Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-18-Người có của để dành từ trước

HẠNH PHÚC V

Pubbe ca katapuññatā

Tánh cách người có việc lành để dành từ trước
(Công đức trước đã làm) 


Câu này dạy rằng: Người đã làm phước trong kiếp trước, ngày hôm nay được thọ hưởng phước ấy.
Khi được lợi lộc hay thoát khỏi một tai nạn, người ta thường cho rằng đó chỉ là tình cờ, hay là sự may mắn. Sự thật, ấy là quả báo của việc lành mà người ấy đã làm trong nhiều kiếp trước, nay đến lúc trổ quả. Người có ít nhiều đức tin và tâm đạo thì cho rằng đó là do phước.
Phước là gì? Phước là những thành tựu đưa đến những lạc thú ở đời, kinh gọi là hỹ mãn ngũ dục như giàu sang, quyền quý, chức tước, danh vọng... [vii] Theo quan niệm thông thường, nếu đem phước ra phân tách thì chúng ta thấy nó có ba nhân tố, ba yếu tố cần và đủ; đấy là:
1- Nhân của phước: Là điều, là việc mà mình đã làm với sự trong sạch của thiện tâm, tức là do vô tham, vô sân, vô si; mà sau khi làm xong, mình không hề ăn năn hối tiếc, trái lại thấy trong lòng hân hoan, vui vẻ, thỏa thích.
2- Quả của phước: Là sự đầy đủ, thỏa mãn từ vật chất đến tinh thần mà mình đang hưởng thụ như giàu sang, quyền chức, danh vọng, địa vị...
3- Lý của phước: Là sự may mắn thoắt đến, chợt đến cho ta, và khiến ta tránh khỏi tai nạn hoặc thoát được một hoàn cảnh hiểm nghèo. Cái lý ấy, người không tu Phật thường không suy gẫm sâu về nhân quả nên họ gọi là sự tình cờ, ngẫu nhiên. Thí dụ như mình đi trễ chuyến xe sáng, nhưng sau đó, chiếc xe ấy bị tai nạn giữa đường. Chuyện này chỉ như là tình cờ, ngẫu nhiên mà mình thoát khỏi tai nạn; nhưng thật ra, đấy là do phước, do phước bảo trợ nên nó xúi ta đi trễ chuyến xe. Phước này không có được từ hiện tại, mà do ta đã để dành sẵn từ kiếp trước. Tạm coi như đấy là lý của phước [viii].

+ Có ba nguyên nhân sanh phước:

- Tâm trong sạch.
- Ba cửa (thân, khẩu, ý) thanh tịnh.
- Tâm biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi [ix]
1- Tâm trong sạch: Là tâm không lẫn lộn với tội ác như tham lam, sân hận, si mê, và tâm hằng nhớ đến ân đức Tam Bảo.
“- Trong kinh Pháp cú có chuyện thanh niên Maṭṭakuṇḍali là con của một ông trưởng giả, có tiếng là keo kiệt nhất trong xứ. Khi Maṭṭakuṇḍali bệnh, ông trưởng giả không rước thầy coi bệnh cho thuốc, mà lại hỏi thầy thuốc bệnh thế ấy uống thuốc gì? Thầy thuốc biết ông ta bỏn xẻn, keo kiệt không chịu bỏ tiền mua thuốc, muốn tự tay mình lên rừng kiếm thuốc cho đỡ tốn kém, nên ghét, chỉ thuốc không đúng căn bệnh làm cho con ông càng ngày càng đau nặng. Ông trưởng giả thấy con bệnh nặng, sắp chết, sợ để trong nhà quyến thuộc đến thăm phải tốn kém này nọ, nên ông đem cho con ông nằm ngoài hàng ba. Vì thanh niên Maṭṭakuṇḍali là người đã tạo nhiều duyên lành để lại từ kiếp trước, nên đêm ấy đức Thế Tôn dùng tuệ quan sát thấy chàng có duyên; nên sáng ngày mai, ngài ngự đến ngay trước nhà của ông trưởng giả. Lúc ấy, Maṭṭakuṇḍali lại nằm quay mặt vào trong nên đức Phật lại hiện hình trên vách. Trông thấy đức Thế Tôn tướng hảo quang minh, chàng thanh niên Maṭṭakuṇḍali lấy làm trong sạch và nghĩ rằng: Ta vô phước sanh làm con của người keo kiệt không được làm việc lành. Hôm nay ta không thể ngồi dậy, đứng lên hoặc chấp tay đảnh lễ Phật được. Thôi chỉ có tấm lòng thành kính, trong sạch này, con xin làm lễ đức Thế Tôn.
Hướng đến đức Phật, suy nghĩ thế xong thì tắt hơi, thanh niên Maṭṭakuṇḍali được sanh về cõi trời do nhờ tâm ông kính thành và trong sạch”.
2- Ba cửa thanh tịnh: Là thân, khẩu, ý thanh tịnh. Thân thanh tịnh là không sát sanh, không trộm cướp và không tà dâm. Khẩu thanh tịnh là không nói dối, không nói đâm thọc, không chửi rủa mắng nhiếc và không nói lời vô ích. Ý thanh tịnh là không oán thù, không tham lam, không tà kiến. Nói tóm lại, ba cửa thanh tịnh chính là 10 nghiệp lành.
3- Tâm biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi: Nguyên chúng sanh còn say mê theo tài sắc, danh lợi; tâm ác của họ không bao giờ biết rung động, biết ghê sợ, biết kinh sợ trước tội lỗi mà chính mình đã làm. Trong lúc say mê theo tài sắc, lợi, danh; họ đâu biết, đâu nghĩ rằng, khi tử thần gõ cửa, họ sẽ ra đi với hai bàn tay trắng! Thậm chí như khi cha, mẹ, anh em thân bằng quyến thuộc, người này, người kia bỏ họ ra đi về cảnh giới khác,  họ cũng chẳng hề nao núng và chẳng thể nghĩ rằng: Ngày nào đây họ cũng sẽ bỏ những gì mà họ đã có, ra đi với hai bàn tay không cùng một khối tội lỗi nặng nề đè trên tâm hồn họ. Người không biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi thì không hề biết tu hành, vì vậy nên không bao giờ có được một giây phút thoải mái, những khoảnh khắc an lành. Vậy ta nên để tâm rung động, ghê sợ trước những việc ác, những nhân tố đưa đến đau khổ; ráng lo tu hành để được hạnh phúc trong kiếp này và sẽ được giải thoát muôn vạn phiền não trong ngày vị lai.
Theo đây tôi xin nhắc tích của đại đức Yasa, người biết ghê sợ, kinh tởm đời sống ngũ dục.
“- Sau khi chuyển pháp luân tại vườn Lộc uyển Bārāṇasī, Đức Thế Tôn tạm ở với 5 vị Kiều Trần Như. Lúc ấy tại thành Bārāṇasī có chàng thanh niên Yasa, con của một vị trưởng giả, được cưng chiều như viên ngọc quý. Chàng ở trong ba tòa lầu để trong ba mùa, ngày đêm yến tiệc linh đình, tiếng ca hát không bao giờ dứt. Đêm nọ, Yasa đang xem mỹ nhân múa hát, chàng phát chán rồi bỏ đi ngủ. Khuya lại, tỉnh giấc, Yasa thấy những mỹ nhân đang ngủ, mồ hôi xông ra mùi khó thở, có cô nước miếng chảy ra, có cô ngáy om sòm, chàng cảm thấy đó là những tử thi và tưởng như mình đang đứng giữa bãi tha ma. Lấy làm kinh sợ, Yasa thốt rằng: “Thế gian bẩn thỉu quá”! Ý chàng muốn nói thế gian nầy toàn là những vật nhơ nhớp, người bị nhốt trong vòng tỏa của sự đau khổ, không biết nương tựa vào đâu được. Rồi Yasa bỏ lầu ra đi về hướng vườn Lộc Giả. Đức Thế Tôn biết duyên lành của Yasa đã đến, nên ngồi chờ chàng tại một nơi. Nơi đó, Yasa vừa đi vừa lập lại câu: “Thế gian bẩn thỉu quá!”. Đức Thế Tôn gọi Yasa và nói rằng: “Đây không bẩn thỉu, không bực bội, ngươi hãy đến đây". Yasa mới đến gần và đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn mới thuyết về Anupubba cho ông nghe. Sau khi nghe xong thời pháp, Yasa đắc quả Tu-đà-hoàn đến sáng ngày chàng đắc A-la-hán quả sau 5 thầy Kiều Trần Như. Và thanh niên Yasa là vị A-la-hán thứ sáu trong Phật giáo”.
Nhơn đó đức Phật dạy cho đệ tử nghe rằng: Kiếp trước Yasa là người làm nghề thiêu tử thi. Có ngày nọ ông thiêu tử thi của một người đàn bà có thai. Khi đốt tử thi cháy, ông thấy đứa trẻ lòi ra trông rất ghê tởm. Ông phát tâm chán sợ về sự nhơ nhớp của xác thân, đó là cái nhân.Đến kiếp nầy ông thấy mỹ nữ là những tử thi.

+ Đây tôi xin nói tóm về pháp Anupubba (thuận thứ) của đức Phật đã thuyết cho đại đức Yassa là pháp hành theo tuần tự 5 điều:

1. Dāna: Dạy về bố thí
2. Sīla: Dạy về trì giới
3. Sagga: Nói về sự an vui trong các cõi trời
4. Kāmādīnava: Nói về tội ngũ trần
5. Nekkhammanissanda: Dạy về cái quả của sự xuất gia
Sở dĩ pháp đó gọi là pháp đi theo tuần tự (thuận thứ), từ thấp lên cao -  là vì trước hết đức Phật dạy về bố thí, thứ nhì là trì giới, sau ngài mới nói về an lạc cõi trời, tiếp theo là nói đến cái hại của ngũ trần sau đó mới nói đến kết quả của sự xuất gia, là con đường chấm dứt tất cả mọi khổ ách.
Nếu ta hành được pháp tuần tự đó thì tạo được nhân sanh phước và ta tạo được phước lành trong kiếp trước, thì chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng phước trong ngày vị lai.
Có người hỏi: Có ai có thể cướp được hạnh phước báu của ta chăng?
Đức Thế Tôn dạy: Phước ấy theo ta như bóng với hình, không ai có thể trộm cắp hay cưỡng bách hoặc lập mưu kế gì để cướp giật phước báu ấy được, chẳng khác gì hột ngọc Siri trong sự tích sau đây.
“- Khi đức Thế Tôn còn tại thế, ông trưởng giả Cấp Cô Độc làm phước bố thí cho đến khi nghèo. Ông làm chùa Kỳ Viên, mua vườn xoài của hoàng thân Kỳ-đà bằng cách trải vàng đầy mặt đất. Vì vậy chùa Kỳ Viên cũng có tên là Bố Kim Tự (Chùa trải vàng). Ngoài ra ông còn làm phước bố thí nhiều không kể hết. Ông làm phước cho đến lúc chỉ còn cháo tấm và bột chua. Nhưng về sau ông giàu trở lại.  thầy bà-la-môn tìm hiểu coi tại sao ông giàu, rồi lại nghèo, trở lại giàu! Sau nhiều lần quan sát, thầy bà-la-môn thấy trên đầu một con gà trống ở nhà ông trưởng giả có viên ngọc Siri. Biết đây là nguyên nhân sanh phước, ông bà-la-môn liền đến xin con gà ấy và thầy tin chắc rằng ông trưởng giả sẽ cho vì thầy viện lẽ rằng, nhà thầy có gà, nhưng toàn là gà gáy sai canh, cần một con gà gáy đúng canh để học trò dậy học bài. Ông trưởng giả vốn là người giàu lòng bố thí, thì con gà đối với ông không có nghĩa lý gì, nên ông cho liền. Khi ông trưởng giả bằng lòng cho con gà thì cái Siri lại bay qua đậu trên cây gậy của ông trưởng giả; thầy bà-la-môn xin luôn cây gậy, ông cũng cho, thì Siri bay lên đậu trên đầu của bà trưởng giả.
Thấy hiện tượng ấy, thầy bà-la-môn biết rằng, vật ấy, viên ngọc Siri, viên ngọc may mắn ấy thường đi liền với chủ, không ai có thể xin mượn hay cướp giật được, bèn thú nhận: “Tôi xin trả lại con gà trống trắng và cây gậy lại cho ông. Thật ra tôi thấy cái Siri của gia đình ông ở trên đầu con gà, nên tôi mới xin nó, không dè ngọc Siri lại bay đậu trên cây gậy của ông, rồi tôi xin cây gậy thì cái Siri ấy lại bay đậu trên đầu bà. Cái viên ngọc Siri may mắn và quý báu ấy là vật sở hữu của ông, thật không ai có thể lấy được”.

+ Vậy khi có phước thì không ai làm thể nào cướp lấy được phước của ta. Muốn tạo ra phước, ta có ba pháp phải hành:

- Bố thí trừ tham lam.
- Từ bi để diệt lòng sân hận.
- Tham thiền theo hai pháp: Chỉ tịnh (định) và quán minh (tuệ, minh sát tuệ) để trừ si mê và tà kiến.
Nhưng phải hành ba pháp đó bằng tâm trong sạch, sốt sắng, quyết định, thì quả phước đến cho ta mau lẹ. Trái lại nếu ta làm chần chờ, giải đãi, dụ dự thì quả lành cũng đến chậm chạp. Lẽ cố nhiên, mỗi khi ta muốn làm một việc gì quấy, thì cả trăm tâm ác xô đẩy xúi giục ta mau thi hành việc quấy ấy; còn khi nào ta muốn làm lành như bố thí, thì hằng ngày cái tâm ác kéo lại không cho ta thực hành.

+ Phước đem lại rất nhiều lợi ích an lành cho ta như là:

1. Ajeyya: Không ai dành lấy được - vì không gì có thể thắng nổi phước.
2. Anugaminī: Theo dính bên mình ta, nó theo vào, đi liền với ta như bóng không lìa hình.
3. Etaṃ adaya gacchati: Khi người bỏ xác thân này không đem gì theo được, ngoài nghiệp nhân mà mình đã gieo.
4. Asādhāraṇa: Riêng biệt, không phải công cộng. Nghĩa là, phước không phải là của chung, của ai tạo thì người ấy hưởng, chớ không phải của người này tạo mà người kia hưởng được, cho dù là quyến thuộc.
5. Acoro: Kẻ trộm không thể trộm được.
6. Sabbakammaddā: Phước ấy trả quả cho người đã tạo được an vui và đắc kỳ sở nguyện. Được thọ lãnh trọn vẹn kết quả nghiệp lành mà mình đã tạo.
7. Yaṃ yaṃ devahipatthanni (?) [x]: Nguyện vọng gì đều được kết quả như ý.
8. Suvaṇṇatā: Có làn da đẹp
9. Sussaratā: Có tiếng nói dịu dàng, nghe rất hay.
10. Susaṇṭhāna: Có tướng tốt.
11. Surūpatā: Có thân hình đẹp, sắc tướng tuyệt mỹ.
12. Adhipaccam: Được chức phận lớn
13. Parivāro: Được nhiều người tâm phúc, nhiều kẻ tùy tung, hầu hạ.
14. Padesarajjam: Được quyền uy trong một xứ, một địa phận.
15. Issariyam: Được độc lập, nghĩa là không dưới quyền ai; nhiều của cải, tài sản.
16. Cakkavattī: Được làm vua Chuyển luân vương.
17. Devarajjampi: Được làm Thiên vương
18. Manussika: Được sanh làm người giàu sang
19. Devaloke: Được sanh vào cõi trời
20. Nibbānasampatti: Đắc được quả vô thượng là Niết-bàn
21. Mittasampadamagamma: Được có nhiều bạn lành
22. Vijjāvimutti: Đắc giải thoát do nhờ trí minh
23. Paṭisambhidā: Đắc tuệ phân tích
24. Vimokkha: Được giải thoát
25. Savakaparamī: Đắc được Ba-la-mật của bậc Thanh văn đệ tử Phật
26. Paccekabodhi: Đắc được quả Độc Giác Phật
27. Buddhabhūmi: Được căn bản của trí Phật
28. Sukhanaṃ nidānaṃ: Có được phương tiện (nhân) để đưa đến hạnh phúc, an vui.
29. Sampattinaṃ mūlam: Là gốc rễ của sự may mắn, thành tựu, an vui, giác ngộ, giải thoát.
30. Bhoganaṃ mūlaṃ: Là nguồn gốc có được những sở hữu tài sản.
31. Visamagatassatnam (?) : Phước là vật vô tri cho người còn luân hồi.
32. Dānasadiso avassayo: Phước giống như sự nương nhờ.
33. Sīhasadisaṃ : Phước giống như (hang) sư tử, nghĩa là nơi mà các con thú khác không dám leo đến, người có phước không bao giờ gặp tai nạn của kẻ ác gây nên.
34. Papahapaṭhavī sadisaṃ: Phước giống như quả địa cầu chở người có phước.
35. Rajjudisaṃ: Phước giống như sợi dây cột tâm lại không cho đi lầm đường.
36. Navasadisaṃ: Phước giống [xi] như thuyền chở người qua bể khổ.
37. Saṅgāmasuro: Phước ví như vị tướng tài can đảm đánh tan quân thù nơi trận địa [xii].
38. Susaṅkhatanagaraṃ: Phước ví như kinh thành hay phố thị mà người ta trang điểm huy hoàng.
39. Padumasadisaṃ: Phước giống như hoa sen - không hôi tanh mùi bùn, nghĩa là không hề đưa người đi vào đường tội lỗi, xấu ác.
40. Aggisadisaṃ: Phước ví như lửa - đốt cháy phiền não trong tâm
41. Asīvissadisaṃ: Phước ví như rắn độc vì nó cắn chết tội.
42. Sīhasadisaṃ: Phước ví như sư tử rất can đảm khi đứng trước kẻ thù là tội lỗi [xiii].
43. Seta-usabhasadisaṃ: Phước ví như bò Usabha, vì bò này quý nhứt thế gian [xiv].
44. Hatthīsadisaṃ: Phước ví như bạch tượng - là thú quý nhứt.
45. Vahassarāja: Phước ví như thiên lý mã [xv] chở người bay qua bể khổ luân hồi.
46. Gatamaggaṃ: Phước là con đường đi của các bậc thánh nhơn.
47. Buddhavansaṃ: Phước là dòng của Phật, nghĩa là muốn đắc quả Phật thì phải tạo nhiều phước.
Phước còn đem lại cho ta nhiều hạnh phúc, như là: Phước là vật thực trong đời vị lai của người chưa đi đến Niết-bàn.

Phước là nguyên nhân cho chúng ta được ba điều an lạc là: Nhân, thiên, và Niết-bàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét