Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-32-TUỲ THỜI LUẬN ĐẠO

HẠNH PHÚC XXX

Kālena dhamma-sākacchā: Tánh cách biện luận Phật pháp

theo thời. (Tùy thời đàm luận pháp)


Sự biện luận Phật pháp theo thời làm cho trí tuệ tăng trưởng, làm cho tâm được an vui trở nên thấy xa, hiểu rộng. Biện luận Phật pháp có mục đích giải cho rõ lý của Phật ngôn. Người biện luận luôn luôn không nên lấy ý kiến - chấp thủ ý kiến - của mình. Tôi không cố ý nói rằng: Ý kiến của con người là quấy, nhưng ý kiến ấy phải cho đầy đủ nhân quả, lý lẽ và hợp tình cảnh mới có thể chấp nhận được. Điều cần yếu muốn biện luận Phật pháp, trước hết ta nên bỏ lòng ngã ái tự cao, cho rằng ta đây là người thông hiểu hơn những người có mặt nơi đây. Những vị ngã mạn như thế không chịu nghe theo ý kiến hay lời nói đúng theo Phật pháp của người khác. 8 muôn 4 ngàn chi pháp của Phật lưu truyền không phải là ít, ta không nên ngã mạn khi học sơ qua ba chuyện túc sanh truyện hay ít pháp số, mà tự coi mình là bậc thông suốt lý lẽ của Phật ngôn. Khi người có tánh tự cao, ngã ái, thì không thể biện luận Phật pháp và không thể được an vui.

+ Biện luận Phật pháp có năm chi là:

1. Adiṭṭhājotasākacchā: Biện luận để hiểu thêm pháp mà mình chưa thông hiểu.
2. Diṭṭhasansandanasākacchā: Biện luận pháp để hiểu rõ thêm pháp mà mình đã hiểu rồi. Khi ấy lợi ích phát sanh đến ta.
3. Vimaticchedakasākacchā: Biện luận pháp để giải sự nghi ngờ của mình.
4. Anumatisākacchā: Biện luận pháp hầu tìm sự thật.
5. Kathetukamyatasākacchā: Biện luận pháp bằng cách vấn đáp với bạn hay tự vấn đáp với mình.
Tóm lại: Biện luận Phật pháp là nhân đem lại hạnh phúc, là dành riêng cho người muốn tìm lấy con đường giải thoát cho mình, chớ không phải tranh biện để giành được sự khen ngợi của mọi người. Nói đến biện luận Phật pháp, tôi không thể quên tích đại đức Xá-lợi-phất khi còn là người cư sĩ.
Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai người bạn rất thân, hai người đều là con trưởng của trưởng giáo bà-la-môn. Ngày nọ trong thành Vương Xá có lễ, hai người rủ nhau đi xem.
Ngày ấy là duyên lành của hai người đã đến, nên khi xem hát hai người đều có cảm tưởng rằng: Đời người không khác chi anh kép hát trong một vở tuồng, khi mang râu đội mão là vua chúa, có khi vợ chồng lại đóng làm mẹ làm cha, làm người thù nghịch, khi bỏ mão râu ra là anh kép hát. Cuộc đời thay đổi như thế có gì gọi là vui đẹp.
Hai ông liền đem ý kiến ấy ra bàn với nhau, thì họ đồng có ý kiến là tìm đường giải thoát ra ngoài vòng giả dối này. Vì duyên lành chưa đến nên hai ông chưa gặp Phật. Hai ông mới vào học đạo với ông Sañjaya. Nhờ thông minh nên hai ông học trong mấy ngày đã thông hiểu, thấu triệt toàn bộ giáo pháp của Sañjaya. Hai ông bảo nhau rằng: “Đây không phải là con đường giải thoát, vậy chúng ta chia nhau đi tìm pháp giải thoát, nếu ai tìm được phải cho nhau biết”. Rồi chia mỗi người đi một ngã.
Trong khi ấy, đức Thế Tôn đã thành đạo và đã có 61 vị đại A-la-hán. Ngài cho mỗi vị đi mỗi phương để truyền chánh pháp. Đại đức Assaji là một trong năm vị Kiều-trần-như đi về thành Vương Xá, ở Trúc Lâm tịnh xá. Sáng ngày, ngài đi khất thực, ông Xá-lợi-phất gặp được ngài và nghe ngài thuyết giảng (đoạn này đã có giải ở đoạn trước).
Sau khi nghe một câu kệ, ông Xá-lợi-phất đã đắc Tu-đà-hoàn. Ông về thuật lại cho ông Mục-kiền-liên nghe, ông Mục-kiền-liên cũng đắc Tu-đà-hoàn, nên hai ông mới định theo Phật giáo.
Hai ông có tâm kính thành thầy cũ là Sañjaya nên vào khuyên ông xuất gia theo chánh pháp. Ông Sañjaya không nghe theo và hỏi rằng: “Trong đời này người thông minh nhiều hay kẻ ngu dốt nhiều?”.
- Thưa thầy, người thông minh ít.
- Vậy hai ông là người thông minh, hãy đi theo thầy Cồ Đàm, còn người ngu dốt thì để lại cho ta.
Biết rằng không thể nào khuyên ông ta theo chánh pháp được nên hai ông về Trúc Lâm tịnh xá xuất gia theo Phật.
Tùy thời thính pháp có quả báo cao thượng không gì sánh bằng như các ngài vậy đó.

+ Biện luận Phật pháp được những hạnh phúc sau đây:

1. Là đại phước.
2. Là người rất giỏi trong việc giải đáp sự nghi ngờ cho những người khác.
3. Là người có nhiều trí nhớ và trí tuệ.
4. Được nghe và được học các pháp mà mình chưa từng nghe.
5. Pháp đã học rồi nhưng chưa hiểu làm cho ta hiểu.
6. Diệt bớt sự nghi ngờ.
7. Trở nên người chánh kiến.
8. Tâm trong sạch khi nghe pháp.
9. Là nguyên nhân cho người đắc quả cao thượng.
10. Có thể giữ được pháp học, pháp hành và pháp thành.
11. Có thể bố thí pháp được.
12. Làm cho Phật giáo được thạnh hành.
13. Giữ được dòng thánh nhơn (là bậc thông Phật pháp có thể thuyết pháp cho người đắc đạo quả được).
14. Gọi là người đi theo thánh đạo.


[1] Không rõ “phương ngôn”này nằm ở đâu!
[2] Sự tha thứ, sự kiên nhẫn.
[3] Tapa: Sự khổ cực, tu khổ hạnh.
[4] Cũng tương tợ các chú thích 100, 101 và các chú thích khác - lời giải của pháp sư không chính xác ngữ nghĩa đã nêu - chỉ có tính cách giảng rộng.
[5] Pháp cú 399: Người không tức giận bao giờ. Trước lời phỉ báng - lặng tờ, nín thinh. Dẫu cho roi trượng phạt hình. Lấy đức nhẫn nại làm binh hộ phòng. Tâm từ rải khắp hư không.. Những kẻ như vậy xứng dòng bla-môn!
[6]  Không biết 3 điều an lạc gì? Có lẽ là người, trời và Niết-bàn!
[7] Dịch thơ PC 264, 265: Cái đầu trọc lóc phải chăng? Dối trá, vô hạnh gọi rằng sa-môn? Gỡ bao nhơ bợn tâm hồn. Tỳ-khưu trí hạnh chánh chơn mới là (sa-môn).
[8] Tapa: Tự chủ; sự khổ cực, tu khổ hạnh, về luân lý, hạnh kiểm.
[9] Anusāsana: Sự chỉ bảo, nhăc nhở, lời dạy, chỉ thị.
[10] Savaṇa: Sự nghe, lỗ tai.
[11] Sati - xem lại chú thích 89.
[12] Trạch pháp giác chi: Chọn, lựa, phân biệt.
[13] Pīti: hỷ, phỉ - chứ không phải lạc; lạc nó nằm nơi an lạc.
[14] Passaddhi: An tịnh, an lạc.
[15] Thất giác chi theo cách giải thích của pháp sư có lẽ để dành cho đại chúng có khái niệm khái quát. Ta có thể hiểu rộng và sâu hơn một tí. Có 3 cách giả thích:
- Thất giác chi theo kinh điển, nếu giải thích theo từng chi phần thì như sau: 1- Niệm: Chú tâm đến đối tượng. 2- Trạch pháp: Phân tích, lựa chọn đối tượng ấy (thiện hay ác). 3- Tấn: Là tứ chánh cần (nỗ lực ly ác, dưỡng thiện). 4- Hỷ: Hỷ này là Pīti, tức là phỉ. (Sau khi ly ác, dưỡng thiện sẽ có một cảm giác khinh an, thư thái, dễ chịu lan tỏa trên thân - 5 pīti). 5- An: Đây là cảm giác an lạc, an tịnh tràn đầy sung mãn cả thân tâm. 6- Định: Đây là định của định hay định của tuệ - tùy thuộc thiền định hay thiền quán. 7- Xả: Nếu thiền định thì định xả, nếu thiền tuệ thì tuệ xả.
- Thất giác chi nếu hiểu là những pháp có sẵn trong tâm của bậc giác ngộ - thì 7 chi phần: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả - luôn luôn có sẵn trong và tâm vị ấy. Ví dụ, khi nhìn ngắm một đối tượng (thiền tuệ), vị ấy có niệm, sau đó là  trạch pháp. Sau trạch pháp liền có tấn. Sau tấn sẽ có hỷ, an, định (định của tuệ) và xả. Đây là một tiến trình tâm sẽ diễn ra trong tâm của bậc giác ngộ.
- Thất giác chi nếu hiểu là có thể tu tập từng chi phần thì nên lưu ý: Niệm, trạch pháp, tấn có thể tu tập như một pháp môn, như một đối tượng riêng biệt. Nhưng hỷ và an không thể tu tập vì nó là quả chứ không phải nhân. Ở đây, khi niệm, trạch pháp, tấn đúng mức, thuần thục thì sẽ có hỷ và an. Tương tợ vậy, trong thiền định, khi tầm tứ đúng mức, thuần thục - sẽ phát sanh hỷ và an; sau an lạc thâm sâu sẽ có định: Cận hành định và an chỉ định. Lên đến tứ thiền thì chỉ còn định và xả. Các bậc thánh nhân có định tuệ thâm sâu, vô lậu tâm, vô lậu trí, lúc giáo tiếp, ứng xử, nhìn ngắm các pháp - họ luôn có tiến trình tâm với 7 yếu tố giác ngộ này nên gọi là thất giác chi hay thất bồ-đề phần. (Họ luôn hưởng hạnh phúc của lạc, định, xả).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét