Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-21-HÀNH THEO PHÁP

HẠNH PHÚC XVI

Dhammacariyā: Hành theo pháp.

Dhammacariyā nghĩa là hành theo pháp. Người hành theo pháp là người được hạnh phúc, làm cho người tiến hóa trên đường đời cũng như trên đường đạo. Chúng ta nên thực hiện như thế nào để được gọi là hành theo pháp?

+ Đây xin chia ra làm ba phần:

1. Pháp là gì?
2. Phương pháp hành theo pháp?
3. Khi thực hành theo pháp thì được những hạnh phúc gì?
Trong hạnh phúc thứ XVI nầy chỗ trọng yếu là pháp và phương pháp hành theo pháp, hành đúng pháp. Trước hết chúng ta nên biết pháp là gì đã? Nếu hỏi thế, thật khó đáp cho trúng trong mấy câu ngắn. Nhưng có thể nói rằng: Pháp là thiện ác, không thiện, không ác; là sắc thinh, hương, vị, xúc, sắc, thọ... Có người lại nói pháp là vật vô hình khó hiểu, cần phải hiểu bằng trí tuệ.

+ Tôi xin giải tóm tắt:

1. Một hành động đúng, tốt gọi là lành hay thiện - đức Phật gọi là thiện pháp.
2. Một hành động sai, xấu làm hại kẻ khác, làm cho người hay thú đau khổ, gọi là làm ác - đức Phật gọi là ác pháp.
Giảng tóm tắt như vậy thì có vị muốn hỏi: Nếu pháp mà giải dễ hiểu như thế, thì cần gì đức Thế Tôn phải dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn? [3]
Hỏi như thế thật là chí lý, nhưng tôi lược giải như trên là tôi muốn nói cái ý nghĩa cốt yếu của pháp, chớ chưa phải là pháp môn đức Thế Tôn có 10 hồng danh [4] mà chư thiên, phạm thiên ca tụng. Trong 10 hồng danh ấy có 02 hồng danh có nghĩa từa tựa nhau là Buddho: Phật, Bhagavā: Thế Tôn.
Phật có nghĩa là hiểu thông các pháp và phân biệt được ác hay thiện, và người hành theo pháp nào được an vui, pháp nào đưa khổ đến. Còn Thế Tôn có nghĩa là chia ý, vì tiếng phạnbhagavā nghĩa là chia từng phần [5]; đức Thế Tôn chia pháp môn ra từng phần để dễ hóa độ chúng sanh, vì chúng sanh có cơ duyên không giống nhau.
Còn một vấn đề rất khó là phải chọn lấy một con đường chân chánh để hành theo và chọn lấy pháp nào làm tiêu chuẩn để hành theo?
Muốn cho quý vị dễ hiểu, tôi xin đem pháp tiêu chuẩn mà đức Phật đã dạy để quý vị quan sát hành theo thiện pháp.
Đức Thế Tôn có dạy ba điều để người làm tiêu chuẩn, như cây thước để đo biết pháp nào ác, pháp nào thiện. Ba pháp ấy gọi là adhipati xin tạm dịch là chủ quyền [6]:
1. Attādhipateyya: Theo ý mình
2. Lokādhipatayya: Theo ý người đời
3. Dhammādhipatayya: Theo pháp
Ba điều Phật dạy trên có thể đem so sánh với những điều thường có ở đời. Theo ý mình, có thể sánh với chính sách độc đoán chuyên chế. Theo ý người, có thể sánh với chính sách dân chủ. Còn theo pháp, thì ở ngoài hai chính sách trên, vì theo pháp là nguyên nhân xuất thế gian, nghĩa là giải thoát khỏi các sự ràng buộc trong đời, xa lìa phiền não. Người hành theo pháp, thì không còn độc tài hay dân chủ. Tôi xin giải ba điều ấy.

Theo ý ta

Người theo ý của chính mình là người có tánh độc đoán, độc quyền, không chịu nghe lời ai khuyên bảo. Những người làm theo ý mình một cách độc đoán, độc quyền như vậy thường hay đi tới chỗ tai hại, và ít nhứt là cũng sai lầm.
Nếu trong xã hội mỗi người theo ý của riêng mình, thì xã hội không còn là một xã hội thuần túy an vui, vì quyền lợi của cá nhân nầy sẽ phản trái với quyền lợi của cá nhân khác và sinh ra xung đột vô tận. Tinh thần độc đoán của người này không dung nạp được tinh thần độc đoán của người kia và tự do cá nhân không có luật lệ kềm hãm, sẽ gây hỗn loạn.
Người độc đoán không làm gì nên việc, chỉ làm hại cho mình và bạn mình thôi. Gia đình nào có người chồng hay cha, hoặc vợ con như thế thật khổ cho gia đình ấy.

Làm theo ý người đời

Làm theo ý người đời, ít khi có lợi lạc, mà nhiều khi tai hại. Lợi là khi nào ý của người đời hiệp theo lẽ phải, thiên về đạo đức. Bằng trái lại, tai hại cho mình và cho cả người đời. Theo ý người đời một cách mù quáng thì chắc chắn tai hại, theo ý người đời một cách sáng suốt sao cho dung hòa được quyền lợi chung, thì mới lợi lạc. Chế độ dân chủ chơn chánh có thể tốt đẹp - khi chế độ ấy được xây dựng theo ý kiến của người đời, và có khuynh hướng, nội dung mưu đồ lợi lạc cho quảng đại quần chúng.
Đức Phật thiên về ý kiến phần đông, nên ngài dạy chư tăng nên hội họp lại làm tăng sự và hội họp lại để giải quyết những chuyện xảy ra trong tăng chúng, vì với một số ít người sẽ không giải quyết xong.
Đức Phật có giáo giới rằng, nơi hội họp nào không có bậc tri thức đều trở thành vô dụng. Chung quy lại, sự lấy theo ý kiến của phần đông cũng tùy trường hợp của nhóm người cho ý kiến, ngoài ra ta còn cần phải có trí tuệ để suy xét chu đáo, cẩn trọng xem thử có thật sự lợi lạc cho phần đông hay không.

Theo pháp

Trong đoạn trước tôi đã nói: Pháp là một cái cân hay là sự công bình, chỉ biết lẽ phải; và pháp là nguyên nhân của chánh lý, xét về mặt đời. Theo pháp có thể nói là theo lẽ phải, theo chánh nghĩa, theo luật công bình.
Về quan điểm của Phật giáo, theo pháp là sửa chữa bản thân mình cho tốt hơn, thường là thọ trì ngũ giới hay bát quan trai giới, đi chùa nghe pháp, tụng kinh, niệm Phật; và nếu có thể, xuất gia làm sa-di hay tỳ-khưu để gieo duyên, hy vọng sau này được thành tựu chánh trí, giải thoát.

+ Hành theo pháp Phật có thể chia ra làm 3 hạng:

1. Pathamacariyā: Hành theo bậc sơ cấp, là thọ ngũ giới, hay bát quan trai giới, giữ thập thiện, lễ Phật mỗi ngày, vào chùa học giáo pháp.
2. Majjhimacariyā: Hành theo bậc trung, là học tham thiền theo phương pháp chỉ tịnh.
3. Uttamacariyā: Hành theo bậc thượng, là học tham thiền theo phương pháp minh sát tuệ [7].

+ Hành theo bậc sơ cấp là dạy thân:

a. Thân không sát sanh: Giới sát sanh của Phật dạy là không giết con vật nào có sự sống, bỏ cả khí giới trong tay; nghĩa là không bao giờ trên tay cầm khí giới, phải biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi - như người kinh sợ rắn độc vậy. Ngoài ra, còn phải hết lòng từ ái giúp đỡ mọi người xung quanh mình nữa.
b. Không trộm cắp: Không lấy cắp bất kỳ vật gì của ai, dầu là cây kim, ngọn cỏ. Đây là nhằm ngăn chận lòng tham lam.
c. Không tà dâm: Tức là tránh xa hai mươi hạng người nữ như đã có giải trong hạnh phúc IX.Đây là nhân chận đứng lòng dâm dục.

+ Hành theo bậc sơ cấp về khẩu:

a. Không nói dối: Người không nói dối, đứng trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng giữ được phong độ của người chân thật, thà chết chớ không bao giờ nói dối, mặc dầu người ta có cho gì cũng không màng.
b. Không nói đâm thọc: Nghĩa là không thiên về một bên nào đó, không đem chuyện mình đã nghe mà thuật lại, rồi thêm thắt cho người thứ nhì nghe, cố ý ly gián hoặc làm cho hai bên hiểu lầm nhau.
c. Không nói lời hung ác: Nghĩa là một tiếng gì xấu cũng không nói, mặc dầu có một nhóm người thích nói. Quan trọng của giới này là đừng nói lời cay chua, độc địa làm người khác phải khó chịu, đau lòng.
d. Không nói lời vô ích: Là lời nói không đem lợi ích lại cho mình và người bên mình - có tính chất rỗng không, phù phiếm.

+ Hành theo bậc sơ cấp là giữ gìn tâm ý:

a. Không tham lam: Nghĩa là không bao giờ nghĩ tới tài sản của người khác cho là đẹp, là quý rồi muốn đem về cho mình. Người tu hành chân chánh, mặc dầu còn nhiều mơ ước,  nhiều sở thích cũng ráng đánh đuổi tâm tham ra khỏi lòng mình.
b. Không sân hận để làm hại kẻ khác: Nghĩa là không cột oan trái, oán thù; dầu chỉ mới khởi tâm nghĩ đến oan trái, oán thù cũng ráng diệt bỏ.
c. Không tà kiến: Nghĩa là không nghĩ sai lầm, xấu quấy - rồi còn chấp kiến, cho rằng là đúng, là tốt nữa. Người tà kiến không tin nhân quả, tội phước, thiện ác, đời này, đời kia, thiên đàng, địa ngục, luân hồi tử sanh...

+ Hành theo pháp có được những hạnh phúc:

1. Đại phước.
2. Không dễ duôi.
3. Hành theo chánh pháp.
4. Làm cho Phật giáo được thịnh hành.
5. Được an vui trong đời nầy và vị lai.
6. Không bị khiếp sợ, kinh sợ và không cột oan trái, oán thù với mọi người.
7. Không làm cho chúng sanh khác kinh hãi, khiếp sợ.
8. Đi theo con đường của các bậc trí thức.
9. Xa kẻ thù bên ngoài là người ác, và kẻ thù bên trong là phiền não.
10. Tự tạo ra thiên đàng và Niết-bàn cho mình.

+ Đây xin nhắc lại một tích để quý vị dễ nhận thức:

“- Khi đại đức Millaka chưa xuất gia, ông là một người thợ săn rất giỏi, mỗi ngày giết rất nhiều thú. Ngày nọ ăn cơm xong không có nước uống, ông mới đi tới tư thất của một vị đại đức ở trong rừng tìm nước uống. Khi dở nắp hũ nước ra  thấy không có nước, ông ta nổi giận nói: “Thầy tỳ-khưu ăn cơm của tín đồ xong, lo tìm chỗ ngủ, nước để uống mà cũng không có một nhiểu để làm thuốc, thật là tệ”.
Vị đại đức nghe vậy, lấy làm lạ, nghĩ rằng: “Ta đã múc nước đầy rồi, tại sao người nầy lại nói không có?!” Ngài đến chỗ hủ nước xem coi, thấy nước vẫn còn đầy, mới lấy gáo múc cho ông thợ săn. Ông ta uống no nê. Khi uống xong ông ta suy nghĩ: “Kiếp sau của ta sẽ ra sao kìa? Ta làm nhiều tội lỗi đến đỗi hũ nước đầy mà ta cũng không trông thấy”.
Ông chán vì tội của mình đã làm nên xin xuất gia. Sau khi xuất gia xong, dầu hết sức hành đạo, nhưng ông không bao giờ an trú tâm được. Vì hễ tham thiền thì trông thấy những con thú bị ông giết bằng cách nầy, cách nọ, thật là ghê sợ. Ông cảm thấy ông không thể hành đạo được, mà ở ăn của tín đồ càng thêm tội, nên ông bèn xin với thầy thế độ cho ông được hoàn tục.
Thầy thế độ bèn dùng phương tiện, dạy rằng: “Được, nhưng trước khi hoàn tục, ông vào rừng, mang đến đây một đống cây tươi!” Lúc đại đức Millaka làm xong, ngài dạy tiếp: “Hãy dùng lửa, đốt cháy đống cây ấy giúp ta!”Ông ráng làm nhưng không thể nào đốt cây tươi cháy được.
Thầy thế độ thấy vậy mới nói: “Ngươi để đó cho ta”. Rồi ngài dùng thần thông, lấy một đốm lửa bằng con đom đóm để vào đống cây tươi ấy, trong nháy mắt, nó phựt cháy, cháy xong, đống cây tươi chỉ còn tàn tro mà thôi. Thầy thế độ nói tiếp: “Ta chỉ mượn một tí lửa ở địa ngục mà nó đã có công năng kinh khiếp như vậy đấy! Tội ác giết thú trong quá khứ của ông, hằng trăm địa ngục cũng không chứa chất nổi. Vậy, hoàn tục hay nhất tâm tu hành để thoát khỏi lửa địa ngục đốt cháy là tùy ở ông, quyền tự do chọn lựa của ông vậy!”
Khi vị đại đức sơ tu biết đó là lửa địa ngục, rất lấy làm kinh sợ, không dám hoàn tục nữa, ông quỳ xuống bên chân thầy,  nguyện tu hành kiên trì và tinh tấn hơn nữa!  
Từ ngày ấy, vị đại đức ráng hết sức tu hành không hề xao lãng. Khi nào tham thiền mà buồn ngủ thì ông lấy khăn nhúng nước bịt đầu, còn chơn thì ngâm trong nước.
Ngày nọ, ông đổ nước vào lu xong, còn cái bình nước, ông để trên vế; những giọt nước còn dư, nhễu xuống. Thầy thế độ thấy vậy mới dạy rằng: “Bình nước đã đổ ra hết nhưng vẫn còn nước dư; cũng vậy, lúc hành thiền, tâm yên lặng, những ác pháp, ác niệm tuy tạm thời lắng dứt nhưng đừng tưởng là hết phiền não, chúng sẽ còn rỉ chảy ra đấy! Phải tinh tấn nhiếp niệm, an trú tĩnh chỉ nhiều và sâu hơn thế nữa, sau đó mới thực hành thánh pháp, tuệ minh, đi vào các đạo lộ”.
Thời gian sau, nhờ giới hạnh trong sạch, nhờ tinh tấn kiên trì, vị đại đức đạt được những tầng định thâm sâu; dùng tuệ minh quan sát, thấy được tam tướng, ông đắc A-na-hàm quả”.
Câu chuyện nầy cho quý vị thấy, mặc dầu người đã làm tội nặng, sau biết ăn năn, lo tu hành tinh tấn thì cũng đắc đạo quả - trừ phi người phạm vào ngũ nghịch đại tội thì không thể đắc thiền, đắc quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét