Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-9-TIẾP ĐỘ VỢ

HẠNH PHÚC XIII

Dārassa saṅgaho: Tiếp độ vợ.

 Vợ chồng là một vấn đề rất quan trọng trong đời người. Người mà được vui hay khổ cũng tùy thuộc thái độ cư xử, hành động của vợ và chồng. Vì vậy đức Phật dạy: Tiếp độ vợ là hạnh phúc cao thượng.
Tiếng phạn saṇgaha có nghĩa là giúp đỡ, tương trợ, tế độ , tiếp độ; ý nói, khi người đàn ông đã có vợ, thì phải giúp đỡ vợ một cách tận tình, còn phải biết cách chia ngọt sẻ bùi, hướng dẫn vợ theo đường ngay lẽ chánh, phải đem đến sự lợi lạc, an vui cho vợ từ vật chất đến tinh thần! Theo ngữ nghĩa ấy, ta thấy hình như người đàn ông bị bắt buộc phải tiếp độ vợ và như vậy thì dường như người vợ không cần lo gì cho chồng. Sự thật người vợ vẫn phải có bổn phận đối với chồng. Vợ là nội tướng, lo coi mọi công việc trong gia đình. Người chồng ví như tay mặt, người vợ ví như tay trái. Vì tay mặt làm việc nặng nhọc có tiền mua cà rá, nhẫn nhưng tự mình (tay mặt) không đeo mà cho tay trái đeo. Không khác nào người chồng làm việc nặng nhọc có tiền đem về giao cho vợ. Bổn phận người vợ là phải lo săn sóc của ấy không cho tiêu hao mất mác, ấy là phận sự của nội tướng. Theo Việt ngữ, thì tiếng “chồng”“vợ”có một nghĩa nhứt định, nôm na ai cũng hiểu. Còn trong tiếng Phạn tương đương với tiếng “chồng, vợ”của Việt ngữ thì có nhiều nghĩa tùy theo trường hợp.
Phạn ngữ có ba tiếng tương đương với tiếng chồng của Việt ngữ: Sāmī, svāmī và ayya.Tiếng sāmī (Pāḷi) hay svāmī (Saṇskrit) nghĩa là chủ, chúa, thầy tổ, chồng. Tiếng ayya cũng có nghĩa là quý ông, ngài, chủ - cũng là chồng. Nhưng tiếng sāmī chỉ người chủ hiền lành, tốt bụng, bao giờ cũng thương yêu và hết lòng giúp đỡ người dưới, cũng như là giúp cho chính bản thân mình. Còn tiếng ayya chỉ người chủ tính tình không cao đẹp bằng sāmī, là người chủ không được tốt lành, thường hay dùng quyền uy độc đoán làm cho người ta kinh hãi, khiếp sợ.   
Phạn ngữ có nhiều tiếng tương đương với tiếng vợ của Việt ngữ: Đó là dāra, jāyā, paricārikā và bhariyā. Từ dāra  jāyā là vợ, người ta thường dùng. Từ paricārikā người ta ít dùng vì ngoài nghĩa là vợ, nó còn để chỉ vợ bé hay người hầu gái. Thường dùng nhứt làbhariyā (vợ), từ này có nghĩa là người đáng nuôi, người đáng thương hại, ý là người mà ai ai cũng yêu chuộng và muốn nuôi. Từ bhariyā này thường đi đôi với sāmī khi nói đến vợ chồng, tương đương Việt ngữ.
Theo trong bộ kinh Anguttaranikāya có đoạn đức Phật dạy có bảy hạng vợ, tức nhiên là cũng có bảy hạng chồng tương đối.

+ Bảy hạng vợ ấy là:

1. Vadhakābhariyā: Vợ như là đao phủ thủ, như kẻ sát nhân vì luôn ác độc, hung dữ với chồng.
2. Corībhariyā: Vợ như kẻ trộm - vì luôn tiêu xài hoang phí tài sản, của cải của chồng.
3. Ayyābhariyā: Vợ như chủ nhân ác ôn. Ayyā là bà chủ - nên hạng vợ này thường biếng nhác, hỗn xược, đàn áp chồng, sai khiến chồng.
4. Mātābhariyā: Vợ như mẹ. Tức là hạng vợ có lòng từ mẫn, luôn để ý chăm nom, săn sóc chồng như mẹ đối với con.
5. Bhaginībhariyā: Vợ như em gái. Là hạng vợ hiền thục, biết kính trọng, biết yêu thương, biết tùy thuận phục vụ chồng như em gái đối với anh.
6. Sakhibhariyā: Vợ như bạn. Cư xử, đối đãi rất tốt với chồng và bình đẳng, thủy chung như một người bạn tốt.
7. Dāsībhariyā: Vợ như tôi tớ, như người ở gái. Là hạng vợ biết kính sợ chồng, biết nhẫn nhục, biết hy sinh và phục vụ chồng như tôi tớ đối với chủ.
* Vợ như đao phủ thủ: Đao phủ thủ là người giết tội nhân. Người vợ thuộc về hạng này là người đàn bà nhiều sân hận, mặc dầu chồng có lo lắng, nhường nhịn đến đâu, cũng không hề biết thương hại chồng, làm sao miễn cho vừa lòng mình thôi. Người vợ này thường mắng nhiếc, chửi bới chồng, lắm khi còn đánh đập chồng là khác nữa.
Đồng thời cũng có hạng chồng như đao phủ thủ vậy.
* Vợ như kẻ trộm: Người vợ này không trung thành với chồng, thường lo việc sang đoạt, lường gạt, cướp bóc của chồng, đem tiền mua vui riêng, như rượu chè, cờ bạc chẳng hạn, theo ý thích của mình.
Đồng thời cũng có hạng chồng như kẻ cướp.
Thành thật mà nói, vợ hay chồng đều có quyền xài tiền bạc có được trong gia đình, nhưng khi đem ra tiêu dùng, cần phải có sự ưng thuận của cả hai người. Còn khi nào một người trong hai người ấy có ý chi dụng riêng cho mình, có tác ý lén lấy tiền ấy đem đi mua vui riêng, là không hợp pháp - luật đời hay luật đạo đều không cho phép. Lại nữa, sự trộm cắp giữa chồng và vợ khó mà bắt cho được, nên đây là hạng trộm cắp đáng ghê sợ nhất trong gia đình.
* Vợ như chủ nhân ác ôn: Hạng vợ này bao giờ cũng dành quyền hành và giữ tiền bạc trong gia đình. Chồng chỉ là hư vị thôi, như tôi tớ trong nhà. Hạng vợ này chỉ biết ăn, ngủ, thụ hưởng, biếng nhác, làm oai làm phách - chỉ làm hại cho gia đình và mọi người sẽ ghét bỏ mà thôi.
Đồng thời cũng có ông chồng như ông chủ ác ôn vậy.
* Vợ như mẹ: Không ai thương con và lo cho con bằng mẹ. Bà mẹ đối với con có tứ vô lượng tâm, như vị phạm thiên. Người vợ thương chồng, lo cho chồng không nề cực nhọc tấm thân miễn là chồng vui là đủ rồi. Người vợ có tâm như thế gọi là người vợ thương chồng như người mẹ thương con. Thật là hiền thê hiền nội. Quả báo này thật không nhỏ. Chết rồi được sanh vào cõi trời.
Đồng thời cũng có người chồng thương vợ, lo cho vợ, như người cha lo cho con vậy.
Gia đình nào được cảnh này chắc chắn gia đình ấy đầy hạnh phúc và vợ chồng không hề xa nhau vì một lẽ gì. Đây là pháp rất cao quý, chúng ta nên hành theo.
* Vợ như em gái: Hạng vợ này kính mến chồng như anh trai, vì như người em gái thường lo cho anh thật là đàng hoàng và chu đáo.
Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người anh lo cho em gái mình.
* Vợ như bạn: Người vợ lo chăm nom săn sóc cho chồng như người bạn lành săn sóc cho bạn mình và coi chồng như là bạn thân của mình vậy.
Đồng thời cũng có người chồng chăm lo cho vợ như bạn thân của mình.
* Vợ như kẻ tôi đòi: Đây là hình ảnh người vợ đảm đang, nhịn ăn, nhịn mặc, hy sinh mọi điều cho chồng và lo phụng sự chồng - như là người làm công lo cho ông chủ, không bao giờ để sơ thất mọi việc mà chồng đã giao cho. Phạn ngữ dùng từ dāsī (tôi tớ, người ở gái) là để chỉ hạng vợ hết lòng chăm nom mọi việc cho nhà chồng - ta không nên hiểu theo nghĩa xấu là thấp hèn, nô lệ - mà đó chính là người quản gia trung tín nhứt.
Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người quản gia lo cho chủ vậy.
Nếu gia đình nào có được bốn hạng vợ và bốn hạng chồng đã kể trên (4 hạng sau) thì gia đình ấy được an vui. Đức Phật thường dạy đời là khổ, người ở trong đời là người đang trầm luân trong bể khổ. Nhưng ngài biết chúng sanh mặc dầu biết khổ nhưng không dứt bỏ được, nên trong tám muôn bốn ngàn chi pháp của ngài dạy, có pháp xuất thế gian và pháp còn trong thế gian; những người hành theo pháp sau này sẽ được bớt khổ đi một phần nào cũng như hành theo 38 pháp hạnh phúc vậy.
Sự yêu thương giữa nam và nữ về tình dục thì không có gì gọi là cao quý. Vì loài thú cũng biết như ta vậy. Nhưng người đời cao quý hơn loài vật, là vì người ta thương nhau bằng một tình thương trong sạch, hai bên biết lo giúp đỡ cho nhau, lo lắng, chăm sóc cho nhau trong những khi hoạn nạn, bất trắc, ốm đau - được coi như sống chết có nhau; và ngoài ra còn giúp nhau đi theo con đường tiến hóa, an vui, hạnh phúc và cuối cùng là tầm cầu giải thoát như các bậc thánh nhơn nữa.
Về sự tiếp độ nhau giữa vợ chồng, đức Phật có dạy trong bộ Dīghanikāya đoạn Pātivagga rằng: Vợ chồng phải có pháp tiếp độ nhau là:

+ Chồng có 6 pháp đối với vợ là:

1. Thương mến, nể nang, hằng khen tặng và làm cho vợ được lợi ích, vừa lòng.
- Tặng đồ dùng hợp thời, nhất là quà tặng kỷ niệm những ngày vui, mừng sinh nhật.
- Dùng lời dịu ngọt đối với vợ.
2. Không khi dể vợ, nghĩa là không đối xử với vợ như kẻ ăn, người ở.
3. Không ngoại tình, không có vợ bé.
4. Giao cho vợ chủ quyền trong gia đình.
5. Tặng vật trang sức, trang điểm sang quý tùy khả năng mình.
6. Thường dẫn vợ đi xem những cuộc vui như hội chợ.

+ Vợ đối với chồng cũng phải có 5 điều là:

1. Lo thu xếp săn sóc việc trong gia đình cho chu đáo.
2. Lo giúp đỡ quyến thuộc bên chồng.
3. Không ngoại tình.
4. Giữ tiền bạc, của cải mà chồng đã giao phó.
5. Siêng năng làm công việc.

- Những pháp trên là theo đời, còn với lẽ đạo tùy trường hợp người chồng hay vợ phải thực hành theo 3 pháp là:

1. Tiếp độ hạng thấp - là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình biết bố thí, trì giới, nghe pháp, làm lành.
2. Tiếp độ bậc trung - là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình biết tụng kinh, niệm Phật, tham thiền.
3. Tiếp độ bậc cao thượng - là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình học minh sát tuệ và luôn luôn nhắc nhở sự hành đạo.

+ Tiếp độ vợ con được những hạnh phúc là:

1. Làm cho tình thương yêu ấy càng ngày càng thêm đầm ấm, bền vững.
2. Làm cho tâm đầu ý hiệp.
3. Là một điều đại thiện.
4. Là nhân làm cho tiền của dồi dào.
5. Được coi là người hành đúng theo chân lý.
6. Được gọi là người không dễ duôi.
7. Làm khuôn vàng, thước ngọc cho con cháu sau này hay là làm mẫu mực cho người ở bên cạnh mình.
8. Chư thiên và phạm thiên thường ca tụng và hộ trì cho gia đình hành theo hạnh này.
Chính đức Đế Thích có nói câu kệ như vầy với vị trời Mātali rằng:
“- Ye gahatthā puññakāra sīḷavanto upāsikā.
Dhammene dāraṃ phosenti te manussāmi mātali”.
Nghĩa là: Này Mātali! Người cư sĩ nào biết làm phước, sống đời có giới hạnh; lại còn là một thiện nam biết nuôi vợ đúng theo pháp, ta xin lễ bái người ấy.
Vị trời Mātali đáp câu kệ ấy rằng: Tâu đức Đế Thích! Ngài lễ bái kính trọng vị cư sĩ nào mà người ta thường ca tụng thì người cư sĩ ấy quả thật là cao quý trong đời. Vậy, ngài lễ bái kính trọng ai, tôi cũng xin được lễ bái kính trọng người ấy.
Đế Thích là vị thiên vương làm chúa tể trong hai cõi trời Tứ Đại thiên vương và Đao Lợi - mà ngài còn kính trọng người hành pháp theo pháp tiếp độ vợ con, thì chư thiên làm gì mà không hộ trì và kính trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét