Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

38 pháp Hạnh phúc-2

Lời Nói Đầu
Từ lâu, tôi có phát nguyện là phải sửa chữa quyển sách 38 pháp an lành đã ấn tống năm 1961, vì nhiều nguyên nhân:
1- Trước kia, đây là những bài thuyết pháp của tôi, có in bằng ronéo, đại đức Hộ Giác nhận thấy hữu ích cho người tu Phật nên ngài hỏi ý kiến tôi để in ấn. Trong lúc ấy, tuy gọi là 38 pháp an lành nhưng chỉ có 32 bài thuyết pháp, nghĩa là chưa đầy đủ; và đại đức Hộ Giác đã vui lòng soạn giúp những bài còn lại: Từ bài 33 đến bài 38.
Còn nữa, khi có thì giờ rảnh rỗi ngồi xem lại, thấy những bài mà tôi thuyết không được rõ ràng, đôi chỗ lại có nhiều thiếu sót - chẳng hạn như không nêu bật quả báu của mỗi pháp an lành.
2- Có nhiều ông, bà có nhã ý, là tôi nên viết thành bố cục một quyển sách trình bày tuần tự những pháp an lành mà đức Phật đã giảng nói nhắm đến phần đông, có tính đại chúng - hơn là đúc kết những thời pháp bao giờ cũng có tính cục bộ và rời rạc, chỉ để dành cho một nhóm, đôi khi chỉ để hồi hướng phước báu công đức cho một hoặc hai người đặc trưng nào đó.
3- Tôi cũng có dự tính sẽ làm lại toàn bộ rồi ấn tống, làm pháp thí để hồi hướng cho các bậc hữu ân - đồng thời lại có được một quyển sách tương đối hoàn chỉnh để chư Phật tử có cơ hội học hỏi, nghiên cứu.
4-  Nhân thể, tôi muốn đổi tên 38 pháp an lành thành 38 pháp hạnh phúc.
5- 38 pháp hạnh phúc được ấn tống là do duyên một nhóm Phật tử phát bồ-đề-tâm muốn cúng dường pháp thí nhân ngày rằm tháng bảy năm 1969, PL. 2513. Họ muốn một quyển sách dày dặn chừng 300 trang nên tôi phải chọn quyển 38 pháp hạnh phúc này sau khi đã chỉnh sửa xong.
6- Do công lao học hỏi, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn - tôi xin được hồi hướng phần phước báu thanh cao nầy đến các bậc hữu ân của chúng tôi, đến quý ông bà thiện nam tín nữ có tâm trong sạch phát tâm ấn tống, tất cả chư thiên, phạm thiên, tất cả Phật tử và chúng sanh đều được đắc kỳ sở nguyện.
7- Cuối cùng là mọi phước lành, duyên lành xin hồi hướng đến cho giáo sư Thuần Phong, người đã không nại cực nhọc, hy sinh thì giờ quý báu của mình để sửa chữa chính tả cũng như văn phạm. Nguyện cầu cho giáo sư được vạn sự như ý.
Mahā Thông Kham Medhivongs
Viết xong mùa đông năm 1967
PL. 2510 tại Vạn Tượng
Lời thưa,
38 pháp hạnh phúc của pháp sư Thông Kham là quyển sách gối đầu giường của chư Tăng và Phật tử cách đây đã ba, bốn mươi năm về trước. Những bản in đầu tiên mà tôi đọc được dưới dạng ronéo, sau đó là thành sách nhưng giấy xấu, mực in không được tốt. Điều đó vào thời ấy là bình thường, nhưng câu chữ Pāḷi, do sắp chữ, in ấn thì sai trật quá nhiều, kể cả lỗi chính tả. Quyển mà tôi đang có trong tay, được in lại và ấn tống vào năm 2003, có lẽ do chỉnh sửa nhiều lần, tuy khá hơn, nhưng sai trật thì vẫn thế, nó giảm giá trị hình thức và nội dung không ít vậy.
Nhận thấy đây là một quyển sách hay rất cần thiết cho Phật tử các giới học hỏi và tu tập - vẫn còn nguyên tính chuyện đời và giáo pháp muôn thuở - nên Hòa thượng Tịnh Đức, chùa Đạo Quang, Texas, Hoa Kỳ - phát tâm chỉnh sửa và ấn tống để cúng dường Phật tử mười phương. Tầm nhìn và tấm lòng của đại sư rất đáng trân trọng nên tôi đã nguyện phụ giúp một tay.
Sau đây là vài điều trần tình với bà con, thân nhân, quyến thuộc của pháp sư còn tại tiền và chư độc giả các giới:
- Đây là quyến sách được đúc kết lại từ những bài thuyết pháp, đa phần là văn nói - tuy tôi đã cố gắng chuyển sang văn viết nhưng nhiều nơi vẫn cố giữ nguyên văn nói cho gần gũi và bình dị giống như “khẩu phong, khẩu khí” của tác giả thuở nào.
- Có những ngôn ngữ quá bình dân hoặc “rặc” giọng Nam bộ, tôi phải chuyển sang ngôn ngữ phổ thông.
- Từng cụm từ hoặc kệ Pāḷi, tuy đã hiệu đính nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót do không tìm ra nguồn - ví dụ kinh nào, pháp cú số mấy? Lại nữa, từng mẫu tự la tinh do ghép, đánh máy sai trật khó tìm ra nguyện dạng động từ hoặc từ phái sanh tương ứng. Lại còn có những câu Pāḷi mà nghĩa vốn cô đọng nhưng tác giả lại giải thích rộng nên đôi chỗ dường như không liên hệ với câu Pāḷi trích dẫn; tôi đã cố gắng giải thích một vài, chỗ nào chịu thì tôi đành ghi dấu hỏi (?).
- Có khá nhiều chỗ khi nói chi pháp mà tác giả quên giải thích - ví dụ “ 3 điều lợi ích” mà không biết là những lợi ích gì - nên tôi phải mày mò tra cứu và ghi chú cẩn trọng là có phải những lợi ích như thế này, như thế kia hay chăng? Ngoài ra, thấy chỗ nào cần thiết phải ghi chú chi pháp cho đầy đủ thì tôi đã nhờ một phần vào quyển “ Kho tàng pháp bảo” của sư Giác Giới (Bodhisīla) - phát hành nội bộ, PL. 2545 - và một vài nơi khác. 
- Các câu chuyện kể trong túc sanh truyện, chỗ nào tìm ra nguồn thì tôi ghi chú khá đầy đủ, chỉnh sửa tên, địa danh nhân và vật cho đúng Pāḷi - chỗ nào không thể, thì đành bó tay.
- Đề mục từng phẩm và từng chương, tác giả cũng thường ghi nghĩa rộng, ví dụ gārava: “Sự cung kính, tôn trọng, kính trọng” mà tác giả ghi “ Sự tôn kính các bậc đáng tôn kính”. Trường hợp này, do tôn trọng tác giả nên đa phần tôi giữ nguyên, một đôi chỗ, tôi có mở ngoặc đơn bên dưới, ghi thêm ngữ nghĩa mà đại sư Viên Minh đã dịch, theo thiển ý của tôi, thường cô đọng và chuẩn xác hơn. Và còn khá nhiều chi tiết khác nữa...
Vì nhu cầu học hỏi và nghiên cứu - vừa làm vừa học - nên lợi ích trước nhất là về phần tôi; sau đó cũng muốn “phụ họa” với Hòa thượng Tịnh Đức, hiến tặng cho Phật tử các giới một bổn sách tương đối ít lỗi nhất, còn chuyện “ như ý” thì muôn đời không thể.
Cuối cùng, những vụng về, thiếu sót khi nhuận sắc và hiệu đính quyển sách này, tôi xin được sám hối với cố pháp sư và xin nhận chịu hoàn toàn trách nhiệm do học hỏi chưa tới nơi tới chốn.
Trân trọng. 
Hoàn thành ngày 10/2 năm Canh Dần, 2010
Huyền Không Sơn Thượng, Am Mây Tía
Tỳ-khưu Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét