Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

38 PHÁP HẠNH PHÚC-20-THU THÚC SỰ UỐNG RƯỢU

HẠNH PHÚC XX

Majjapānā ca saññama: Thu thúc sự uống rượu


Trong 38 điều hạnh phúc, có 3 điều đức Thế Tôn cấm ngặt là:
1. Anavajjānikammāni [7]: Cấm làm việc gì có tội lỗi.
2. Pāpavirati [8]: Cấm không cho làm tội lỗi, lánh xa tội.
3. Majjavirati: Cấm uống chất say.
Theo 3 câu trên quí vị hãy suy nghĩ coi có câu nào lẫn câu nào hay không?.
Hai điều trên - 1,2 - đều nói về tội. Câu thứ nhứt nói về những việc làm không có tội. Câu thứ hai nói về sự kiêng cử, tránh xa điều ác. Tội và ác cũng đều là tội - tại sao phải chia làm hai điều? Nếu đức Phật chỉ dạy một câu là: Lánh xa tội lỗi là đủ rồi. Vì tránh xa tội lỗi thì đâu có mà tội lỗi. Những phần trước đã có giải rồi nên nơi đây không phải giải thêm nhiều, chỉ nói tóm tắt hầu quý vị vậy thôi.
Pháp hạnh phúc thứ XVIII ngụ ý dạy không nên làm sai với giới luật của đời, với phong tục của một nhóm người hay với xã hội. Còn hạnh phúc thứ XI dạy lánh xa tội lỗi, đừng hành sai với điều của đức Phật dạy, nghĩa là không để tâm phải nhơ đục. Các hạnh phúc ấy không giống nhau, nhưng ta thấy hình như là giống nhau.
Câu hạnh phúc thứ XX nầy cấm uống chất say. Tiếng saññama có nghĩa là thu thúc, ý khuyên phải cẩn thận, phải thận trọng gìn giữ điều 3 nầy, đừng xem thường nó.
Ở đây, đức Phật không dạy xa lánh mà dạy nên thận trọng, cẩn thận hoặc thu thúc. Ngài thấy rằng con người phần đông đều vui thích việc uống rượu. Ngài mới dạy hãy thận trọng, không nên để sự vui thích ấy thống trị, không nên để tâm chạy theo sự sảng khoái nhất thời ấy mà đem những chất say tai hại ấy vào mình.
Chẳng phải chỉ có Phật giáo cấm uống rượu mà các tôn giáo khác như Hồi giáo cũng cấm uống rượu.
Đức Phật trông thấy cái hại của sự uống rượu là to lớn nên ngài cấm nhặt, dạy thành giới điều trong ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, thập thiện và cả sa-di giới, cụ túc giới nữa.
Sỡ dĩ đức Phật cấm như vậy, vì ngài thấy tâm chúng sanh vốn đã giải đãi, phóng dật, dễ duôi mà còn đem thêm vào tâm cái chất say sưa nữa - vốn là nhân của phóng dật, dễ duôi - thì e rằng lại càng dễ dàng tạo nên tội lỗi.
Tóm lại, câu Phật dạy thu thúc tâm không cho thêm vào những chất say khác vì chúng sanh đã say và mê trong tài, tình, danh, lợi lắm rồi. Những bệnh say mê ấy chữa còn chưa hết mà còn đem theo bịnh ở bên ngoài vào nữa - thì không biết khó chữa tới đâu!
Uống rượu hoặc sử dụng những chất say, đã phí tiền của, còn phí thì giờ quí báu và gây nhiều tai hại khác nữa. Có người, khi đã say rồi thì không thể làm việc được, chỉ ngủ thôi, như thế những công ăn việc làm bị đình trệ, không có hại sao? Có người viện cớ rằng, tôi thì khác, tôi uống rất chừng mực, điều độ, tôi uống vừa phải để cho khí huyết lưu thông, để nuôi giấc ngủ. Những người nầy không thấy thì giờ là quý báu, là vàng bạc. Thay vì uống rượu, thay vì giấc ngủ, tại sao ta không sử dụng thì giờ ấy để xem sách, coi kinh, quan sát việc làm của ta trong ngày có điều nào sai lầm ta diệt bỏ, mà dù uống để ngủ cũng không chạy khỏi mất tiền.
Sự tai hại, nguy hại của việc uống rượu, và những chất say khác, ta có thể liệt kê ra sau đây:
1. Chửi mắng vợ con, làm cho gia đình vì đó mà kém vui và lắm khi còn gây gổ với hàng xóm.
2. Không còn biết hổ thẹn, cứ la lối om sòm giữa đường, làm mất giá trị của con người.
3. Không ai dám thuê, hay tin tưởng giao phó một công việc gì quan trọng.
4. Không thể nào tạo được hạnh phúc cho đời mình và còn làm cho cơ sở làm ăn của mình bị sa sút, mất uy tín.
5. Đã say sưa rồi thì không còn biết giữ mồm, giữ miệng - dễ tiết lộ, phanh phui vô ích chuyện kín đáo của mình và của người khác.
6. Rượu sinh nhiều bệnh khó trị.
7. Trí óc lu mờ, mất cả sự khôn ngoan.
Đây là cái hại trong kiếp hiện tại, về kiếp sau, nghiệp còn dư sót, sanh lại thành người tối tăm, ngu dốt, học không thuộc, thiếu trí nhớ.

+ Đức Thế Tôn có dạy trong một bài kinh cũng tương tợ như trên:

Cái hại của sự uống rượu có 6 điều là:

1. Bị tốn tiền của.
2. Hằng có sự gây gổ (trong gia đình hay ngoài xã hội).
3. Là nguyên nhân sanh ra nhiều bịnh.
4. Làm mất danh dự, giá trị.
5. Không còn biết hổ thẹn.
6. Làm cho trí nhớ và trí tuệ càng ngày càng lu mờ.
Vì rượu gây tai hại như vậy, nên chẳng những đức Phật cấm uống rượu mà cũng cấm bán rượu và bố thí rượu nữa.
Trong bộ chú giải của kinh hạnh phúc có nói rộng thêm rằng: Người không uống rượu là người biết thu thúc thân, khẩu, ý của mình. Người không uống rượu là người mà ai ai cũng ưa mến, giúp đỡ; là người không chạy theo phiền não, là người cố gắng mài giũa phiền não trong lòng mình, ví như người thợ rèn đốt sắt đỏ và đập sắt cho ra hết rỉ sét. Người không uống rượu là người thích làm phước thiện, không để cho tội lỗi có cơ hội dính vào; là người giữ được lễ phép đúng theo phong tục hay đúng theo giáo lý của tôn giáo mà người ấy đang giữ. Người không uống rượu là người trì giới được trong sạch, người không uống rượu dễ trở thành một công dân lương thiện. Tâm người không uống rượu hằng không phóng túng, lại thu thúc được dễ dàng.

+ Có ba hạng người không uống rượu khác nhau:

1. Người không uống rượu bậc hạ, là người có thọ trì ngũ giới, là Phật tử chân chánh đáng ngợi khen.
2. Người không uống rượu bậc trung là người có thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới, tu tập thiền định và cố hành để cho tâm được thanh tịnh.
3. Người không uống rượu bậc thượng là người có thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới hoặc cụ túc giới; ngoài ra có học và hành minh sát tuệ, nỗ lực tu tập để mau đi đến nơi kết quả.
Người hành tới bậc thượng thừa nầy là người trừ được cái say của tài, tình, danh, lợi và họ sẽ đắc quả Niết-bàn trong một ngày vị lai nào đó.
Tóm lại, uống rượu, luận theo mặt đạo hay mặt đời đều là tai hại. Uống rượu gây khoái lạc trong khoảnh khắc cho người uống, nhưng là thứ khoái lạc trong sự đau khổ, có thể gây hậu hoạn khôn lường.
Vì vậy tất cả các tôn giáo đều dạy phải thu thúc sự uống rượu.

+ Không uống rượu thì được hạnh phúc như:

1. Có trí nhớ, có tên tuổi tốt, người kính nể.
2. Không si mê, không say sưa, không dễ duôi, không phóng dật, không phạm giới.
3. Không có sự kinh sợ, không có oan trái, ai cũng kính trọng, thương mến.
4. Có được sự nương nhờ cao quí.
5. Có để dành lộ phí để đi về cõi trời và Niết-bàn.
6. Có thất bửu nhà Phật trong tâm [9].
7. Sẽ được hưởng ba điều hạnh phúc là sanh làm người, trời và gieo duyên Niết-bàn.
8. Được gọi là hành theo pháp.
9. Đem mình ra khỏi khổ luân hồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét