Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

38 pháp Hạnh phúc-37-KHÔNG UẤT ỨC

HẠNH PHÚC XXXVI

Asokaṃ: Không có sự uất ức

(Vô ưu, không buồn phiền)

Asokaṃ nghĩa là không uất ức. Phạn ngữ asoka có thể chiết tự để giải cho dễ hiểu hơn.
A có nghĩa là không, soka có nghĩa là thấp xuống, tâm khô héo, ưu phiền, dường như là tâm bị ghim vào mũi tên.
Khi ráp hai chữ lại thành asoka thì nghĩa chung là: Tâm không uất ức, không ưu phiền, không khô héo, không bị gim bởi mũi tên. Asoka còn có một nghĩa khác hơn là vắng lặng sự uất ức, ưu phiền, bực tức, buồn rầu. Nên asoka có nghĩa là tâm không bị phiền não ngự trị. Chốt lại là: Vô ưu hay Niết-bàn.
Sau đây tôi xin xét lại - thế nào là uất ức và thế nào là chấm dứt sự uất ức:
- Vật gì, hiện tượng gì, nguyên nhân nào làm cho tâm ta bị uất ức?
- Sau khi diệt trừ được uất ức, không còn sự uất ức thì trạng thái tâm sẽ ra sao?
Làm người không ai chạy khỏi sự uất ức, nên chi nơi đây tôi không giải trạng thái của sự uất ức vì ai ai cũng biết, mà chỉ giải về nguyên nhân làm cho tâm uất ức.
Có nhiều nguyên nhân làm cho tâm uất ức, theo câu Phật ngôn dạy trong Pháp cú kinh rằng:
“- Pemato jāyate soko
Pemto jāyati bhayaṃ
Pemato vippamuttassa
Natthi soko kuto bhayaṃ”[2].
Nghĩa là: Thương yêu sanh ra uất ức, thương yêu sanh ra lo sợ, nếu dứt được thương yêu thì sự uất ức lo sợ sẽ không còn có nữa.
Ý câu Phật ngôn này dạy rằng: Người bị uất ức hành hạ là do nơi sự thương yêu. Sự thương yêu càng nhiều, càng mạnh, thì sự uất ức càng lớn. Sự thương yêu ví như thủy triều càng lên cao thì mọi vật nổi lên cao. Tâm thương yêu nhiều thì khổ lại cao. Khi tâm yêu thương vật gì mà vật ấy mất, sanh thất vọng thì có uất ức. Khi không có thương yêu, thì làm gì có uất ức hay thất vọng.
Quý vị cũng từng biết, trước sanh tử biệt ly là cảnh rất đỗi đau khổ, mà chúng ta ai cũng phải trải qua nhiều hay ít; vậy chúng ta ai ai cũng nhận thức cái đau khổ ấy và chắc chắn rằng ngày nào đây ta phải còn gặp cảnh ấy nữa. Sự chắc thật không thể nào thoát khỏi, là ta phải bỏ thân nầy ra đi với nghiệp mà ta đã làm, mặc dầu ta giàu sang quyền chức, có nhiều thế lực, anh em vợ con, những nhân vật này không làm sao cho ta ở lại được, mặc dầu họ rất thương tiếc ta.
Đức Thế Tôn nhận rõ sự uất ức là tai hại khủng khiếp mà chúng sanh còn trong tam giới không sao tránh khỏi. Vì vậy đức Thế Tôn quan tâm giáo huấn, dạy ta không nên để cho sự uất ức ngự trị lòng mình.

+ Đức Thế Tôn dạy hai phương pháp ngăn ngừa và diệt trừ sự uất ức ấy:

1. Hằng niệm về sự chết:
a. Sattanaṃ maraṇadhuvaṃ: Chắc chắn tất cả chúng sanh đều phải chết.
b. Jivataṃ adhuvaṃ: Sanh mạng của tất cả chúng sanh đều không bền vững (nghĩa là phải chết).
c. Sabbe saṅkhārā aniccā: Tất cả các pháp hành đều vô thường. Hoặc: Tất cả các pháp hành không bền vững, hằng thay đổi từng giờ phút, vậy các người không nên dễ duôi.
2. Từ đó, ta chiêm nghiệm:
a. Adhuvaṃ jivataṃ: Đời sống không bền vững, không chắc chắn, không chắc thật.
b. Dhuvaṃmaraṇaṃ: Sự chết rất chắc chắn, là điều tất
nhiên (không ai chạy nổi).
c. Avassaṃ mayā maritabbaṃ: Ta chắc chắn phải chết (là điều không thể tránh khỏi).
d. Maraṇa pariyosānaṃ me jivataṃ: Đời sống của ta có sự chết là nơi cuối cùng.
e. Jivatameva aniyataṃ: Đời sống chắc thật là không bền vững.
f. Maraṇaṃ niyataṃ: Cái chết thật bền vững (ý nói cái chết không hề thay đổi, nó phải đến với ta).

+ Đức Phật còn dạy chúng ta nên niệm hoặc quán tưởng thêm 8 điều nữa là:

1. Sự chết ví như đao thủ phủ đã đưa đao lên và chực chờ hạ xuống nơi cổ ta.
2. Sự chết của con người như tai nấm mọc từ dưới đất lên. Ý nói: Khi tai nấm mọc từ dưới đất lên thì thế nào trên đầu nó cũng có dính đất - ví như con người khi vừa tượng thai vào lòng mẹ thì cái chết dính liền theo.
3. Sự chết ví như mặt trời. Mặt trời mọc ở hướng Đông chắc chắn phải lặn về hướng Tây; từ cổ chí kim không bao giờ mặt trời lặn về hướng khác, mà cũng không bao giờ không lặn. Đời người cũng vậy, không bao giờ không chết, hễ đã sanh vào bào thai là tử thần đã kề liền vào cổ rồi.
4. Thân nầy là cái cỗ xe chở các thứ vi trùng và các chứng bệnh hiểm nguy.
5. Thân nầy thường bị biến đổi từng giờ phút theo thời gian mà chúng sanh không biết.
6. Thân nầy không có nơi nào nương tựa để tránh khỏi tay tử thần được.
7. Thân nầy ta chấp là của ta, nhưng ta không thể nhứt định thời giờ mà ta phải chết và chỗ ta chết được.
8. Đời sống của con người chỉ trong một sát-na thôi, ý nói đời sống của chúng sanh rất ngắn.(Một sát-na còn ngắn hơn một nháy mắt - ý câu này dạy rằng không còn thở là không còn có xác thân này rồi).
Đức Phật là đấng cao thượng hơn tất cả các bậc trí tuệ, ngài thường dạy chúng sanh cái nhân sanh ra quả. Khi có quả, nên bỏ đi không nên mến tiếc tham mê quả ấy mặc dù quả ngon. Tóm lại ngài dạy ngăn cái nhân và bỏ cái quả, cũng như ngài dạy không nên trồng cây. Khi chúng sanh đã lỡ trồng cây rồi, ngài dạy đốn bỏ, hay lỡ cây có trái, và trái đang hái, ngài dạy quăng trái luôn không nên dùng nó [3].
Người ta sở dĩ phải bị uất ức, ưu phiền, vì người ta vẫn luyến tiếc vật mà mình đã bị mất. Nếu ta không luyến tiếc thì ta không bị uất ức, tức nhiên không còn khổ, đó là chân hạnh  phúc, là Niết-bàn rồi.
Đây tôi xin nhắc lại tích của gia đình nọ có 5 người và cô gái không than khóc uất ức vì thương yêu, nên được hạnh phúc.
“- Khi đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, có một người tên Kutumbi có con chết nên ông ta than khóc thê thảm, bỏ cả công ăn việc làm. Đức Thế Tôn trông thấy duyên lành người ấy, nên ngài mới ngự đến nhà. Khi an vị xong, ngài mới gọi Kutumbi ấy đến và hỏi:
- Người buồn khổ lắm phải không?
- Bạch đức Thế Tôn! Từ ngày con của đệ tử chết đến nay, đệ tử lấy làm đau khổ không sao kể xiết được.
- Này Kutumbi! Lẽ cố nhiên, các pháp hữu vi thì có sanh có diệt là lẽ thường; sự tan rã, tiêu vong và diệt mất ấy không phải để riêng cho một cá nhân, một gia đình, một xóm, hay một gia tộc nào - mà là của chung của tất cả chúng sanh. Hơn nữa, sống hoài không chết, pháp vô sanh bất diệt ấy, ta không thể nào tìm thấy trong vũ trụ này! Không ai có năng lực nào, quyền thế gì - làm cho chúng sanh còn trong dòng sanh tử luân hồi này khỏi chết được. Tất cả chúng sanh đều phải chết. Lẽ cố nhiên của các pháp hành, nếu có sanh thì có diệt không sao tránh khỏi được. Nhưng riêng các bậc trí thức thì không khi nào than khóc khi con chết, bởi họ nghĩ rằng, đó chẳng qua là pháp hữu vi cấu tạo, rồi lại phải tiêu diệt, nó hằng có sự tiêu hoại là lẽ tự nhiên”.
Đức Thế Tôn chỉ thuyết chừng ấy xong, ông Kutumbi mới yêu cầu đức Thế Tôn thuyết thêm, ngài lại kể một câu chuyện túc sanh trong quá khứ. 
“- Thuở xưa, đức vua Brahmadatta trị vì tại kinh đô Bārāṇasī. Đức Bồ Tát sanh trong gia đình bà-la-môn làm ruộng, nhà ở gần cửa thành. Khi ấy, đức Bồ Tát mới cưới vợ cho con trai, cũng là dòng bà-la-môn cùng ở một làng. Tính tất thảy nhân số trong gia đình ngài có 6 người là: Ngài, vợ ngài, con gái, con trai, dâu và người ở gái. Sáu người này đều hòa thuận và rất kính thương nhau. Đức Bồ Tát thường dạy người nhà rằng: “Các ngươi nên giữ ngũ giới và tùy theo sức mình mà bố thí; hãy thọ thêm thập giới và chuyên trì thêm bát quan trai giới, phải có trí nhớ và luôn luôn phải niệm tưởng rằng: Ta sẽ chết là lẽ dĩ nhiên, đời sống con người rất bấp bênh, không vững chắc, đời sống con người không bảo đảm, mà của cải của ta đã có cũng bấp bênh như vậy. Cái chết chắc chắn sẽ đến cho ta, không tránh nơi đâu cho thoát được. Vậy các ngươi hãy công phu tu tập, tích lũy phước báu, không nên dễ duôi, phóng dật. Người nhà đều vâng lời ngài, chăm lo tu tập và niệm sự chết, không hề xao lãng.
Ngày nọ, nhằm mùa làm ruộng, đức Bồ Tát và con trai ra đồng lo cày ruộng. Đức Bồ Tát thì cày, con trai thì gom rác lại đốt gần bên một cái gò mối, trong gò mối ấy có một con rắn độc. Khi bị khói, rắn không chịu nổi bò ra, gặp người thanh niên đang đốt rác nó cắn chết tại chỗ. Khi đức Bồ Tát hay con mình đã chết rồi, ngài không than khóc, bồng con lại để nằm dưới một tàn cây, còn ngài vẫn đi cày như thường. Vì khi ấy ngài nghĩ rằng, sự thật khi các pháp hữu vi đã cấu tạo ra, thì cũng có ngày tan rã là thường nên dầu ta buồn thương cũng chẳng ích lợi chi: Vật phải chết đã chết rồi, vật phải tiêu diệt nay cũng đã tiêu diệt rồi. Tất cả các pháp hữu vi không bền vững là thế, cái kết quả thảm khốc nhứt đời, là ta phải dứt bỏ nó hay là nó bỏ ta. Không ai tránh khỏi hết.
Trong khi ấy, ngài trông thấy một người thanh niên cùng xóm đi ngang qua, ngài mới gọi lại:
- Con ơi! Con đang về nhà đấy phải không?
- Dạ thưa ông, phải!
- Vậy, con hãy vui lòng ghé ngang qua nhà tôi và bảo
người nhà tôi rằng, hôm nay, đừng đem ra hai phần cơm, chỉ đem ra một phần cơm thôi. Nhớ nhé! Mỗi ngày trước, người tớ gái đem cơm ra, hôm nay con bảo họ ra đây cả bốn người mà phải sửa soạn thay áo và tắm rửa cho sạch và phải có thêm một tràng hoa.
- Dạ được.
Người thanh niên ấy mới về nói cho người nhà của đức Bồ Tát hay. Bà vợ đức Bồ Tát mới hỏi:
- Nầy con! Ai là người cho nhắn tin ấy?
- Thưa bà, ông nhắn tin về cho bà.
Bà vợ của Bồ Tát là bậc có trí tuệ, trong một thoáng, bà biết là con trai của mình đã chết rồi! Mặc dầu bà biết thế chăng nữa, bà cũng không than khóc, bà tỉnh táo gọi con gái, con dâu và người tớ gái rồi nói rằng:
- Các con phải tắm rửa sạch sẽ, mặc xiêm áo tốt nhất, sắm một tràng hoa thật tươi. Sau đó, mang theo một phần cơm rồi ra ruộng cùng với ta, có việc đấy!
Các cô gái ban đầu hơi thắc mắc - nhưng đều là bậc trí tuệ, họ biết “có việc”và việc ấy là việc gì, lặng lẽ tắm rửa, thay y phục, mang một phần cơm rồi theo bà ra đi.
Khi bốn người đến nơi, họ thấy đức Bồ Tát đang cày ruộng như thường, không tỏ vẻ gì bi ai cả. Họ đem cơm lại, Bồ Tát dùng cơm tự nhiên. Khi ngài dùng cơm xong, chẳng ai han hỏi gì, năm người lo chất củi khô lại để làm hỏa đài. Ai cũng làm việc trong lặng lẽ, chẳng tỏ vẻ tiếc thương, buồn khổ gì cả.  Làm hỏa đài xong, họ để thi hài lên rồi đốt lửa. Mọi người ngồi xung quanh, thầm niệm sự chết là điều không ai tránh khỏi, thế thôi!
Lòng trong sạch, an nhiên và vắng lặng của 5 người ấy làm cho ngai vàng của đức Đế Thích nóng lên; ngài lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân gì, bèn dùng thiên nhãn thông xem coi, thì mới thấy câu chuyện của 5 người ấy. Đế Thích mới quyết định phải xuống hỏi rõ coi những người này hành phạm hạnh gì mà không bi lụy giữa cảnh sanh tử biệt ly. Ngài liền hiện ra một thầy bà-la-môn đến hỏa đài và hỏi rằng:
- Các người làm gì đây?
Đức Bồ Tát đáp:
- Tôi đang làm lễ hỏa táng!
Đức Đế Thích nói:
- Theo tôi tưởng, thì không phải là hỏa táng, mà các người đang chuẩn bị nướng thịt chi đây?
Đức Bồ Tát đáp:
- Thưa thầy bà-la-môn, chúng tôi không bao giờ biết nói dối, chúng tôi làm lễ hỏa táng thật!
Đức Đế thích hỏi:
- Nếu vậy, các người đang làm lễ hỏa táng người thù của các người chăng?
- Thưa thầy, người nầy không phải là người thù của chúng tôi, trái lại là người con chí thân của tôi.
- Nếu là đứa con chí thân của ông sao không thấy ông than khóc chi cả vậy?
Đức Bồ Tát muốn tỏ rằng sở dĩ mình không than khóc là vì lẽ đã quán tưởng nhiều về cái chết, nên nói câu kệ:
“- Uragavo tacaṃ jiṇṇaṃ hitvā gacchati santanaṃ
Eva sarīra nibbhoge pete kālakate sati
Dayhamāno na jānāti nātīnaṃ paridevataṃ
Tasmā etaṃ na socati tato so tassa yagati”[4].
Nghĩa là: Một khi con rắn đã lột da rồi, nó không còn mến tiếc da cũ. Cũng như con tôi bỏ xác thân này rồi, đã sanh về cảnh giới khác rồi, thì sự khóc than bi lụy có cần thiết và có ích lợi gì đâu. Con tôi nay đã chết rồi - thì cái thân của nó dù có đâm, có chém nó cũng chẳng biết gì; nó có còn thiết gì đến quyến thuộc mà lại thương tiếc, khóc than? Nhân như thế nào thì quả nó như thế ấy!”
Đức Đế Thích nghe thế mới day qua hỏi bà vợ của đức Bồ Tát rằng:
- Thưa bà, vậy người chết đây là chi của bà.
Bà đáp:
- Người chết này là con trai yêu quý của tôi.
- Ô! Phàm người làm cha thì thường có tâm cứng rắn, đó là lòng của người đàn ông, tôi không thấy làm lạ; còn trái tim của người mẹ thường rất mềm yếu, nhưng tại sao con trai mất mà bà lại thản nhiên như vậy được?
Bà có vẻ suy nghĩ một chút rồi đọc lên câu kệ:
“- Anabbhito tato agā nānuata oto gato
Yathā gato tathā gato tathā kā parivedana
Dayhamāno na jānāti nātīnaṃ paridevataṃ
Tasmā etaṃ na socati gato tassa yagati”.
Nghĩa là: Con tôi đây, tôi không mời mà nó từ cảnh giới khác tìm đến. Tự nó sanh vào nhà tôi. Đến khi từ bỏ cõi nầy, nó cũng không xin phép tôi. Như vậy, nó đến là tùy ý nó, ra đi cũng tùy ý nó - thì sự than khóc, thương tiếc cái xác thân của con tôi đây, nào có ích lợi gì? Một khi con tôi bị lửa đốt cháy như thế nầy, mà nó cũng không biết vui hay khổ, thì nó nào có biết cảm xúc bởi những giọt lệ của thân nhân? Vì lẽ ấy nên tôi không than khóc, không thương tiếc! Con người gieo nhân như thế nào thì được quả như thế ấy.
Đế Thích mới quay sang hỏi cô con gái của đức Bồ Tát rằng:
- Người nầy là chi của cô?
- Thưa thầy, người nầy là anh ruột của tôi.
- Lẽ cố nhiên cô là thiếu nữ hằng thương mến anh trai, tại
sao cô không bi lụy giữa tình cảnh biệt ly như thế nầy?
 Cô gái ngước đôi mắt trong sáng, an nhiên nhìn lão bà-la-môn (Đế Thích) đọc lên một câu kệ:
“- Sace rode kīsā assaṃ tassā ne kim phalaṃ siya
Nātimmittā suhajānaṃ bhiyo no arati siya
Deyhamāno na jānāti nātīnaṃ paridevataṃ
Tasmā etaṃ na rocemi tata so tassa yagati”.
Nghĩa là: Một khi anh tôi đã chết, tôi có than khóc thì chỉ chuốc lấy cái ốm o gầy mòn, anh tôi chẳng được lợi ích gì, chỉ tôi là người bị thiệt hại thôi. Những sự khổ đau do thương mến, than khóc, tiếc nuối của cha mẹ, vợ và em gái - anh tôi chẳng hay biết gì cả. Vì vậy, than khóc là chuyện vô ích. Người tạo ra duyên nghiệp như thế nào thì sanh theo duyên nghiệp như thế ấy.
Đức Đế Thích rất ngưỡng mộ công phu tu tập cả ba người, bèn hỏi tiếp cô con dâu trong gia đình Bồ Tát:
- Cô, người chết ấy là chi của cô?
- Thưa ông, người chết ấy là chồng tôi.
- Lẽ cố nhiên tình nghĩa vợ chồng là phải thương yêu nhau lắm; phàm một người chết, thì người còn sống được xem như là chết hết nửa người, thế gian gọi người ấy là quả phụ. Tại sao cô lại không than khóc, khi thấy rằng trên đời nầy cô đã mất đi vĩnh viễn tình thương yêu đậm đà và tha thiết nhứt?
Cô dâu bắt chước cha, mẹ và cô em gái, cũng đọc lên một bài kệ khác: 
“- Yathā pi dārako candaṃ gacchantaṃ anurodati
Evaṃ sampademevedaṃ yo petāmanussocati
Deyhamāno na jānāti nātīnaṃ paridevataṃ
Tasmā etaṃ na socāmi gatoso tassa yagati”.
Nghĩa là: Đứa bé chưa hiểu sự đời, khi nó trông mặt trăng đang di chuyển trên không, nó cứ theo đòi (muốn đem về chơi); điều này cũng ví như người đời kêu khóc người đã quá vãng, thật là không có ích gì cả. Chồng tôi một khi bị đốt trên hỏa đài mà cũng không hay biết gì cả, thì chồng tôi đâu biết rằng quyến thuộc vợ con đang khóc. Vì cớ ấy nên tôi chẳng than khóc thương tiếc. Phàm người tạo nghiệp nào thì thọ hưởng quả nấy.
Cuối cùng, Đế Thích hỏi người tớ gái:
- Người chết nầy là chi của cô?
- Thưa thầy, người ấy là chủ của tôi.
- Có lẽ cô thường bị người chủ hành hạ đánh đập khổ sở lắm nên khi người ấy chết cô không than khóc thương tiếc chi cả - vì cô nghĩ rằng người nầy có chết đi chỉ là một chuyện may cho ta khỏi bị đòn vọt hành hạ khổ sở nữa.
- Xin thầy đừng nói thế, không đúng với sự thật! Chủ của tôi, người chết đây - là bậc có đầy đủ nhiều đức tánh tốt
như nhẫn nại, từ bi... đối với tôi - không khác nào anh em
cùng một cha một mẹ vậy.
- Nếu thế tại sao cô lại không khóc?
Người tớ gái cũng tỏ ra là người có học thức và có tu chứng, đọc lên một bài kệ khác nữa: 
“- Yathā pi udakumbho bhinno appatisandiyo
Evaṃ sampadamevedaṃ yo petāmanussocati
Deyhamāno na jānāti nātinaṃ paridevataṃ
Tasmā etaṃ na socāmi gato so tassa yagati”.
Nghĩa là: Cái nồi đất đã bị bể, không thể ráp cho nó liền được như trước, cũng như người trên hỏa đài còn không biết gì thay, phương chi quyến thuộc than van, khóc lóc thì có ích gì, người chết có sống lại được đâu. Vì lẽ đó nên tôi không than khóc, không phiền muộn. Chúng sanh đã tạo những gì thì phải đi theo cái ấy.
Sau khi nghe 5 người nói, cùng một ý tưởng như nhau, cùng một sự thuần thục về đề mục niệm sự chết như nhau, cùng đạt được một sự an tĩnh, điềm nhiên đến phi thường -  đức Đế Thích vô cùng ngưỡng mộ, phát tâm tịnh tín, hiện ra thân tướng Đế Thích thiên vương với thiên bào mũ miện chói ngời hào quang ngũ sắc, đứng lừng lững giữa hư không, cất tiếng nói nghiêm uy lồng lộng giữa trời mây:
- Ta chính là Đế Thích thiên chủ! Ta hiện xuống đây là vì công phu tu tập niệm sự chết của các người đã tỏa ra năng lực phước báu có thể nung nóng tảng đá vàng 60 do-tuần thiên ngai của ta. Ta vô cùng quý mến. Vậy, hãy cho ta thực hiện một chút công đức. Từ rày về sau, các người không cần phải làm lụng cực nhọc nữa. Hãy đi về nhà! Hãy sử dụng những rương vàng, những rương bạc do ta phụng cúng để nuôi sống bản thân, giữ giới hạnh, bố thí, tu tập cho đến mãn đời”.
Câu chuyện này, sau đó được thuyết lại nhiều lần tại Kỳ Viên; và đức Thế Tôn còn tiết lộ cho biết rằng:
“- Các thầy có biết mấy người ấy là ai chăng? Cô tớ gái thuở xưa ấy, nay chính là nàng Khujjuttarā [5]. Người con gái, hiện tại là cô Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc), người con trai là La Hầu La, người mẹ là cô Khemā; còn vị bà-la-môn làm ruộng ấy chính là Như lai vậy”.
Tích nầy cho quý vị thấy rằng: không ai chạy khỏi chết và khi người đã chết mà ta uất ức, tiếc thương thì thật là không lợi ích gì cả.

+ Khi người không uất ức được những hạnh phúc là:

1. Tâm đã dạy niệm sự chết hằng ngày, nên không buồn
phiền uất ức khi gặp cảnh sanh ly tử biệt.
2. Trí nhớ luôn kiểm soát tâm và hằng niệm đến sự chết.
3. Năm điều chướng ngại sẽ được từ từ yên lặng [6].
4. Thiền định sẽ phát sanh [7].
5. Là người luôn luôn không dễ duôi.
6. Người chán trong cõi sanh tử luân hồi.
7. Bỏ sự dính mắc ái luyến của đời sống.
8. Là người hằng chỉ trích tội lỗi của mình.
9. Người có nhiều phước thiện sẵn sàng để đem về cõi khác.
10. Không còn bỏn xẻn.
11. Thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã.
12. Không kinh khủng trước tử thần.
13. Là phước báu cao thượng.
14. Không sanh vào ác đạo.
15. Giải thoát khỏi phiền não.
16. Đến nơi an vui tuyệt đối là Niết-bàn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét