Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-23-Không dễ duôi trong các Pháp

HẠNH PHÚC XXI

Appamādo ca dhammesu: Không dễ duôi trong các pháp

(Không phóng dật trong pháp)

Hạnh phúc XXI nầy, tôi xin được chia ra làm ba phần để quí vị dễ hiểu:
1. Trạng thái của sự dễ duôi, phóng dật.
2. Thế nào gọi là sự không dễ duôi, không phóng dật trong các pháp?
3. Phương pháp hành.
Phạn ngữ appamāda nghĩa là không dễ duôi, không phóng dật - ngụ ý nói là tâm không xa trí nhớ. Ta cũng có thể nói không dễ duôi, không phóng dật là trạng thái của tâm không xa trí nhớ. Giải nghĩa như trên đối với chư sư có học phạn ngữ thì thật rành nhưng đối với quí vị tại gia cư sĩ hay người tham cứu Phật giáo cũng thấy khó hiểu. Vậy nơi đây tôi xin nói cho dễ hiểu hơn. Danh từ Pāḷi - nghĩa chính của appamāda (danh từ) là sự cẩn thận, sự chú ý - vậy thì sự không dễ duôi, không phóng dật là do nhờ tâm luôn luôn có trí nhớ, có kiểm soát; nói cách khác là có niệm và có chú tâm!
Phạn ngữ citta nghĩa là tâm. Tâm là vật vô hình, có chức năng theo dõi và quan sát các đề mục như sắc, thinh, hương, vị, xúc... Sati là trí nhớ [10], là một pháp vô hình hằng đi sát theo tâm để nhắc nhở tâm và cũng kềm chế tâm, không để tâm quên mình. Lẽ cố nhiên khi tâm không có trí nhớ để kiểm soát, thì tâm sẽ phóng túng, nghĩa là tâm suy nghĩ chuyện nầy sang chuyện nọ không bờ bến và khi đang nói chuyện, nếu không có trí nhớ kiểm soát thì chắc chắn nói chuyện ngoài đề. Tâm ấy không dùng vào đâu được vì thiếu trí nhớ.
Nói về tâm là nói đến pháp vô hình. Quí vị muốn biết tâm cho rõ thì nên học tham thiền. Khi quí vị tham thiền muốn làm cho tâm yên tịnh thì quí vị sẽ thấy nó vọng động đến độ nào.
+ Người không dễ duôi, không phóng dật có hai trường hợp sau:
1.  Cẩn thận trong việc nên cẩn thận
2. Cẩn thận và giữ không cho có sự kinh sợ xảy ra trong ngày vị lai.
3. Cẩn thận có nghĩa là quan sát kỹ càng không cho sơ thất.

                                                  Không dễ duôi trong các pháp

Tiếng dhamma ta dịch ra là pháp, tựu trung có nhiều ý nghĩa khác nhau.
Dhamma là từ thông dụng nhứt trong Phật giáo, ví dụ như nó nằm trong Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, hoặc để gọi tên tất cả các pháp như giới, định, tuệ, tinh tấn, nhẫn nại...; rồi pháp thiện, pháp ác... cái gì cũng gọi là pháp.
Pháp bảo là lời giảng dạy của đức Phật, là pháp bất di, bất diệt, là pháp giải thoát không có một ai phản đối hay chỉ trích được. Tại sao? Vì pháp ấy là sự thật hiển nhiên, là chân lý. Đức Phật tự giác ngộ sự thật ấy và đem sự thật ấy dạy chúng sanh, mà không bắt buộc ai phải nghe theo, tin theo; trái lại ngài dạy hãy dùng trí tuệ để suy nghĩ, quan sát sự thật ấy. Chúng ta có thể tin chắc nơi pháp của Phật là chân chính, là con đường đi đến nơi vô sanh bất diệt bởi các điều sau đây:
1. Đức Phật giáo hóa con đường đi đến nơi giải thoát. Sau khi chứng đắc tuệ quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, đức Phật dạy đời với chánh pháp mà ngài đã đắc, chớ không phải do nơi một uy quyền nào bắt buộc chúng sanh phải nghe theo; và cũng không mua chuộc chúng sanh bởi bất cứ lý do nào, trái lại, ngài lại cấm các nhà sư không nên dùng bùa phép, làm thầy thuốc, hay được của cúng dường nơi nầy đem cho nơi khác, hoặc đem của Tăng cho người tin tưởng theo mình để lấy lòng.
2. Đức Phật để cho người nghe có quyền cật vấn, chất vấn ngài hoặc hãy về nhà suy nghĩ lại, rồi sẽ tin sau. Ngoài ra, ngài còn khuyến khích Phật tử phải dùng trí tuệ để tham cứu pháp bảo và thường hội nhau lại để luận giải những pháp mà họ còn nghi ngờ.
3. Ngài thuyết pháp độ chúng sanh, không phân giai cấp. Hầu hết các vua chúa trong thời kỳ ấy đều xin làm đệ tử tại gia; và cũng có nhiều vị giáo chủ của một tông phái tự giải tán tôn giáo của mình lập ra và theo làm đệ tử của ngài như ba anh em ông Kassapa nhờ thần lửa... Có biết bao nhiêu là danh sĩ, trí thức theo ngài, nhưng ngài chẳng coi điều đó là biểu tỏ uy tín hoặc tăng thêm danh dự cho ngài.
4. Hiện nay đã hơn 25 thế kỷ rồi, mỗi lời giảng dạy của ngài vẫn còn sáng chói và biết bao nhiều người vâng giữ hành theo, chứng tỏ rằng pháp Phật là sự chân thật vĩnh cửu đem người đến nơi giải thoát.
5. Dhamma còn có nghĩa là gìn giữ - ý nói người nào thực hành theo dhamma (pháp) thì pháp ấy gìn giữ không để cho người ấy sanh vào nơi khổ cảnh.
Vì những lẽ kể trên, nên hạnh phúc XXI nầy dạy rằng: Không nên dễ duôi, phóng dật trong các pháp, nghĩa là không nên dễ duôi mà không hành theo pháp của Phật.
Dễ duôi, phóng dật... có nghĩa là không làm tròn phận sự, hoặc lừa đảo kiếm cách không làm tròn phận sự. Có người tự dối mình rằng: Tôi chưa già chưa phải lúc tu. Họ đã quên rằng trong nghĩa địa có biết bao nhiều nấm mồ của những người còn đầu xanh, tuổi trẻ; và còn quên rằng, của cải nhiều, con khôn, vợ ngoan, bạn hiền, nhưng khi tử thần đến không đem của cải đi đổi được, vợ con bạn bè không giúp mình chống với tử thần được. Nghĩ mình còn trẻ, chưa già, chưa chịu làm lành, đó là trạng thái của sự dễ duôi, phóng dật vậy.
Chú giải còn giảng rộng thêm rằng: Sự mến tiếc trần tục gọi là phóng dật, dễ duôi. Có lời Phật dạy trong bộ Khuddakavibhaṅga rằng, hai pháp dễ duôi và không dễ duôi ấy như thế nào? Bỏ qua những việc làm có ích, để đời sống trôi chảy, cuốn hút, dính mắc theo dục lạc ngũ trần làm cho thân, khẩu, ý bị nhơ đục gọi là dễ duôi, phóng dật. Còn nữa, không chú tâm làm việc và không tiếp tục làm, việc làm bị gián đoạn, bởi lười biếng, hoặc làm một cách miễn cưỡng, bỏ dở việc đang làm, không sốt sắng, không quan tâm đến những việc làm, đều gọi là phóng dật, dễ duôi. Sự dễ duôi, sự không chú tâm, sự trụy lạc trong trần tục như thế ấy, Như Lai gọi là phóng dật, dễ duôi.
Chú giải bài kinh ấy còn dạy rằng: Sự không đầy đủ trí nhớ, niệm tưởng - để đàn áp tâm phóng túng, lung lạc theo tài, tình, danh, lợi cũng gọi là phóng dật, dễ duôi.
Hai pháp dễ duôi và không dễ duôi có quả báo khác nhau. Dễ duôi là nhân sanh ra tội lỗi. Không dễ duôi là nhân sanh phước thiện. Vì vậy nên Đức Phật có dạy trong Chattavagga ở phần Ekanipatta anguttara nikāya rằng: “Nầy các thầy tỳ- khưu! Như Lai suy nghĩ không thấy pháp nào là nguyên nhân làm cho các pháp lành đã có rồi phải bị tiêu diệt, bằng pháp phóng dật, dễ duôi. Này các thầy tỳ-khưu! Vì một người phóng dật, dễ duôi thì tất cả các pháp ác chưa sanh sẽ phát sanh và các pháp thiện đã có, lại từ từ tiêu diệt”.
Rồi ngài dạy thêm rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai không thấy một pháp nào là nguyên nhân sanh các thiện pháp, là nguyên nhân làm cho các thiện pháp chưa phát sanh được phát sanh và lại là nguyên nhân tiêu diệt, ngăn ngừa các ác pháp bằng pháp không phóng dật, không dễ duôi! Nầy các thầy tỳ-khưu! Một người không phóng dật, không dễ duôi thì các thiện pháp chưa sanh, lại sanh và các ác pháp đã có rồi, bị tiêu diệt”.
Đức Phật lại còn dạy trong Pháp cú kinh, đoạn Appamādavagga về phóng dật, dễ duôi trong tích của bà hoàng hậu Sāmāvatī rằng:
“- Appamādo amataṃ padaṃ
Pamādo maccuno padaṃ
Appamattā na mīyanti
Ye pamattā yathā matā”.[11]
Nghĩa là: Sự không phóng dật là con đường đi đến chỗ không chết. Sự phóng dật là con đường đi đến chỗ chết. Những người không phóng dật gọi là không chết. Người phóng dật, mặc dầu sống cũng như chết.
Ý nói rằng: Không phóng dật là không làm tội lỗi và diệt trừ phiền não là con đường đi đến Niết-bàn, là nơi vô sanh bất diệt. Còn người phóng dật cứ làm nô lệ cho phiền não, nghĩa là chạy theo ngũ trần lục dục.
Phương pháp thực hành không phóng dật:

+ Trong bộ kinh Anguttaranikāya, đức Phật có dạy 4 phương pháp thực hành không phóng dật.

1. Không nên phóng dật trong sự diệt trừ xấu ác ở nơi thân (thân ác nghiệp); và không nên phóng dật không làm việc lành cũng ở nơi thân (bố thí, làm các thiện sự).
2. Không nên phóng dật trong sự diệt bỏ ác khẩu (tứ ác khẩu) và cũng không nên phóng dật về sự không làm lành do khẩu (Ái ngữ, ví như lời khuyên người tu hành).
3. Không nên phóng dật trong sự diệt bỏ ác tâm và cũng không nên phóng dật về sự sửa trị tâm mình cho thanh tịnh.
4. Không nên phóng dật trong sự diệt bỏ tà kiến và cũng không nên phóng dật trong sự chuyển hóa làm tâm trí mình trở nên chánh kiến.

+ Người không phóng dật được những hạnh phúc là:

1. Đại phước
2. Bất tử (như đã có giải rồi).
3. Ngừa được ác đạo.
4. Xa tất cả các điều khổ.
5. Hưởng an vui trong thiện pháp.
6. Đi đến nơi thiện.
7. Được hưởng an vui.
8. Tự mình thức tỉnh lấy mình.
9. Lòng được thảnh thơi.
10. Diệt trừ được các ác pháp.
11. Không lẫn lộn với các pháp ác.
12. Gọi là người hộ trì Phật pháp.
13. Được nghe lời chỉ dạy của các bậc thánh nhơn.
14. Là người Phật tử chơn chánh.
15. Là người có giới đức trong sạch.
16. Sau khi chết được sanh về nơi nhàn cảnh.

 

[1] Ārati: Viễn ly, tránh xa. Virati: Kiêng cử, tiết chế. Pāpa: Ác. Đại sư Viên Minh dịch là: Xả ly tâm niệm ác.
[2] Samādānavirati: Sự thọ trì, kiêng cử (Ví dụ, nguyện giữ giới).
[3] Kammakilesa: Phiền não nghiệp.
[4] Pháp cú 133, 134:  Oán nhau, ăn nói cộc cằn. Người kia thù lại cũng ngần ấy thôi. Khổ thay! Phẫn hận trên đời. Vết thương dao xé, tiếng lời lại qua (133). Tự mình nếu biết lặng yên. Không còn oán nộ, chẳng hiềm hại ai. Mõ kia đã bể tiếng rồi. Ai mà được vậy kề nơi Niết-bàn (134).
[5] Giống như ba điều lợi ích đã chú thích trước.
[6] Chưa rõ 7 điều gì!
[7] Anavajjāni kammāni: Giữ chánh mạng trong đời.
[8]  Kiêng cử, tránh xa điều ác.
[9] Không rõ là bảy báu gì? Có thể là 7 thánh sản: Tín, giới, tàm, quý, đa văn, thí, tuệ. Có thể là 7 pháp thù thắng: Tín, tàm, quý, đa văn, tấn, niệm, tuệ.
[10] Sati, các vị trước đây hay dịch là trí nhớ; thật ra, trí nhớ chỉ là một nghĩa trong nhiều nghĩa của Sati; nghĩa chính của nó là niệm và tùy niệm (Sati và Anussati); niệm (Sati) là an lập tâm trên thực tại đang là - để bất cứ một pháp nào tác động lên thân tâm là nó ghi nhận ngay. Nó như người canh cửa. Còn tùy niệm (Anussati) là theo dõi, rà soát, bám chặt đối tượng không có lơ là, chểnh mảng; nó còn có nghĩa là niệm liên tục, theo dõi liên tục không cho gián đoạn.
[11] Diến ý thơ: Con đường phóng dật: nguy nan. Con đường tỉnh thức: vinh quang đời đời. Buông lung là kẻ chết rồi. Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên (PC. 21).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét