Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-34-THỰC HÀNH TU TẬP

HẠNH PHÚC XXXII

Brāhmacariya: Hành phạm hạnh


Hành phạm hạnh là hành theo pháp cao thượng, nghĩa là hành theo các pháp mà các bậc trí thức hằng ngợi khen như giới, định, tuệ.
Hành phạm hạnh còn có nghĩa là hành theo pháp Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỉ, xả.
Người hành theo phạm hạnh muốn sanh về cõi phạm thiên, ít nhứt phải đắc sơ thiền.
Hành theo phạm hạnh là sửa chữa mình trở nên người trong sạch; thân, khẩu, ý xa lìa các tội ác, mặc dầu các tội ác ấy rất nhỏ, cũng không làm.
Hành theo phạm hạnh là vâng giữ theo lời Phật dạy không dám phóng dật, dễ duôi.
Quý vị xem đến đây, hạnh phúc thứ 32, chắc quí vị đã nhận ra, mỗi hạnh phúc là một pháp mà người muốn được hạnh phúc phải vâng giữ thực hành theo, chớ không có thần thánh nào ban bố cho ta những hạnh phúc ấy cả. Và chắc quí vị cũng thấy rằng: Phật giáo không thần thánh hóa con đường hạnh phúc. Vậy, 38 điều hạnh phúc này sẽ đi theo tuần tự, thứ lớp. Muốn đạt hạnh phúc giải thoát rốt ráo, ta phải biết vâng giữ thực hành theo từng hạnh phúc một.
Chú giải kinh hạnh phúc có dạy rằng: Các bậc trí thức thường có chánh kiến, họ thực hành theo hạnh cao thượng. Hành động cao thượng ấy gọi là brāhmacariya, nghĩa là phạm hạnh - vì những hành động ấy không có lẫn ác pháp, trái lại làm cho lòng từ bi tăng trưởng.

+ Trong bộ chú giải kinh hạnh phúc, đại đức Sirimaṅgala có dạy rằng: Phạm hạnh có mười điều:

1. Dāna: Bố thí
2. Veyyāvacca: Sự cố gắng giúp đỡ người khác trong các việc phước thiện.
3. Pañcasīla: Thọ trì ngũ giới.
4. Appamāṇa [12]: Niệm tứ vô lượng tâm.
5. Methunavirati: Xa lánh, kiêng cử dâm dục.
6. Sadārasantusa: Sự tri túc đối vợ nhà (không ngoại tình)
7. Viriya: Sự tinh tấn.
8. Uposatha: Thọ bát quan trai giới.
9. Ariyamagga: Thánh đạo.
10. Sāsana: Lời giáo huấn của đức Thế Tôn.
(1)- Bố thí là phạm hạnh: Trong túc sanh truyện có nói tiền thân của đức Thích-ca là một vị trí thức tên Vidhura, đối thoại với Long vương. Chuyện như sau:
“- Biết được Vidhura là người có đức hạnh nên Long vương Varuna cho người mời đến thủy cung chơi. Trông thấy sự cao sang của Long vương, ngài mới hỏi:
- Tâu Đại vương! Ngài có nhiều oai lực, sức mạnh, hào quang chiếu rất sáng, vậy là nhờ quả của nghiệp chi?
Long vương đáp:
- Chúng tôi, trẫm và hoàng hậu, khi sanh làm người, là người có đức tin, làm chủ sự bố thí; nhà của trẫm ví như giếng nước giữa ngã tư đường, là nơi cung phụng vật thực đầy đủ cho sa-môn, bà-la-môn một cách thường xuyên, bốn mùa, tám tiết không mệt mỏi.
Khi ở trong cõi người, trẫm và hoàng hậu hết lòng thành kính cúng dường những tràng hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ ngủ,  nhứt là nệm chiếu, chỗ cư ngụ (nhà) y phục, cơm nước, thuốc men... Sự bố thí ấy là phạm hạnh của trẫm và hoàng hậu. Tất cả những gì có được trong cõi nầy đều nhờ quả phạm hạnh của trẫm và hoàng hậu đã tạo ra”.
Theo lời của vị Long vương nói trên đây, bố thí là một phạm hạnh. Bố thí là nguyên nhân phát khởi làm cho ta có tác ý lành, có thể đem của cải ra cho người khác.
Người muốn cho phước báo của sự bố thí được hoàn toàn
trong sạch phải có đủ nguyên nhân. Trong Tam tạng, bộ Anguttaranikāya, lúc đức Thế Tôn ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Thất La Phiệt [13], có một bà tín nữ bố thí đúng theo 6 pháp đến chư tăng, trong ấy có đại đức Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Đức Thế Tôn trông thấy bằng tuệ nhãn, nên ngài gọi các thầy tỳ-khưu đến dạy rằng:
 - Nầy các thầy tỳ-khưu! Cô tín nữ có tâm trong sạch, tên là Velukandakinandamātā đang bố thí đúng chánh pháp, có đầy đủ 6 chi phần. 6 chi phần ấy là gì? Là người thí chủ phải có 3 chi, và người thọ của bố thí phải có 3 chi.

+ Ba chi của thí chủ là:

1. Thí chủ phải có tâm trong sạch trước khi bố thí.
2. Lúc đang bố thí tâm cũng phải trong sạch.
3. Khi bố thí xong cũng làm cho tâm trong sạch.

+ Ba chi của người thọ lãnh là:

1. Người thọ lãnh không còn tham ái hoặc đang trên lộ trình thực hành để diệt trừ lòng tham ái.
2. Không còn sân hận hoặc đang trên lộ trình tu tập để diệt trừ sân hận.
3. Không còn si mê hoặc đang trên lộ trình tu tập để diệt trừ si mê.

+ Người bố thí được quả báo là:

1. Dānaṃ saggasopānaṃ: Bố thí là cái thang để đi đến cõi người, trời.
2. Dānaṃ āpāyassa channaṃ (?): Bố thí che được bốn đường ác, nghĩa là nhờ bố thí mà khỏi sanh vào ác đạo.
3. Dānaṃ sahāyasambhūtaṃ: Bố thí là người bạn đường ngày vị lai.
4. Pātheyya muttānaṃ (?): Bố thí là tư lương (vật thực riêng), rất cần yếu của người đi đường xa (là luân hồi).
5. Mokkhappathavanaṃ: Bố thí là con đường đi đến Niết-bàn.
(2)- Giúp đỡ người khác là phạm hạnh: Bộ chú giải hạnh phúc kinh có dạy tiếng Veyyavacca nghĩa là ráng tìm kiếm giúp đỡ người trưởng thượng hay người có ơn hoặc các bậc xuất gia như sa-môn, tỳ-khưu, bà-la-môn, những gì mà các ngài cần ta giúp đỡ.
(3)- Thọ trì ngũ giới là phạm hạnh: Ngũ giới là 5 điều luật. Chẳng phải khi Phật thành đạo mới có 5 điều luật ấy, sự thật 5 điều này đã có từ trước, nó như là một đạo lý phổ thông. Nếu trong thế gian nầy, con người không thọ trì ngũ giới thì thế giới không tồn tại được vì nạn giết hại nhau, trộm cắp của nhau, tà hạnh lẫn nhau...  thì quả là đảo điên và thống khổ.
Ngũ giới là một trong phạm hạnh. Nhờ có ngũ giới nên chúng sanh được an vui, trong Anguttaranikāya đức Thế Tôn có dạy: Người trong đời nầy, kẻ nào không sát sanh, không trộm của người, không tà dâm, không nói lời dối vạy, không uống chất say, kẻ ấy gọi là người dứt được năm nghiệp chướng. Bậc thiện trí thức gọi là người có giới đức, người có trí, sau khi quá vãng được sanh về cõi người và trời.
Theo câu Phật ngôn thì ngũ giới là nhân đưa ta đến cõi người và trời, được hạnh phúc và an vui.
Trong bài kinh Mahāparinibbāna bộ Dīghanikāya, đức Thế Tôn có dạy cho Gahapati rằng: Người có giới đức, giới hạnh trong sạch được 5 quả báo là:
1. Sẽ được nhiều tài sản quí báu do không phóng dật, dễ duôi.
2. Sẽ được danh thơm, tiếng tốt lan truyền đi khắp các nơi.
3. Khi hội họp với vua, chúa, bà-la-môn hoặc đi đến bất cứ một hội chúng nào cũng không rụt rè, sợ sệt; luôn với sắc mặt tươi tỉnh, đoan nghiêm làm cho người khác phải nể trọng!
4. Lúc lâm chung, tâm trí người ấy không lú lẩn, không mê loạn, không si mê; giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, an định và mát mẻ.
5. Sau khi từ bỏ thân này sẽ được sanh về cõi người và trời do phước báu hỗ trợ.
Vậy cho nên ngũ giới đã giải trên được gọi là phạm hạnh.
(4)- Tứ vô lượng tâm là phạm hạnh: Trong bài kinh Mahāgovinda bộ Dīghanikāya, có thuật lại một câu chuyện như sau:
“- Thuở nọ, đức Thế Tôn ngụ tại núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu), gần thành Vương Xá, khi ấy có vị Càn-thát-bà tên Pañcasikhā từ cõi trời đến hầu đức Thế Tôn giữa đêm thanh vắng. Ông Pañcasikhā mới thưa bạch với đức Phật rằng:
 -Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có nghe phạm thiên Samanakumāra kể với chư thiên rằng: Có thầy bà-la-môn  Mahāgovinda là một trong 7 vị đại thần của vua Renura, đã từ bỏ danh vọng, sự nghiệp xuất gia làm đạo sĩ. Sau đó có nhiều người xuất gia theo làm đệ tử ông, phần đông đều là dòng hoàng tộc. Thầy bà-la-môn Mahāgovinda tu tập thiền định, đắc tứ vô lượng tâm. Ngài thường giảng giải giáo pháp cho hàng đệ tử. Vị nào vâng giữ thực hành theo lời dạy bảo ấy một cách nhiệt tâm, tinh cần thì được hóa sanh về cõi phạm thiên. Số còn lại, ít nhất là được sanh về cõi trời dục giới. Vậy, sự xuất gia của người ấy được kết quả tốt lành tùy theo phạm hạnh của mình. Đức Thế Tôn có nghe biết chuyện ấy không và có xác chứng điều ấy là sự thực chăng?
Đức Phật mỉm cười:
- Nầy Pañcasikhā! Như Lai biết rõ chuyện ấy lắm! Và Như Lai xác chứng điều ấy là sự thực. Tại sao vậy? Vì bà-la-môn Mahāgovinda ấy là tiền thân của Như Lai.
Tuy nhiên, nầy Pañcasikhā! Những phạm hạnh ấy không phải là pháp hành để thoát khỏi luân hồi, không phải thực hành mà có thể xa lìa dục vọng trong luân hồi, không phải thực hành mà có thể hiểu rõ luân hồi, không phải thực hành để thức tỉnh khỏi luân hồi, không phải thực hành hầu đạt đến Niết-bàn. Tất cả sự thực hành như thế chỉ đưa đến cõi phạm thiên là cùng.
Nầy Pañcasikhā! Thực sự thực hành phạm hạnh phải là bát chánh đạo. Tu tập theo bát chánh đạo mới là con đường diệt tận khổ ưu, chánh trí, giải thoát, Niết-bàn!”
Trong cuộc đối thoại trên đây, đức Thế Tôn đã phương tiện dạy tứ vô lượng tâm là phạm hạnh. Tứ vô lượng tâm chính là từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng và xả vô lượng.
1. Sự dứt bỏ oán thù là quả của từ tâm
2. Sự dứt bỏ điều làm hại người là quả của tâm bi
3. Sự dứt bỏ điều bực tức do trái ý hoặc không vừa lòng là quả của tâm hỉ.
4. Sự tiêu diệt tham ái là quả của tâm xả [14].
Hơn nữa tâm từ là phương pháp làm cho con người không oán thù; tâm bi là phương pháp làm cho người không có sự làm hại kẻ khác; tâm hỷ là phương pháp làm cho người không bực tức; tâm xả là phương pháp làm cho người dứt được lòng tham ái và thiên chấp.

+ Người muốn rải lòng từ, bi, hỉ, xả phải có những phương pháp là:

1. Anodhiso pharaṇa: Rải không phân biệt nam nữ.
2. Odhiso pharaṇa: Rải còn phân biệt nam nữ.
3. Disāpharaṇa: Rải cùng phương hướng.
(1)- Phương pháp rải không phân biệt nam nữ, có năm pháp:
a. Sabba sattā averā abyāpajjhā anīghā sukhī attānaṃ parihārantu: Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
b. Sabbe pāṇa averā: Tất cả loài có thức tánh... đừng cột oan trái nhau, đứng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
c. Sabbe bhūtā averā: Tất cả hàng phu-ta (hạng đã sanh)... đừng có cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
d. Sabbe puggalā averā: Tất cả puggala (người)... đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình được an vui.
đ. Sabbe attabhāvapariyapannā: Tất cả atta-bhāva (tất cả những người còn sống) đừng cột oan trái với nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình được an vui.

+ Dưới đây tôi xin chú giải những pháp nói trên.

- Satta (chúng sanh): Nghĩa là người còn dính, ý nói người còn ham mê tình dục, là người còn phiền não, còn dính trong luân hồi.
- Pāṇa: Nghĩa là hạng còn sống bằng hơi thở ra vào.
- Bhūta: Nghĩa là người sang giàu trong cảnh giới.
- Puggala: Nghĩa là người ta.
- Attabhāva: Nghĩa là thuộc hạng có thức tánh, hay biết rằng có thân nầy.
Năm hạng trên chỉ khác nhau trong danh từ, nhưng chung qui đều là chúng sanh.
(2)- Rải còn phân biệt nam nữ, có 7 pháp:
a. Sabbe atthiyo averā abyāpajjhā anīghā sukhī attānaṃ parihārantu: Tất cả hàng phụ nữ đừng cột oan trái với nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, đừng làm hại nhau, hãy giữ mình cho được an vui.
b. Sabbe purisā averā... Tất cả người nam đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau...
c. Sabbe ariya averā... Tất cả các bậc thánh nhơn không bao giờ cột oan trái nhau... ( Sự thật thì các bậc thánh nhơn không bao giờ cột oan trái với nhau - nhưng đây là bài kinh kể cho đủ các hạng người mà thôi).
d.  Sabbe anariya averā... Tất cả các bậc không phải thánh nhơn (phàm) đừng cột oan trái với nhau.
đ. Sabbe devā averā... Tất cả chư thiên đừng cột oan trái nhau.
ê. Sabbe vinipātikā averā... Tất cả hạng sanh vào ác đạo dừng cột oan trái nhau...
(3)- Rải đi khắp các hướng, có mười pháp:
a. Sabbe puratthimāya disāya averā, abyāpajjhā, anīghā sukhī attānaṃ parihārantu: Tất cả chúng sanh ở hướng Đông xin đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.
b. Sabbe pacchimāya disāya sattā averā... Tất cả chúng sanh ở hướng Tây...
c. Sabbe uttara disāya sattā averā... Tất cả chúng sanh ở hướng Bắc...
d. Sabbe dakkhiṇā disāya... Tất cả chúng sanh ở hướng Nam.
đ. Sabbe puratthimāya anudisāya sattā averā...Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Nam...
e. Sabbe dakkhiṇā anudisāya sattā... Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Bắc...
ê. Sabbe pachimāya anudisāya sattā averā... Tất cả chúng
sanh ở hướng Tây Nam...
g. Sabbe uttarāya anudisāya sattā averā...Tất cả chúng sanh ở hướng dưới...
i. Sabbe uparimāya disāya sattā averā... Tất cả chúng sanh ở hướng trên...

+ Cách rải lòng bi, hỉ, xả cũng như rải lòng từ vậy.

1. Tâm từ: Sabbe sattā averā hontu: Tất cả chúng sanh không nên cột oan trái nhau.
2. Tâm bi: Sabbe sattā dukkhā pamuñcantu: Tất cả chúng anh khỏi khổ.
3. Tâm hỉ: Sabbe sattā laddhasampattito māvigacchantu: Tất cả chúng sanh đừng bị hư hoại tài sản là sự an vui thạnh lợi của mình.
4. Tâm xả: Sabbe sattā kammassaka kamma dāyāda: Tất cả chúng sanh có nghiệp của mình, nghiệp là sản nghiệp của mình (phải thâu nhận không thể từ chối được).
Theo những lời giảng của những bậc trí thức thì người muốn rải lòng từ phải nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh làm đề mục. Đề mục của tâm bi là khi thấy chúng sanh đau khổ mà thương hại. Đề mục của tâm hỉ là nghĩ đến của cải mà người ta đã được để vui theo, chớ không ganh tỵ.
Đề mục của xả là khi thấy chúng sanh được vui hay bị khổ đều nghĩ rằng: Đây là do nơi quả của nghiệp mà họ tạo ra từ kiếp trước nên không bi quan hay vui mừng.
(5)- Sự tránh xa điều dâm dục là phạm hạnh: Tại sao lại xa tránh dâm dục? Vì pháp nầy là pháp của người còn ham mê trong vòng luân hồi của người thế tục, không phải của các bậc xuất gia. Người giết hại nhau một phần cũng vì còn lẫn với pháp bất hảo ấy - nên người xa lánh dâm dục là người hành phạm hạnh.
(6)- Sự biết tri túc với vợ nhà là phạm hạnh: Nghĩa là người đã có vợ chỉ biết thương yêu vợ nhà mà thôi, không tư tình với kẻ khác; phụ nữ cũng biết yêu thương chồng thôi không ngoại tình. Rất nhiều gia đình vì thiếu pháp nầy nên bị xáo trộn nếu không nói là tan vỡ. Vậy, biết tri túc trong tình dục là phạm hạnh đem an lành đến cho gia đình mình và người.
(7)- Sự tinh tấn là phạm hạnh: Nghĩa là không bỏ qua việc lành. Đây xin nhắc lại Phật ngôn để làm tài liệu.
a. Idha bhikkhave bhikkhunākamma kattabbaṃ hoti: Nầy các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu trong Phật giáo, khi nào có phận sự cần phải làm không thể bỏ qua được, thầy tỳ-khưu ấy nghĩ rằng - thế nào ta cũng làm chuyện nầy. Khi ta làm xong rồi chưa chắc ta đủ thì giờ hành đạo được, vậy nên ta phải cố gắng hành tinh tấn trước, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ-khưu ấy liền cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng.
b. Punacaparaṃ bhikkhave... Nầy các thầy tỳ-khưu! Một lẽ nữa, khi thầy tỳ-khưu làm xong việc, mới nghĩ rằng: Ta đã làm việc ấy xong, trong khi ta làm, ta không cố gắng hành đạo. Vậy, bây giờ ta phải cố gắng hành, để được đặc ân mà ta chưa được. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng.
c. Punacaparaṃ bhikkhave... Thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: Thế nào ta cũng phải đi xa, nhưng trong khi đi, ta không thể hành đạo được đầy đủ. Vậy trước hết ta phải cố gắng hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thế là thầy ấy cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân thứ ba của sự phát sanh sự siêng năng.
d. Punacaparaṃ bhikkhave... Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: Ta đã đi đường xong rồi, trong khi đi, ta không thể chủ ý hành phận sự được. Vậy ta nên chủ ý cố tinh tấn hành đạo, hầu được đặc ân mà ta chưa được, thầy tỳ-khưu ấy cố hành. Đây là nguyên nhân thứ tư làm cho phát sanh sự siêng năng.
đ. Punacaparaṃ bhikkhave... Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu vào xóm khất thực, không được vật thực nào dầu là một vá canh, một muỗng cơm; vị ấy bèn nghĩ rằng: Nhờ khất thực không được gì, thân ta lại được thư thái, nhẹ nhàng rất có lợi cho việc thiền tập; vậy ta phải tinh tấn hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực công phu hành đạo. Đây là nguyên nhân thứ năm làm cho phát sanh sự siêng năng tinh tấn.
e. Punacapraṃ bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lại có trường hợp thầy tỳ-khưu vào xóm khất thực, khi được vật thực vừa đủ no, vị ấy mới nghĩ rằng: Ta khất thực vật thực vừa đủ no, thân ta an vui rất có lợi cho việc thực hành thiền định. Vậy ta nên cố gắng hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa có. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực thực hành. Đây là nguyên nhân phát sanh sự siêng năng thứ sáu.
ê. Punacaparaṃ bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu có chút bịnh nghĩ rằng: Ta là người có bịnh, thế nào bịnh này cũng tăng thêm. Vậy đây là thì giờ rất tốt để ta tranh thủ hành đạo hầu đắc được đặc ân mà ta chưa đắc. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực thiền hành. Đây là nguyên nhân thứ bảy của sự tinh tấn, siêng năng.
g. Punacaparaṃ bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi thầy tỳ-khưu vừa mới lành bịnh mới nghĩ rằng: Ta đã mạnh rồi, nhưng chừng bịnh ấy cũng có thể trở lại được. Vậy ta phải ráng cố gắng trước hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ- khưu ấy bèn tinh tấn hành đạo. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng thứ tám.
Người cố tâm hành theo thiện pháp, khi biết nguyên nhân phát sanh sự lười biếng thì hãy cố dứt sự lười biếng, không nên để thối chuyển. Đây là phạm hạnh thứ 7.
8. Thọ bát quan trai giới là phạm hạnh: Là 8 giới điều mà người Phật tử phải thọ trì như đã có giải ở đoạn trước.
Trong bộ Mahānipāta có tích của đức vua Nimarāja - liên hệ giữ việc bố thí và trì giới - như sau:
“- Đức vua Nimarāja trị vì tại xứ Mithalā thành Vedaha. Ngài là một nhà vua rất nhân từ. Trong những ngày bát quan trai giới, thọ bát quan trai xong, ngài ngự đi bố thí. Ngày nọ, nhằm ngày bát quan trai giới, thọ giới xong, đêm lại, ngài tự hỏi rằng: “Bố thí và thọ bát quan trai giới điều nào cao thượng, quí báu hơn?”. Ngài không giải quyết được.
Đức Đế Thích biết nên mới hiện xuống.
Đức vua Nimarāja mới hỏi thiên vương Đế Thích về sự nghi ngờ của mình.
Đế Thích đáp bằng câu kệ:
“- Hīnena brāhmacariyena
Khattiyaṃ upapajjati
Ye kāye upamajjhanti
Anāgārā tapassino”.
Nghĩa là: Người nào được sanh vào dòng sát-đế-lỵ (vua chúa, tướng quân) là do phạm hạnh bậc thấp, sanh làm chư thiên là do phạm hạnh bậc trung, sanh vào phạm thiên có  tapa [15]  thì sẽ được sanh vào cõi phạm thiên. Thí chủ (người chỉ có pháp bố thí) không thể sanh vào cõi phạm thiên được”.
Chú giải dạy rằng: Phạm hạnh bậc thấp là do nhờ sự trì giới của ngoại đạo, chỉ cố xa lìa dâm dục mà thôi. Phạm hạnh bậc trung là thọ trì bát quan trai giới, có tham thiền được cận định, sau khi chết được sanh vào cõi trời.
Đây là nói sự bố thí phước báu không cao thượng bằng thọ trì bát quan trai giới; quí vị muốn biết rõ hơn xin xem thời pháp bát quan trai giới [16].
(9)- Thánh đạo là phạm hạnh: Nghĩa là con đường của các bậc thánh nhơn đã thực hành, lộ trình này đi đến nơi vô sanh bất diệt là Niết-bàn.
Trong bài kinh Brāhmacariya bộ Samyuttanikāya, có thuật lại chuyện một vị tỳ-khưu thưa hỏi đức Phật, thế nào là phạm hạnh và thế nào là rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh. Đức Thế Tôn đã dạy:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Con đường có đủ tám chi là con đường cao thượng, gọi là phạm hạnh; con đường có đầy đủ chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nói cách khác, nơi hết tham ái, sân hận, si mê là chỗ rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh”.
Theo lời giáo giới ấy, chúng ta thấy rõ thánh đạo - bát chánh đạo - là phạm hạnh.
Đức Phật còn giảng rộng thêm:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Thấy rõ sự thật về khổ (khổ đế), thấy rõ sự thật ái dục là nguyên nhân sanh khổ (tập đế), thấy rõ sự thật Niết-bàn là nơi diệt khổ (diệt đế), biết con đường đi đến niết-bàn và thực hiện con đường ấy (đạo đế) - Như Lai gọi là chánh kiến. Thấy rõ, thấy đúng, thấy như thực tứ diệu đế chính là chánh kiến.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Xa lìa sân tư duy, xa lìa dục tư duy, xa lìa hại tư duy chính là chánh tư duy.
Nầy các thầy tỳ-khưu, xa lánh sự nói dối, nói biếm, nói đâm thọc, mắng nhiếc, chửi rủa, nói lời vô ích - Như Lai gọi là chánh ngữ.
Nầy các thầy tỳ-khưu, xa lánh sát sanh, trộm cướp, tà dâm - Như Lai gọi là chánh nghiệp.
Nầy các thầy tỳ-khưu, các bậc thánh nhơn trong Phật Giáo, dứt bỏ tà mạng, luôn nuôi mạng một cách chơn chánh - Như Lai gọi là chánh mạng.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu trong Phật giáo, thỏa thích trong sự tinh tấn và cố tinh tấn gom tâm lại, làm cho tâm trụ lại một chỗ, hầu ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh, không cho phát sanh. Thầy tỳ-khưu thỏa thích trong sự tinh tấn, làm cho tâm trụ vào một chỗ hầu dứt hết các pháp ác đã phát sanh rồi. Thầy tỳ-khưu thỏa thích trong sự tinh tấn cố tinh tấn gom tâm lại, cố làm cho tâm trụ vào một chỗ, hầu để vun trồng mầm phước thiện chưa phát sanh cho sanh lên. Thầy tỳ-khưu làm cho sự thỏa thích phát sanh là tinh tấn, cố tinh tấn làm cho ta tâm trụ vào một chỗ, hầu làm cho phước thiện càng mạnh mẽ thêm. Nầy các thầy tỳ-khưu! Bốn sự cố gắng, nỗ lực ấy chính là tứ chánh cần - cách gọi khác của chánh tinh tấn vậy.
Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong Phật giáo, hằng quan sát thân nầy là vật ô trược (Niệm thân), cố tinh tấn tiêu trừ phiền não; không dễ duôi, dứt bỏ tham, sân, si, không chấp rằng ngũ uẩn là của ta - Như Lai gọi là chánh niệm [17].
Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong Phật giáo, lúc nào tâm định vắng lặng (nghĩa là không say mê theo ngũ trần) đắc được sơ thiền, đến ngũ thiền - Như Lai gọi là chánh định [18].
10. Lời giáo huấn là của đức Thế Tôn là phạm hạnh: Lời giáo huấn của đức Phật là Tam tạng Pháp bảo, có tám muôn bốn ngàn chi pháp. Trong Tam tạng Pháp bảo có thể tóm tắt là:
1. Adhisīlasikkhā: [19] Giới chỉ về sự ngăn ngừa, chế ngự thân và khẩu cho trong sạch.
2. Adhicittasikkhā: Tâm, chỉ về sự thực hành thiền định.
3. Adhipaññāsikkhā: Tuệ, chỉ về minh sát tuệ, quan sát thấy ba tướng là vô thường, khổ não và vô ngã.

- Hành phạm hạnh được hạnh phúc là:

1. Là việc làm đại công đức.
2. Là người không dễ duôi.
3. Là người hành theo Phật dạy.
4. Các bậc trí thức ngợi khen.
5. Tam học là giới, định, tuệ được phát triển.
6. Làm cho mình được giải thoát.
7. Hoàn toàn an vui.
8. Bồi đắp ba-la-mật.
9. Chắc chắn khỏi luân hồi.
10. Diệt được phiền não hoàn toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét