Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-31-ĐƯỢC GẶP BẬC CHÂN TU

HẠNH PHÚC XXIX

Samaṇānañca dassanam: Nết hạnh được thấy, được gặp các bậc sa-môn

(Yết kiến bậc sa-môn)

Vấn đề sa-môn xin giảng về ba điểm:
1. Người thế nào được gọi là sa-môn?
2. Thế nào là được thấy, được gặp các bậc sa-môn?
3. Được thấy, được gặp các bậc sa-môn thì sẽ được những lợi lạc gì?
Phạn ngữ samaṇa người ta thường dịch âm là sa-môn có nghĩa là thanh tịnh hay trong sạch. Thầy sa-môn là người xa thập ác, không làm hại người hay vật, không ganh tị, là người có thân, khẩu, ý trọn lành.
Tóm lại, sa-môn nghĩa là người không còn phiền não, hay phiền não đã vắng lặng rồi.
Thầy sa-môn là người hay quán tưởng, quán minh để thấy rõ chân lý, là người đang hành trình trên con đường của các bậc thánh nhơn.
Những người tự xưng mình là sa-môn nhưng không có
những pháp của vị sa-môn, những người ấy ví như kẻ cướp rất lợi hại mà nhà chức trách không thể tìm ra tung tích để truy bắt được. Vì tướng cướp ấy không có khí giới trong tay mà chỉ có lớp áo tu bên ngoài, họ ẩn trốn trong tăng chúng.
Nơi đây tôi xin đem mấy câu Phật ngôn dạy trong kinh Pháp cú hầu quí vị làm tài liệu:
“- Na muṇḍakena samaṇo
abbato alikaṃ bhaṇaṃ
Icchālobha samāpanno
samaṇo kiṃ bhavissati”. (PC 264)
Nghĩa là: Không phải do nơi cái đầu cạo trọc mà người không giới hạnh, người vọng ngữ trở thành sa-môn. Làm thế nào một người đầy tham vọng trần tục và đắm chìm trong ái luyến lại có thể trở thành sa-môn?
Lại có câu:
“- Yo ca sameti pāpāni
aṇuṃ thūlāni sabbaso
Samitattā hi pāpānaṃ
samaṇo ti pavuccati”. (PC 265)
Nghĩa là: Người đã trọn vẹn khắc phục các hành động ác lớn nhỏ, người ấy xứng đáng được gọi là sa-môn vì họ đã vượt khỏi mọi điều ác [7].

+ Đây là pháp để chúng ta nhận định vị sa-môn:

1. Upasametikileso: Các phiền não trong lòng đều đã được vắng lặng.
2. Bhavitvākāyavacīcittappañño: Thân khẩu, ý và trí tuệ đã được tiến hoá.
3. Uttamasamathasamannāgato: Có sự nhắc nhở mình rất hoàn toàn.

+ Bậc sa-môn thường có những thái độ và hành động sau đây:

1. Không làm hại nhân, vật nào cả. Nghĩa là, nếu có làm hại một nhân, một vật nào hay xúi giục kẻ khác làm hại, thì người ấy không gọi là sa-môn. Sa-môn là người đã diệt bỏ sự giết hại nhau, và ngay cả những nói hơi khiếm nhã họ cũng không bao giờ dùng đến.
2. Không vì tư lợi. Bậc sa-môn tự thấy, nếu còn sống ngày nào thì dùng thì giờ ấy để lo tu hành hầu mau giải thoát thôi, không hề làm việc gì ngoài việc tu học. Bậc sa-môn không hề làm gì, nói gì đến sự lợi lộc cho mình, ít nhất là sự mơ ước tư lợi cho mình cũng không bao giờ nghĩ đến, và nếu có thì cố gắng diệt trừ.
3. Hành theo pháp sa-môn. Bậc sa-môn là người xa hẳn thế tục nên không có phận sự gì có dính dáng đến thế tục, chỉ có phận sự là dạy mình, nghĩa là luôn luôn lánh xa phiền não, cũng như người thợ vàng luôn tìm cách lọc lấy vàng nguyên chất, vứt bỏ cặn bã dơ trong vàng.
4. Hành theo pháp Tapa. [8] Tapa nghĩa là lửa hay là nóng, ý nói rằng thầy sa-môn luôn luôn lo diệt trừ phiền não bằng các phương pháp như trì giới, nhẫn nại, tham thiền minh sát tuệ.
Từ sa-môn xét theo nghĩa thanh tịnh thì có 3 thanh tịnh sau đây:
- Thân thanh tịnh không lẫn phiền não như đánh đập hay giết hại người hay thú. Bậc sa-môn ở nơi nào, không bao giờ làm hại nơi ấy, khi đứng dưới bóng cây cũng không làm rụng một lá cây. Đức Thế Tôn đã có lần khen đức Mục-kiền-liên rằng: Ngài là bậc có thần thông mà không bao giờ làm phiền lòng một chúng sanh nào cả.
- Khẩu thanh tịnh nghĩa là không bao giờ phạm vào một tiếng nói vô ích, dối trá, thêu dệt hay ác khẩu.
- Tâm thanh tịnh nghĩa là tâm đi ngoài vòng tội lỗi, nghĩa là không để phiền não xâm nhập vào và nếu chưa đắc quả
cao thượng thì thường nỗ lực diệt trừ phiền não bên trong.
Phật ngôn còn dạy thêm để cho ta nhận biết thế nào là một bậc sa-môn: Người nào biết nhẫn nại với sự đói khát, luôn dạy mình hành theo pháp tapa (pháp nóng) biết tiết độ về vật thực và không vì miếng ăn mà làm tội thì Như Lai gọi người ấy là sa-môn.
Vậy, người nào có đủ bốn pháp trên mới gọi là sa-môn. Còn những từ như xuất gia  tỳ-khưuthì chúng có những ý nghĩa như thế nào?
Xuất gia là tiếng nói chung, chỉ các bậc trí thức trông thấy người còn có gia đình là còn khổ, nên dứt bỏ gia đình hoặc thọ bát quan trai ở trong rừng làm đạo sĩ, hay thọ thập giới, cũng ở trong rừng làm đạo sĩ để hành một hạnh nào theo ý của mình - thì đều gọi là xuất gia.
Tỳ-khưu, là âm từ phạn ngữ bhikkhu, nghĩa là khất sĩ, hay nói cho dễ hiểu hơn là xin ăn, nhưng là xin ăn cao thượng, xin ăn, nuôi mạng để thực hành theo pháp cao thượng. Nó còn có nghĩa cao hơn, là người diệt trừ phiền não. Danh từ tỳ-khưu chỉ có trong Phật giáo - là người xuất gia tu tập theo phạm hạnh, phải hành theo Tứ thanh tịnh giới (Xin xem luật xuất gia của đại đức Hộ Tông).
Chú giải có dạy rằng, nếu được gặp các bậc sa-môn thì nên:
1. Upasaṅkamanaṃ: Đến gần, ý nói đến hầu để học hỏi
pháp giải thoát, ngoài ra nên giúp đỡ các ngài những gì mà chúng ta có thể làm được.
2. Upatthānaṃ: Cúng dường tứ vật dụng đến các ngài
3. Anusāsanaṃ [9]: Nhớ đến các ngài, ý nói nhớ đến công đức của những bậc thầy đã dạy ta và cả những pháp cao thượng mà mình đã thọ trì.
4. Savaṇaṃ [10]: Nghe lời dạy bảo của các ngài, không dám dễ duôi, phóng dật.
5. Dassanaṃ: Thấy, gặp, ý nói thấy và gặp bằng nhục nhãn khiến phát tâm trong sạch. Phát tâm như vậy vẫn được quả báo như trong sự tích sau đây:
 “- Ngày nọ, đức Thế Tôn ngự đến hang Indasalā, có một con chim cu đang đậu bên vệ đường, trông thấy ngài có hào quang sáng ngời, nó liền phát tâm trong sạch. Đến sáng ngày đức Thế Tôn ngự đi khất thực, con chim cu lại bay theo, vì nó cảm thấy hoan hỷ được trông thấy tướng hảo quang minh xán lạn của ngài. Ngày khác, chim cu thấy đức Thế Tôn ngự đi, có chư tăng theo hầu, mỗi vị đều có lục căn thu thúc thanh tịnh càng làm cho nó thích thú, hoan hỷ không thể tả được. Chim cu phát tâm kính thành và rất trong sạch, không còn biết làm sao để tỏ lòng, liền bay xuống đứng giữa đường đi, hai cánh chấp lên, đầu cúi xuống tỏ vẻ đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Phật  thấy vậy biết thành ý của chim cu nên ngài mỉm cười và bảo Ānanda rằng: “Nầy Ānanda! Chú chim cu này có tâm trong sạch với Như Lai và chư tăng - là những bậc có đức hạnh cao thượng - hết kiếp này được sanh về cõi trời và về sau, sẽ đắc quả Độc Giác Phật, tên là Somanassa. Phước quả này mà có được thế là do nguyên nhân được thấy, được gặp các bậc sa-môn và phát tâm kính thành, trong sạch. » 
Trong bộ kinh Bojjhaṅgasamyutta, đức Thế Tôn có dạy rằng:
“- Này các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu nào có giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến đầy đủ - nếu trên thế gian nầy, ai được gặp, được thấy các vị ấy, được hầu cận các vị ấy, được nghe lời giáo giới, tu học hoặc xuất gia với các vị ấy - thì sẽ thâu hái được những lợi ích vĩ đại.
Tại sao vậy? Vì khi người được nghe pháp của các vị ấy, thọ trì pháp của vị ấy  thì thân sẽ xa lánh điều ác và khẩu cũng xa lánh điều ác và rồi thân khẩu sẽ thanh tịnh.
Khi thân và khẩu thanh tịnh thì tâm ý hằng nhớ đến các thiện pháp, suy nghĩ các thiện pháp và hằng niệm tưởng các thiện pháp - được gọi là Satisambojjhaṅga: Niệm giác chi - nghĩa là nhờ sự niệm (nhớ)  [11] ấy mà giác ngộ. Niệm đây có ý nói là niệm tứ niệm xứ.
Một khi được có trí nhớ đầy đủ rồi, thì có trí tuệ thông hiểu các pháp, khi có trí tuệ thông hiểu các pháp ráo rốt thì đắc được Dhammavicayasambojjhaṅga [12]: Trạch pháp giác chi nghĩa là sự suy nghĩ mà giác ngộ.
Khi cố gắng suy nghĩ các pháp được chu đáo thì đắc được Viriyasambojjhaga: Tinh tấn giác chi, nghĩa là nhờ sự tinh tấn mà giác ngộ. Khi sự cố gắng tinh tấn được hoàn toàn rồi, thì đắc được hỷ lạc. Đây không phải là hỷ lạc của tình dục, hỷ lạc này sanh lên do sự tinh tấn, gọi là Pītisambojjhaṅga [13]: Hỉ giác chi nghĩa là hỷ lạc, là nhân giác ngộ.
Khi thầy tỳ-khưu cố gắng hành thêm nữa thì tâm sẽ được thanh tịnh. Khi tâm được thanh tịnh thì phát sanh Passaddhisambojjahaṅga [14]: An tịnh giác chi, nghĩa là tâm an tịnh là nhân giác ngộ phát sanh.
Khi thân, tâm được trong sạch an vui triệt để, chừng ấy sẽ phát sanh Samādhisambojjhaṅga: Định giác chi, nghĩa là sự an trụ của tâm là nhân sanh giác ngộ.
Này các thầy tỳ-khưu, khi mà tâm được hoàn toàn an trụ thì sẽ phát sanh Upekkhāsambojjhaṅga: Xả giác chi, nghĩa là sự bỏ hết mọi việc còn có tánh cách luân hồi trong tam giới; là nhân giác ngộ phát sanh [15].
Theo bài kinh Sampannasīlasutta trong Pathamavagga, đức Phật có dạy rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Được thấy, được gặp các vị tỳ-khưu ấy, được hầu cận các vị tỳ-khưu ấy, được ngồi gần các vị tỳ-khưu ấy, được xuất gia theo các thầy tỳ-khưu ấy, Như Lai gọi là được rất nhiều sự lợi ích. Tại sao vậy? Vì khi thân thiện, vào hầu, vào ngồi gần các vị tỳ-khưu có đức hạnh thanh cao ấy - thì làm cho giới đức của ta chưa trong sạch trở nên trong sạch, thiền định chưa thâm sâu trở nên thâm sâu, trí tuệ chưa viên mãn sẽ được viên mãn, giải thoát chưa hoàn toàn lại được hoàn toàn, giải thoát tri kiến chưa rốt ráo lại trở nên rốt ráo”.
Theo những lời giảng giải trên, ta hiểu: Được gặp, được thấy các bậc sa-môn như vậy mới cao thượng, mới gọi là nết hạnh được thấy, được gặp các bậc sa-môn. Được thấy và được gặp các bậc sa-môn bằng tuệ nhãn như vậy mới hoàn toàn cao thượng và tuyệt đối.

+ Thấy bằng tuệ nhãn có sáu điều thù thắng:

1. Thấy rõ thánh pháp của các bậc thánh nhơn là: Dùng minh sát tuệ để thấy thập nhị duyên khởi và đạo quả.
2. Thấy rõ đặc ân của thánh pháp là giới, định, tuệ và đạo quả.
3. Đạt được các pháp mà các bậc thánh nhân đã đắc: Định tuệ và đạo quả.
4. Đã thành thánh nhơn bởi hành minh sát tuệ thuần thục.
5. Thấy biết rõ sự thật của Niết-bàn.
6. Đắc được lục thông.

+ Được thấy, được gặp các bậc sa-môn sẽ được những hạnh phúc là:

1. Được làm phước thiện
2. Thất bồ-đề phần phát sanh.
3. Được xuất gia theo các ngài.
5. Mắt không bị mây mù vô minh che ám.
6. Không phóng dật, dễ duôi.
7. Được cúng dường Tam Bảo.
8. Giải thoát khỏi phiền não.
9. Được đến nơi vô sanh bất diệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét