịu, khổ đau - lời nói ấy mới đúng là nội dung của Saṇha ca vācā.
Trên đời này không ai ưa nghe lời thô bỉ, chẳng ai ưa bị mắng nhiếc và bị chọc tức. Lời nói thô bỉ, mắng nhiếc sẽ có ảnh hưởng tai hại đến người nói - như tích dưới đây:
“- Tại xứ Takkasilā, một thầy bà-la-môn có một con bò đực tên Nandavivāla, thầy thương như con. Bò lớn lên, cảm mến ơn đức của thầy bà-la-môn, muốn đáp nghĩa nên mới nói rằng: “Chủ nhân hãy đi đánh cá với một ông trưởng giả giàu có, như vầy: Bò tôi có thể kéo một trăm cỗ xe chở đầy đồ. Vậy tôi đánh cá với ông”. Thầy bà-la-môn y lời và có một ông trưởng giả kia ưng thuận đánh cá với số tiền là một ngàn đồng tiền vàng! Bắt ách con bò xong, thầy bà-la-môn mới hét to lên: “Con bò chết bầm, hãy kéo đi”. Bò Nandavivāla nghe lời nguyền rủa thô bỉ ấy cảm thấy khó chịu, bất mãn, không chịu kéo xe để ông chủ thua cá độ cho bõ tức! Thầy bà-la-môn thua cuộc, về nhà buồn rầu, xót của, khuôn mặt dàu dàu! Con bò thấy thế mới hỏi: “Tôi muốn trả ơn nghĩa cho chủ - mà tại sao chủ lại nguyền rủa tôi là đồ chết bầm!” Thầy bà-la-môn biết mình sai nên mở lời xin lỗi. Bò lại hiến kế: “Thôi, bây giờ chủ hãy cá gấp đôi, nhưng đừng dùng lời thô bỉ với tôi nữa”. Thầy bà-la-môn y lời. Bắt ách xong, thầy vuốt ve bò Nandavivāla và nói rằng: “Con ơi, con ráng kéo xe cho cha, không thì khổ cho cha lắm”. Bò nghe lời dịu ngọt như thế, phấn khởi trong lòng kéo trăm cỗ xe đi dễ dàng. Thầy bà-la- môn thắng cuộc, lấy lại cả vốn lẫn lời”.
Đức Thế Tôn nhắc xong tích nầy rồi cho biết bò Nandivivāla là tiền thân của ngài. Rồi ngài nói với đại ý là những lời nhiếc mắng, chửi rủa, nhục mạ, thô bỉ thì không một ai ưa thích. Rồi ngài đọc lên một câu kệ ngôn với nghĩa là: “Bao giờ ta cũng nên nói lời cho người khác vừa lòng, không nên nói lời làm Phật lòng thiên hạ. Khi thầy bà-la-môn nói dịu ngọt vừa lòng con bò Nandavivāla, nó liền kéo nổi xe nặng giúp thầy thắng cá độ”.
Như vậy, loài thú, nó còn không ưa thích lời thô bỉ cộc cằn thay; vậy ta không nên dùng lời thô bỉ với bất cứ ai, ta nên dùng lời dịu ngọt. Lắm lúc có người sẵn sàng giúp ích cho ta mà khi nghe ta nói lời không vừa lòng họ, họ liền đổi ý, từ chối hẳn.
IV. Atthasaṇhitā ca bhāsitā hoti: Lời nói lợi ích.
Lời nói lợi ích trái với lời nói vô ích. Lời nói vô ích chỉ làm mất thời giờ mà không lợi lộc cho ai, còn lời nói lợi ích là lời nói đem lại sự an vui cho người trong hiện tại và vị lai, mà không hại kẻ khác, không hại mình.
V. Mettācittena ca bhāsitā hoti: Lời nói có năng lượng của tâm từ.
Lời nói có năng lượng từ tâm là lời nói dịu dàng, mát mẻ, đã không ngụ ý biếm nhẻ, xuyên tạc lại còn thể hiện được tấm lòng không thù nghịch, oán ghét, cũng không vì tư lợi.
Vậy tiếng subhāsitā phải có đủ năm chi pháp như vừa giải ở trên mới là chân thật nghĩa. Lời nói thiếu một chi nào trong năm chi ấy không được gọi là lời subhāsitā.
Muốn cho dễ nhớ tôi xin tóm lược dưới đây:
1. Đúng thời, đúng lúc: Kāla - thời; sacca - chân thật.
2. Lời nói, phải: Saṇha - dịu ngọt; atthasaṇhitā - có lợi ích.
3. Tác ý lành: Mettā - tâm từ; karuṇā - tâm bi (Cả hai tâm này đều mát mẻ, không hận, không sân).
Vậy là lời nói ngay thật phải có đủ tác ý lành, nội dung nói lành, hợp hoàn cảnh, còn phải vừa với trình độ và tâm lý của người nghe. Tuy nhiên, đôi lúc, lời nói có tác ý lành, có nội dung lành và hợp hoàn cảnh, đã không vừa lòng với người nghe, mà còn có thể bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và có thể gây oán chuốc hờn - thì đây đúng là do oan cừu nghiệp báo đã có sẵn từ trước mà thôi!
Vậy chúng ta là Phật tử chân chánh nên học theo năm điều đức Phật dạy để tránh oan trái oán thù, mặc dầu không hoàn toàn tránh khỏi hết được, nhưng cũng giảm đi rất nhiều. Lời nói thuộc về khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp ấy cũng do nơi tác ý, vậy trước khi nói ta nên để ý đến sự khởi tâm của ta đã, nó tốt hay xấu, lợi hay hại - có đủ 5 chi phần như trên hay không.

+ Lời chân thật đem đến cho ta những hạnh phúc là:

1. Lời nói chân thật thuộc về thập thiện, nguyên nhân sanh phước.
2. Lời nói chân thật là đại phúc khiến con người được an vui trong kiếp nầy và vị lai.
3. Lời nói chân thật sẽ đem đến lợi lộc, quyền chức, giàu sang, quyến thuộc và bạn lành.
4. Lời nói chân thật làm cho người gần gũi bên ta, thân cận với ta đều tin tưởng nơi ta.
5. Lời nói chân thật làm cho người hạnh phúc từ bậc thấp là người, trời đến bậc cao là Niết-bàn.
6. Lời nói chân thật đem lại cho người tất cả các sự hạnh phúc mà người ước mong.
7. Người hành theo lời chân thật là người đi theo đường của chư Phật.
--------------
[1] 6 điều nên tôn kính: 1- Tôn kính bậc đạo sư (satthugāravatā). 2- Tôn kính Pháp (dhammagāravatā). 3- Tôn kính Tăng (saṅghagāravatā). 4- Tôn kính điều học (sikkhagāravatā). 5- Tôn kính sự bất phóng dật (appamādagāravatā). 6- Tôn kính sự tiếp đãi - pháp - (paṭisanthāgāravatā).
[2] Thất bửu: Tín (saddhā), giới (sīla), tàm (hiri), quý (ottappa), đa văn (bāhusacca), thí (cāga), tuệ (paññā).
[3] 10 pháp nương tựa: Giới (sīla), đa văn (bāhusacca), có bạn lành (kalyāṇamittatā), thiện xảo trong mọi phận sự (kiṅkaraṇīyesudakkhatā), dễ dạy (sovacassatā), tầm cầu pháp (dhammakāmatā),  tinh cần (viriyarambha), tri túc (santuṭṭhī), niệm (sati), tuệ (paññā).
[4]  Theo Pháp số thì 3 điều này là: Thành tựu pháp học ( Pariyattisaddhamma), thành tựu pháp hành (Paṭipattisaddhamma) và thành tựu pháp thành (Paṭivedhasaddhamma).
[5] Tức là 5 điều kiện để trở thành bậc Đa văn.
[6]  Ghi nhớ điều đã nghe, đã học.
[7]  Tụng đọc làu làu.
[8]  Suy tư điều đã nghe, đã học.
[9]  Khéo thể nhập tri kiến
[10] Đây là thế gian trí. 
[11]  Còn gọi là 4 pháp tiến hóa ( Vuḍḍhidhamma) hay là 4 pháp làm cho tăng trưởng trí tuệ (Paññāvuḍḍhi): Một, gần gũi bậc thiện trí (Sappurisasamseva); Hai, nghe pháp bậc thiện trí (Sadhammassavana); Ba, khéo như lý tác ý (Yonisomanasikāra); Bốn, hành theo pháp thuận thứ (Dhammānudhammapatipatti).
[12] Sippa: Dịch là nghề, nghề nghiệp - nhưng ở đây còn có nghĩa là tinh, khéo, giỏi nên tự điển ghi là nghệ thuật, mỹ thuật.
[13] Thật ra là chánh mạng (Nuôi mạng chơn chánh), còn chánh nghiệp là ba nghiệp thân khẩu ý phải trọn lành - chỉ thập thiện nghiệp! Sở dĩ phải giải thích như thế là vì tác giả hay lẫn lộn chánh nghiệp và chánh mạng!
[14]  Thật ra, câu kệ này còn có nghĩa: Nghề gì cũng được, miễn là khéo giỏi, thiện xảo; ví như cái tài búng phẩn dê mà cũng được đức vua  cho hưởng phước quả 4 làng!
[15] Chỗ này có ghi tên kinh, xuất xứ nhưng Pāḷi sai lẫn quá nhiều, đọc không ra, nên tôi lược bỏ!
[16] Là nghề hoàn hảo, khéo, giỏi.
[17] Không rõ là 3 điều lợi ích gì. Có thể  là 3 lợi ích: Hiện tại, đời này (diṭṭhadhammikattha); tương lai, đời sau (samparāyikittha); chân đế, tối cao - hàm chỉ Niết-bàn (paramattha). Có thể là 3 lợi ích khác: Tự lợi (attattha), lợi tha (parattha) và lợi cả hai (ubhayattha).
[18] Thông hiểu nhiều loại ngôn ngữ, thổ ngữ.
[19]  Thỏa thích về pháp, về giáo lý.
[20] Vui vẻ, vừa lòng.
[21] Dĩ nhiên, phải là nghề tinh, khéo, giỏi và nhất là phải chánh mạng (Tránh 5 nghề: Sát sanh, hại vật; buôn bán rượu và các chất say; buôn bán người và trẻ em; buôn bán vũ khí; buôn bán độc dược).
[22] Phải hiểu là luật pháp, hiến pháp thế gian.
[23] Đây là chi pháp mà các vị luật sư, kết tập sư đúc kết, phân tích về sau - chứ thật ra, lúc khởi tâm giết là đã tạo tác ý nghiệp sát sanh rồi; nhưng nếu đầy đủ cả 5 chi phần thì tội sát hại mới lập thành, mới có tội chứng. Vậy, thiếu một chi, hai chi trong 5 chi phần - ví dụ có khởi tâm nhưng chưa giết, tuy đã tạo ý nghiệp nhưng đối tượng chưa bị hại - thì gọi là giới ấy bị khuyết, bị thủng, bị vá, bị rổ...
[24] Ghi chú thêm để tiện nghiên cứu, so sánh: Kāma: ham thích, thỏa thích các đối tượng ngũ trần. Chanda: Ước muốn thuần túy như đói muốn ăn, khát muốn uống- chỉ là nhu cầu bình thường của cơ thể, không có tội. Taṇhā: Dục ái, khát ái (Chung với mọi loại ái). Rāga: Ham muốn tình dục, mê đắm tình dục.
[25] Chanda là muốn, ước muốn; vāsinī là đang ở một nơi, cư ngụ một nơi. Có lẽ pháp sư chỉ nói tóm tắt nên từ Pāḷi không rõ nghĩa - và rất nhiều nơi khác cũng y như thế.
[26] Tương tợ như trên. Bhoga là vật sở hữu; vasī là sự cai quản, có quyền hành.
[27] Tương tợ như trên. Paṭa là y phục; vasī (như trên).  Cụm từ này có lẽ có nghĩa là, người phụ nữ thuận làm vợ, khi được người ta sắm sanh cho nữ trang và y phục.
[28] Cụm từ này cũng vậy. Odapatta là đặt tay vào chậu nước (bát); còn kini phát xuất từ động từ kināti nghĩa là mua.
[29] Có một từ khác, có độc tính cao hơn,  ấy là  hận (Paṭigha).
[30] Có một dị bản hơi khác một chút nhưng khá quan trọng: Là vị tỳ-khưu ấy biết tội nên đã đi tìm một vị tỳ-khưu khác để sám hối, nhưng tiếc thay, vào mùa mưa lũ, cả vùng ấy không có vị tỳ-khưu nào - nên vị ấy sinh ra bất an nghĩ mình đã phạm tội. Chính cái tâm bất an, nóng nảy, nghĩ mình có tội ấy mà vị ấy lâm chung, thác sanh làm Long vương!
[31] Chỗ này, pháp sư ghi là điều răn, tôi nhuận lại, vì đạo Phật không có điều răn như các tôn giáo hữu thần hoặc mặc khải  - mà chỉ có giới điều, giới luật, điều học... bài học để giác ngộ.
[32] Chưa tìm ra câu chuyện gốc - vì sợi dây đã bị bứt lìa để cột trói thì không  được xem là còn sự sống nữa!
[33] Loka là thế gian, Lokanātha là chủ thế gian, chúa thế giới - nhưng không nên dịch là Đấng Cứu Thế (sợ hiểu lầm như tôn giáo hữu thần - như Đấng Cứu Thế của Ky Tô giáo) mà chỉ nên diễn ý là Bậc Thầy Thế Gian, Điều Ngự Thế Gian - nó ổn hơn - vì mỗi tôn giáo đều có thuật ngữ riêng, tôn danh riêng để chỉ vị Giáo chủ của mình.
[34] Tức là khổ tâm không ngưng nghỉ.
[35] Từ điều 7 đến 14 - do sợ mọi người hiểu lầm “tại sao tu hành mà ích kỷ thế”nên tôi phải có đôi lời giả thích: Thời Phật tại thế, có vị tỳ-khưu lấy vật dụng của Tam Bảo đem cho người này người kia để lấy lòng, có mưu đồ như “thả tép câu tôm”. Tăng chúng phàn nàn. Đức Phật phải cấm chế giới này, đại khái, tứ sự phát sanh đến Tam Bảo phải là của Tam Bảo - nếu đem cho kẻ thế bất cứ vật gì, dù là que tăm, cọng cỏ cũng phải được sự đồng ý của Tăng, do Tăng quyết định.
[36] Cam ngôn: Lời nói ngọt, bùi tai, êm tai. Mỹ từ: Dùng tiếng đẹp, tốt (Có lẽ tác giả muốn diễn đạt cách nói khác của ái ngữ hoặc lời nói thiện, mỹ).

[37] Đây là cách nói khái quát của các hệ kinh văn phát triển đã trở thành phổ biến. Thật ra, theo Theravāda, không có 84 ngàn pháp môn - mà là có 84 ngàn chi pháp: Abhidhamma có 42 ngàn chi pháp, Kinh có 21 ngàn chi pháp và Luật có 21 ngàn chi pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét