Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-28-TUỲ THỜI NGHE PHÁP

HẠNH PHÚC XXVI

Kālena dhammassavanaṃ : Nết hạnh tùy thời nghe pháp

(Đúng thời nghe chánh pháp)

 Xét lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta thấy ngài rất quan tâm đến tín đồ, nên ngài dạy: “Tuỳ thời nghe pháp”; vì hễ người còn được nghe pháp, thì còn có người hành theo thiện pháp và do đó, Phật pháp sẽ trường tồn. Đức Thế Tôn còn dạy những ngày trong tháng, thiện tín nên hội lại để nghe pháp, đó là mùng tám, rằm, hai mươi ba và ba mươi. Nếu tháng thiếu là ngày hai mươi chín.

+ Thời giờ nhứt định của sự nghe pháp có hai phần:

1. Buddhapaññatti [11]: Là những học giới mà đức Phật đã chế định, ấy là luật. Những ngày kể trên chư tăng hội lại để nghe những điều học, học  giới.
2. Buddhavāda: Lời giáo huấn của đức Phật. Đây là những thời nghe pháp không nhứt định ngày; nghĩa là khi nào có dịp làm phước ở nơi nào, thí chủ cầu xin đức Phật bố thí pháp cho. Nếu không có đức Phật thì họ yêu cầu chư đại đức thuyết pháp. Trong trường hợp nầy, nguyên nhân nghe pháp là: Vì tâm thí chủ bị phiền não nhiễu nhương muốn tìm phương pháp sửa trị, nên thỉnh đức Phật thuyết pháp; hay sau này khi đức Phật nhập diệt rồi, Phật tử thưa thỉnh chư thánh hay phàm tăng thuyết pháp.

+ Trong tạng kinh, đức Thế Tôn dạy thời giờ đem sự hạnh phúc cho chúng sanh có 4 “tùy thời”:

1. Tùy thời nghe pháp.
2. Tùy thời vấn đạo.
3. Tùy thời thuyết pháp.
4. Tùy thời hành minh sát tuệ.
* Nghe thuyết pháp - có ba hạng khác nhau sau đây:
 (1) Nghe thuyết pháp để lấy phước.
Hạng người nầy nghe nói đi nghe thuyết pháp có phước lớn, họ liền đi theo để nghe, khi nghe chỉ là nghe thôi chớ không thấu hiểu giáo lý. Hoặc họ là người đang say rượu phát tâm trong sạch vào nghe pháp, khi nghe không hiểu gì hết. Tuy vậy không phải là vô ích, vẫn được phước như thường, chỉ có điều là không được trí tuệ, nghĩa là không hiểu ý nghĩa của pháp để hành theo thôi.
Sau đây là sự tích về hạnh nghe pháp:
“- Trong thời kỳ đức Phật Kakusandha có một con gà mái ở gần nơi cư ngụ của chư tăng. Thường ngày gà được nghe tiếng thuyết đạo, vấn đạo và đọc kinh của chư tăng lấy làm vui tai thích nghe. Sau lại, gà bị chủ giết để ăn thịt. Nhờ quả báo của sự nghe kinh ấy nên gà được sanh làm công chúa tên Uppharī, sau đó trong sạch xuất gia theo ngoại đạo. Ngày nọ, trong khi đi cầu, bà trông thấy bọ dòi lúc nhúc đang giành nhau ăn phẩn trong cầu. Lấy làm chán nản, bà thấy đám bọ dòi ấy ví như chúng sanh, đang tranh giành nhau miếng mồi danh lợi - mà những miếng mồi ấy - là đồ rất bẩn thỉu, là vật rất nhờm gớm mà các bậc thánh nhơn hằng chê bỏ không khi nào ngó đến. Bà giữ được đề mục quán tưởng ấy, đắc định, được sanh vào cõi phạm thiên. Từ cõi phạm thiên, hết năng lực thiền định, bà sanh làm con của một người trưởng giả; hết kiếp con của trưởng giả lại sanh làm heo ở thành Xá Vệ. Khi trông thấy đức Thế Tôn, heo phát tâm trong sạch; nhờ quả ấy nên sanh lại làm con gái ở xứ Suvaṇṇaphuma. Rồi kiếp chót bà được sanh làm nàng Sumanā ở xứ Anuruddhapūrī. Kể từ kiếp gà đến kiếp ấy là hai mươi mốt kiếp. Khi ấy có vị đại đức tên là Mahātula ở chùa Koti trên núi, thấy cô Sumanā, ngài mới nói vị các vị tỳ-khưu rằng: “Các thầy hãy coi kìa! Con heo ấy đã sanh lại rồi, và lại được làm vợ của vị đại thần.” Nhờ sự nhắc nhở ấy, bà nhớ lại tiền kiếp, nên bà xin chồng cho phép xuất gia. Sau khi xuất gia xong, bà cố hết sức hành minh sát tuệ nên đắc Tu-đa-hoàn quả, sau đắc A-la-hán”.
Theo chuyện nầy, việc nghe pháp đem lại hạnh phúc cao thượng đến cho ta
, mặc dầu nghe, nhưng không thấu triệt pháp bảo, cũng có quả báo rất là cao thượng, mà cũng là duyên lành để ta đắc được đạo quả sau nầy.
(2) Nghe pháp để tìm hiểu lý lẽ của pháp. Ý nói người nghe pháp để hết tâm trí vào sự nghe, tâm không vọng động, không xao lãng - hầu đạt thông lý lẽ cao sâu mầu nhiệm của pháp. Người ấy sẽ đạt được nhiều lợi ích - như sự tích của thầy tỳ-khưu trẻ tuổi sau đây:
“- Có một thầy tỳ-khưu nghe tin một vị đại đức thuyết về sự tích Vessantara trong túc sanh truyện. Trong tích ấy có cả thảy một ngàn câu kệ. Từ chùa, thầy tỳ-khưu đi tới nơi thuyết pháp xa một do tuần (16 cây số ngàn) nhưng ông cũng ráng đi đến để nghe. Vì sự cố gắng đi hàng mười sáu cây số ngàn, nên mệt mỏi, ông không thể thuộc hết ngàn câu kệ, chỉ thuộc được đoạn đầu và đoạn sau. Ông rất tiếc nên khóc. Có một thiện nam thấy vậy, bèn hỏi han tự sự. Sau khi nghe hiểu, người thiện nam ấy mới vào hầu vị đại đức và thuật lại câu chuyện thương tâm của vị tỳ-khưu trẻ. Động mối bi tâm, vị đại đức mới nói rằng: Thôi được rồi, đợi khi nào ông ấy trở lại đây, ta sẽ thuyết lại cho mà nghe, mà học!”
Sáng ngày đại đức kể lại truyện tích Vessantara, vị tỳ-khưu trẻ tuổi nghe thuộc nằm lòng, cảm xúc sâu sắc gương bố thí cao thượng của Bồ Tát - phát sanh tâm tịnh tín bất động, đắc quả Tu-đà-hoàn”.
Trong tích nầy ta thấy rằng nghe pháp như vậy mới thực là nghe, mới là nhân đem lợi ích hạnh phúc cao thượng đến cho chúng ta.
(3) Nghe pháp để hành theo. Ý nói người nghe pháp nhớ những pháp ấy rồi hành theo pháp. Người ấy sẽ được an vui trong kiếp nầy và vị lai.
Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Người nào kinh sợ luân hồi, khổ - khi nghe pháp, làm sao cho pháp ấy thấm nhuần vào xương tủy, tâm tư; cố gom tâm lại, tụ lại - chỉ còn có pháp mà thôi; khi ấy năm pháp trở ngại (nīvaraṇa) [12] của các vị ấy sẽ lắng yên và bảy pháp bồ-đề [13] phát sanh đầy đủ - đó là quả của sự nghe pháp”.
+ Sự nghe pháp cố 4 điều lợi:
1. Atthikatvā [14]: Khi nghe pháp, cố không có tâm phóng túng, cố thuộc pháp ấy vào tâm.
2. Manasikāra [15]: Dùng trí tuệ quan sát những pháp đã nghe.
3. Sabba cetasā manā haritvā [16]: Thu thúc tâm lại, không để tâm phóng túng, để tâm vào pháp đang nghe làm cho tâm được an định.
4. Ohitasota: Để tâm nghe thật sự.

+ Quả báo của nghe pháp là:

1. Nghe được những điều chưa từng nghe.
2. Làm cho tâm ghi nhớ và tìm hiểu sâu thêm pháp của mình đã nghe rồi.
3. Diệt bỏ được những sự nghi ngờ.
4. Làm cho trở nên người có chánh kiến.
5. Nghe pháp làm cho tâm được trong sạch.

+ Sự nghe pháp đem lại những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.
2. Được nghe pháp mà chưa từng nghe.
3. Hiểu được pháp đã nghe rồi.
4. Diệt được sự nghi ngờ.
5. Trở thành chánh kiến.
6. Tâm trong sạch.
7. Diệt được ba điều suy nghĩ xấu xa là: Suy nghĩ trong trần dục, suy nghĩ làm hại người, suy nghĩ cột oan trái [17].
8. Trở nên người trí thức.
9. Là duyên lành dành về ngày vị lai.
10. Là nhân diệt phiền não.
11. Là nhân làm cho ta mau đắc đạo quả.
12. Là nhân làm cho ta đắc được thất bồ-đề phần.
13. Làm cho trí tuệ và trí nhớ tăng trưởng.
14. Giữ được phẩm hạnh của bậc trí thức.
15. Làm cho thân tâm được an vui thơ thới.
16. Làm cho giải thoát khỏi luân hồi.

 

[1] Thường thì chư tỳ-khưu đi chân đất - nhưng có trường hợp các vị hành đạo hoặc du hóa ở các xứ có đá tai mèo lởm chởm, chỗ nhiều gai góc... thì đức Phật cho phép mang các loại dép bện bằng cỏ, lau sậy, da vỏ cây...
[2] Cách giải thích của pháp sư được lấy ý từ Duy Thức (tiền đại thừa) khi luận này định nghĩa về pháp: Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải. Có nghĩa là, pháp tự nó duy trì, bảo nhậm tính chất riêng của mình - từ đó, nó sanh ra những quy phạm, mẫu mực, phép tắc có thể lý giải mọi vật, mọi hiện tượng. Theo Theravāda thì pháp ấy là sự thật, là chân lý; pháp ấy có 5 đức tính: Thiết thực hiện tại (nơi sự sống đang là), vượt thời gian (không quy định trong thời gian), đến để mà thấy (quay đầu là bờ), có khả năng hướng thượng(chánh niệm trên đất thực), tự giác hiểu trong tâm.
[4] Alaggabhāva: Điều kiện không dính mắc, dính líu; không bị cột, bị trói.
[5] Apariggahita: Không chiếm cứ, không có sở hữu.
[6] Bhāva: Điều kiện, bản tính... Padatthāna: Nguyên nhân gần nhất.
[7] Yonisomanasikāra: Như lý tác ý (Khởi tâm đúng ới lý như thật). Padatthāna: như chú thích 36.
[8] Santosa: Sự vui vẻ, sự vừa lòng.
[9] Pubbakārī: Hành động trước, người làm trước (Tất cả sự giải thích của pháp sư - đều có tính chất triển khai, thường đi xa nội hàm của ngữ nghĩa).
[10] Giải thích cho rõ: Các pháp phát sanh là do định luật duyên khởi; chính vì định luật tùy thuộc phát sanh này ( Tập đế) mà có sanh lão bệnh tử sầu bi ưu não - và đây là sự thật về khổ (Khổ đế). Do bởi một nhân là ái dục. Và nguyên lý để diệt tắt nhân ấy (Diệt đế) - chính là bát chánh đạo (Đạo đế).
[11] Paññatti: Nghĩa theo Abhidhamma thường được hiểu là mô tả, khái niệm - nhưng theo kinh và luật nó có nhiều nghĩa: Chỉ định, đặt tên, quan niệm, ý tưởng, lệ luật - ngữ cảnh của câu này, có nghĩa là chế định những giới điều, những học giới.
[12] 5 pháp cái, 5 triền cái - tức là 5 pháp quấn, vấn (triền), che lấp tâm trí (cái) - đấy là: Hôn trầm, thụy miên; nghi, sân, phóng tâm, dục.
[13] Thất giác chi hoặc thất bồ-đề phần: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả.
[14] Giống như chú thích 89 - từ Pāḷi ở đây không có nghĩa như vậy - do Atthi là có, được và Katvā, nghĩa là đã làm (động từ Karoti).
[15] Từ này cũng vậy, nó chỉ có nghĩa là hướng tâm, tác ý, khởi tâm; đôi nơi dịch là suy xét kỹ.
[16] Câu này có nghĩa là mang đi tất cả những tâm ý xấu ác.

[17] Dục tư duy, hại tư duy, sân tư duy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét