Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

38 pháp Hạnh phúc-7-PHỤNG DƯỠNG MẸ CHA

KỆ NGÔN IV

HẠNH PHÚC XI
Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ: Nết hạnh phụng dưỡng mẹ cha
(Hiếu thuận bậc sinh thành)

 Những lời Phật dạy trong 38 điều hạnh phúc được phân ra từng giai đoạn:
Mười pháp hạnh phúc đầu tiên, từ I tới X dạy ta tự sửa chữa và lo cho bản thân trở nên lành tốt hơn để tạo lấy một số vốn cho mình. Hạnh phúc thứ XI trở đi, dạy ta những pháp để biểu tỏ, biểu hiện nết hạnh tốt của mình ra ngoài bản thân. Những nết hạnh tốt đó, đức Phật đã dạy trong câu kệ thứ tư như vầy:
“- Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ
Putta-dārassa saṅgaho
Anākulāca kammantā
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.
(Hiếu thuận bậc sinh thành
Dưỡng dục vợ và con
Sở hành theo nghiệp chánh
Là phúc lành cao thượng)[i]
Nghĩa là: Nết hạnh phụng sự mẹ cha. Nết hạnh tiếp độ con và vợ. Nết hạnh làm những điều vô tội. Đây là ba điều hạnh phúc cao thượng.
3 điều trong câu kệ nầy dạy ta đem an vui đến cho những người ở ngoài bản thân ta, ở chung quanh ta trước sau có thứ tự, từ người nào gần ta hơn hết trước, rồi mới đến người ở xa ta sau. Mà ai là người gần nhứt? Gần ta nhứt, một là mẹ hai là cha, ba là con, bốn là vợ.
Trong điều hạnh phúc XI nầy, vô tình hay hữu ý mà đức Phật sắp xếp những người thân của ta theo thứ tự là mẹ, cha, con, rồi mới vợ?
Tại sao đức Phật lại sắp mẹ trước cha? Con trước vợ? Có phải là vì mẹ đối với con có công ơn lớn hơn nhiều so với cha hay không?
Vấn đề nầy thường gây ra tranh cãi, tranh biện giữa các tín đồ. Có người cho rằng, mẹ có công ơn lớn hơn cha, vì mang nặng đẻ đau; lại còn có công dưỡng nuôi bú mớm và chăm sóc con cái nhiều hơn cha. Hơn nữa, khi đức Thế Tôn còn tại thế là thời kỳ phụ hệ, mà ngài lại không kể ơn cha trước ơn mẹ, thì đủ thấy rằng, theo ngài, thì mẹ có nhiều công đức hơn cha!  Vì vậy cho nên ngài mới thuyết pháp hằng ba tháng và thuyết toàn những pháp có ý nghĩa cao siêu, mà ta gọi là tạng Luận [ii] để độ Phật Mẫu.
Có người lại bảo rằng, cha có công đức nhiều hơn, vì nếu không có cha thì không có mẹ và cả không có con! Bằng chứng hiển nhiên là thái độ của đức Phật đối với phụ vương ngài. Lúc đức Thế Tôn biết phụ vương bệnh nặng sắp thăng hà, ngài ngự về thành thuyết pháp luôn 7 ngày đêm để độ phụ vương đắc A-la-hán quả; và sau đó, chính tự tay ngài tẩm liệm phụ vương và kề vai khiêng quan tài khi đưa ra làm lễ trà-tỳ.
Hai lập luận trên đây đều có lý, nhưng sự thật không có đoạn kinh nào đức Thế Tôn dạy rằng một vị nào trong hai vị đó có ơn nhiều hơn hay ít hơn; mà là bằng nhau cũng không nghe nói đến!
Nguyên trước khi đức Phật thuyết pháp độ hai đấng sinh thành, ngài đều dùng trí tuệ quan sát để hiểu rõ căn, cơ cũng như duyên lành của mỗi vị. Ngài biết rằng, Phật mẫu phải nghe pháp ấy mới đắc quả, mà chỉ là quả Tu-đà-hườn thôi. Lại nữa, chư thiên đồng đến thính pháp trong lúc ấy, do họ có thân sắc tế vi, các trạng thái tâm tế nhị - nên đức Phật phải thuyết tạng Abhidhamma mới đúng căn cơ của họ, mới có hiệu quả. Còn đối với phụ vương, sở dĩ đức Phật đợi vua cha khi gần thăng hà ngài mới thuyết một ngàn câu kệ ròng rã bảy ngày đêm[iii] hầu độ cha đắc quả A-la-hán, mà không thuyết pháp cho cha nghe trước khi ấy - vì vốn bậc Điều Ngự trượng phu, ngài biết rõ cơ duyên nào giúp đức Tịnh Phạn vương đắc quả! Nếu không đúng lúc, đúng thời thì dầu có thuyết đến hàng triệu câu kệ cũng bằng thừa, nên đức Phật đợi đến khi duyên lành chín muồi rồi ngài mới thuyết.
Nói tóm lại, không phải vì thuyết pháp nhiều hay ít, cao hay thấp mà bảo đức Phật đo lường công ơn của cha mẹ. Dầu độ cha hay mẹ, ngài cũng rất hết lòng làm tròn phận sự của mình. Ngay đối với chúng sanh, nếu ai có duyên, ngài cũng không thối chí ngã lòng - chẳng hạn như tên sát nhân hung tàn nhứt trong thời kỳ ấy, tên Aṇgulimāla (Vô Não) đã rượt ngài cả ba do tuần để giết, mà ngài vẫn độ cho kỳ được. Tâm của đức Phật đối với chúng sanh rất bình đẳng, không hề phân biệt thân, thù; ngài chỉ do nơi căn cơ và duyên lành của họ mà tế độ thôi.
Đến đây, người ta có thể hỏi: Vậy tại sao đức Thế Tôn lại dạy phụng sự mẹ, cha?
Như tôi đã nói trên kia, là ta nên đem lợi ích cho người nào gần ta hơn hết. Chắc chắn ai cũng công nhận rằng, ta là người gần mẹ nhiều hơn hết, hay ngược lại, mẹ ta là người gần ta hơn ai hết. Bảo rằng ta gần mẹ, không phải ta mặc nhiên khẳng định công mẹ lớn hơn công cha. Nhưng người gần mình nhứt, là người mà mình có nhiều dịp giúp đỡ nhất. Theo ý đức Thế Tôn dạy thì không phân biệt công ơn của hai vị mà tùy trường hợp nào có thể giúp thì giúp lập tức.
Phận sự làm con phải biết công ơn cha mẹ và lo đền đáp đó là con đường đi của các bậc thánh nhơn, của Đức Phật. Đức Phật có dạy rằng, hiếu thảo là con đường đi của các bậc bồ-tát.
Trong một kiếp nọ, đức Phật sanh làm đạo sĩ có tên Sonapaṇḍita, ngài có dạy cho một vị vua về sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Ngài dạy toàn bằng kệ ngôn, câu kệ nầy trong bộ Túc sanh truyện gọi là Sonananda, đại lược như sau: “Cha, mẹ hy sinh tất cả các sự hạnh phúc cho con. Khi bà mẹ biết rằng, trong mình thọ thai, chưa biết mặt con ra sao, trai hay gái, nhưng lòng vẫn băn khoăn lo sợ, hằng van vái thai bào được bình an. Như vậy cũng vẫn chưa vừa lòng, bà còn đi coi bói cho biết con trai hay con gái rồi coi năm tháng ngày sanh có tốt không; lại còn tìm hỏi các bậc lão thành coi khi có thai phải kiêng cử những gì, ước mong và cầu khẩn xin cho sanh quí tử”.
Những điều làm khổ cho cha mẹ nhứt là bệnh ốm nghén. Bệnh ốm nghén là bệnh rất lạ, khiến thèm những món ăn mà khi chưa có thai thường không thích.
Tôi xin nhắc lại chuyện ốm nghén của hoàng hậu đức vua Bình-sa vương (Bimbisāra),khi có thai thái tử A-xà-thế (Ajātasatthu). Bà thèm uống máu của vua, và vì biết sự thèm muốn ấy là xấu xa, bất thiện nên không dám nói ra đến đỗi sinh ra ốm gầy, suy nhược. Đức vua thấy thế, phán hỏi nhiều lần bà mới dám nói ra sự thật. Vị vua hào sảng, thương vợ thương con này chẳng lấy thế làm điều, liền rút gươm đang đeo bên mình, xẻ chút bắp vế cho ra huyết để vợ uống. Từ đó bà mới không còn thèm uống máu nhà vua nữa. Tin nầy thấu đến tai triều thần, các thầy bà-la-môn đoán điềm, biết rằng, sau nầy thái tử sẽ giết vua, nên họ khuyên vua nên giết đi hay đem quăng bỏ lúc nó vừa lọt lòng. Nhưng tấm lòng cha thương con không bờ bến, nên vua vẫn nuôi con như thường và đặt tên là “ajātasatthu”, có nghĩa làkẻ thù trước khi sanh. Đúng là sau này thái tử giết cha và giam mẹ!
Nhắc tích nầy để quí vị thấy lòng thương con của cha mẹ không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Vì vậy ta không thể phân biệt được công ơn của cha mẹ ai hơn ai.
Chẳng những bà mẹ có công đức, mang nặng đẻ đau mà thôi, bà lại có thêm cái biệt tài là biết cách nuôi dưỡng, săn sóc khi con còn nhỏ. Khi chưa biết nói mà bà đã hiểu ý muốn của nó. Nghe con khóc lật đật bồng ẵm vào lòng vỗ về chẳng luận ngày đêm, sớm khuya, trưa tối. Nếu dỗ không nín bà cho bú, hoặc tìm thế dỗ cho đến khi con nín mới thôi. Vì vậy đức Phật gọi mẹ là posenti nghĩa là người phụ nữ biết vỗ về, săn sóc, nuôi dưỡng đứa bé từ khi còn trong thai nhi đến khi lọt lòng.
Trong Majjhimanikāya có bài kinh dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Cha mẹ là đấng có tâm rất lành đối với con. Bắt đầu từ khi vừa thọ thai bà mẹ đã hết sức lo bảo vệ thai bào, còn ông cha thì lo thang thuốc, cả mười tháng như vậy. Các thầy tỳ-khưu nầy! Bà mẹ hết sức lo lắng và cố gắng săn sóc con, không nài cực nhọc, không một việc nhỏ nhen nào mà bà không quan tâm tới; chính bà là người sang sớt máu huyết cho con, chẳng những lo cho con khi còn trong thai, mà mãi đến khi vừa sanh ra cho đến lúc lớn khôn, mẹ và cha hằng lo lắng, chăm sóc đến khi nào hai ông bà từ bỏ cõi đời nầy mới thôi! ”.
Mẹ và cha khi biết mình đã có con, thì hai ông bà tiết kiệm tiền của để cho con, lắm khi vì lòng thương con mà dám làm tội ác, để có tiền nuôi con, hoặc để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, ông bà lo sợ, dựa cửa ngóng trông, sợ con gặp tai nạn.
Vì vậy, đức Phật dạy: Cha mẹ đối với con có bốn đức, là từ, bi, hỉ và xả. Lại có câu kệ ngôn dạy rằng: “Ubhopi ce te brahmā pubbadevā pubbacāriyā ahuneyyati ca vuccati”. Nghĩa là: Đối với hai đấng đại ân nhân ấy, đức Phật có ban cho bốn hồng danh là: Phạm thiên, chư thiên thuở đầu, vị tôn sư trước nhất và cuối cùng là bậc đáng cúng dường.
* Hồng danh thứ nhứt: Phạm thiên, có nghĩa là cao quí, ý nói cha mẹ nuôi dưỡng con được hoàn toàn không nài khó nhọc, vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm, nghĩa là tâm cao quí không lấy gì đo lường được. Bốn tâm ấy là mettā - từ; karuṇā - bi; muditā - hỉ; upekkhā - xả.Bốn tâm nầy [iv] giờ phút nào cũng ở trong cha mẹ và hằng ban bố đến con, mặc dầu con đã lớn khôn, đã nên quan to, giàu có; ví cũng như vị phạm thiên, bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì lẽ ấy, nên đức Phật mới cho cha mẹ hồng danh là phạm thiên.
Bốn tâm vô lượng ấy phát sanh đến cha mẹ từ bao giờ?
Tâm từ phát sanh đến cha mẹ, kể từ khi bà mẹ biết mình thọ thai. Ngày từ khi ấy, cha mẹ lo lắng mong thấy mặt con, muốn biết coi con ấy là trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không. Hằng mong cho con được an vui, mát mẻ, sức khỏe tốt. Suy tư như thế gọi là tâm từ đã phát sanh.
Tâm bi có, từ khi bà mẹ vừa sanh con ra khỏi lòng. Mặc dầu trong khi ấy mẹ còn đau đớn cực nhọc, nhưng khi nghe tiếng con khóc, mẹ xót thương cho con, lo nghĩ đến con, thương con và lo sợ cho sức khỏe của con. Lòng mẹ cha thương con với tâm bi mẫn ấy thật không bờ bến nào mà kể cho xiết. Chính tấm lòng xót thương ấy chính là biểu hiện của tâm bi.
Tâm hỉ có, từ khi con vừa biết đi đứng cho đến khi lập gia đình, đến khi cha mẹ chết. Cha mẹ thấy con càng an vui càng mừng và càng cầu nguyện cho con thêm, không bao giờ cha mẹ biết ganh tị với con về hạnh phúc của con. Mặc dầu con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng không đòi hỏi và cũng không than van phiền trách. Chính sự mừng vui với con này là trạng thái của tâm hỷ.
Tâm xả phát sanh lên, khi con khôn lớn có gia đình giàu hay nghèo chẳng hạn, mà không lo phụng sự hoặc giúp đỡ cha mẹ, cha mẹ cũng không bao giờ buồn và không đòi hỏi chi ở con. Mặc dầu con có lầm lỗi phạm thượng cha mẹ vẫn vui lòng tha thứ, không có oán ghét gì như người dưng kẻ lạ. Đây chính là trạng thái của tâm xả.
* Hồng danh thứ nhì: Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên thuở đầu, bởi cha mẹ là người duy nhất cố tâm đem hạnh phúc lại cho con, không bao giờ cố chấp lỗi lầm nào của con, không muốn con mình bị tai nạn. Thời kỳ đức Phật còn tại thế, người thời ấy chỉ biết tin ở một đấng siêu việt có thể tiếp độ chúng sanh về thiên đàng, mà người thời ấy gọi là chư thiên; vì lẽ ấy nên đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên buổi đầu của con.
* Hồng danh thứ ba: Đức Phật gọi cha mẹ là vị tôn sư trước nhứt bởi cha mẹ là thầy tổ dạy con đủ mọi việc, từ ăn, ngủ đến nhân, nghĩa, đạo đức luân thường, trước hơn tất cả các vị tôn sư sau nầy của con.
* Hồng danh thứ tư: Đức Phật gọi mẹ là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường, vì chỉ có cha mẹ đáng thọ lãnh tất cả mọi vật dụng của con đem đến dâng cúng.
Lòng thương và lo cho con của cha mẹ không bờ bến như thế nên bổn phận làm con có phận sự phải phụng dưỡng cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn đạo hiếu, thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ; cũng không thể làm một công dân tốt của đất nước, của bất cứ một quốc gia nào. Con cái mà bất hiếu thì còn thua cây gậy của cha mẹ, chẳng khác nào năm đứa con trong sự tích sau đây:
“- Theo Pháp cú kinh, thuở nọ đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc - khi ấy có một vị bà-la môn rất giàu, ông có năm người con trai đã lập gia đình.
Sau khi vợ ông đã quá vãng, ông muốn cưới vợ bé để coi sóc gia đình, năm con dâu nghe vậy mới bàn với năm người chồng rằng: “Nay cha đã già rồi mà còn cưới vợ nhỏ về làm gì? Để chúng tôi thay phiên nhau săn sóc cho cha, không hơn sao?”
Năm người con trai mới đến hầu cha, trình bày tự sự. Ông bằng lòng chia của ra làm năm phần cho năm người con, còn ông thì ở đậu với năm con, hết đứa này đến đứa khác. Ban đầu năm cô con dâu đối với ông rất tử tế, sau lần lần phai lợt; sau cùng cả năm người con dâu đều bỏ ông, không lo săn sóc, trái lại còn xua đuổi ông. Ông không thể chịu nổi cảnh hất hủi ấy nên bỏ nhà đi xin ăn ở đầu đường xó chợ thật là khổ sở.
Ngày nọ ông gặp được một người bạn cũ, bèn thuật hoàn cảnh của ông, và xin người bạn tìm phương cứu giúp. Người bạn đáp: “Tôi không biết phương pháp nào giúp bạn được, vậy bạn hãy vào chùa Kỳ Viên, để chờ đấng Đại Bi là đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là bậc có đủ khả năng cứu vớt tất thảy mọi người cả vật chất lẫn tinh thần”.
Đêm rằm có rất nhiều tín đồ đến nghe pháp, mà trong ấy có mặt năm người con trai của ông bà-la-môn bị hắt hủi và cả đức vua Ba-tư-nặc (Pāsenadi). Sau khi dứt thời pháp, tín đồ đứng lên đi ra. Ông bà-la-môn đứng lên nói: “Xin quý vị thiện nam tín nữ và đàn-na thí chủ, hãy tạm dừng lại để cho lão bộc bạch đôi lời. Có lẽ quí vị không quên già này, trước đây là một vị trưởng giả trong thành này. Hôm nay, già này phải đi xin ăn. Thật ra già có con, mà con của già không bằng cây gậy này; vì cây gậy này, già còn nhờ được để chống đi, ngừa lúc chân run, tay yếu, hoặc để đuổi chó, đánh mèo; còn con của già, khi được chia của cho, lại bỏ già đi xin ăn như thế này đây!”
Tín đồ, cư sĩ có mặt nơi ấy nhứt là đức vua liền hỏi ai là con ông. Ông chỉ mặt từng người. Đức vua và công chúng rất công phẫn, muốn giết hết năm người con bất hiếu nhưng ông xin tha tội cho. Năm đứa con ấy mới thấy lòng xả của cha, bèn ăn năn, xin đem ông về nuôi dưỡng. Khi ông về nhà, mấy người con dâu tỏ vẻ bất bình, nhưng năm người con trai ông nói rằng: “Nếu các người không bằng lòng thì cứ tự tiện ra đi, chứ chúng tôi không thể đê hèn, không thể vô dụng hơn cây gậy của cha chúng tôi được”.
Nhắc lại tích này, tôi muốn nhắc nhủ rằng, làm con không biết phụng dưỡng cha mẹ, hay phụng dưỡng một cách miễn cưỡng còn thua các loài ăn cỏ! Và điều thứ nhì, tôi muốn cho mọi người thấy rằng, đức Thế Tôn chẳng những cứu người khỏi vòng trầm luân sinh tử khổ mà thôi; riêng về vật chất, tuy ngài không trực tiếp giúp đỡ, nhưng đạo hạnh và uy tín của ngài cũng đủ sức cứu độ.
Đức Phật dạy rằng: “Các bậc trí thức đều kính trọng những người phụng dưỡng cha mẹ; và người biết phụng dưỡng cha mẹ sẽ gặp nhiều sự an vui là do nhờ phước quả của sự phụng dưỡng ấy”. Như sự tích Túc sanh truyện sau đây:
“- Khi xưa có một con kên kên rất hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ kên kên vì già không thấy đường, không thể đi kiếm ăn được, chỉ nhờ con đi kiếm mồi về nuôi, và đem cỏ rác về làm tổ cho ở. Ngày nọ kên kên con đi kiếm mồi, rủi mắc chân vào bẫy của một anh thợ săn. Kên kên khóc. Anh thợ săn thấy vậy mới hỏi: “Người đời thường bảo rằng, kên kên có mắt rất tỏ, thấy rõ các tử thi ở rất xa, vậy tại sao ngươi lại mắc vào bẫy của ta, ngốc thế!”
Kên kên mới nói: “Nầy anh thợ săn, có hai điều mà ai ai cũng không trông thấy được: Một là tai nạn và hai là cái chết! Nó đến bên ta, ta cũng không trông thấy, mặc dầu ta có mắt thấy ngàn dặm. Còn nữa, vì tâm tôi cứ mãi lo kiếm ăn để phụng dưỡng cha mẹ mù lòa nên tôi lại càng không trông thấy cái bẫy của ông!”
Anh thợ săn nghe vậy, lấy làm kỉnh mộ và mến yêu – vì nghĩ rằng, kên kên nầy không những có trí tuệ, biết ăn nói khôn ngoan như bậc hiền triết; lại còn có tâm phụng hiếu cha mẹ nữa, thật đáng trân trọng - ben thả kên kên ra. Khi được thả, kên kên lật đật kiếm mồi về nuôi cha mẹ. Kên kên ấy là tiền thân của đức Thế Tôn.
Trong bài kinh Brāhmasutta, đức Thế Tôn có dạy với đại ý rằng: Cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu, thâu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế là cùng tột rồi - nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một. Vì người ấy chỉ lo phần vật chất cho cha mẹ, hay có thể nói là chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Lại nữa, dẫu đế vị, vương vị là tột đỉnh cao sang, nhưng làm sao chạy khỏi tội lỗi, thoát khỏi nhân quả trả vay, sinh tử luân hồi trong 6 đường khổ? Vậy, phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu hành để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ có 4 pháp [v] này trong tâm, nghĩa là biết thực hành theo con đường tiến hóa cao thượng:
1. Saddha: Đức tin, nghĩa là tin tam bảo, tin nghiệp.
2. Cāga: Bố thí hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, bố thí của tiền cho người nghèo khổ (đây là nguyên nhân đem lộ phí theo về ngày vị lai).
3. Sīla: Trì giới, là giữ cho thân, khẩu được an tịnh, không phạm vào năm điều xấu ác(năm giới).
4. Paññā: Trí tuệ, nghĩa là có trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã; tức là có tu tập minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến thương tiếc mọi việc thường phàm, dung tục trên cuộc đời này nữa.
Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc lành, rồi hồi hướng đến cha mẹ hằng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một.
Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhơn trong nhà vậy. Theo đức Thế Tôn, cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhơn, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc A-la-hán vậy.
+ Phàm người biết đáp đền công ơn cha mẹ bằng vật chất  phải thực hành như thế này:
1. Phải lo phụng dưỡng cha mẹ nào là vật thực, thuốc uống, y phục và chỗ ở (là nhà).Phải quạt nồng đắp lạnh, sớm thăm tối viếng để xem sức khỏe của cha mẹ như thế nào hoặc hai thân có nhu cầu gì không - cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta vậy.
2. Phải tận tình chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi trái gió, trở trời, lúc bệnh hoạn, ốm đau.
3. Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

+ Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần là:

1. Phải hết lòng cung kính cha mẹ không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ làm trái ý các vị.
2. Ráng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời coi thường, khinh bỉ; hơn nữa, phải sống làm sao cho thanh danh của gia đình càng ngày càng được mọi người quý kính, ca tụng.
3. Ráng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.
4. Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam Bảo, không tin tội phước, nhân quả nghiệp báo - thì phải tự mình cố gắng thuyết phục, khuyên lơn; nếu không được thì nên nhờ các
bậc trí thức giảng giải hộ hoặc chư tăng hay các bậc đại
đức thuyết pháp độ cha mẹ.
5. Ít lắm cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam qui, ngũ giới.
6. Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học niệm Phật, tham thiền.
Người làm tròn được những điều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được trong muôn một công ơn cha mẹ.

+ Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ thì được những sự hạnh phúc là:

1. Sẽ không bị mất sự lợi lạc từ vật chất cho đến tinh thần.
2. Sẽ được thoát khỏi những điều rủi ro, kinh sợ.
3. Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn, họa hại.
4. Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban tặng cho.
5. Sẽ được quyền cao chức lớn.
6. Hằng được sự ngợi khen của mọi người ở mọi nơi và mọi trường hợp.
7. Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.
8. Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.
9. Sau khi chết được sanh về cõi trời.
10. Sẽ được gieo duyên Niết-bàn.
11. Đi theo con đường của chư bồ-tát và chư thánh nhơn.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

38 pháp Hạnh phúc - 6-CÓ NGHỀ

HẠNH PHÚC VIII

Sippa: Có nghề [12]
(Nghề nghiệp giỏi - tiểu công nghệ)


Đức Thế Tôn dạy rằng nghề nghiệp đem hạnh phúc đến cho ta. Vậy ta cần hiểu biết:
- Nghề nghiệp là gì?
- Nghề nghiệp đem điều hạnh phúc gì lại cho ta?
- Làm sao ta có nghề?
Chú giải có dạy: Sippaṃ nāma anagariyava (?) sena duvidhaṃ hatthakusalaṃ:
- Nghề nghiệp là sự việc làm bằng tay chân hoặc trí óc và có hai nghề:
1. Nghề của người tại gia.
2. Nghề của hạng xuất gia
Pháp hạnh phúc thứ VII dạy ta cần biết rộng hiểu nhiều, nghĩa là dạy ta thâu thập cho nhiều kiến thức về giáo lý, về lý thuyết. Còn pháp hạnh phúc thứ VIII nầy thì dạy ta thực hành, đem kiến thức ấy mà áp dụng cho lợi lạc vì nghề nghiệp nào cũng cần có kiến thức làm căn bản. Vậy nghề nghiệp là kiến thức đem ra thực hành. Người không có kiến thức thì khó làm được nghề nghiệp tốt.
Người có nghề nghiệp giỏi đi tới nơi nào cũng được an vui, không thiếu thốn, đúng như câu cách ngôn: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh". Trong đời có nhiều nghề khác nhau, nghề mà người Phật tử còn tại gia cần phải lựa là nghề nào vô tội, gọi là chánh nghiệp [13]. Đức Thế Tôn có dạy con người khi còn trẻ nên học một nghề gì cho giỏi thì nghề ấy sẽ đưa sự an vui đến cho, như nghề anh chuyên môn búng sạn sau đây.
“- Khi xưa tại kinh đô Ba-la-nại (Bārāṇasī) có một người què nhưng có tài búng sạn rất giỏi. Những kẻ trong thành thường đẩy xe cho anh ra ngoài cửa thành, để anh dưới cội cây to, đem sạn đến và biểu anh dùng sạn búng lá cây thành hình thú nầy thú nọ kia coi chơi rồi cho anh tiền.
Ngày nọ nhà vua ngự chơi vườn thượng uyển, đi ngang qua chỗ ấy, những đứa trẻ kinh sợ bỏ chạy, chỉ còn mình anh què ở lại. Nhà vua trông thấy bừa bãi dưới đất những lá cây lủng lổ chổ có những hình thú rất ngộ, mới phán hỏi quan cận thần. Vị ấy tâu tự sự.
Nhà vua mới bảo anh què đến và hỏi: “Nầy cậu kia! trẫm có một vị quân sư có tật ham nói, khi trẫm muốn nói điều chi thì quân sư cướp lời hết, trẫm không nói gì được. Ngươi có phương kế chi làm ông ấy không nói gì nữa được chăng?
Anh què đáp: “Tâu Hoàng thượng! Nếu có vài cân phẩn dê thì hạ thần có phương thế làm được”.
Nhà vua bèn đem anh què về, để anh ngồi sau một tấm màn có khoét lỗ và để gần bên anh một cân phẩn dê khô. Đoạn ngài hội trào thần lại để bàn việc quốc gia.
Vị quân sư quen tật cướp lời nói của mọi người, vừa hả miệng toan cướp lời vua thì liền bị anh què sau lỗ màn búng một viên phẩn dê khô vào miệng. Ham nói quá, ông nuốt riết viên phẩn dê để nói. Mỗi lần ông hả miệng là bị một viên phẩn lọt vào, mà ông cứ nói không ngưng.
Đến khi vua trông thấy anh què đã búng hết phẩn. Ngài mới bảo quân sư rằng: “Nầy quân sư, vì tật ham nói, nên khanh nuốt hết một cân phẩn dê khô, mà vẫn chưa biết. Dạ dày của khanh không thể tiêu hóa được cân phẩn ấy, vậy khanh về uống thuốc xổ ra đi”. Vị quân sư cả thẹn ra về. Từ đấy ông không dám nói nhiều nữa.
Nhờ anh què mà lỗ tai vua đỡ bực, nên ngài ban cho anh què ấy thâu thuế bốn thôn được ước độ mười muôn dân.
Có một vị đại thần thấy thế mới tâu rằng: “Tâu Đại vương! Trong đời nầy dù người nào, nghề nào cũng cần phải học. Nghề búng sạn của anh què cũng được Hoàng thượng ban thưởng".
Rồi vị ấy mới nói câu kệ:
“- Sādhu kho sippaṃ nāma
Api yadisakīdisaṃ (?)
Passa ajapphārena
Laddhagāmā catudisā “[14].
Nghĩa là: Đã gọi là nghề dầu là nghề gì cũng làm cho ta được hưởng được lợi ích của nó.
Người biết nghề đành là có phần lợi lạc, mà cần phải biết áp dụng và áp dụng đúng lúc, đúng chỗ thì mới mang đến kết quả tốt đẹp; bằng áp dụng không thích nghi, không lựa nơi, lựa chỗ thì lại đem cái khổ đến cho mình - như sự tích của người học trò của anh què búng sạn trên kia.
“- Có một người học nghề búng sạn với anh què nọ. Sau khi học rành nghề, người ấy mới định thử tài của mình; thầm nghĩ: Nếu mình búng sạn thử vào bò, heo, dê... thì chủ họ sẽ bắt mình đến và bị phạt, bồi thường! Nếu búng sạn thử vào bất kỳ một người nào thì cha mẹ, họ hàng quyến thuộc của họ sẽ đập chết ta hoặc sinh ra kiện cáo lôi thôi!
Một hôm gặp đức Phật Độc Giác đang đi trì bình khất thực, anh chàng thầm nghĩ: Vị sa-môn này hoàn toàn cô độc, không nhà cửa, không gia đình, ta thử tài của ta thì thật là vô tội vạ! Tức thì anh liền búng một viên sạn vào lỗ tai của đức Phật Độc Giác, viên sạn đi xuyên từ lỗ tai bên này sang bên kia. Nếu là người thường thì chết liền tại chỗ vì viên sạn đó, nhưng đức Phật Độc Giác dùng thiền định chế ngự được thương tích nên về đến am thất, ngài mới nhập diệt.
Anh nọ lại tìm đến am thất của ngài, thấy tín đồ đang lo hỏa táng và than khóc, anh mới khoe: “Mấy người biết không? Người chết đây là do tài búng sạn của tôi đó!”
Tưởng khoe như vậy là người ta kính nể và khen mình, nào ngờ tín đồ nổi giận, lôi anh ra đánh chết. Vì tội giết đấng cao cả nên sau khi chết anh sanh vào địa ngục A-tỳ”.
Vậy người Phật tử chân chính nên chọn lấy một nghề gọi là chánh nghiệp ( phải là chánh mạng) mới được hạnh phúc.
Nhưng làm sao cho ta có nghề? Điều rất giản dị là muốn có nghề, thì phải cố học.
Về nghề của bậc xuất gia, đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu trong Phật đạo phải siêng năng giúp nhau hành Tăng sự dù mọi việc lớn hay nhỏ.
Nên dùng trí tuệ quan sát mọi việc coi nên làm hay không?”[15]
Vậy các bực xuất gia phải có nghề trong phạm vi của bực xuất gia, mà nghề của bực xuất gia là Tăng sự, như: Lễ xuất gia, lễ nhập hạ, lễ dâng y, lễ ra hạ, lễ phát lồ... thầy tỳ-khưu phải thông hiểu.

+ Hơn nữa, thầy tỳ-khưu còn nên học thông 8 điều cũng thuộc vào nghề của mình là:

1. Rakkhāndriyasippaṃ: Nghề giữ lục căn thanh tịnh.
2. Sādhukasippaṃ: [16] Nghề biết ba điều lợi ích [17].
3. Nānābhāsākovidhasippaṃ: [18] Nghề hiểu thông nhiều thứ tiếng là Bắc phạn và Nam phạn.
4. Dhammaratasippaṃ: [19] Nghề biết thỏa thích. Có 10 pháp nương nhờ:
a. Sīla: Trì giới trong sạch
b. Bāhusucca: Học nhiều hiểu rộng.
c. Kalyāṇamitta: Có bạn lành
d. Sovacassatā: Tư cách biết vâng lời, dễ dạy
đ. Dakkhatā: Tư cách người siêng năng, khéo léo, thông thạo, có khả năng.
e. Dhammakāmatā: Tư cách người ưa thích pháp
ê. Viriya: Tư cách người có tinh tấn hành đạo
g. Santosa: [20] Có trí thức
h. Sati: Có trí nhớ (có niệm).
i. Sukhasikkhāsippaṃ: Học biết 7 điều an lạc là:
- Manussasukhaṃ: An vui trong cõi người
- Divasukhaṃ: An vui trong cõi trời
- Jhānasukhaṃ: An vui của thiền định
- Vipassanāsukhaṃ: An vui của minh sát tuệ
- Maggasukhaṃ: An vui của đạo
- Phalasukhaṃ: An vui của quả
- Nibbānasukhaṃ: An vui của Niết-bàn
5. Nānāsippanvisada: Nghề hiểu rõ các chi tiết của nghề.
6. Kulasīlasippaṃ: Nghề hiểu rõ phận sự của người còn ở trong gia đình.
7. Bhītasippaṃ: Nghề hiểu rõ hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi là nguyên nhân sinh ra những học giới để ngăn ngừa, rào đón chúng ta khỏi sanh vào ác đạo.
8. Buddhasippam: Nghề hiểu rõ pháp bảo là Tam tạng.

+ Người có nghề nghiệp giỏi [21] thì được những hạnh phúc nầy:

- Trở nên người lành.
- Làm cho mình hơn người bên mình.
- Làm cho mình giỏi hơn người khác.
- Làm cho mình tốt hơn người khác.
- Làm cho mình cao thượng hơn người khác.
- Làm cho mình cao cả hơn người khác.
- Tự mình sinh sống được dễ dàng hơn.
- Làm cho mình trở nên người khôn ngoan hơn kẻ khác.
- Làm cho mình giàu hơn người khác
- Làm cho mình có an vui hơn người khác.
- Làm cho mình trở nên người có giá trị hơn người khác.
- Làm cho xã hội được tiến hóa.