Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-16-Giúp đỡ quyến thuộc

HẠNH PHÚC XVII

Ñātisaṅgaho: Giúp đỡ quyến thuộc

Ñāti [8] nghĩa là quyến thuộc, hạnh phúc này xin chia ra làm 3 phần:
1. Quyến thuộc là gì?
2. Sự giúp đỡ quyến thuộc như thế nào?
3. Hạnh phúc sanh lên là do sự giúp đỡ quyến thuộc như thế nào?
(1) Quyến thuộc là gì?
Cha mẹ, vợ, con là ba hạng người thân nhau nhứt và gần nhau hơn hết, nhưng không gọi là quyến thuộc, không thể gọi là bà con được, vì nó có tình nghĩa sâu nặng hơn quyến thuộc. Có một giới hạn riêng về các loại tình cảm này.
+ Quyến thuộc, có thể nói là có hai hạng:
a. Quyến thuộc là những người cùng một dòng huyết thống, tông tộc.
b. Quyến thuộc là những người cùng theo một tôn giáo - theo nghĩa rộng.
Đức Phật đã dạy sự tiếp độ quyến thuộc là một hạnh phúc. Tuy nhiên, ta phải biết phương pháp giúp đỡ, chẳng nên giúp đỡ mà thiếu suy nghĩ hay vì lòng tự ái của mình. Đức Phật giáo giới là giúp đỡ quyến thuộc, nhưng ta phải biết rõ điều lợi hại cho mình và cho quyến thuộc của mình, chớ đừng làm một cách thiếu suy nghĩ.

+ Đức Phật đã từng thực hành ba điều:

1. Lokatthacariyā: Giúp đỡ người đời.
2. Ñātatthacariyā: Giúp đỡ quyến thuộc
3. Buddhatthacariyā: Giúp đỡ Phật tử.
Đức Thế Tôn giúp người đời bằng cách dạy người đời phải giúp đỡ nhau, thương yêu nhau và đừng làm điều gì oan trái, oán thù mà hại nhau, hãy xem nhau như quyến thuộc, không nên phân biệt giai cấp và chủng tộc.
Ngài giúp đỡ Phật tử bằng cách dạy họ phải hành đúng theo con đường thuận thứ: Cõi người, trời rồi mới đi đến nơi giải thoát, chấm dứt khổ đau. Lắm khi đức Phật đến thăm các vị tỳ-khưu bị bịnh - như chính tay ngài tắm rửa săn sóc vị đại đức tên là Grinanda. Ngài đi hóa độ những người hữu duyên - như tên sát nhân hung tàn nhứt trong thời đó, là Vô Não; y đã xách gươm rượt Phật cả 3 do tuần - mỗi do tuần 16 cây số ngàn - vẫn được ngài hóa độ trở nên một vị A-la-hán.
Còn đối với quyến thuộc, sau khi xuất gia, ngài không còn lưu luyến và cũng chẳng màng gì đến sự giúp đỡ của quyến thuộc, vì ngài đã thoát vòng của thế tục. Nhưng đức Phật cũng không bỏ quyến thuộc, khi biết hai họ - Koliya là họ mẹ và Sākya là họ cha - vì giành lấy dòng nước mà đem binh ra đánh nhau; ngài đã ngự đến thuyết pháp, khuyên hai họ bỏ chuyện hận thù gươm giáo. Lần khác, biết rằng thái tử Viḍūḍabha sẽ đem binh về tiêu diệt giòng Thích-ca, đức Phật mới ngự đi ngăn cản ba lần; đến lần thứ tư, ngài không ngăn cản nữa vì biết rằng oan trái của hai bên rất nặng, cái nghiệp dữ đã đến với họ.
Nếu có người hỏi: Đã nói rằng, Phật là đấng thông hiểu cả mọi việc, vậy ngài đã biết là không thể ngăn cản được, tại sao phải mất công đi ngăn chặn tới 3 lần? Dĩ nhiên, đức Phật biết rõ như thế, nhưng ngài phải để lại một tấm gương, một bài học là lo cho quyến thuộc, ngăn ngừa tai họa cho quyến thuộc hết mình. Bài học thứ hai là không ai có thể tránh khỏi quả dữ của nghiệp khi nghiệp ấy đến thời trổ quả - dù năng lực thần thông siêu nhiên của đức Chánh Đẳng Giác cũng phải bất lực, bó tay! Mỗi người hãy tự cứu mình!
Khi ta suy nghĩ kỹ lại, thì sự giúp đỡ quyến thuộc của đức Phật trong trường hợp này hàm tàng nhiều ý nghĩa, nhưng nổi bật là: Ngài giúp quyến thuộc là một chuyện và cái nghiệp của quyến thuộc lại là chuyện khác.

+ Theo Phật giáo, có 4 cách giúp đỡ quyến thuộc rất hiệu quả sau đây:

1. Dāna: Giúp đỡ vật chất như tiền của, cơm nước, y phục, thuốc men, nhà cửa; không để cho quyến thuộc phải cực khổ vì thiếu thốn trong mọi nhu cầu sinh hoạt.
2. Piyavācā: Lời nói êm dịu, thương mến, hòa nhã. Ý nói khi nào mình giàu sang, có quyền chức, đối với quyến thuộc, phải một mực thương yêu, không vì lẽ có quyền chức giàu sang mà khinh khi quyến thuộc, nói lời bất nhã.
3. Atthacariyā: Ráng giúp đỡ quyến thuộc được nhiều lợi ích hợp pháp, đúng đắn, chơn chính... Ý muốn nói, khi quyến thuộc gặp tai nạn, ta nên giúp của cải, nhu cầu tùy theo sức mình - nhưng sự giúp đỡ ấy không có hại cho mình mà quyến thuộc thì được lợi lạc, an vui thật sự.
4. Samatta: Chữ Pāḷi này, danh từ có nghĩa là sự bình đẳng, bằng nhau; tính từ có nghĩa là đầy đủ, trọn vẹn. Nhưng theo văn cảnh thì có nghĩa là phải biết kính trọng bậc trưởng thượng, thương yêu người nhỏ, nể nang người ngang hàng với mình, không hống hách hay khi dể, coi thường quyến thuộc.
Tóm lại, theo đức Phật dạy, có hai cách giúp đỡ quyến thuộc sau đây:
- Amisasaṅgaha: Giúp đỡ tài chánh, vật chất.
- Dhammasaṅgaha: Giúp đỡ bằng cách khuyên lơn quyến thuộc bỏ dữ về lành, tu hành theo chánh pháp để an vui và hạnh phúc nhiều đời, sau đó là chấm dứt luân hồi khổ.

+ Giúp đỡ quyến thuộc sẽ hoạch đắc những điều hạnh phúc như sau:

1. Đại phước cho mình.
2. Quyến thuộc nhớ đến mình luôn luôn.
3. Càng ngày càng gần gũi với quyến thuộc.
4. Quyến thuộc kính mến.
5. Quyến thuộc càng ngày càng đoàn kết chặt chẽ.
6. Sự thương yêu lẫn nhau càng ngày càng gia tăng.
7. Đó là pháp cao thượng trong Phật pháp.
8. Đó là việc làm của các bậc trí thức
9. Đó là gương mẫu cho kẻ hậu sanh.
10. Là con đường đi của các bậc trí thức.
11. Là con đường đi đến thiên đàng.
12. Không còn oan trái và kinh sợ.
13. Lợi ích cho mình trong kiếp này và vị lai.
14. Là duyên đưa đi đến an lạc.
15. Cũng là nhân duyên cho con đường Niết-bàn về sau.

Tích xưa về sự bảo vệ quyến thuộc

“- Thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh làm chó Chúa ở ven rừng gần thành Bārāṇasī.
Ngày nọ, đức vua Bārāṇasī ngự xem vườn thượng uyển bằng xe ngựa. Tối về, người xa phu để xe ở trước sân mà quên cất yên ngựa và các đồ đai da phụ tùng. Đêm ấy trời mưa to, những con chó săn của vua ở trong cung mới cắn đứt và ăn hết tất cả các đồ đai da phụ tùng ấy. Sáng ngày, người xa phu thấy vậy lấy làm kinh sợ, mới vào tâu với vua rồi đổ tội cho những con chó ngoài thành lén vào và làm việc tày trời ấy. Đức vua cả giận, không truy hỏi nguồn cơn, truyền lệnh cho quân lính lùng sục khắp nơi - hễ thấy chó là giết, bất kể chó ấy của ai, ở đâu.
Chó Chúa lúc ấy ở ven rừng, cai quản một đoàn chó mấy ngàn con - thấy quyến thuộc của mình bị thảm sát, bị giết một cách tàn ác và đã chết rất nhiều, mới nghĩ rằng: “Ta phải làm sao để cứu giúp quyến thuộc thoát khỏi tai nạn này”. Rồi chó Chúa phát nguyện pháp ba-la-mật, cầu xin phước báu để vượt qua vòng cương tỏa của quân binh ở các cổng thành. Phát nguyện xong, khởi năng lực của tâm từ, chó Chúa liền chạy một mạch đến vương cung vào gặp vua mà không bị ai phát hiện. Trông thấy chó Chúa - do phước tướng cao sang, uy nghi và năng lực của tâm từ - đức vua liền phát sanh thiện cảm, nên không cho ai đụng đến chó rồi phán hỏi lý do.
Chó chúa kính cẩn quỳ xuống, lễ phép thưa:
- Tâu Đại vương! Có phải ngài đã ra lịnh tru diệt hết tất cả loài chó trong quốc độ không?
Đức vua đáp:
- Phải, ta có ra lịnh ấy, vì tội của chúng là dám vào hoàng cung cắn xé và nhai nuốt toàn bộ yên cương, đai da trang điểm quý báu của ta!
Chó Chúa tâu:
- Bạch Đại vương! Thật sự là ngài có thấy rõ, biết rõ những con chó nào đã ăn những đồ vật ấy chăng?
Đức vua đáp:
- Không, ta chỉ nghe tên xa phu nói lại!
Chó Chúa hỏi tiếp:
- Vậy, xin thưa, người xa phu ấy chắc là đã tận mắt mình thấy, mình biết - phải thế không, Đại vương?
Đức vua trầm ngâm:
- Đêm ấy mưa to gió lớn nên có lẽ y chỉ suy luận, phỏng đoán mà thôi!
Đến ngang đây, chó Chúa chợt cất giọng uy nghiêm như một vị quan tòa:
- Là một bậc nhân chủ, là một vị minh quân - lẽ nào khi chưa thấy rõ, biết rõ, lại dựa trên sự phỏng đoán, suy luận của một người xa phu - mà đại vương lại ra nghiêm lệnh giết tất cả loài chó trong thiên hạ? Hành động ấy là chơn chánh hay không chơn chánh? Là công lý hay không phải công lý? Là đúng pháp hay không đúng pháp, tâu Đại vương!
Đức vua sợ hãi, trán toát mồ hôi, không thốt được một lời trước những câu hỏi nghiêm khắc, nặng tợ ngàn cân ấy!
Chưa thôi, chó Chúa buộc tội tiếp:
- Như thế, chứng tỏ đại vương chưa có đủ 10 vương pháp trị dân - lại còn rơi vào bốn pháp thiên vị rất nguy hiểm nữa - ấy là thiên vị vì thương, thiên vị vì giận, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi. Nếu 10 vương pháp trị quốc mà không đầy đủ hoặc khiếm khuyết thì kỹ cương, triều chính sẽ không ổn định, muôn dân theo đó sẽ lầm than, đau khổ. Còn nếu theo 4 pháp thiên vị mà hành động - thì chính đức vua sẽ rơi đọa vào các cảnh giới ác đạo, tối tăm và đau khổ, nhà vua có biết chăng?
Đức vua toát mồ hôi lạnh. Sau đó cảm thấy mình học được bài học ngàn vàng về phép trị nước, lấy làm hoan hỉ, trong sạch với chó Chúa nên bình tĩnh hỏi rằng:
- Này vị trí thức! Thế ngài có biết chó nào đã cắn và đã nhai nuốt yên cương, đai da phụ tùng ấy không?
- Tâu Đại vương! Sự thật thì chó ngoài thành không thể vào trong cung nội - ngày đêm được canh phòng cẩn mật - để ăn những vật dụng ấy. Thủ phạm chính là những con chó săn của bệ hạ. Nếu Hoàng thượng còn nghi ngờ, xin lấy mỡ rồi đâm cỏ may trộn vào cho chó trong cung ăn thì chúng sẽ mửa ra lập tức đồ bằng da ấy. Tại sao vậy, vì những đai da được trui thuộc công phu, kỹ càng, ở trong bụng chó 5, 7 ngày vẫn chưa tiêu hóa được!
Đức vua lập tức truyền cho thị thần làm y như lời thì rõ ra chó trong cung nội đã ăn những đai da ấy.
Đức vua xiết bao cảm kích, mời chó ngồi lên trên ghế và cúng dường như một nhà sư.
Chó Chúa  mới thuyết rằng:
- Tâu Đại vương! Xin ngài hãy hành theo thập thiện và phụng dưỡng mẹ cha, làm như thế mới gọi là cao thượng.
Sau đó, chó Chúa mới khuyến khích đức vua thọ trì ngũ giới. Xong, chó chúa về rừng. Nhà vua truyền ân xá tội cho chó. Và từ ngày ấy đức vua lo hành theo ngũ giới, thập thiện, cai trị quốc độ bằng 10 vương pháp”.
Tích này ngụ ý khuyên ta nên giúp đỡ quyến thuộc lúc lâm nguy, nên hy sinh và bất cứ giờ phút nào ta có thể giúp được, nên giúp liền. Đó là con đường đi của các bậc trí thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét