Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

38 pháp Hạnh phúc-8-TIẾP ĐỘ CON CÁI

HẠNH PHÚC XII

Putta saṅgaho: Nết hạnh tiếp độ con cái

(Dưỡng dục, tiếp độ con cái) 

Phạn ngữ putta có nhiều nghĩa nhưng nghĩa chánh yếu là con, con cái.
Ngoài ra, putta còn có nghĩa là, người giữ gìn không để cha mẹ đọa vào ác đạo. Ý nói làm con muốn đền công ơn cha mẹ phải cố dìu dắt cha mẹ trở nên người chánh kiến, tu hành theo hạnh bố thí, trì giới, tham thiền.
Putta còn có nghĩa là, người làm cho dòng họ của mình được lành tốt, thanh cao - nghĩa là đứa con thảo hay là con quý, là người con có đạo đức, giới hạnh.
Putta còn có nghĩa làm cho cha mẹ vui lòng, nghĩa là đứa con hiếu thảo, là người con lo phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ hài lòng. Putta còn có nghĩa là, đứa nhỏ mà cha mẹ hằng lo trông nom từ khi còn ở trong thai bào.

+ Trong Túc Sanh truyện kể có ba hạng con:

- Antevāsika: Đệ tử, học trò (Con tinh thần)
- Dinnako: Con nuôi, con đỡ đầu.
- Atrajo: Con đẻ.
Theo Phật giáo, các bậc xuất gia xem thầy tế độ là cha tinh thần, hết sức cung kính; và thầy cũng hết lòng lo dìu dắt đệ tử đến nơi giải thoát.
Còn con nuôi và con đẻ, ai cũng hiểu rõ. Khi người có phận sự làm cha mẹ, thì con nào cũng phải nuôi dưỡng và dạy dỗ như nhau, vì đã làm cha mẹ thì phải có tứ vô lượng tâm như vị phạm thiên.

+ Con đẻ có ba hạng khác nhau, là:

1/- Abhijātaputta: Con cao hơn cha mẹ. Ý muốn nói, đây là hạng người con có nhiều phước báu, nhiều duyên lành hơn cha mẹ. Từ khi nó sanh ra, gia đình được tăng vượng của cải, nhiều may mắn và nhiều niềm vui hơn. Khi nó lớn lên, mọi danh phận, địa vị, sự nghiệp, tài sản đều hơn cha mẹ - lại còn làm cho cha mẹ, quyến thuộc, họ hàng được thơm lây danh thơm, tiếng tốt nữa.
2/- Anujātaputta: Con ngang bằng cha mẹ. Đây là hạng người con thường thường bậc trung, không có gì xuất sắc. Phước báu, duyên nghiệp, cơ cảnh đều tương đương với cha mẹ; nó không làm cho cái gì tăng vượng hơn mà cũng không phá hại gia sản cùng thanh danh gia đình.
3/- Avajātaputta: Con thấp hơn cha mẹ. Hạng con này từ khi sanh ra đến khôn lớn, chỉ biết làm hại cha mẹ như sống vô đạo đức, như xài phá của tiền làm cho mọi người khi dể cha mẹ, họ hàng. Khi đứa con này sống tới chừng nào thì còn làm cho cha mẹ đau khổ đến chừng ấy.
Tuy nhiên, sự nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái là phận sự thiêng liêng của cha mẹ, không phân biệt con nên hay con hư; nhưng có được kết quả như thế nào là do nơi con, do nghiệp của con. Sự thật, phàm làm cho cha mẹ phải có phương pháp dạy con từ thuở còn nhỏ.
Trong Tam tạng kinh, bài Sīgālovāda-sutta (Kinh Thi-ca-la-việt) có dạy rằng, bổn phận làm cha mẹ đối với con có năm pháp là:
1. Pāpa nivārenti: Ngăn ngừa, bảo vệ,  không cho con làm việc tội ác.
2. Kayane sikkhāpenti: Dạy con làm việc lành.
3. Sippaṃ sikkhāpenti: Cho con học nghề.
4. Paṭirupena dharena sannosenti: Dựng vợ gả chồng cho con với nơi xứng đáng thích hợp.
5. Samaye dayajjahaṃ niyyadenti: Chia gia tài cho thích hợp.
(1) Ngăn ngừa không cho con làm tội: Ý nói khi cha mẹ thấy con bê tha, không lo học hành mà cứ đi theo bạn ác, thì cha mẹ phải tìm phương thế ngăn ngừa; nếu không thể được, hãy đưa con đi học một nơi nào cho xa bạn ác. Làm như vậy thật là hợp với lời Phật dạy, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có kết quả khả quan! Hiện nay, có lắm trẻ em, khi cha mẹ khuyên bảo, đã không nghe mà trái lại còn cho rằng ý kiến của cha mẹ đã lỗi thời; và không muốn cha mẹ can thiệp vào đời sống tư riêng của mình. Có lắm gia đình thấy dạy con không được, lại thối chí, bỏ mặc, không đoái hoài tới, bỏ đứa con ấy càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi.
Tôi xin nhắc rằng, phận sự làm cha làm mẹ là phải ngăn ngừa con cái khỏi sa vào con đường tội lỗi; và muốn được vậy, cha mẹ phải trang bị cho mình một số kiến thức về giáo dục, về tâm lý trẻ. Phải biết rằng, cha mẹ và con cái thuộc hai thế hệ khác nhau nên thường có những nhận thức khác nhau, những nhu cầu khác nhau và những niềm vui, nỗi buồn cũng khác nhau. Cha mẹ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trường đời hơn con, biết tôn trọng phong tục tập quán, quen sống trong nền đạo đức và luân lý cổ truyền. Còn con cái thì hiểu biết còn thơ trẻ, nông nổi, chưa có kinh nghiệm sống; lại bị lôi cuốn trong đời sống mới đầy cám dỗ vật chất nên dễ bị tha hóa, hư hỏng. Vậy, việc trao đổi nhận thức giữa cha mẹ và con cái là điều rất quan trọng. Đừng áp đặt chân lý, lẽ phải và bắt con cái phải tuân theo. Nên khơi mở, gợi ý để cho con cái tự nhận thức điều hay, lẽ phải hơn là thái độ gia trưởng độc đoán. Lại càng không nên la mắng, đánh chưởi dễ làm cho tâm hồn trẻ bị tổn thương gây nên phản ứng nghịch! Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải bỏ thì giờ gần gũi con cái để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của chúng. Cha mẹ có thể sống an bần lạc đạo nhưng con cái thì không thể sống như vậy trong xã hội ngày nay. Ước mơ, nhu cầu, khát vọng mỗi thế hệ, mỗi thời đại mỗi khác. Do đó, việc giáo dục con cái đi theo đường ngay lẽ chánh không phải đơn giản như bài toán cộng trừ; nó cần một trí tuệ sáng suốt và một trái tim linh mẫn nữa vậy.
Thực tế vốn đa đoan và nhiêu khê như thế. Người con hiếu thảo thường nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ - vì nó biết rằng - cha mẹ không bao giờ mưu lợi cho mình. Dù bị la mắng nặng lời, dù giáo dưỡng thế nào thì cha mẹ cũng nhắm đến lợi ích cho con cái. Riêng những đứa con ngỗ nghịch, cứng đầu,  cha mẹ phải nhẫn nại nhiều hơn, tâm từ nhiều hơn và áp dụng các phương pháp giáo dục tùy lúc, tùy khi rất linh động, uyển chuyển - mới hy vọng đem ánh sáng của kinh nghiệm mình soi đường cho con và cảm hóa con.
Sự thật thì, cho đến khi nào các cô, các cậu có gia đình, có con cái - thì khi ấy chúng mới trông thấy tấm lòng trời biển của cha mẹ. Dẫu muốn đáp đền, phụng dưỡng nhưng cha mẹ đã khuất núi rồi. Sự ăn năn, hối tiếc ấy đã quá muộn màng!
(2) Dạy con làm việc lành: Việc lành đây là các thiện pháp theo lời Phật dạy, là bố thí, trì giới... để làm cho tâm quen với các việc phước thiện.
Việc lành tạm chia có hai loại:
- Một, việc lành về mặt từ thiện xã hội như: Cứu tế, chẩn bần; giúp đỡ cô nhi, quả phụ; chia sẻ thiên tai, bão lụt; bắt tay vào các việc công ích như làm cầu, làm đường, bệnh xá, trường học...
- Hai, việc lành về tinh thần - tức là sự tu tập bản thân, khái lược là có 5 điều căn bản:
1. Mettā-karuṇā: Có tâm từ bi. Từ, nghĩa là có tâm mát mẻ, không hận, không sân; mong cho tất cả chúng sanh đều được an vui, hạnh phúc. Bi là lòng bi mẫn, biết thương xót những chúng sanh có hoàn cảnh bất hạnh; khởi tâm chia sẻ từ vật chất đến tinh thần tùy theo khả năng mình.
2. Sammājivitā: Nuôi mạng chân chính. Nghĩa là lựa chọn nghề nghiếp sinh sống mà không phương hại đến người và vật, không tác hại đến nhân sinh và xã hội [vi].
3. Satisaṃvara: Chú niệm, thu thúc giữ tâm mình không cho sa ngã theo ngũ trần lục dục.
4. Sacca: Nói lời chân thật và luôn luôn giữ mình theo lẽ chánh, nghĩa là không dối người, dối mình.
 5. Appamādo: Không dễ duôi, giải đãi trong việc làm lành, như bố thí, trì giới, tham thiền...
Lễ cố nhiên cha mẹ có phận sự lo cho con được an vui trong cõi này và ngày vị lai - nghĩa là dẫn dắt con tu hành để khỏi khổ trong kiếp này và vị lai. Cha mẹ nào đối với con như thế mới gọi là người biết thương con và mới gọi là làm tròn bổn phận cha mẹ, là người hành đúng theo Phật dạy. Như sự tích của trưởng giả Cấp Cô Độc dạy con sau đây:
“- Trưởng giả Cấp Cô Độc có một người con trai tên là Kāla. Người con này không tin Phật pháp, thiên tà kiến.
Ông tìm đủ phương thế để đưa con về chánh kiến, nhưng chưa được, ông lấy làm lo buồn. Ngày nọ, sau khi đã suy nghĩ kỹ, ông bảo con rằng: “Nếu con chịu thọ bát quan trai giới nơi đức Phật cùng với thiện nam, tín nữ - thì cha sẽ cho con một trăm đồng tiền vàng”. Người con vâng lời đến thọ giới cho có chừng rồi hí hửng về nhà lãnh tiền thưởng.
Sau khi trình bày câu chuyện với đức Phật về đứa con trai, để tiếp tục thực hiện mưu kế, lần khác, ông trưởng giả kêu con lại bảo rằng: “Nếu con chịu khó đến nghe đức Phật thuyết pháp mà con nhớ được một câu, thì ta sẽ thưởng cho con một ngàn đồng vàng”.
Người con vì ham tiền, nên bằng lòng đi nghe pháp, thầm bảo bụng rằng: “Ta chỉ cố nhớ một câu thôi rồi ta rút lui không khó gì”. Khi Kāla vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp, cậu cố nghe và nhớ được một, nhưng khi đứng dậy ra về thì lại quên đi. Đây là do oai lực của đức Thế Tôn. Cậu lấy làm tức mình nên trở lại cố gắng chăm chú nghe, đặng nhớ một câu cho kỳ được. Hôm ấy, đức Thế Tôn nói về sự chết; ngài dạy trong ba cõi không một chúng sanh nào thoát khỏi tay tử thần. Cậu Kāla hiểu và phát tâm kinh sợ luân hồi, mắt được sáng, diệt trừ được một ít kiết sử phiền não và đắc quả vị Tu-đà-hoàn..
Về nhà, chàng nhớ đến một ngàn đống tiền vàng của cha, lấy làm hổ thẹn, vào phòng đóng cửa lại không dám ra, sợ cha nhắc đến số tiền thưởng.
Sáng ngày, nhân dịp đức Thế Tôn đến thọ thực tại nhà, ông trưởng giả mới kêu con ra lãnh một ngàn đồng vàng tiền thưởng. Đức Thế Tôn biết Kāla đang lúng túng và rất hổ thẹn trước chư tăng và cha mẹ, nên ngài dạy câu kệ với đại ý rằng:
“Tu-đà-hoàn quả cao hơn đế vị, cao hơn sự an vui trong cõi trời và cho dẫu nắm tất thảy chủ quyền trong vũ trụ - ý nói làm Chuyển luân Thánh vương - cũng không bằng được”.
Nội dung câu giáo giới rất rõ nghĩa, là không thể đem vật gì trong tam giới nầy lại sánh với quả vị Tu-đà-hoàn được. Khi đã đắc quả Tu-đà-hoàn - thì vàng bạc, ngọc ngà, châu báu đối với Kāla không còn có giá trị gì hết.
Tích này chỉ cho ta thấy rằng khi cha mẹ là người chánh kiến, thì mới dẫn dắt con đi trên đường cao quý được. Vậy bổn phận làm cha mẹ chẳng những lo cho con cái được an vui trong kiếp này, mà còn phải lo cho kiếp vị lai của chúng nữa.
(3) Cho con học nghề: Phận sự làm cha mẹ phải lo cho con học được một nghề theo chánh mạng. Cha mẹ không nên giao phó con cho nhà trường mà không quan tâm tới. Vì có lắm cậu mang sách ra đi nhưng kỳ thực thì không đến trường, mà cắp sách đi chơi thôi. Ngoài ra, trong thời gian con cái ở học đường, phải quan tâm theo dõi khả năng, khuynh hướng và cá tính riêng tư - rồi tìm cách gợi ý để hướng nghiệp cho chúng. Ví dụ, đứa hiền lành, giàu lòng nhân ái thì khuyến khích nghề lương y, bác sĩ. Ví dụ đứa chuẩn mực, đoan nghiêm, nề nếp thì khuyến khích nghề dạy học, mô phạm. Ví dụ đứa giỏi toán, giỏi lý thì chọn các bộ môn khoa học. Ví dụ đứa trầm lặng, sâu sắc, trái tim quá mẫn cảm thì nên chọn các bộ môn về văn chương, nhân văn...
(4) Dựng vợ gả chồng cho con: Điều này có hai ý nghĩa là: Cha mẹ có phận sự và cũng phải lo tròn phận sự định đoạt gia đình cho con, phải biết chọn nơi cho hợp với con mình. Chuyện vợ chồng của con cái trong thời buổi này thật là một vấn đề rất phiền phức cho phận sự làm cha mẹ. Vì có khi cha mẹ ưng ý chỗ này mà con không bằng lòng, lại muốn tự chọn ý trung nhân cho mình ở chỗ khác. Vì vậy thật là khó giải quyết. Vấn đề này có thể chia làm hai phần là:
a. Khi cha mẹ tham dự vào đời tư của con - thì việc ấy có lợi hay có hại?
b. Cha mẹ hay con là người có quyền quyết định trong việc dựng vợ gả chồng?
Về vấn đề thứ nhất, tôi thấy trong kinh, Phật có dạy cha mẹ nên lo định đoạt cho con, phải tìm chỗ xứng đáng để lựa chọn cho chúng, vì các con còn nhỏ dại, nông nổi chưa hiểu đời bằng cha mẹ.
Vấn đề thứ nhì, nên được thỏa thuận giữa cha mẹ và con. Phận sự làm cha mẹ chỉ có phận sự chỉ chỗ hại và chỗ lợi của cuộc hôn nhân, để cho con suy nghĩ lấy. Phần con phải suy nghĩ kỹ, chẳng nên vì lòng ham muốn nhứt thời của mình làm cha mẹ buồn và nhất là làm hại cho tương lai của mình. Phần nhiều thì cha mẹ luôn là người có lý.
(5) Chia gia tài cho thích hợp, đúng lúc, đúng khi: Làm con nên nhận thấy lòng thương con của cha mẹ trong giai đoạn này được thể hiện rõ rệt; và lòng thương ấy cao quý không đo lường được. Đem của cải mình dành dụm chia cho các con lúc chúng rời xa cha mẹ để tạo lập gia đình - đó là phần gia tài vật chất và cũng là gia tài tinh thần, vì trong gia tài đó, tích chứa biết bao mồ hôi, nước mắt cũng như tâm tư và công đức của cha mẹ!

+ Trong chú giải kinh hạnh phúc có dạy, làm cha mẹ phải dắt dẫn con phải thực hiện theo 5 điều là:

1. Dắt dẫn con vào chùa nghe giáo lý của đức Thế Tôn để tập cho nó tu hành khi còn trẻ
2. Tập con biết lễ Phật, tụng kinh
3. Tập con làm lành như bố thí...
4. Tập con niệm Phật, tham thiền (hoặc tu chỉ, quán)
5. Có thể nên cho con xuất gia nếu chúng muốn (tùy theo sức của con muốn xuất gia tới lúc nào có thể hành nổi) [vii].

+ Sự tiếp độ con có nhiều hạnh phúc là:

1. Tạo cho con thành người lương thiện.
2. Tạo cho con thành một công dân lương thiện.
3. Tạo cho con một đời sống đạo đức, hiền thiện gương mẫu cho cháu chắt sau này noi theo.
4. Làm cho con được hưởng hạnh phúc trong kiếp này và cả kiếp vị lai.
5. Làm cho con được hưởng ba điều lợi ích [viii].
6. Là nguyên nhân phát sanh hạnh phúc cho con mình, gia đình mình cùng các thế hệ mai sau.
7. Là người giúp cho đời bớt một công dân bất lương, và bớt một người làm khổ cho gia đình, gánh nặng cho xã hội.
8. Là người tạo cho con nên người trí thức, người có giới hạnh
9. Chư thiên ca tụng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét