Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-27-NHỚ ƠN, ĐỀN ƠN

HẠNH PHÚC XXV

Kataññutā: Nết hạnh biết đền ơn người

(Tri ân)

 Phạn ngữ kataññū có hai nghĩa:
1. Nghĩa thứ nhất là - biết ân người khác đã giúp mình. Ý nói, ai đã giúp gì cho ta, dầu nhiều hay ít, ta cũng không bao giờ dám quên, cứ hằng ngày niệm tưởng công ơn người đã giúp đỡ mình.
2. Nghĩa thứ hai là - người làm việc lành, rồi chính việc lành ấy sẽ giúp ta. Ý nói, phước có đặc ân giúp đỡ chúng sanh khỏi nạn tai và đưa chúng sanh đi đến nơi an lạc là thiên đàng hay Niết-bàn tùy theo hành động của người tạo tác phước sự.
Đức Phật có dạy rằng: Trong thế gian nầy có hai hạng người khó tìm nhất:
1. Pubbakārī [9]: Người thi ân mà không cần báo. Đó là đức Phật, cha mẹ, thầy tổ.
2. Kataññū: Người biết ơn và cố tìm phương cách để trả ơn cho xứng đáng. Hạng người nầy chỉ có thể tìm được ít nhiều trong hàng Phật tử chơn chánh, còn ngoài đời cũng có nhưng rất hiếm.
Tại sao đức Phật dạy hai hạng người này là khó kiếm?
Vì con người phiền não dẫy đầy trong tâm, nên khi làm ơn được việc nào - trong thâm tâm còn muốn người thọ ơn phải biết ơn, nếu không trả ơn, ít nhất cũng phải nhắc nhở và ca tụng họ. Ít người giúp đỡ kẻ khác bằng tấm lòng từ ái mà không nghĩ gì tới sự nhớ ơn hay đền ơn của kẻ đã thọ lãnh sự giúp đỡ của mình.
Người làm ơn trên thế gian rất nhiều - nhưng người làm ơn vì lòng từ ái thì thật là ít. Nhưng người biết ơn lại càng ít hơn. Người được sự giúp đỡ bất cứ bằng tấm lòng vị tha hay dục lợi, cũng chẳng nên quên ơn người, mà nên luôn luôn ghi lấy ơn ấy vào thâm tâm để tìm phương thế trả ơn lại.
Đức Phật dạy: Người không biết ơn ấy, thì ta có cho họ quyền chức, sang giàu hay cứu sanh mạng họ, họ cũng không bao giờ nhớ ơn ta.
Đức Phật còn dạy: Người không biết ơn ấy, chúng ta có cho họ một khối vàng to bằng quả địa cầu xong, họ cũng không hề biết ơn ta.
Sự tích sau đây cho thấy trò đời “làm ơn trả oán”:
“- Khi xưa đức Bồ Tát sanh làm voi chúa ở trong rừng Tuyết Lãnh. Ngày nọ có một người thợ săn đi lạc. Bồ Tát voi chúa trông thấy người ấy lấy làm thương hại, mới để người thợ săn ấy trên lưng đưa ra tới ven rừng. Khi ngồi trên lưng đức Bồ Tát, anh thợ săn để ý tới từng khóm cây, từng lối đi; hắn định bụng rằng, thế nào cũng phải trở lại đây để lấy cặp ngà của voi chúa, vì nó rất đẹp và có chiếu hào quang ngũ sắc, đem bán chắc sẽ được rất nhiều tiền.
Quả nhiên không bao lâu sau, anh thợ săn ấy trở lại tìm voi chúa Bồ Tát và dám cả gan mở lời xin cặp ngà. Đã gọi là Bồ Tát thì sự bố thí là phạm hạnh của ngài, nên khi anh thợ săn xin, thì ngài vui lòng cho liền, không hề mến tiếc. Tên thợ săn thấy ngà to và dày, không thể lấy hết được, nên y chỉ cưa lấy một đoạn. Tên thợ săn trở lại lần thứ nhì và lần thứ ba nữa, lần này ngà còn cụt, nên y phải đẽo, đục vào sâu bên trong để lấy ngà. Sau khi lấy được đoạn ngà chót, tên thợ săn rất lấy làm vui thích, mang về. Voi chúa Bồ Tát thì quằn quại trên vũng máu, nhưng vẫn không buồn than hay phiền hà gì hết; trái lại rất vui lòng, vì đã làm được một việc rất khó khăn - là bố thí một phần sanh mạng - tức là bố thí đến bờ cao thượng.
Quả địa cầu to lớn và sâu dày này, có thể chở nổi núi non vạn vật, nhưng chở không nổi tội lỗi của con người độc ác, bạo tàn như thế, nên đất nứt ra và hắn ta bị đất rút chết, sau khi vừa đi khuất tầm mắt của voi chúa Bồ Tát. Tên thợ săn bị sanh vào A-tỳ địa ngục để trả cái quả độc ác khốn nạn ấy”.
Chuyện này cho thấy rằng, người không biết ơn, dầu chúng ta có cho họ làm Chuyển luân Thánh vương cũng vẫn không biết ơn như thường.
Trái lại có sự tích của người biết đền ơn người, dầu cho một muỗng cơm cũng không hề quên.
“- Ngày kia, đại đức Xá-lợi-phất vào thành khất thực nhưng không được một hột cơm nào. Khi trở về, gặp một thầy bà-la môn tên Rādha dâng cho ngài một muỗng cơm. Về sau ông Rādha già và rất nghèo, lại muốn xuất gia, nhưng không có vị đại đức nào nhận làm thầy thế độ.
Đức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Có vị tỳ-khưu nào có duyên với thầy bà-la-môn nầy không?
Đức Xá-lợi-phất bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có duyên với thầy bà-la-môn nầy, vì có lần, ông ta đã nhịn phần ăn của mình để dâng cho đệ tử một muỗng cơm!”
Rồi đức Xá-lợi-phất xin làm thầy thế độ cho ông Rādha.
Đức Thế Tôn khen ngài Xá-lợi-phất là người biết ơn mặc dầu chỉ một muỗng cơm”.
Đức Thế Tôn còn cặn kẽ dạy rằng, người trí thức khi núp bóng mát dưới cội cây xong, lúc ra đi cũng không nỡ bứt
một lá cây mặc dầu cây là loài vô tri vô giác - vì các ngài
nghĩ đến ơn của bóng cây.
Đây cũng là một chuyện biết ân khác của ngài Xá-lợi-phất:
“- Khi còn du sĩ hành cước, đang đi tầm đạo giải thoát, ngài gặp được đại đức Assaji đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Đức Xá-lợi-phất trông thấy đại đức Assaji lục căn thu thúc, dáng người thong dong tự tại, thật là người đã thoát ly trần tục; ngài lấy làm trong sạch và kính thành, muốn đến gần hỏi đạo, nhưng vì lòng kính nể không dám kinh động, nên cứ lặng lẽ theo sau đại đức mãi. Khi đến nơi vắng vẻ, đại đức Assaji sửa soạn thọ thực; ngài liền lo múc nước rửa chân, nước uống, lót tọa cụ làm chỗ ngồi, dâng vật thực; và ngồi một bên hầu đại đức, đợi sau khi thọ thực xong mới hỏi:
- Bạch ngài, ngài là bậc có lục căn thu thúc, tinh thần thoát tục, ngài xuất gia theo giáo pháp nào? Ai là Tôn Sư của ngài? Ngài học giáo pháp ấy với ai?
Đại đức Assaji đáp:
- Này chàng du sĩ trẻ tuổi! Ngài Đại Sa-môn dòng Thích Ca là tôn sư của bần đạo. Bần đạo xuất gia với ngài, và hành theo giáo pháp của ngài.
Đức Xá-lợi-phất hỏi tiếp:
- Đức Tôn Sư của ngài dạy ngài những pháp gì?
Đại đức mới nghĩ: Các người ngoại đạo thường hay chỉ trích và phản đối Phật giáo; nhưng người du sĩ này tướng hảo cao sáng, ăn nói lễ độ - thật là một nhân cách quý hiếm - vậy trong chừng mực nào đó, ta sẽ tìm cách mở sáng mắt cho ông ta. Rồi đại đức khiêm tốn nói rằng:
- Nầy chàng du sĩ! Bần đạo chỉ là hạng sơ căn, lại mới xuất gia theo giáo pháp cao thượng của đức Toàn Giác chưa được bao lâu, nên không thể thuyết những pháp cao siêu của đức Tôn Sư cho ông hiểu được.
Ngài Xá-lợi-phất thành khẩn quỳ lạy ôm chân bụi của đại đức, tha thiết nói:
- Bạch ngài sa-môn! Đệ tử tên là Upatissa (tên khi chưa xuất gia). Trước đây đệ tử cũng đã từng làm trưởng giáo coi sóc một hội chúng thanh niên bà-la-môn - nhưng đệ tử vẫn đang còn tối tăm trên con đường thoát khổ. Vậy xin ngài từ bi thuyết cho đệ tử nghe những pháp tinh yếu, căn bản nhất - dù vài câu vài lời cũng được. Đệ tử sẽ tự tìm hiểu, suy gẫm bằng trí óc phàm phu của mình!  
Đại đức Assaji nghe lời thưa bạch, biết là bậc thượng căn nên gật đầu:
- Hiểu rồi! Vậy thì bần đạo sẽ tóm tắt giáo pháp cao siêu, như chân như thật của đức Tôn Sư - hãy lắng tai để nghe, lấy trí để biết, thấy và liễu tri:
“Ye dhammā hetuppabhavā
Tesaṃ hetuṃ Tathāgato
Āha tesaṃ ca yo nirodho
Evaṃ vādī Mahā Samano!”
Nghĩa là: Các pháp phát sanh do bởi một nhân. Nhân ấy, đức Như Lai đã chỉ rõ. Và ngài cũng đã chỉ dạy nguyên lý để dập tắt nhân ấy. Chính đó là lời giáo huấn của bậc Đại Sa-môn.
Sự thật với bài kệ rất vắn ấy, đại đức đã dạy rất cô đọng về Tứ Diệu Đế [10]. Đức Xá-lợi-phất đắc quả Tu-đà-hoàn ở câu kệ thứ nhì.
Sau lại đại đức Xá-lợi-phất xuất gia với đức Thế Tôn và đắc quả A-la-hán, ngài là đại đệ tử của đức Thế Tôn.
Không bao giờ ngài quên ơn thầy trong bài kệ đầu tiên cho ngài. Hằng ngày, nếu ngài biết đại đức Assaji ở hướng nào, ngài day mắt qua hướng ấy làm lễ tỏ lòng kính trọng.
Các thầy tỳ-khưu thấy vậy mới vào hỏi đức Thế Tôn và nói rằng: “Đức Xá-lợi-phất hằng ngày lễ bái hướng này hướng nọ như kẻ ngoại đạo”.
Đức Phật đã hiểu rõ vì sao, nhưng ngài vẫn hỏi lại đại đức Xá-lợi-phất. Đức Xá-lợi-phất đáp với ý rằng, đệ tử hằng lễ bái như thế vì đệ tử biết rằng đại đức Assaji ở về hướng ấy.
Đức Thế Tôn mới khen ngài Xá-lợi-phất là người biết ơn”.
Tôi viết đến đoạn này thấy có chỗ rất khó lý giải, vì trong bộ chú giải của hạnh phúc thứ XIdạy nết hạnh phụng sự mẹ cha, và hạnh phúc thứ XIII dạy cúng dường đến bậc đáng cúng dường - cả hai hạnh phúc này đều thuộc về biết ơn người. Rồi tại sao hạnh phúc 25 (XXV) lại dạy Nết hạnh biết đền ơn người? Tôi đã cố tìm hiểu, mới thấy câu phạn ngữ dạy rằng:Kataññutāya sappurisabnūmiyaṃ thatvā (?) - nghĩa là nết hạnh biết đền ơn người - người ở đây là người thuộc thành phần trí thức đạo hạnh.
Vậy thì sự biết ơn người trong hạnh phúc XXV nầy thuộc về sự biết ơn cao thượng hơn những pháp trước, nghĩa là sự biết ơn hạng trí thức đạo hạnh. Nhưng tại làm sao ta lại đặc biệt biết ơn hạng trí thức đạo hạnh?
Sự biết ơn của người thường là khi nào chính ta thọ ơn của người nào thì nghĩ cách trả ơn cho người ấy. Các bậc trí thức đạo hạnh lại khác hơn ta. Mặc dầu không trực tiếp được người làm ơn giúp đỡ gì, nhưng khi thấy người kia làm ơn hay giúp đỡ kẻ khác, bằng cách nào đó, khi có thể giúp được, không nghĩ đến dục lợi - thì các bậc trí thức đạo hạnh cùng cảm phục lòng tốt ấy và vẫn biết ơn người ấy. Đồng thời cũng nghĩ đến sự đền đáp công ơn, nếu gặp dịp có thể giúp được - vì các bậc trí thức đạo hạnh nghĩ cũng như đã thọ ơn của người ấy. Đây là sự biết ơn rất cao thượng mà ít ai nghĩ và hành động được như vậy . Nên hạnh phúc XXV dạy biết ơn là như thế.

+ Sự biết ơn người có những hạnh phúc là:

1. Là bậc trí thức.
2. Ai ai cũng ca tụng công đức.
3. Là nguyên nhân cho người đắc được pháp cao thượng là đạo quả và Niết-bàn.
4. Là nguồn của phước.
5. Là người không dễ duôi.
6. Là người có pháp cao quí trong tâm.
7. Là người làm lợi ích cho đời mình.
8. Là người hộ trì Phật pháp.
9. Là người theo con đường của bậc trí thức.
10. Là người có nhiều bạn lành.
11. Là người có những đức tính cao thượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét