Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

38 pháp Hạnh phúc-HẾT- TỰ TẠI

HẠNH PHÚC XXXVIII

Khema: Lòng tự tại.

                           
Phạn ngữ khema nghĩa là tự tại, lại còn có nghĩa khác nữa là không sợ sự khinh khủng, thoát khỏi tất cả mọi nạn tai, trở ngại; không còn bận rộn, được có sự an vui, tiến hóa, đẹp và cao quý, giải thoát khỏi bốn điều trầm nịch [9], đến Niết-bàn.

+ Lòng tự tại chia ra làm ba hạng:

1. Lòng tự tại bậc thấp là tâm vắng lặng phiền não tạm thời trong khoảng thời gian lâu hay mau tùy theo sự đè nén tâm của hành giả có thể chịu đựng được; ví như trong khi nghe pháp, học pháp hay học tham thiền nhưng chưa chắc đắc thiền định, mà cũng chưa đắc minh sát tuệ.
2. Lòng tự tại bậc trung là tâm của hành giả đã đắc được thiền định, và có hành minh sát tuệ.
3. Lòng tự tại bậc thượng là tâm của các vị hành minh sát tuệ và đắc một trong bốn đạo quả.
Tâm hồn của chúng sanh thật là phức tạp, lúc là bạn, khi là thù, nghĩ kỹ không khác nào trên sân khấu, nhưng là sân khấu lớn vô lượng vô biên và ai ai cũng đóng tuồng hết, nên không thấy rõ chân tướng của mình hay của kẻ khác. Chỉ có bậc thánh nhơn mới là đấng giải thoát nên các bậc ấy là khán giả trông thấy rõ rệt hành vi của ta vụng hay khéo thôi.
Khi tâm thiện phát sanh thì lời nói cũng như việc làm hoàn toàn trong lành, bằng khi tâm ác sanh, thì lời nói hay việc làm đều đáng ghê sợ.
Trong điều hạnh phúc chót nầy, đức Phật chỉ rõ cái phức tạp rắc rối trong tâm của chúng sanh, cùng phương pháp để khử trừ và phòng bị những phức tạp, rắc rối ấy.
Tâm của chúng sanh thường bị trầm nịch trong bốn cái hầm nên không được tự tại.
Bốn hầm ấy là:
1. Kāmāsava: Hầm ái dục.
2. Bhavāsava: Hầm tam giới
3. Diṭṭhāsava: Hầm tà kiến
4. Avijjāsava: Hầm vô hình
Bốn cái hầm nầy rất là sâu rộng và tối tăm, nên chúng sanh không thấy đâu là bến, đâu là bờ. Hầm ấy sâu có sóng to, gió lớn nhận chìm chúng sanh xuống đáy của sự khổ không sao trôi ra khỏi được.
Hầm ấy rộng, nên chúng sanh khó lội vào bờ. Chúng sanh nào giỏi lắm là vớ lấy một miếng gỗ để lội tạm thời, đến khi bị trận gió lớn sóng to, lại sút tay chìm đắm lại nữa. Tôi muốn nói khúc gỗ mà ta vớ được tạm thời ấy là cõi trời, cõi sắc giới hoặc vô sắc giới, ta chỉ tạm ở được một lúc thôi, rồi phải bị rớt trở lại nơi khổ nữa.
Những lượn sóng ấy ví như vật dục. Vật dục ấy là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, sự cảm xúc mềm mại làm cho chúng ta mê theo, quên cả già, đau và chết.
Những trận gió lớn ấy tức là phiền não dục, hay là tham lam, sân hận, si mê - những phiền não dục nầy nhận chìm cả thuyền to chớ chẳng phải chỉ ta mà thôi.

+ Xin giải về bốn hầm ấy như dưới đây:

1. Hầm ái dục là cái hầm thương yêu khó mà lội qua khỏi, vì cái hầm nầy to rộng không phân biệt đâu là bờ bến. Thậm chí các bậc chư thiên vẫn còn sa vào, như đức vua Mahāsudassanatrong sự tích sau đây:
“- Đức vua Sudassana là vị vua Chuyển luân Thánh vương. Quanh thành của ngài có cây thốt nốt bằng bạc, lá vàng, trái ngọc... và có các loại chim quý đến ca hót nghe thật vui tai.
Đến ngày giới, đức vua mặc đồ trắng, thọ bát quan trai xong, ra đứng giữa trời vỗ tay ba tiếng là có mưa vàng mưa ngọc đầy đồng. Nhân dân nhờ ơn đó mà sống một cách an nhàn sung túc thảnh thơi. Thế nhưng, đức vua vẫn còn thấy chưa đủ, chưa thỏa mãn.
Vì phước báu của vua quá nhiều nên các bậc thiên vương như Đế Thích cũng nể mặt, bèn nhường cho ngài trị vì nửa cõi Đao Lợi. Nhưng không vì vậy mà toại nguyện, ngài còn muốn chiếm luôn trọn cả cõi Đao Lợi mới vừa lòng, nên ngài đánh đuổi đức Đế Thích đi để chiếm lấy hết. Nhưng không sao thắng nổi đức Đế Thích, nên ngài bị đức Đế Thích đưa về cõi người trở lại”.
Câu chuyện trên đây để chúng ta thấy rằng: Người hay là chư thiên cũng là nô lệ của ái dục, tham ái không sao thoát khỏi hầm nầy.
2. Hầm thứ hai là hầm tam giới tức là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Khi người chưa ra khỏi ba hầm nầy là còn ở dưới quyền thống trị của ngũ ma [10]. Khi muốn chạy hay đánh ngã được ngũ ma thì phải dùng khí cụ tối tân của đức Thế Tôn là bát chánh đạo.
Dục giới còn khổ hơn sắc giới và vô sắc giới. Mặc dầu hai cõi nầy có phần an vui hơn, nhưng cũng không khỏi luân hồi. Vì vậy hành giả nào có kinh sợ luân hồi mới giải thoát được khỏi tam giới. Muốn thoát khỏi luân hồi, chỉ có một con đường - là đạo có đủ tám chi, hay tám điều.
3. Hầm thứ ba là hầm tà kiến, còn đáng sợ hơn hai hầm trên rất nhiều. Vì người đã sa vào hầm tà kiến thì không còn ai thuyết phục được. Vì vậy nên phương pháp của đức Phật dạy, muốn giải thoát, phải đi theo bát chánh đạo, mà trong ấy chánh kiến đi đầu, thế thì ta thấy rằng tà kiến quan hệ tới chừng nào.
4. Hầm thứ tư là hầm vô minh. Nói đến vô minh thì ai cũng lầm tưởng rằng là tối tăm, mờ ám, không thấy đường đi; chúng sanh vì ở nơi tối tăm nên không thấy đường ra nên chịu khổ mãi. Nói thế có thể tạm gọi là một phần, nhưng sự thật vô minh làm cho ta không tìm và thấy được phiền não, nhứt là ái dục, là động cơ chính yếu, làm cho chúng ta không tìm thấy Niết-bàn là nơi giải thoát khỏi luân hồi. Vì vậy nên chúng ta không hành theo đường chánh được.
Tóm lại: Vì vô minh nên không thoát khỏi luân hồi, vì vậy vô minh là một điều rất là quan hệ. Quý vị hãy hình dung một đêm mưa bão giữa biển lớn, phần thì thuyền nhỏ mà chở đầy, thì quý vị sẽ thấy kinh sợ dường nào. Đời người cũng vậy, quanh ta đầy những tai nạn hãi hùng, cái chết gần bên ta không thấy được? Hỏi tức trả lời, chắc quý vị thấy, tại vì vô minh che đậy mọi việc, nên thấy xấu cho là đẹp, thấy trái với sự thật mà đức Phật đã dạy. Đó là vô minh vậy.
Đêm tối, gió bão hãi hùng cùng những con cá dữ đang chực chờ ăn thịt ta, ví như nạn tai đợi chờ ta trong tam giới. Đối với sóng to gió lớn mà lại vô phương chống chỏi, thật là kinh khủng phi thường. Vậy tại sao ta không tìm lấy một vật gì để nương tựa vào. Đức Thế Tôn dạy còn có con thuyền vượt qua biển rộng sóng to gió lớn và đầy loài cá dữ ấy, đó là bát chánh đạo vậy.
Tóm lại, bề sâu của vô minh làm cho chúng sanh tối tăm không nhận thấy ba tướng - vô thường, khổ, vô ngã - trong luân hồi khổ... Bề rộng của vô minh là cái che lấp đường tiến thủ của chúng ta.
Vì vậy trong bát chánh đạo có tám pháp mà tóm lại là giới, định, tuệ không khác nào là chiếc thuyền có đủ tiện nghi cho ta vượt qua biển rộng. Tôi xin ví dụ: Chiếc thuyền ấy là giới, định - ví như cột buồm, cánh buồm và tất cả những tiện nghi trên ghe. Còn tuệ là viên thuyền trưởng tìm hiểu phương hướng để đưa thuyền đến nơi đến chốn. Cũng có thể ví giới như là chuyến thuyền, định như sức mạnh đẩy thuyền vào bờ, tuệ ví như đèn soi đường để thấy lối vào bờ.Khi ta có giới, định, tuệ đầy đủ - dù hầm ái dục có sâu rộng và nhiều gian nguy, nhưng ta cũng có thể thoát ra được. Ta có thể tin như thế được vì đã có nhiều vị đã giải
thoát để lại phương pháp và cả họa đồ giúp ta noi theo đấy
mà ra.

+ Tâm tự tại được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.
2. Là người không dễ duôi.
3. Là người không xa chánh pháp.
4. Là người đã chuẩn bị sẵn sàng vật thực để đi xa.
5. Là người đã xa ác đạo.
6. Là người đã cúng dường sự hành đạo giải thoát của mình đến đức Phật.
7. Là người có thân, khẩu ý trong sạch.
8. Là người tự tại ngoài bốn hầm to lớn ấy.
9. Là người hành theo Phật ngôn.
10. Là người được hưởng an vui trong mọi hoàn cảnh.
11. Là người Phật tử chân chánh.
12. Là người hiểu rõ Pháp bảo.
13. Là người có thể đem ra làm gương mẫu cho các hàng hậu tấn.

Hết

 

[1] Hàm chỉ các vị thánh cư sĩ và những hành giả trí thức tu tập thấm nhuần giáo pháp Phật.
[2] Pháp cú 213:  Luyến ái sinh bệnh sầu ưu. Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề. Không luyến ái, chẳng đam mê. Ưu sầu, sợ hãi cận kề được đâu.
[3] Đoạn văn này phải hiểu ý của pháp sư muốn trao gởi, nếu không hiểu dễ rơi vào đoạn diệt luận: ngăn nhân bỏ quả! Thật ra, pháp sư chỉ muốn nói: Khi còn ở trong tam giới thì ai cũng gây nhân cả. Gây nhân thì gặt quả, ấy là định luật. Quả thì có quả chua, quả ngọt, quả khổ, quả lạc.  Người có tu tập, thâm đạt giáo pháp, thực hành thiền quán vipassanā - phải nhìn ngắm chúng, dù chua ngọt, dù khổ lạc, chúng đều là pháp hữu vi, sinh diệt, đều vô thường, khổ, vô ngã - chứng đắc tuệ giải thoát, không còn dính mắc gì về chúng nữa! (Không thể đưa ví dụ chặt cây, quăng trái - thậm nguy hiểm).    
[4] Bài kệ này và 04 câu tiếp theo, tôi chưa tìm ra nguồn để hiệu chính.
[5] Thời Phật tại tiền, cô bị gù lưng, thị nữ của hoàng hậu Sāmāvatī, vua Udena tại Kosambi - đắc Tu-đà-hoàn, nổi tiếng về thuyết pháp. Do quả báo sai khiến một vị Thánh Ni nên phải 500 kiếp làm tôi đòi. Vì nhạo báng một vị Độc Giác Phật gù lưng nên bị gù lưng. Nhưng nhờ một kiếp cúng dường vật thực đến chư Độc Giác Phật với tâm thành kính dâng luôn cả những vòng bằng ngà nên đắc quả và có lợi tài thuyết pháp.
[6] Niệm sự chết đắc cận định - nên nó làm yên lặng được 5 triền cái: Hôn trầm-thụy miêm, nghi, sân, trạo cử, dục.
[7] Trong thập tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tịnh, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở - thì 8 niệm đầu chỉ có khả năng đắc cận định, niệm thân có thể đạt tứ thiền hoặc ngũ thiền; riêng niệm hơi thở, nếu định thì đắc tứ, ngũ thiền, nếu tuệ thì đắc tứ đạo quả.
[8]  Xin chép ra đây cả ba bài kệ để độc giả rộng đường nghiên cứu:
1- Rāgo rajo na ca pana reṇu vuccati... (tham - tình dục - là cấu uế, là bụi nhơ - chứ không phải bụi nhơ thường). 2- Doso rajo na ca pana reṇu vuccati... (sân là cấu uế, là bụi nhơ chứ không phải bụi nhơ thường). 3- Moho rajo na ca pana reṇu vuccati... (si là cấu uế, là bụi  nhơ chứ không phải là bụi nhơ thường).
[9] Xem ghi chú 155.

[10] Ngũ ma: Phiền não ma (kilesamāra), Ngũ uẩn ma (Pañcakhandhamāra), pháp hành ma (abbhisaṅkhāramāra), thiên ma (devaputtamāra), tử thần ma (maccumāra).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét