Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-30-NGƯỜI DỄ DẠY

HẠNH PHÚC XXVIII

Sovacassatā : Nết hạnh người dễ dạy

                                                    (Thiện ngôn, lời nhu hòa)                           

Nết hạnh người dễ dạy sẽ giảng về ba điểm.
1. Hạng người dễ dạy
2. Phương pháp hành cho ra người dễ dạy.
3. Hạnh phúc sanh lên do sự dễ dạy.
(1) Hạng người dễ dạy:
Tính cách của hạng người này là, khi có ai dạy cho điều hay lẽ phải, họ không tỏ vẻ buồn giận hay làm như không nghe, trái lại, tỏ vẻ hết lòng biết ơn người đã chỉ bảo lỗi cho mình.
Người đời không ai tránh khỏi sự lầm lỗi, may có người nhắc nhở thì ta phải ráng ăn năn, hối cải mới tốt hơn được, mới sống an vui được.
Các bậc trí thức nói về người dễ dạy là họ có một bửu vật để nương nhờ. Đúng vậy, trong bài kinh Sattamasutta bộ Anguttaranikāya, đức Phật có dạy rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Các thầy nên là người dễ dạy, phải biết nhẫn nại, vui lòng vâng giữ lời chỉ dạy. Đây là hạnh mà các thầy nên nương nhờ”.
Câu Phật ngôn nầy cũng hàm nghĩa là: Trong lúc đã phạm vào điều quấy, bị người chỉ trích thì không nên buồn, không nên cãi lại. Đấy mới là bậc trí.
Trong bài kinh Ammānasutta đại đức Mục-kiền-liên có nói về người dễ dạy và không dễ dạy như sau:
“- Có vị tỳ-khưu trình bày rằng, xin quý ngài vui lòng chỉ bảo cho những điều sai lầm để lánh, điều chánh để tôi hành! Ngoài miệng, vị ấy nói như vậy, nhưng khi có người chỉ bảo thì không tuân theo - đây là hạng người không dễ dạy. Còn người dễ dạy thì không yêu cầu các bậc trí thức chỉ dạy, nhưng khi nghe thấy điều xấu xa của kẻ khác thì cố xa lánh những điều xấu ấy, cố hành điều lành, người ấy cũng gọi là người dễ dạy”.
Người dễ dạy có hai hạng: Một hạng đáng khen và một hạng đáng chê! Tại sao vậy? Tại sao dễ dạy mà có hạng đáng khen, hạng đáng chê? Đức Phật có thuyết rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Có vị tỳ-khưu dường như là người dễ dạy; nhưng ông ta dễ dạy là để mà hưởng những lợi lộc như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men... Như Lai không gọi vị ấy là người dễ dạy, vì nếu vị ấy không có y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men, thì sẽ không dễ dạy!”
Đức Phật còn giảng tiếp:
“- Người làm bộ vâng lời, luôn luôn tỏ ra mềm mỏng, lễ độ, dễ dạy - nhưng là để thiện nam tín nữ kính trọng, phát tâm trong sạch để cúng dường tứ sự - đây được gọi là dễ dạy nhưng có mưu đồ, chứ thật ra vị ấy không có thực tâm! Chỉ có vị tỳ-khưu nào không vì lợi lộc, danh vọng - họ dễ dạy để học pháp, dễ dạy để diệt trừ những xấu ác như cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn... Như Lai mới gọi là người có tánh dễ dạy thật sự. Vậy các thầy nên nhớ rằng, là tỳ-khưu, chúng ta chỉ biết cúng dường pháp, thực hành pháp, kính trọng pháp; nói cách khác, dễ dạy là do pháp bảo, bởi pháp bảo - chứ không phải dễ dạy là vì danh vọng và lợi dưỡng!”
Người hết lòng cung kính giáo pháp, không ỷ mình giàu có, sang trọng, quyền chức, niên cao, kỷ trưởng mà cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn - trái lại, rất lễ độ, mềm mỏng, dễ dạy; những người ấy gọi là người biết hành theo pháp giải thoát, như trong tích của ngài Rādha sau đây:
“- Ngài Rādha trước kia là bà-la-môn, sau xuất gia theo Phật giáo, nhưng vì già không đủ trí nhớ để hành theo phạm hạnh. Vì ông già nên thường nghĩ đến đời sống thừa của ông còn rất ít, nên ông cố hết sức hành đạo, luôn luôn vâng theo lời dạy bảo của đại đức Xá-lợi-phất, nên sau ba tháng xuất gia ông đắc A-la-hán quả.
Đức Xá-lợi-phất dẫn ngài về lễ Phật.
Đức Thế Tôn hỏi: Nầy Xá-lợi-phất! Vị đệ tử già của ông có dễ dạy không?
- Bạch đức Thế Tôn! Ông Rādha tuy già nhưng thật là dễ dạy, một khi đệ tử chỉ bảo điều nào thì vâng giữ hành theo không buồn giận hay tỏ vẻ bất bình gì cả.
Nhân dịp ấy, đức Thế Tôn mới thuyết rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đã là một vị tỳ-khưu, lẽ cố nhiên phải tỏ ra là người dễ dạy như thầy Rādha! Nhờ dễ dạy, thầy Rādha đã làm xong phận sự của mình - thì có khác nào người dạy bảo ta đã chỉ cho ta cả một kho vàng quý báu!”
Ngoài ra, người dễ dạy lại còn thoát khỏi tai ương, hoạn nạn, như túc sanh truyện sau đây: 
“- Có năm trăm người lái buôn, sắm các vật liệu để đi buôn xa, phải trải qua biển lớn và đi ngang qua một hòn đảo là nơi ở của nhiều Dạ Xoa cái. Khi có ghe thuyền bị đắm, Dạ Xoa vớt người lên đem về, trước là thỏa mãn tình dục, sau ăn thịt. Đi đến hòn đảo ấy, ghe của năm trăm người bị đắm, Dạ Xoa vớt cả về đảo.
Dạ Xoa nói: Hôm nay thật là may mà chúng tôi vớt được các người về, chồng chúng tôi cũng là lái buôn, trước đây ba tháng, đi buôn bị đắm ghe chết hết, chúng tôi ở đây thiếu người bầu bạn, vậy các người ở lại với chúng tôi nhé?
Những người ấy vì ham mê sắc đẹp, nên không ngần ngại, nhận chịu liền.
Ăn ở với nhau được mấy hôm, chợt ông thuyền trưởng tinh ý, lấy làm lạ, vì mỗi đêm, Dạ Xoa vợ ông đi vắng một lúc mới về. Ông sanh nghi mới rình coi thì bắt gặp vợ ông hiện nguyên hình là Dạ Xoa ăn thịt người.
Kể lại câu chuyện và ông khuyên tất thảy bạn bè hãy tìm cách trốn đi - vì ở đây, có ngày sẽ bỏ mạng! Trong số 500 người, chỉ có một nửa là người dễ dạy, biết nghe lời khuyên bảo của thuyền trưởng; số còn lại, thuộc loại cứng đầu, lại đang mê man đắm say trong trần dục nên không chịu nghe lời!
Duyên may đã đến. Có một con ngựa thần tên là Valāhaka ở tại rừng Tuyết Lãnh có thần thông bay đến đảo chơi - gặp 250 người muốn về đất liền, ngựa sẵn lòng giúp họ trở lại quê hương!
Thế là hạng người dễ dạy được an toàn - còn số người còn lại, do cứng đầu, đắm say sắc dục nên bị chôn thân trong bụng Dạ Xoa cái”
Kể xong câu chuyện, đức Phật dạy rằng: Nầy các thầy tỳ- khưu! 250 người lái buôn cứng đầu, khó dạy, không biết nghe lời phải, lại đắm say sắc dục nên bị hại! Số 250 người lái buôn còn lại, nhờ dễ dạy, nhờ biết nghe lời phải nên được an toàn sanh mạng! Cũng tương tợ vậy, nếu trong hàng tứ chúng có người cứng đầu, khó dạy, không nghe theo lời giáo huấn của Như Lai thì sẽ bị khổ trong bốn đường ác. Nếu ai là người dễ dạy, biết vâng giữ và thực hành theo lời giáo huấn của Như Lai, thì sẽ có bốn điều lợi ích là: Được sanh làm người, trời, phạm thiên và luôn cả Niết-bàn!
Trong lời dạy trên đây, đức Phật nói đến hàng tứ chúng. Riêng bài kinh Chattasutta trong bộ Anguttaranikāya lại cố ý nói đến bậc xuất gia: Các thầy tỳ-khưu khó dạy, tâm tánh cứng đầu khó dạy - không nhẫn nại, không nghe lời giảng dạy. Hai điều này làm cho Phật giáo bị suy đồi. Những tỳ-khưu nào dễ dạy, chính những vị ấy là những người biết kính trọng Pháp Bảo thật sự, đã làm cho Phật giáo tăng thịnh và trước sau gì họ cũng nếm được hương vị giải thoát.
Nếu ta muốn biết ai là người dễ dạy thật sự thì hãy coi hành động của họ:
a. Nghe lời giáo huấn một cách kính trọng.
b. Vâng giữ hành theo thiện pháp. Ý nói, hiểu rằng mình xấu quấy, cố dứt bỏ cái xấu quấy và thực hành theo điều tốt, điều lành - và không nghĩ rằng mình làm như vậy để được mọi người khen tặng.
c. Biết ơn người chỉ bảo. Ý nói, ngoài việc thực hành theo lời dạy bảo của các bậc trí thức, họ còn biết ơn, không luận người dạy ấy trẻ hay già - hoặc hạng người nào, miễn là chỉ bày điều hay, điều tốt và con đường giải thoát cho mình mà thôi.
(2) Làm thế nào mới trở nên người dễ dạy?
Nếu muốn trở nên người dễ dạy thì phải dứt bỏ 16 điều phiền não trong tâm mình. 16 điều phiền não ấy, đức Thế Tôn có dạy trong bộ kinh Majjhimanikāya:

+ 16 điều ấy là:

1. Không tham muốn đê tiện.
2. Không tự cao, không chê bai kẻ khác.
3. Không sân hận, không dễ bị sân hận.
4. Không oán hận.
5. Không chửi mắng kẻ khác.
6. Không cãi lại.
7. Không cãi lại khi bị tố cáo.
8. Nếu là nguyên cáo họ cũng chẳng cáo bị cáo.
9. Người bị cáo cũng không thưa lại nguyên cáo.
10. Người bị cáo không giấu lỗi, nếu có - và cũng không chối cãi gì.
11. Người bị cáo cũng chẳng đôi co hỏi chứng cứ.
12. Không nên quên ơn các bậc có ơn đã nhắc nhở, chỉ bảo lỗi lầm cho mình.
13. Không ganh tị.
14. Không khoe mình.
15. Không cứng đầu.
16. Chưa thấy bằng mắt thì không tin.
Mười sáu điều này ai có được trong tâm thì hằng đi đến nơi hạnh phúc, an lạc.

+ Người dễ dạy có 11 thái độ:

1. Không lẩn tránh khi có các bậc trí thức răn dạy.
2. Không phải chỉ nghe mà thôi, còn phải thực hành theo lời dạy bảo nữa.
3. Không bao giờ để tâm oán hận hay thù ghét các bậc trí thức dạy mình.
4. Vui lòng với những lời giảng dạy.
5. Hết sức kính trọng lời giảng dạy và còn biết trân trọng lắng nghe.
6. Thái độ luôn lễ phép, cung kính.
7. Có lòng phấn khởi và thỏa thích khi được nghe lời giáo hóa.
8. Không hề hành sái với lời giảng dạy.
9. Thích thực hành đúng theo chánh pháp.
10. Là người nhẫn nại.

(3) Người dễ dạy đem đến cho mình những hạnh phúc sau:

1. Là pháp mà mình nương nhờ được.
2. Là người mà các bậc trí thức rất vui lòng dạy bảo.
3. Là nguyên nhân dứt bỏ được tội lỗi và làm cho phước thiện tăng trưởng.
4. Là nguyên nhân làm cho người khác thương mà chỉ dạy chánh pháp.
5. Là người ở gần với sự đắc đạo quả.

6. Là nguyên nhân đắc được ba điều an lạc [6].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét