Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-22- Làm những việc vô tội

HẠNH PHÚC XVIII

Anavajjānikammāni: Nết hạnh làm những việc vô tội

(Giữ chánh mạng trong đời)[9]

 Khả năng của người làm việc có thể chia làm 2 phần là:
1. Người làm việc được.
2. Người làm việc được kết quả mỹ mãn.
Pháp hạnh phúc thứ X dạy làm việc không nên bỏ dở, nghĩa là làm việc gì cũng phải cho đến chốn đến nơi. Hạnh phúc thứ XVIII này lại dạy ta về làm những việc vô tội.
Theo quan niệm thông thường thì người nào làm được việc thì gọi là hay, là giỏi. Người ta thường khen ngợi những người làm được việc như vậy, nhưng không chịu xét đến tính cách và hậu quả của việc ấy, nó tốt hay nó xấu - tức là tính chất đạo đức của công việc! Chính tính chất tốt xấu, đạo đức của công việc mới nói lên giá trị của việc làm - phải biết dựa theo tiêu chuẩn đức lý ngàn đời của Phật giáo, chiếu theo hạnh phúc thứ XVIII.
Trong hạnh phúc XVIII này, đức Phật dạy: Làm việc chân chánh là làm việc hoàn toàn vô tội. Việc làm vô tội nơi đây chia ra làm hai phần: Việc làm và người làm việc.

+ Phật dạy có 3 việc làm vô tội:

1. Việc làm do thân.
2. Việc làm do khẩu.
3. Việc làm do ý.
Tóm lại là làm, nói và suy nghĩ đều phải là vô tội.
Việc làm do thân là việc làm nặng nề. Những việc ấy phải là việc vô tội: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm...
Việc làm do khẩu là dạy học, hay giảng đạo cho người nghe, tuyệt đối không cho phạm vào giới nói dối.
Việc làm do ý là suy nghĩ điều thiện như học tham thiền và đánh đuổi ý ác như cột oan trái oán thù...
Quí vị đạo hữu có nhiều tuổi, không còn làm việc nặng nề và không dạy học hay diễn thuyết về Phật pháp, quý vị phải làm những gì? Thiết tưởng quý vị nên học tham thiền và quan sát tâm, không cho tham luyến thái quá vào việc đời để vun đắp con đường vị lai.
Tuy nhiên việc làm bằng tâm như thế chẳng phải riêng để cho quý vị lớn tuổi mà cho tất cả các hạng người trong thế gian, phương pháp này là phương pháp làm cho tâm mình được yên tịnh và đi theo chánh đạo.

Việc làm vô tội

Việc làm thế nào gọi là việc làm vô tội ?
Việc làm vô tội là việc làm theo đúng lời Phật dạy. Theo quan niệm ở đời thì việc làm có tội là việc gì chính phủ đã ra điều luật ngăn cấm mà ta còn phạm vào là tội. Có vị học theo tạng Abhidhamma lại dạy rằng, điều nào ta làm dẫu hợp với chánh pháp như bố thí, trì giới hay tham thiền, mà lòng mình còn mong mỏi sanh trong vòng tam giới thì cũng gọi là có tội! Tại sao vậy? Vì tất thảy mọi phước hữu lậu (vattagāminikusala) đều là phước dẫn chúng sanh đi vào luân hồi trong sanh tử. Do thế, điều ta làm mặc dầu là thiện, nhưng vì còn muốn sanh trong tam giới, thế là vẫn còn đeo mang trầm luân, là việc làm có tội - theo nghĩa rốt ráo.
Có vị lại dạy: Việc làm vô tội là phải hành theo minh sát tuệ.
Hai định nghĩa trên đây về giáo lý rất đúng; nhưng rất tiếc, vì thật là khó, không đem ra thực hành được. Đây tôi xin ví dụ. Có người đi đường buổi trưa nóng bức, khát nước, múc nước vũng bên đường uống. Nếu y múc nước phớt trên, thì bị rong bèo trên mặt nước, còn múc xuống quá sâu thì bị nhằm bùn, bề nào cũng uống không được.
Muốn có nước uống được thì y phải lấy tay khỏa rong rêu đi và múc nhè nhẹ. Người học pháp này rồi hành theo pháp ấy, cũng vậy, nếu hiểu một cách nông cạn, thì không được chu đáo, làm sao hành được. Còn bằng nghĩ cao sâu quá, cũng khó mà hành theo, vì lắm khi pháp ấy không phù hợp với trường hợp của mình đang hành. Vì vậy pháp sư cũng như người hành đạo đều phải biết pháp nào thích hợp với hoàn cảnh, mới có thể hành theo được.
Phạn ngữ vajja nghĩa là tội lỗi. Nhưng tội lỗi đây không phải là tội lỗi đối với chính phủ khiến bị phạt, bị tù hay bị cách chức. Vajja còn có nghĩa là bị la rầy, bị chỉ trích, bị phê bình. Vì quan niệm khác biệt như vậy, nên chư đại đức thường bị người đời chỉ trích theo quan niệm đời. Thường thì người đời thấy việc nào đó và xem là có tội, nhưng chư đại đức thì không thấy như thế. Đúng vậy, cái tội mà người đời thấy, được gọi là lokavajja, tội đối với đời. Ví dụ xưa kia, không có xe hơi nên luật Phật không có giới điều cấm xe hơi. Tuy nhiên, hiện nay, nếu có vị đại đức nào lái xe, chắc chắn sẽ bị người đời chỉ trích, vì người ta chấp rằng chư đại đức là bậc không có gì hơn là ba y che thân và bình bát để xin ăn thôi.
Đức Phật không dạy riêng cho người tại gia hay xuất gia mà dạy chung cho hàng Phật tử nên thận trọng trong những việc mình làm - đừng để bị phê bình hay chỉ trích (vajjakamma).
Tránh khỏi sự phê bình hay chỉ trích ấy, chính là những việc làm vô tội vậy. Những việc làm vô tội hay là những việc làm khỏi bị phê bình, chỉ trích theo Phật dạy: Là những việc làm trong sạch đúng theo chánh pháp, không làm hại mình, không làm hại kẻ khác; đừng vì lợi mình mà hại kẻ khác, hoặc hại mình mà lợi kẻ khác, không có oan trái, oán thù, ganh tỵ.
Những việc làm vô tội ở đời là những việc làm của người đời, như làm ruộng, làm vườn, mua bán, làm công... những việc làm ấy không phạm pháp luật quốc gia, cũng không phạm đạo đức, luân lý chung chung...
Còn những việc làm vô tội theo lý đạo là những việc làm lành, lánh dữ để đem đến hạnh phúc và an vui cho mình trong hiện tại và vị lai; nói cách khác là phải tạo những phước báu như:
1. Phước báu thiện sanh vào cõi dục giới. Nghĩa là phước thiện này còn lẫn phiền não - nên sau khi quá vãng được sanh lại làm người phú quý hoặc hóa sanh vào sáu cõi trời dục giới - phước này do bố thí, trì giới mà có.
2. Phước báu thiện sanh vào cõi sắc. Nghĩa là phước này hóa sanh vào cõi phạm thiên hữu sắc. Ở cõi trời này không có dục tính, không có nữ giới, không có vợ như cõi dục; người được sinh vào cõi này là nhờ đắc được từ sơ thiền đến tứ thiền.
3. Phước báu thiện sanh vào cõi trời vô sắc. Nghĩa là người đắc được thiền vô sắc nên được sanh vào các cõi trời vô sắc. Cõi này không có thân xác, không có sắc, chỉ còn sự vận hành của tứ danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) mà thôi. Cõi này chỉ thọ hưởng hạnh phúc vi tế của thiền định, cụ thể là nhất tâm và xả.
4. Phước thắng sanh vào thánh vức. Nghĩa là người đã diệt được lần lượt mọi phiền não trong tâm (tức 10 kiết sử), sau khi quá vãng, được vào tứ đạo quả và Niết-bàn.
+ Sau đây là những việc làm vô tội theo giáo pháp: Thọ trì bát quan trai giới.
Thọ bát quan trai giới được gọi là những việc làm vô tội. Bát quan trai giới làm cho tâm người được lắng sạch những phiền não ở bên trong và đánh đuổi, ngừa đón những phiền não ở bên ngoài, không cho nhập vào tâm.
Tám điều học ấy là:
- Không sát sanh.
- Không trộm cướp.
- Không thông dâm.
- Không nói dối.
- Không uống rượu và các chất say.
- Không ăn sái giờ.
- Không múa hát, xem múa hát; trang điểm nhẫn, xuyến, vòng bằng vàng, bạc, ngọc, kim cương; dùng nước hoa, nhồi phấn, thoa son.
- Không nằm ngồi nơi cao sang, xinh đẹp.
Trong 8 giới điều kể trên, từ điều 1 đến điều 5 là giống như người thọ trì ngũ giới, chỉ khác chỗ thông dâm và tà dâm. Giới tà dâm là không cho tư tình với vợ con kẻ khác, còn giới thông dâm thì, trong ngày bát quan trai giới, dầu vợ nhà cũng không được gần.
Về giới thứ 6, theo nguyên văn của phạn ngữ, không ăn sái giờ là khi bóng đã xế qua một sợi tóc, cũng không ăn gì nữa. Nghĩa là chỉ ăn được từ khi mặt trời mọc cho tới khi đứng bóng. Đức Phật dùng bóng mặt trời làm tiêu chuẩn chớ không cần giờ. Vì đức Phật biết rằng mỗi nơi giờ khắc khác nhau, thì khó cho chư tỳ-khưu theo, nên dùng mặt trời để cho chư tăng sau này làm tiêu chuẩn. Giới này dạy giảm bớt sự ăn để người tu hành bớt bận rộn về ăn uống, có dư thì giờ để niệm Phật, tham thiền. Giới này còn làm cho chúng ta biết thiểu dục, tri túc. Vì miếng ăn mà chúng sanh làm thêm nhiều tội lỗi. Người không ăn cơm chiều, trước chưa quen, thấy khó chịu; sau dần thấy quen, thấy trong người dễ chịu và nhẹ nhàng; lại sinh ra ngủ ít, nhờ vậy mà có thể tham thiền dễ dàng.
Về giới thứ 7: Múa hát, xem múa hát... Đức Phật muốn kềm hãm lại không cho ham mê theo tiếng hay, vị thơm. Lại còn ngăn ngừa những ai vì luyến ái cái thân này, sợ mình già, lo tìm cách che lấp cái già, tô phấn, thoa son để giấu nét nhăn, nhuộm tóc đen lại để che tóc bạc... Không trang điểm thân này bằng vàng, bạc là để xa lần sự luyến ái xác thân, và nhờ vậy, ta mới có thể tu tập thiền định hay hành minh sát tuệ được.
Giới thứ 8: Không nằm ngồi nơi cao sang, xinh đẹp, cốt là để trừ những phiền não phát sanh do ham mê nơi chỗ xúc chạm tốt đẹp, mềm dịu. Khi đã lỡ quen chỗ nằm ngồi mịn màng, cao sang rồi, gặp nơi khác, chỗ khác như gỗ cây, giường ván chẳng hạn, phiền não sẽ sanh lên làm cho tâm bị nhơ đục.

+ Bát quan trai có ba cách khác nhau:

1. Pakati uposatha: Nghĩa là bát quan trai giới thường. Bát quan trai giới này thọ trì một ngày đêm. Mỗi tháng có 8 ngày là mùng 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30 (tháng thiếu thọ ngày 28, 29).Người ta có thể thọ đủ tám ngày, hay là 4 ngày, 2 ngày tùy theo sức mình, không ai bắt buộc.
2. Paṭijāgara [10]uposatha: Nghĩa là bát quan trai giới theo trật tự, theo đây thì trước ngày chánh của bát quan trai giới một ngày, phải nhớ sửa mình trong ngày ấy, rồi ngày sau là ngày chánh - nên tạm gọi đây là bát quan trai giới thọ ngày rước và đưa. Bát quan trai giới này trong mỗi tháng có 12 ngày 1, 4, 6, 7, 9, 13, 16, 19, 21, 22, 24, 28, (tháng thiếu thì ngày 27).Bát quan trai nầy nếu người thọ đủ mỗi tháng phải thọ 20 ngày (Muốn hiểu rõ xin xem nhựt hành của Ngài Hộ Tông).
3. Paṭihāriya uposatha: Nghĩa là bát quan trai giới thọ trì từ ngày 16 tháng 6 tới ngày 15 tháng 9, nghĩa là thọ theo ba tháng hạ của chư đại đức tỳ-khưu.
Trong bộ chú giải của bài kinh Uposatha có dạy: Người muốn thọ bát quan trai cho trong sạch, thì trước ngày thọ phải chín chắn trong một ngày đêm không nói tới gạo trắng, gạo đen, cơm khô, cơm nhão; nói tóm lại, chuyện gì ngoài kinh luật nhà Phật, tuyệt nhiên không nói đến.
Chúng ta không nên thọ bát quan trai như người chăn bò, sáng ngày đến lãnh bò lùa ra đồng bỏ đó, mặc kệ bò đói hay no cũng chẳng cần, miễn là chiều đem về giao đủ cho chủ thôi. Người thọ bát quan trai, sáng ra đến thọ trì giới cùng nhà sư, khi thọ xong, về nhà không nghĩ gì với giới cả, chỉ thọ cho có chừng, được phước chút nào hay chút ấy thôi, cả ngày lẫn đêm không có niệm tưởng đến vô thường, khổ não, vô ngã. Người thọ giới như thế gọi là bát quan trai như người chăn bò.
Cũng trong bài kinh Uposatha, đức Phật còn dạy rằng: Nếu có nhà vua ngự trị trên 16 nước lớn trong cõi Diêm-phù-đề này có cả 7 thứ châu báu; và là người có quyền uy sang trọng nhất - nhưng cái phước ấy cũng vẫn không bằng 01 phần 16 [11] của công đức thọ bát quan trai giới một ngày và một đêm.
Đây tôi xin nhắc tích chuyện đức vua Udaya để quí vị thấy quả của bát quan trai giới.
“- Trong thời quá khứ, tại xứ Bārāṇasī, có một ông trưởng giả tên Suciparivā thích làm phước; những người trong gia đình ông, từ vợ con cho đến người ăn kẻ ở, ông đều dạy cho họ thọ trì bát quán trai giới ít lắm một tháng sáu ngày.
Khi ấy, có một người mới đến ở, người ấy làm việc rất siêng năng, không biết rằng tất cả người trong nhà ông đều thọ bát quan trai giới. Ngày nọ nhằm ngày giới, nhân công trong nhà chỉ ăn một buổi thôi. Riêng người làm công mới ấy cứ đi ra đồng làm việc như thường lệ, vì anh không biết. Trong khi ấy những người khác không đi làm, ngồi ở nhà niệm Phật, hoặc quan sát lại cái tâm của mình. Chừng anh đi làm ngoài đồng về, người làm bếp mới dọn cơm ra cho anh ăn.
Anh lấy làm lạ vì mọi khi, giờ này, người trong nhà tụ hội lại ăn uống đông vui, mà bữa nay họ đi đâu mất hết? Anh ta mới hỏi người làm bếp. Người làm bếp đáp: “Những người ấy giữ bát quan trai, nên họ về chỗ nghỉ của họ hết”. Anh ta mới nghĩ rằng: “Ta ở chung với những người có giới hạnh, vậy ta không nên để cho ta thành người không có giới hạnh”. Anh bèn không ăn cơm, vào hầu ông trưởng giả, rồi hỏi rằng: “Thưa ông, nếu tôi phát nguyện thọ bát quan trai giới giờ này, thì tôi có được phước của bát quan trai không?” Vị trưởng giả đáp: “Nếu ngươi thọ từ bây giờ thì chỉ được một nửa ngày phước thôi”. Anh ấy bèn nghĩ rằng: “Dầu phân nửa cũng được, còn hơn không có”. Rồi anh mới xin phát nguyện thọ trì. Sau khi thọ xong về chỗ nghỉ, anh ta quan sát về cái tâm của mình, giữ cái tốt và xa cái xấu - như chủ dạy bảo. Vì cả ngày làm việc vất vả, tối không có ăn gì, đến khuya, anh bị trúng gió độc. Ông trưởng giả đem thuốc và vật thực lại cho anh và bảo rằng, con hãy dùng thuốc và vật thực này đi, kẻo cơ thể không quen, nguy hiểm lắm đó!”
Anh ta thầm nghĩ: “Ta nguyện không phạm giới, khi đã phát nguyện thọ trì”. Anh mới trả lời với vị trưởng giả rằng: “Hãy cho con giữ giới cho được trong sạch, dầu chết con cũng không bỏ cuộc!”
Đến rạng đông, anh không còn sức chịu đựng nổi nên mê man. Người nhà mới cho rằng anh sắp chết, nên khiêng ra để ngoài hiên, vì người thời ấy không để người chết trong nhà.
Ngày ấy, đức vua Bārāṇasī ngự đi quanh thành để xem sự sinh sống của nhân dân. Anh làm công ấy trông thấy sự sang trọng của nhà vua, liền thầm ước muốn được như vua. Anh chết liền trong khi mơ ước như vậy, anh được sanh vào lòng hoàng hậu của đức vua - do nhờ phước quả của bát quan trai giới. Sau khi anh được sanh ra, đức vua đặt tên anh là Udaya. Khi được nối ngôi của vua cha, Udaya nhớ kiếp trước nên ráng lo tu hành tinh tấn hơn nữa”.
Khi đức Thế Tôn kể câu huyện này xong, ngài mới dạy rằng: “Này các thầy tỳ-khưu! Một khi người đã thọ bát quan trai giới, thì gọi là làm những việc lành như các bậc trí thức xưa kia đã được hưởng quả cao quý ấy”.

+ Những việc làm vô tội theo Phật dạy, tổng cộng có 10 điều sau đây:

1. Pakati [12] uposatha: Bát quan trai giới thường, nghĩa là thọ một ngày một đêm thôi.
2. Veyyāvaccakaraṇaṃ: Giúp đỡ nhau theo lẽ đạo.
3. Ārāmarupā: Cất chùa
4. Vanarupā:  Trồng cây.
5. Setukaraṇa: Làm cầu.
6. Papa [13]: Đào giếng.
7. Udapāna [14]: Để những chum nước dọc theo đường cho người bộ hành uống.
8. Upasava [15]: Làm những thảo xá dọc theo đường cho người lữ hành có chỗ dừng chân.
9. Dhammattha [16]: Bố thí tham thiền.
10. Sīlasampanna: Có giới hạnh trong sạch.

+ Làm những việc vô tội có những hạnh phúc là:

1. Gọi là người chuẩn bị sẵn sàng trước khi chết.
2. Là đại phúc.
3. Ngăn đường ác đạo.
4. Diệt được phiền não.
5. Là người hộ trì Phật giáo.
6. Là người cúng dường cao quý đến Tam Bảo bằng hành đạo
7.  Được hạnh phúc tùy theo ba-la-mật của mình đã làm.



[1] Ghi chú lại cho rõ nghĩa: Cho với tâm yêu thương, mong cho người được hạnh phúc, an vui - là cho với tâm từ. Cho với tâm bi mẫn, xót thương, muốn chia sẻ, an ủi - là cho với tâm bi.
[2] Trong kinh điển, nhiều nhất là trong Túc sanh truyện, hằng trăm câu chuyện về bố thí được làm triệu phú, công chúa, hoàng hậu, hoàng đế, Chuyển luân Thánh vương, các cõi trời - và đấy là ước mơ chung của chúng sanh. Để cho rõ ràng về nhân quả của sự bố thí, tôi sẽ liệt kê ra đây 7 loại bố thí có nhân quả khác nhau - để độc giả cùng tham khảo:
   1/- Bố thí mong cầu nhân quả - quả báo tương đương cảnh giới Tứ đại thiên vương.
   2/- Bố thí với tâm không mệt mỏi từ thiện xã hội - quả báo tương đương cõi trời Đao Lợi.
3/- Bố thí hiếu danh như đứng giữa ngã tư đường để mọi người đều hay biết - quả  báo tương đương cõi trời Dạ Ma.
4/- Bố thí với tâm cúng dường đến Tam Bảo, nghĩ đến Tăng-già, lo cho Tăng-già; và, bố thí với tâm từ, tâm bi đến chúng sanh - quả báo tương đương cõi trời Đẩu Suất.
5/- Bố thí rất nhiều nhưng với tâm hiếu lợi, hiếu danh - quả báo tương đương cõi trời Hóa lạc.
6/- Bố thí không xiết kể, ngoài hiếu lợi, hiếu danh còn ẩn bên sau thủ đoạn và  mưu đồ nữa - quả báo tương đương cõi trời Tha hóa tự tại. Vị vua cõi này  là Đại ma vương.
7/- Bố thí với tâm không dính mắc, xả ly, giải thoát là sự bố thí của bậc Thánh.
[3] Đã ghi chú là 8 vạn 4 ngàn chi pháp.
[4]  10 hồng danh là gọi quen, viết quen theo truyền thống kinh điển của Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Riêng truyền thống Nam truyền, đại biểu là Myanmar thì chỉ có 9. Tôi ghi ra đây để độc giả tiện so sánh, nghiên cứu - chứ không muốn nói  đâu đúng, đâu sai.  9 hồng danh là: 1)- Arahaṃ (A-la-hán); 2)- Sammā Sambuddho (Chánh Biến Tri hay Chánh Đẳng Giác); 3)- Vijjā-carana-sampanno (Minh Hạnh Túc); 4)- Sugato (Thiện Thệ); 5)- Lokavidū (Thế Gian Giải); 6)- Anuttaro Purisadammasārathi (Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu); 7)- Satthādevamanussānaṃ (Thiên Nhân Sư); 8)- Buddho (Phật); 9)- Bhagavā (Thế Tôn).
[5] Tôn trọng cách giải thích riêng của pháp sư.
[6] Chủ, chúa, người thống trị...
[7] Trong bài có phân làm 03 cấp, nhưng chỉ giảng 01 cấp là sơ cấp, không thấy bậc trung và bậc thượng.
[8] Ñātaka: Bà con thân quyến.
[9] Anavajja: Trong sạch, không uế nhiễm. Kamma: Nghề, nghề nuôi mạng. Vậy, Anavajjāni kammāni: Nghề nuôi mạng trong sạch, chơn chánh - tức là tránh xa 5 nghề tà mạng. Đại sư Viên Minh chuyển ý câu này là: Giữ chánh mạng trong đời!
[10]  Jāgara: thức tỉnh, minh mẫn...
[11] Đây thường là con số tượng trưng, khái quát của người Ấn xưa, chúng ta thường tìm thấy trong kinh điển - tương tợ 8 vạn 4 ngàn vậy.
[12] Pakati: Tự nhiên, thiên nhiên - ở đây có nghĩa là thông thường.
[13] Danh từ, chỉ có nghĩa là nước, nước uống.
[14] Danh từ, chỉ là cái giếng nước.
[15] Tìm thấy từ tương đương: upassaya - chỗ ở, nơi cư ngụ.

[16] Dhammattha: Sự lợi ích của pháp. Dhammaṭṭha: Người sống với hạnh kiểm chơn chánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét