Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-15-Nết hạnh bố thí

KỆ NGÔN V

HẠNH PHÚC XV

Dānaṃ: Nết hạnh bố thí

 Phạn ngữ dāna - Tàu âm là đàn-na - nghĩa là bố thí (hay thí chủ) là dâng cúng cơm nước, quần áo, chỗ ở, thuốc chữa bệnh đến chư tăng hay cứu tế đến người nghèo đói, bất hạnh.
Đàn-na và bố thí hàm ý cắt đứt sự bỏn xẻn, đánh đuổi sự rít róng và cắt đứt sự tham lam ở trong lòng.
Đàn-na và bố thí còn hàm ý gìn giữ; nghĩa là tâm bố thí có công năng gìn giữ người thí chủ không cho ở trong ác pháp là tham lam, bỏn xẻn; lại còn nâng đỡ người bố thí không cho sanh vào khổ cảnh...
Cuối cùng, theo cách hiểu thông thường, đàn-na bố thí có nghĩa là đem của cải, bạc tiền dư thừa của mình đem cho người khác, hiến tặng cho người khác.
Nói đến sự bố thí hình như là ít có người hưởng ứng, đồng tình - vì người ta quan niệm thông thường rằng, con người sanh ra là để thâu vào chứ không phải là để phát ra. Và trong thực tế ai ai cũng đều ưa thâu hơn phát, ưa nhận hơn cho! Thậm chí đến khi thấy người quanh mình đang bị đói khổ thiếu thốn, những người đang bị tai nạn như cháy nhà hay bão lụt, nhà cửa không, cơm không, y phục cũng thiếu; tuy họ dư ăn dư để, nhưng có bao giờ họ tự động đem của ra cho ai đâu. Người mà được nghe tiếng bố thí nhiều nhứt là tín đồ Phật giáo, vì tiếng bố thí là tiếng đầu tiên mà người Phật tử nghe và biết. Như vậy, nết hạnh bố thí là nết hạnh phải học trước nhất trong Phật giáo, mà bố thí cũng là một pháp ba-la-mật đứng đầu trong 30 pháp ba-la-mật.
Người đời rất ưa sự tiến bộ về vật chất, nhưng người ta không nghĩ tới tinh thần. Ý tôi muốn nói, sự tiến hóa về vật chất là giàu sang, nhà cao, cửa rộng... Còn sự tiến hóa về tinh thần lại thuộc về phương diện đạo đức, tâm linh.
Nếu người đời chỉ biết đi tìm lấy một mục đích duy nhất là giàu sang, tiện nghi sung mãn... thì càng ngày thế gian nầy càng nhiều đau khổ - vì ai ai cũng tranh nhau để làm giàu không nghĩ đến người khác, không biết giúp đỡ kẻ đói nghèo, người hoạn nạn.
Còn người tiến hóa về tinh thần thì lại khác, họ lo cho bản thân mình vừa đủ, rồi còn lo giúp đỡ, san sẻ cho thân bằng quyến thuộc, mọi người xung quanh, thôn lân, xã hội – tùy
khả năng và hoàn cảnh. Đấy gọi là bố thí. Ai ai cũng có thể bố thí được tùy trường hợp, tùy lúc và tùy khi.
Đức Phật dạy pháp bố thí là đem cho đi những cái dư dả của mình, tùy theo mình có, cho người khác do mọi người xung quanh đang thiếu hụt, đang cần sự tương trợ cùng tấm lòng bi mẫn của ta. Bố thí là nguyên nhân đánh đuổi sự bỏn xẻn và dứt bỏ được lòng tham lam, làm cho tâm mình trở nên cao thượng, quý báu. Tâm con người không có được sự cao quý ấy - nên khiến cho phiền não phát sanh - tức là bị tam độc là tham lam, sân hận và si mê hoành hành, công phá. Đức Phật dạy tâm của chúng ta ví như con rắn. Loài rắn thích ở nơi ẩm thấp. Tâm cũng vậy, nó thích ở nơi thấp hèn là tối tăm, phiền não. Vì có phiền não nên tâm ta bị chìm đắm trong tài, sắc, lợi, danh. Chính tâm tham lam, luôn luôn muốn thu góp lợi tức về mình cho thật nhiều đặng mua lấy những gì mà nó thích - còn ai chết mặc ai. Vì tâm ích kỷ dục lợi nên không đem hạnh phúc lâu dài lại cho ta, có được chăng chỉ tạm bợ, nhất thời thôi. Vì muốn chúng sanh làm cho tâm mình trở nên cao thượng, quý báu, bước ra khỏi nơi ẩm thấp, tối tăm là bỏn xẻn, tham lam và ích kỷ ấy - nên đức Phật dạy ta bố thí. Bố thí là pháp đối trị của bỏn xẻn, tham lam, dục lợi ích kỷ.

+ Bố thí có hai cách, có hai ý nghĩa khác nhau:

- Cho để làm ơn
- Cho có ý làm phước, để dứt lòng tham lam, trừ bỏn xẻn và ngăn ngừa sự ích kỷ dục lợi. Đây thật là bồi bổ đức từ bi.
Người đời thường hiểu lầm rằng, cho là làm ơn, là làm phước.
Trong Phật giáo có dạy bố thí và làm ơn khác nhau. Người cho - với nghĩa làm ơn - thì muốn người thọ lãnh biết đến mình, và muốn người thọ lãnh luôn luôn nhớ lấy của cho ấy, tiếng phạn gọi là saṅgaha nghĩa là giúp đỡ, tiếp độ. Còn người bố thí (đàn-na) thì trong mỗi việc cho đi hoặc san sẻ nào cũng đều có tác ý là thương xót người mà mình cho đó (đó là tâm bi)và quyết định diệt lòng tham lam, bỏn xẻn trừ cả lòng ích kỷ của mình nữa.
Chúng ta - những người Phật tử học hạnh bố thí - cho ai một vật gì không muốn cho họ nhớ ơn và đền ơn mình, để tránh nguyên nhân sanh thêm phiền não. Bố thí với mục đích cố dứt bỏ phiền não ở trong lòng mình mới là quý báu, mới là cao thượng vậy.
Người làm phước nên làm bằng tác ý lành, cố tránh phiền não, và nên để lòng yêu thương người bị hoạn nạn như mình yêu thương bản thân mình hay là yêu thương con đẻ của mình - lại là thuộc tính của tâm từ. Làm như vậy mới là bố thí. Làm như vậy là ta bồi bổ thêm tâm lành của ta (cả bi và từ), diệt phiền não, bỏn xẻn, ích kỷ. Đó mới là tu, nghĩa là sửa chữa lòng mình, làm cho không còn phiền não nữa.

+ Sự bố thí hợp pháp, chơn chánh, theo Phật giáo, có 3 điều kiện là:

1. Vật bố thí trong sạch: Đồ vật đem ra bố thí ấy do nơi sự làm ăn chơn chánh mà có, nghĩa là của ấy do nơi chánh mạng tạo ra, không do sự trộm cướp hay lường gạt của người đem về làm của mình. Vả lại, không bao giờ đức Phật dạy phải bố thí nhiều hay bố thí ít, chỉ cần của ấy là của hợp pháp thôi.
2. Tác ý trong sạch: Người cho vì lòng từ ái [1] mà cho, chớ không phải cho để mong được một lợi ích nào khác, chẳng hạn như bố thí để được sanh về cõi trời hay cõi nào [2] . Hầu vun trồng tác ý cao thượng ấy, đức Phật dạy nên bố thí với tâm xả ly để diệt từ tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ trong tâm của mình là tốt nhất, là quý nhất vậy.
3. Người thọ lãnh trong sạch: Người thọ lãnh là người có giới đức trong sạch đáng thọ lãnh của bố thí.
Nhiều người bị tánh bỏn xẻn chi phối, khi có tiền của dư dả mà thấy người nghèo khổ, hoạn nạn - họ làm lơ đi, ngoảnh mặt đi, không giúp đỡ. Với hạng người nầy thì càng được của cải bao nhiêu, càng bỏn xẻn bấy nhiêu; và vì lẽ ấy mà họ không khi nào an vui, thanh thản được, trái lại, lúc nào cũng lo âu, sợ hãi, toan tính, bận rộn, sầu não! Đành rằng bỏn xẻn ấy không hại ai, nhưng tâm bỏn xẻn không gọi là thiện được. Tuy nhiên, có những người ở đời, có tâm địa bỏn xẻn, thường tự biện minh rằng, tôi không làm gì nên tội hết! Trong thực tế, sở dĩ hạng người ấy không làm tội, có thể là do họ sợ pháp luật của chánh phủ; cũng có thể vì danh dự bản thân và gia đình. Lý suy, do trường hợp thuận tiện chưa đến, bởi nếu có dịp, chưa chắc họ không nhân cơ hội làm liền. Riêng người tu là người có phát nguyện xa tội ác, vì ghê sợ và hổ thẹn tội ác, nên không dám làm tội, mặc dầu là có làm, cũng không ai biết. Hơn nữa người tu càng cố gắng giữ lấy đức hạnh của mình, như là lo cho đời sống của mình vậy.
Đức Phật dạy: Tiền tài là món thuốc độc dành cho người kém trí tuệ, trái lại, là món thuốc bổ cho bậc trí thức.
Thật vậy người kém trí tuệ mê theo tiền tài, không hề làm một việc lành nào mặc dù rất nhỏ, lại còn hay lường gạt cướp bóc của người đem về cho mình, để rồi, chừng sắp chết họ mới tiếc nuối của cải phải bị bỏ lại dương trần, cứ muốn gìn giữ, gần gũi của cải ấy mãi. Tiếc của như vậy thật là nguy hại vô cùng - như sự tích sau đây:
“- Tại kinh đô Sāvatthī có một ông trưởng giả rất là ích kỷ, không bao giờ bố thí một đồng điếu cho người ăn xin. Người trong thành đặt tên ông là Micchāriya (bỏn xẻn). Ông có chôn rất nhiều khạp vàng. Khi sắp chết, sực nhớ lại số vàng ấy, mà ông không có dịp tỏ cho người nhà hay. Vì luyến tiếc vàng, nên ông lại sanh làm chó trong gia đình của ông. Khi chó ấy lớn lên, nó rất khôn và giữ của rất giỏi nên con ông lấy làm thương mến.
Ngày nọ, đức Thế Tôn đi khất thực ngang qua nhà con ông trưởng giả, con chó chạy ra sủa. Đức Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, biết rõ kiếp quá khứ của chó nên mới nói rằng: “Trưởng giả Micchāriya! Ông vì quá keo kiệt, bỏn xẻn; khi chết rồi còn muốn ôm ấp mấy cái khạp vàng, nên đã sanh làm con chó giữ của, ông có biết thế không?”Oai lực của đức Thế Tôn làm cho chó nhớ lại tiền kiếp, lấy làm buồn rầu và trở về nhà nằm.
Khi con ông trưởng giả đi công việc về, không thấy chó chạy ra mừng như mọi khi, mới hỏi gia nhân tại sao con chó đổi tính như vậy.
Người nhà cho hay, khi nãy thầy Cồ Đàm đi ngang qua đây, không biết có nói gì mà con chó có vẻ buồn, đang nằm dưới gậm giường!
Con ông trưởng giả lấy làm tức giận, lập tức vào hỏi đức Thế Tôn. Nhân dịp này, ngài mới đến nhà, bảo ông trưởng giả cho đào đất tại chỗ con chó thường nằm thì tìm được mấy khạp vàng. Sau đó, đức Phật giáo giới đến mọi người, phải biết mở rộng tấm lòng, diệt trừ keo kiệt, bỏn xẻn. Hãy lấy chuyện con chó mà làm gương”.
Tích nầy cho thấy rằng: Lòng bỏn xẻn, sự tham lam và tâm quyến luyến của cải có hại như thế. Vậy các bậc trí thức nên dùng của cải làm việc từ thiện: Bố thí là gởi của về ngày vị lai. Người bỏn xẻn trong kiếp nầy tuy là dư ăn dư để, nhưng kiếp sau họ sẽ trơ trọi nghèo nàn. Tại sao vậy? Vì người bỏn xẻn không kết trước duyên lành với kẻ khác, không có lòng từ ái thương hại kẻ khác đang chịu thiếu thốn, bần hàn, cực khổ; vì quả của bỏn xẻn ấy, kiếp sau nghèo khó, bần hàn, thiếu hụt mọi bề, không ai giúp đỡ cho lúc cơ nhỡ, hoạn nạn.
Sau đây là một sự tích bố thí:
“- Đời đức Phật Ca-diếp, có một thanh niên xuất gia mà hằng ngày về thọ thực ở nhà cha mẹ. Ngày nọ, sau khi thọ thực xong, ra về đến gần chùa, chàng trông thấy một con chó cái mù cả hai mắt với một bầy con ốm đói vì thiếu ăn; chúng đang day day những bầu vú héo khô như tấm giẻ rách! Tình cảnh  thật là bi đát. Thấy vậy, lòng thương hại (tâm bi mẫn) phát sanh, nhưng chàng không biết lấy gì cho chó ăn. Bỗng sực nhớ lại mình vừa thọ thực xong, chàng liền dùng tay móc cổ  ói vật thực ra cho bầy chó ấy ăn. Nhờ bữa ăn ấy chó mới đủ sức khỏe đi ở nơi khác.
Sau khi chết, chàng thanh niên ấy được sanh thiên, hưởng sự an lạc trong các cõi trời từ thời đức Phật Ca-diếp tới đời đức Phật Thích-ca; chàng lại sanh vào một gia đình Phật tử, có đức tin trong sạch và xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn. Nhờ phước báu bố thí từ kiếp trước còn dư sót, nên người trong thành rất trong sạch với chàng, bố thí cho rất nhiều vật thực, đến đỗi dùng không hết”.
Theo câu chuyện trên đây - rõ ràng là của bố thí không cần phải là bạc nén, vàng thoi hay là cao lương, mỹ vị, chỉ cốt ở tấm lòng từ ái hay bi mẫn của mình. Nếu quý vị không muốn gặp những cảnh tượng hãi hùng như nhà cháy, bão lụt... thì nên làm việc phước thiện cho những nạn nhơn thiên tai, hỏa hoạn. Đức Phật dạy: Hễ bố thí vật vừa lòng thì hằng được vật vừa lòng. Nhân nào quả nấy. Khi ta giúp người qua khỏi cơn tai nạn, thì ta lại được phước và sẽ khỏi bị tai nạn.

+ Bố thí chia ra làm hai loại là:

1. Amissadāna: Tài thí là bố thí cơm nước, y phục, thuốc uống và chỗ ở.
2. Dhammadāna: Pháp thí, bố thí pháp
Đức Phật có dạy: “Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti”Nghĩa là trong các sự bố thí chỉ có bố thí pháp là cao thượng hơn hết. Vì người bố thí pháp gọi là bố thí thiên đàng, phạm thiên và Niết-bàn.
Người bố thí tứ vật dụng là cơm nước, y phục, thuốc men, nhà ở, làm cho người thọ lãnh được sự an vui cấp thời về vật chất thôi. Còn bố thí pháp có thể làm cho người rất hung dữ trở nên lương thiện; chớ ta không thể đem tiền của thuê người ác trở nên thiện được. Vì vậy, bố thí pháp có phước vô lượng vô biên. Đức Phật có đưa ra ví dụ: Có người nào giàu có vô cùng tận, mời thỉnh chư Chánh Đẳng Giác, Độc Giác và chư thánh Tăng ngồi chật quả địa cầu nầy, rồi bố thí tứ vật dụng; đoạn, các ngài cầu chúc cho. Người nầy được phước không sao tả được, nhưng phước ấy không bằng một phần mười sáu phước của một vị pháp sư thuyết chỉ một nửa câu kệ ngôn thôi.
Nếu có người hỏi: Vậy thì chỉ có các vị pháp sư mới bố thí được pháp thôi, còn chúng tôi là cư sĩ thì làm sao bố thí được? Thật ra, ai cũng có thể bố thí pháp được bằng cách thỉnh chư pháp sư về nhà thuyết pháp cho bạn đồng đạo đến nghe, hay là hùn tiền để ấn tống kinh sách. Điều hay hơn hết là quý vị nhờ một vị sư nào dịch kinh hoặc viết sách Phật rồi quý vị ấn tống. Đây thật là phước cao thượng.

+ Hạnh bố thí đem đến những điều hạnh phúc sau đây:

1. Bố thí là nhân của tất cả sự an vui.
2. Bố thí là nguồn gốc của mọi tư hữu của cải.
3. Bố thí là kho chứa tài sản.
4. Bố thí là thành trì kiên cố để che chở mọi tai nạn hiểm nghèo cho thí chủ.
5. Bố thí là vật nương nhờ của ta trong ngày vị lai.
6. Bố thí ví như hang sư tử cư ngụ, tất cả các giống thú không bao giờ dám bén mảng đến gần hang ấy (Ý nói những hạng người tiểu nhân, xấu xa, độc ác sẽ sợ hãi không dám đến gần).
7. Bố thí ví như mặt địa cầu; địa cầu là nơi nương nhờ của nhân loại (Ý nói là nơi nương nhờ của những hạt giống lành).
8. Bố thí ví như sợi dây để buộc tâm con người không cho phóng túng chạy theo tội ác.
9. Bố thí ví như ghe thuyền có khả năng đưa người qua sông biển và luân hồi.
10. Bố thí ví như người chiến sĩ can đảm xông pha trong trận giặc phiền não.
11. Bố thí ví như hoa sen sanh trong bùn, nhưng không hôi tanh mùi bùn.
12. Bố thí ví như lửa thiêu đốt các ác pháp là tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ, dục lợi.
13. Bố thí ví như rắn độc cắn chết các ác pháp.
14. Bố thí ví như tượng vương, vì tượng vương là thú có sức mạnh hơn hết, bố thí cũng có sức mạnh thắng các ác pháp.
15. Bố thí ví như thiên lý mã, có sức chạy rất mau, chạy khỏi phiền não là tham lam... và chạy tới Niết-bàn.
16. Bố thí là con đường đi của các bậc thánh nhơn nhứt là đức Phật.
17. Bố thí là một hạnh của chư Phật.
18. Bố thí kết quả cho người không thiếu thốn khi còn luân hồi trong tam giới.
19. Bố thí cho sanh làm trời Đế Thích.
20. Bố thí cho sanh vào cõi Tha hóa tự tại.
21. Bố thí được sanh làm vua Chuyển luân vương.
22. Bố thí làm cho đắc quả Thinh Văn.
23. Bố thí là cho đắc quả Độc Giác.
24. Bố thí làm cho đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét