Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

38 PHÁP HẠNH PHÚC-39-DỨT KHỎI PHIỀN NÃO

HẠNH PHÚC XXXVII

Virajaṃ: Dứt khỏi phiền não

(Vô nhiễm)

Phạm ngữ raja nghĩa là bụi nhơ, ngụ ý chỉ là phiền não, còn vi nghĩa là không hoặc ra khỏi. Phiền não sanh trong tâm của ai, làm cho tâm người ấy nhơ đục, như là bụi làm cho vật dụng dơ; khi ta thấy vật dụng dơ thì ta nhờm gớm, ta không muốn nó đến, nếu phải cần sờ đụng thì lật đật đi rửa. Nếu tay chân ta bị dơ, ta có thể rửa được, thân bị bẩn, ta có thể tắm được; chớ khi tâm đã nhơ đục rồi thì không có thứ nước nào rửa cho sạch được cả.
Phiền não là những gì? Phiền não nếu kể ra thì rất nhiều - nếu căn cứ vào những danh từ khác nhau mà đức Thế Tôn đã dùng, nhưng chung quy, chỉ có ba tam độc là tham lam, sân hận và si mê mà thôi.
Nơi đây tôi xin nhắc câu Phật dạy ngài đại đức Cūḷapanthaka trong bộ Kinh pháp cú rằng:Rāgo rājo na ca pana reṇu vuccati... nghĩa là: Tiếng bụi nhơ đây ngụ ý nói là sự tham ái, chớ không phải là bụi thường, nên các thầy Tỳ khưu dứt bỏ bụi nhơ, tức là dứt bỏ tham ái, sẽ được an vui, trong đạo hạnh thanh cao.
(Câu thứ nhì và câu thứ ba có nghĩa khác nhau nhưng chỉ khác tên của phiền não là đổi tham ái ra sân và si mê) [8].

+ Đây là nguyên nhân sanh phiền não:

1. Nguyên nhân sanh ái dục có hai điều là:
- Thích để ý đến lời ca tụng, về sự giàu có và sắc đẹp.
- Thích và để ý đến sắc đẹp của mình hay người ngoài mình.

+ Đây là nguyên nhân dập tắt tham ái:

- Cố tâm để ý vào lời khuyên giải chỉ dạy và sự chỉ trích về cái tội của ngũ trần và sự chấp thủ, tham đắm sắc đẹp.
- Cố tâm quan sát suy nghĩ cái tội và cái hại của sắc đẹp và sự tham đắm trong ngũ trần.
2. Đây là nguyên nhân sanh sân:
- Thích và để ý đến lời nói làm cho mình sân, thích và để ý đến điều làm cho mình sân.
+ Phương pháp diệt sân:
- Cố ý nghe lời giảng dạy của các bậc thánh nhơn về nguyên nhân sanh lòng từ (tình thương vô lượng).
- Vâng giữ hành theo niệm từ.
3. Nguyên nhân sanh si mê:
- Thích nghe lời nói xấu xa không lễ phép của những kẻ vô giáo dục.
- Thích chú ý tới những lời ấy.
+ Nguyên nhân dập tắt si mê:
- Thích nghe những lời giáo huấn cao thượng, ít nhứt là lễ nghi, phép tắc.
- Cố ý và hành theo những pháp cao thượng đã nghe.
- Các phương pháp dạy trên đây là phương pháp dẹp yên phiền não nhứt thời thôi, chớ không phải phương pháp giải thoát. Nếu muốn hoàn toàn giải thoát, thì chỉ có cách trì giới cho trong sạch, hành thiền định rồi hành minh sát tuệ, dùng trí tuệ quan sát cho thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã, như thế mới tận diệt được phiền não.
Trong bộ kinh Anguttaranikāya, đức Thế Tôn có dạy rằng:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Bụi nhơ là gì? Bụi nhơ là tham lam, sân hận và si mê. Nếu có người hỏi về những điểm dị đồng của các pháp ấy thì các thầy nên đáp rằng: Tham lam tội tuy nhẹ nhưng thật là khó dứt bỏ được. Sân hận, tội thật nặng, nhưng khi người thức tỉnh, dứt bỏ được dễ dàng. Si mê, tội nặng, càng khó dứt bỏ được”.
Theo câu Phật ngôn nầy, thì ta thấy rằng: Tham ái tội tương đối nhẹ, nhưng thật khó dứt. Đây tôi xin nhắc lại tích để quý vị dễ nhận thức.
“- Tại kinh đô Sāvatthī (Thất La Phiệt) có người thợ cạo thường vào làm râu tóc cho nhà vua và các phi tần. Ông là người có thọ trì tam quy ngũ giới rất trong sạch.
Ngày nọ, ông đi làm râu tóc cho nhà vua, ông dẫn con trai theo vào cung nội. Con trai ông trông thấy một công nương trẻ đẹp trang diện lộng lẫy, anh chàng cảm sắc đẹp ấy, khi về nhà anh vào phòng nằm mãi không ra, cha anh hỏi anh, anh nói đã yêu công nương. Ông thợ cao bảo: “Con ơi, những cô ấy toàn là những hạng cao quý; thuộc dòng vua chúa, còn ta là hàng thứ dân, thì biết làm sao? Vậy nếu con ưng một cô nào môn đăng hộ đối, thì cha sẽ xin cưới về cho con”.
Con trai người thợ cạo đáp: Nếu không được cô ấy, con không bằng lòng cô nào hết. Con sẽ chết”.
Chuyện nầy thấu tới tai của chư vị tỳ-khưu, các ngài mới hội nhau lại bàn rằng: Vì yêu thương mà chết thật là không phải chút nào hết. Người ta nên biết giá trị sự sống của mình và của cả gia đình mình chứ!
Đức Phật nghe chuyện ấy, ngài mới dạy chư tỳ-khưu đang bàn với nhau, rằng:
“- Người dứt bỏ lòng tham ái, và trong trường hợp phát
sanh tham ái, nên diệt lòng tham ái như giọt nước nhễu trên lá sen sẽ trượt đi.
Người diệt lòng sân hận, không sân hận trong trường hợp đang sân hận. Người diệt trừ lòng sân hận như trái thốt nốt chín và rụng. (Khi trái chín mùi và rụng thì không bao giờ trái ấy lại trở lại với cành, nghĩa là khi diệt được lòng sân hận thì không cho lòng sân hận sanh lại được).
Người diệt được lòng si mê, không bị si mê theo trường hợp phải si mê, người ấy ví như mặt trời đã mọc (Khi mặt trời mọc thì đuổi được sự tối tăm, cũng như người xua đuổi được sự si mê thì lòng mình tự nhiên sáng và không còn đau khổ, luân hồi nữa)”.
Chung quy, người đệ tử Phật muốn rửa sạch bụi trần nhơ bẩn thì phải tu theo bát chánh đạo, hành minh sát tuệ.

+ Tâm không nhiễm bụi nhơ, được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước cho bản thân mình.
2. Không bị những sự phiền lòng đến.
3. Được an vui trong đời nầy và vị lai.
4. Là người không dễ duôi.
6. Là người ráng hành cho giới, định, huệ được trọn hảo.
7. Là người đáng gọi là cúng dường cao thượng đến Tam Bảo bằng cách hành đạo.
8. Là người thoát khỏi phiền não trong kiếp nầy và sẽ đắc được quả trong ngày vị lai.
9. Là người sẽ đắc đạo quả trong kiếp nầy nếu duyên lành đầy đủ, bằng không chắc chắn sẽ đắc ngày vị lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét