Thờ cúng trong nhà Xưa
và Nay
Tục Thờ cúng trong nhà
là một đạo lý truyền thống của dân tộc đã từ ngàn xưa, khi con người nhận thức
mối quan hệ giữa mình với người, với môi trường tự nhiên và xã hội, hình thành
sự sùng bái Vật tổ (Totem- vật thể tự nhiên, nhất là động vật, được người Indian ở Bắc Mỹ coi như biểu tượng của một bộ tộc hoặc gia đình…), thờ các vị Thần tự nhiên (Thần lửa, Thần mặt trời…), rồi thờ cả
người chết là bậc trên trước của mình… lần hồi hình thành các tín ngưỡng, tôn
giáo. Tuy nhiên, đến lúc này, nhiều nghi lễ, nghi thức
thờ cúng- dù trong nhà hay ở chùa chiền, đình miếu, nhà thờ, thánh thất…- chắc
chắn có sự tác động rất lớn của những tôn giáo lần lượt, trước sau và đan xen
ảnh hưởng với đời sống xã hội- xưa cũng như nay. Bài viết này thực ra chỉ “khoanh vùng” ở
việc thờ cúng tại gia của người Việt, chứ không đề cập nhiều đến việc thờ cúng
của nhiều dân tộc khác nhau, theo tôn giáo này tôn giáo khác hay thờ cúng ở nơi
tôn giáo.
Vậy thì trong nhà người
Việt– xưa nay thờ những ai?
Thờ gia tiên
“Tạm tính” – ở phương
Đông, kể từ khi có Nho giáo, ở Ấn có Phật giáo, ở châu Âu có
Thiên chúa giáo…- đến nay, người Việt “tiếp thu” đủ cả, thậm chí còn có cả
nhiều thứ tín ngưỡng riêng như theo Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài, thờ Quan Thánh,
Đức Thánh Trần, thờ Mẫu... rất đa dạng. Do vậy mà việc thờ cúng ở tại gia của
“quý đệ tử” cũng vô cùng phong phú. Nên, chắc phải tuỳ “lương” hay “giáo” để…
biện biệt, điểm xuyết, chứ nếu “bày binh bố trận” đầy đủ thì e… không đủ chỗ
(!).
Trước hết là nói về lương.
Người “theo đạo” “lương” thực ra không theo đạo nào mà thường “vỗ ngực xưng
tên” là “mình chỉ thờ Tổ tiên”- nói nôm na là thờ ông bà, để tưởng nhớ Cội
Nguồn. Thực ra cách thờ này cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo ít nhiều nên mới
có câu “sự tữ như sự sinh, sự vong như sự tồn” (thờ lúc đã mất như lúc còn
sống, thờ lúc đã khuất như lúc đang còn).
Cho tới khoảng đầu thế
kỷ XX, cách thờ cúng của những người theo “đạo Ông bà” cũng không có gì đổi
khác cho lắm. Vào nhà dân lương, thông thường, gian chính ở giữa dùng để
làm chỗ thờ. Cách bày trí thờ cúng của người miền Bắc có khác đôi chút
với người miền Nam .
Bàn thờ ở Bắc thường bày
ỷ (chiếc ghế ngồi). Bài vị (nếu có ), thì làm bằng gỗ bạch đàn, gỗ mít,
vàng tâm. Bàn thờ và chỗ bày cỗ cúng không sơn son mà chỉ sơn then hay cánh
gián , chạy chỉ màu bạc (trừ hương án cao ở mặt tiền mới được sơn son, thếp
vàng). Nhà “xịn” thì bày trí công phu lắm, ngoài ỷ còn sập đặt
trước khám gian (nơi thờ Thần chủ hoặc chứa bằng sắc của tiền nhân); bát
hương, khay đài (để rượu), tam sự, ngũ thất sự (tam sự: đỉnh, hai chân nến; ngũ sự: thêm hai
chân để đĩa dầu; thất: thêm ống đựng trầm, giá cắm đũa, và lư xông trầm) thường dùng đồ đồng, gỗ tiện… Lại
thường có hoành phi ở giữa, câu đối hai bên bằng chữ Nho, chữ Nôm, đại để như Đức
lưu quang, Phúc mãn đường德 留光, 福 滿 堂
(Đức để lại sáng, Phúc
đầy nhà -Hoành) … Trung hiếu trì gia viễn/ Đức nhân xử thế trường忠 孝 持 家 遠, 德 仁 處 世長 (Lấy trung, hiếu giữ nhà bền vững/ Dùng đức,
nhân (từ) xử thế lâu dài- Liễn đối)…
Miền Nam
thì bày trí đơn giản hơn, thường
dùng một cái tủ thờ chắn trước bàn cỗ cúng. Phía trên treo bức tranh vẽ
kiếng gồm bốn bức: trên cùng là
hoành, đề chữ Nho Đức lưu phương 德 留 芳 (Đức để tiếng thơm- Không hiểu sao từ quang
ở Bắc trở thành phương ở Nam ?
Có thể do chữ quang 光 bị đọc nhầm thành phương 芳 bởi
viết gần giống nhau? Nhầm cũng hay!).
Giữa là tranh sơn thuỷ có núi, có
nước, có cây (thường vẽ cây tùng, cây bách), ngụ ý “công cha như núi Thái
sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; mộc tùng căn trưởng, thuỷ tự
nguyên lưu 木 從 根 長, 水 自 源 流 (cây nhờ gốc mà lớn, nước từ nguồn mà chảy),
nhắc nhớ cội nguồn, có nơi “cẩn thận” đề rõ bốn chữ Cửu huyền thất tổ 九玄七祖. Hai bên là câu đối, đại
khái: Đức thừa tiên tổ thiên niên thạnh, Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh 德 承 先 祖 千 年 盛, 福 廕 兒 孫 百 世 榮 (Tổ tiên tích đức ngàn
năm thịnh, Con cháu nhờ ơn trăm đời vinh hiển) … Nhà
khá giả, sang trọng, bề thế thì tủ thờ, hương án thường chọn loại bằng gỗ quý
như gõ, mun, lim…, cẩn xa cừ, chạm trỗ công phu, để xài đời này qua đời khác,
năm bảy chục năm là thường.
Dù Nam hay Bắc, phía
trước ban thờ cũng treo một cái tự đăng (đèn) tượng trưng cho sự như tại
của tổ tiên, xưa thắp bằng dầu phộng,
mù u. Đến
thời Tây qua, nhà sang trọng đổi “mô đen” treo chiếc đèn ba giây thắp bằng dầu
lửa cho “oách”. Thời nay thì đó là ngọn đèn điện. Trên bàn cúng, ngoài mâm đĩa,
hay gặp ba chung trà hoặc cái nhạo với bốn chung rượu theo kiểu “trà tam, rượu
tứ”, tuỳ theo đương thời tiền nhân “sính” món nào…
Thờ theo đạo
Người có tín ngưỡng tôn
giáo, ngoài việc thờ gia tiên, còn thờ theo đạo của mình. Ở đây mở ngoặc, nhắc
lại chuyện xưa là trước đây, khi đạo Thiên chúa vào Việt Nam thì họ không chấp nhận cho con
chiên của mình có bàn thờ gia tiên. Việc này, chính giám mục, giáo sĩ,… cũng
thắc mắc. Việc cấm đoán này trải qua một thời gian rất dài mới được… cải thiện.
Bàn thờ theo tôn giáo-
dù chung nguồn gốc, thí dụ như giữa đạo Thiên chúa, Tin lành, Thanh giáo… cũng
có những khác biệt. Người theo Tin lành thường chỉ thờ ảnh tượng cây Thập giá,
Đức chúa; còn người theo Công giáo thì thờ cả Đức mẹ Maria… “Tình hình” bên đạo
Phật cũng vậy, tuỳ tông phái, tuỳ Đại thừa hay Nguyên thuỷ mà thờ cúng rất đa
dạng. Nếu bàn thờ chỉ bày ảnh tượng Đức Phật Thích ca Mâu ni (Sakyamuni) với
tướng toạ thiền, chuyển pháp luân, niết bàn, đản sinh… thì biết ngay đó là Phật
tử Nguyên thuỷ. Nếu bàn thờ có Tây phương Tam thánh (Phật A di đà - Amitabha
Buddha, Quán thế âm Bồ tát- Avalokitesvara Bodhisattva, Đại thế chí Bồ tát-
Mahasthamaprapta Bodhisattva) thì đó là Phật tử Đại thừa, Tịnh độ tông. Nếu là
người tu Thiền tông thể nào cũng thấy ảnh tượng Tổ Bồ đề Đạt ma (Bodhidharma )
trợn mắt với mình. Nếu tu Mật tông thì sẽ có ảnh tượng Đức Đại nhật Như lai (Tỳ
lô giá na- Vairocana Buddha), Chuẩn đề
vương Bồ tát (Chundi Bodhisattva)… Tuy nhiên sự phân chia này chỉ là “giả tạm”,
vì nếu Thiền- Tịnh- Mật hợp tu thì…
Thời gian gần đây, bổn
đạo Phật giáo Hoà Hảo (Phật giáo Tứ ân ) đang thống nhất cách thờ phượng ở nhà.
Hai câu đối hai bên bàn thờ Gia tiên được đổi thành: Liệt Thánh tữ đạo, Liệt
sĩ vị quốc quy thần 列 聖 死 道 列 仕 為 國 歸 神
(Các
Thánh chết vì đạo, Các liệt sĩ vì nước trở về Thần). Bàn thờ Phật, ngoài một
tấm Trần điều màu dà như trước, có thêm ảnh tượng Tây phương Tam thánh; tầng
hai từ trên xuống bày tượng Thích ca , hai bên là bài vị Bửu sơn Kỳ hương,
Lịch đại Tổ sư; tầng ba thờ Đức Phật Già lam (Quan thánh Đế quân), hai bên
là bài vị Lạc Long thỉ tổ, Quốc tổ Hùng vương
…
Nhà khá thì còn bày thêm
lỗ bộ (giá binh khí, làm bằng đồng hoặc gỗ) ở phía trước , gần lư hương.
Cuối cùng mới là ảnh
tượng các vị Khai sơn. Thống nhất được vậy thì có quy củ nhưng đối với bổn đạo
nghèo thì theo chắc… mệt.
Lễ bái
Lễ bái
(vandana- Trung Hoa dịch âm là ban đàm hay na mô tất yết la) nói chung là nghi
thức, cung cách bày tỏ lòng tôn kính. Mỗi tôn giáo có cách lễ bái khác nhau,
biểu thị ý nghĩa cũng khác nhau. Người
thờ Ông bà thường lạy theo cách thức- mà
ngày nay còn thấy trong các dịp… cúng lễ Kỳ yên ở đình: Đứng thẳng tiêu
biểu cho cái uy của kẻ sĩ; hai tay cung thủ (nắm nhau) là dũng.
Khởi lạy, hai tay cung thủ đưa lên trán (không đụng vô trán), đưa qua phải rồi
qua trái, biểu thị Tam tài (Thiên, Địa, Nhân) ; khi lạy xuống, hai tay
cung thủ chống lên đầu gối chân phải và quỳ chân trái xuống trước, tôn kính mà
không mất uy dũng; sau đó mới cúi đầu xuống đất.
Trong đạo
Phật có quá nhiều cách lễ bái mà nhiều nghi thức đã trở thành… “của chung”-
nhất là những nghi thức dùng trong tang lễ. Riêng về “cái sự lạy”, người Phật
tử phải lễ bái Tam bảo, các bậc tôn túc đại tỳ kheo. Theo Đại Đường Tây Vực ký,
Tây Trúc cửu nghi liệt kê đến 9 cách lạy. Ở Việt Nam, ngoài cách lạy “nhất bộ
nhất bái” (bước một bước lạy một lạy), lạy một lạy rồi đi vòng về phía bên mặt
ảnh tượng, tháp Phật, lạy ngồi… thì cách người Phật tử thường lạy nhất gọi là ngũ
thể đầu địa lễ- nghĩa là đầu, hai tay, hai gối phải chạm đất. Cách hành lễ
này cũng gọi là “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ”, như sau: Đứng thẳng,
hai bàn tay hiệp chưởng (chắp tay, lòng bàn tay khít nhau, các ngón đều
nhau) để nơi ngực (ấn tâm, cũng có người đưa lên trán tiêu biểu “gửi” tâm
nguyện của mình đi qua nê hoàn cung, hay còn gọi là Bindu- đỉnh nhọn
chỉa ba của thần Shiva) rồi lạy xuống với tư thế quỳ/ngồi để tỏ sự khiêm cung
với người phía sau, chống tay phải lên mặt đất, quỵ hai đầu gối, ngửa hai bàn
tay như hoa sen nở, quán tưởng Đức Phật đang đứng trên đó, đặt trán vào hai
lòng bàn tay như đặt đầu lên chân Phật đồng thời mọp mình sát đất để tỏ sự tôn
kính…
Thờ
nhưng không phải Thần
Đầu
tiên phải kể là thờ Bản gia Tiền chủ (Chủ trước của nhà). Việc thờ này
trước đây “dành cho” những người vào ở những ngôi nhà cũ, nhà có sẵn mà không
phải do thừa kế. Nói nôm na là dọn đến ở một ngôi nhà lạ. Ngôi nhà có sẵn nên
chắc chắn nó đã từng có chủ. Chủ của nó chưa chắc không ở đó vì đã dọn đi mà có
khi vì đã chết! Vì vậy, người mới đến ở
thường thờ Tiền chủ, để xin người “khuất mày, khuất mặt” đừng quấy phá mình.
Bởi tuy “sống vì nhà, chết vì mồ” nhưng có những vị chủ nhà dù đã thành “người
âm” vẫn “thích” “trở về mái nhà xưa”.
Bàn
thờ Tiền chủ thường chỉ là một cây trụ trồng ngoài sân, mé trước nhà, trên
đóng hoặc đặt một miếng gạch tàu làm bàn
thờ, có thành vách (đa phần không có), để vỏn vẹn một lư hương với một bình
bông. Người ta thường cúng Tiền chủ vào dịp rằm, mùng một, giỗ chạp. Khấn thì
cứ gọi “Bản gia Tiền chủ” chứ ai biết Tiền chủ tên tuổi ra sao! Vì ngôi nhà có
khi đã trải qua mấy đời chủ.
Đôi
khi trong nhà lục đục, người ta cũng “kêu” với Tiền chủ. Sau này ít thấy bàn
thờ Tiền chủ mà thay vào đó là “Bàn thiên”.
Kế
đến cũng là tục thờ mà nay chỉ còn thấy ở phía Bắc, miền Trung, là thờ bà
Cô, ông Mãnh. Đây là những người trong gia đình chết… trẻ, khi còn độc thân
được “xác nhận” là… linh thiêng thông qua chiêm bao, điềm báo (bướm, đom đóm
bay vào nhà; chân nhang bốc lửa nhân một ngày cúng quảy… Người ta cho đó là sự…
“trở về” của người đã mất). Bàn thờ bà Cô, ông Mãnh thường đặt phía dưới hương
án của bàn thờ Gia tiên, do… nhỏ tuổi nên không ngồi chung với các cụ được!
Riêng việc thờ người mới chết, nếu có dịp đề cập đến lễ tang, chúng tôi
sẽ trở lại.
Nhà
có thờ bà Cô, ông Mãnh, khi trẻ nít… ễ mình, những bà mẹ cũng khấn rì rầm, xin “cô, ông” phò
hộ cho đứa trẻ.
“Đệ
nhất gia chi chủ”
Cách
thờ “ông Địa” (Thổ công) ngày nay có khác ngày xưa- nhất là ở những nơi
thị tứ. Xưa, nhà thuộc ngành thứ, không có bổn phận cúng giỗ Gia tiên, không
lập bàn thờ thì lập bàn thờ Thổ công rất trang trọng
ngay gian giữa nhà. Đó là bởi quan niệm về sự “cai quản” của thần: Đất có
thổ công, sông có hà bá . Bàn thờ Thổ công xưa hay đặt ba chiếc mão –một
bà, hai ông- cánh chuồn bằng giấy ; có khi là đặt hẳn một bức tranh “vua
bếp”- cũng hai ông, một bà. Tới đây hình như bắt đầu… lộn xộn rồi: Địa,
Táo lung tung! Đây là chỗ khác nhau giữa xưa và nay. Xưa quan niệm Thổ công là Đệ
nhất gia chi chủ (Chủ “năm bờ oăn” của nhà), vừa là thần Đất, vừa là
thần Bếp núc.
Tuy
hai mà một! Vì vậy, ba cái mão tượng trưng cho Thổ công (coi việc trong bếp),
Thổ địa (coi việc trong nhà), Thổ kỳ (coi việc chợ búa, sinh sôi vườn tược).
Mão Thổ công mỗi năm… một màu theo ngũ hành của năm mới: Kim màu trắng, Mộc màu
xanh lá, Thuỷ- đen, Hoả- đỏ, Thổ- vàng. Bài vị Thổ công xưa đề chung cả “ba
ngôi” rằng “Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Thổ địa Long mạch Tôn
thần, Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chính thần”.
Người
Việt có sự tích về Vua Bếp như sau: Xưa có vợ chồng Trọng Cao – Thị Nhi, lấy
nhau lâu không có con, buồn phiền nên thường cãi nhau. Trong một lần như vậy,
Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi giận chồng, bỏ đi, rồi lấy Phạm Lang làm
chồng. Cao hết giận, bỏ mọi thứ, lang thang tìm vợ, hết tiền, phải ăn xin. Ngày
nọ, Cao đến một nhà nọ, bà chủ nhà lại là Thị Nhi nhận ra chồng cũ của mình.
Hai bên kể lể thì bất ngờ Lang về, Nhi cho Cao nấp tạm vào đống rơm vì sợ hiểu
lầm. Không dè Lang đốt đống rơm để lấy tro bỏ ruộng, Cao bị đốt chết. Nhi hối
hận cũng nhảy vào lửa. Lang thương vợ cũng nhảy theo. Trời thấy cả ba có nghĩa
nên phong cho làm Táo, mỗi người một việc, Lang làm Thổ công, Cao làm Thổ địa,
Nhi làm Thổ kỳ. Thời xưa trọng nam, khinh nữ, trai “năm thê, bảy thiếp”
là thường. Đến chuyện của Táo thì… tréo ngoe. Tréo ngoe cả với cái nhìn bình
thường. Thế mới có câu Thế gian một
vợ một chồng,Không như Vua Bếp hai ông một bà.
Người
ta tin Thổ công là “ăng ten” của Ngọc hoàng, ghi chép mọi chuyện thiện ác trong
nhà nên mới dùng đồ ngọt như thèo lèo, kẹo mứt cúng tiễn ông về trời trong Chạp
ông Công vào ngày 23 Tết, để ông “hót” dùm cho những lời… đường mật. Ngày
này, xưa tiễn ông về trời bằng cá chép (sống hoặc đồ mã) , nay thì đã có “cò
bay ngựa chạy” bằng hàng mã. Khi tiễn, người ta cũng “hoá” mão cũ, thay bằng
mão mới.
Ngày
nay, nhất là ở đô thị, người ta “chia cắt” Táo và Địa “hai ngã đôi nơi”. Thổ
địa … hạ thổ, ngồi chung với Thần tài, Tiên cô Tiên hữu ở nhà trên. Táo “di
tản” xuống bếp, một mình một cõi. Cách thờ này chắc do ảnh hưởng từ Trung quốc.
Bằng cớ là những bài vị vẽ kiếng để thờ Thổ địa- Thần tài song sinh “made in
Cholon” đều ghi là Bản địa Thổ địa Thần kỳ Long thần, Ngũ phương Ngũ thổ
Phúc đức Chính thần, Tiền hậu Địa chủ Tài thần… Hai bên còn có câu đối: Kim chi sơ phát
diệp. Ngân thụ chính khai hoa (Cành vàng vừa trổ lá, Cây bạc đã đơm bông).
Còn bài vị Táo thì thường chỉ ghi vỏn vẹn là Định phúc Táo quân. Đôi khi
có hai câu “ăn theo”: Hữu đức năng ty hoả, Vô tư khả đạt thiên (Có đức
[mới] có thể trông việc lửa, Vô tư [mới] có thể lên trời).
Tương
truyền, Trương Phi trong Tam quốc chí sau khi mất, cũng được phong làm
Thổ địa. Gần đây trong Chợ Lớn còn bày bán tượng- mà theo lời ngừơi bán- là bà
Thổ địa
tay
cầm… ngọc như ý, thếp vàng sáng giới. Không biết đây là Thổ địa… phu
nhân , Thổ địa lão bà bà hay là Tài thần nữ (?!).
Sẵn chuyện Thổ, Táo… chia ly, Táo làm… “ăng ten”
cho trời, xin kể hầu các bạn câu chuyện “lượm” được trong một chuyến đi điền dã
ở Bến Tre (lâu rồi, khoảng năm 1983):
Lần đó, Táo được mời đi ăn giỗ ở cồn Lân (An
Giang) mới gởi nhà cho Địa, dặn biên không sót cái gì xảy ra, để Táo khỏi… tắc
trách. Khi Táo về, mở sổ ra, đọc thấy Địa ghi như vầy:
“Nữ tự Đông lai, Nam do Đoài chí. Nữ ngoạ như long
phi, Nam
quỵ như hổ phục. Nam nữ…, …”
(Nữ từ phía Đông lại, Nam
ở hướng Tây qua. Nữ nằm như rồng bay, Nam quỳ như hổ núp. Nam
nữ… ). Táo lật qua trang sau, cũng chỉ thấy chấm, chấm, chấm (…, …) tức mình
trách Địa: “Anh biên như vầy chết tui rồi. Chỉ toàn là chấm chấm. Tui biết là
chuyện gì?” Địa cười ha hả: “Mèn ơi! Tụi nó xáp vô mần lia lịa. Ông nội tui hốt
trấu vãi còn hổng kịp. Ở đó mà biên chữ…!?”
Thần…
tiền
Đây
có lẽ là vị thần được… mong đợi nhất, nhất là trong thời buổi tiền là Tiên,
là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái… đà danh
vọng, là cái … lọng che thân, là cán cân công lý… Thực ra, người ta cũng
thờ Thần tài từ hồi xửa hồi xưa, “gom” ba vị vô một “tụ” Thổ công trong niềm
tin phồn thực nông nghiệp (Thổ kỳ- Thị
Nhi). Cho nên đến khoảng đầu thế kỷ XX, dù có “tách tỉnh” thì Thần tài vẫn
“trực thuộc Trung ương” ngồi chung với Thổ địa như thường (!?).
Thần
tài ngày càng “liên tục phát triển”, lắm dạng, đa hình (riết rồi không biết đâu
là hư, đâu là thực; đâu là Thần tài, đâu là… “Đồ” tài (!?). Ở trên chúng tôi có
nói về “Thần tài nữ”. Ay là bắt nguồn từ một câu chuyện cổ: Xưa có LÁI BUÔN tên
Âu Minh, được Thuỷ thần (Hà bá) cho một cô hầu tên Như Nguyện. Minh đem
Như Nguyện về nuôi, làm ăn ngày càng phát đạt. Sau, trong một ngày Tết, Minh
đánh nên Như Nguyện sợ, chui vào đống rác rồi như “bóng chim, tăm cá”, biến
mất. Từ đó nhà Minh ngày càng “xuống cấp”, nghèo xơ nghèo xác. Người ta thấy
vậy, cho Như Nguyện là Thần tài, lập bàn thờ và từ đó có tục kiêng đổ rác trong
mấy ngày Tết. Sợ đổ mất Thần tài thì… khốn nạn!
Cho
nên, dù tượng trên có là Thổ địa lão bà bà hay Thần tài bà lão gì
gì thì có lẽ… cũng được.
Tài
thần, có cả con nít, có chị có em, gọi
là Hoà Hợp. Tài thần Hoà Hợp cũng có sự tích, đại khái kiểu “làm chơi… ăn
thiệt” chứ không phải “tay làm hàm nhai”. Đây là “Tiên cô Tiên hữu” trong bài
vị thờ chung cho Thần tài, Thổ địa. Tranh tượng thường gặp là hình hai đứa bé,
đầu để chỏm hay ba vá, tay ôm đào tiên, phật thủ; ôm cá chép… với các “khẩu
hiệu” như Chiêu tài tiến bảo, Tích ngọc đôi kim (Mời tiền dâng của báu,
Trữ ngọc dư vàng) hoặc là phụ nữ, bà già tay cầm bó lúa [hoà], tay cầm hộp
[hợp] , cầm đồng tiền điếu… Thần tài nam
thì… . quá nhiều, rối như canh hẹ- từ thần Tử vi trấn trạch, chiếu trạch
vốn được treo ngoài cửa để… trừ tà, khu quỷ; đến Tài thần chính “made in China”
là Huyền đàn Chân nhân Triệu Công Minh (nhân vật trong truyện Phong
thần của Hứa Trọng Lâm) với bốn bộ tướng nào Chiêu bảo, Nạp trân, Chiêu
tài, Lợi thị (Sao giống Ngũ phương Ngũ thổ Long thần quá!). Rồi còn “Tài
bạch Tinh quân”- Thái bạch Kim tinh (Không hiểu sao trong khoa toán số, lại có
câu “Thái bạch, sạch cửa sạch nhà”. “Sạch” đây là “hết sạch”, chỉ các năm gặp
sao hạn này vào các tuổi 22, 31, 40… (nam), 26, 35, 44… (nữ) thì… hao tài)…
Đến
thời hiện đại, thiên hạ còn tôn xưng (hay “hạ bệ”?) Di lặc Bồ tát qua hình
tượng Bố đại Hoà thượng (ông tăng quảy bao lớn ) thành thần Tài nốt, khi cho
ông nâng nén vàng với slogun Kim ngọc
mãn đường (vàng ngọc đầy nhà) lên khỏi đầu hoặc “trang sức” bằng vàng ngọc…
Lại “phân thân” Văn tài thần, Võ tài thần, Tăng phúc tài thần… mà tuỳ
địa phương, người ta “lôi vào” cả Tỷ Can (cũng là nhân vật trong Phong thần),
Quách Tử Nghi (người đời nhà Đường), Quan đế (nhân vật trong Tam quốc chí),
Thẩm Vạn Sơn, Lưu Hải (hai nhân vật này có liên quan đến… đồ tài ở sau)…
…Đồ
tiền
“Đồ”
tiền thường không được thờ như Thần tiền mà thường mang tính chúc tụng, mong
mỏi của người… đang cần tiền, người mong người khác có tiền. “Đồ” tiền quan
trọng nhất là cái Tụ bảo bồn của họ Thẩm nhưng Thẩm lại là một nhân vật
trong truyện cổ của Trung quốc. Đó là cái chậu chứa vàng bạc, châu báu cùng một
dạng với “nồi Thạch Sanh”. Cái “đồ “ thứ hai là con thiềm thừ (cóc ba
chân) do Lưu Hải nhờ học phép luyện đơn với Lữ Đồng Tân (một nhân vật
trong Bát tiên) mà thu phục được. Con thiềm thừ này có liên quan nhiều
đến văn hoá Việt Nam .
Có dịp chúng tôi sẽ đề cập. “Đồ nghề” thường gặp, hoặc là con thiềm thừ “cô
đơn” mà các thầy phong thuỷ thời nay hay “khuyến cáo” gia chủ đi tìm mua; hoặc
là có cả hình tượng ông Lưu câu cóc hay cưỡi cóc.
Ngoài
hai thứ “đồ” trên, còn có tranh Đông Hồ với tranh Gà đại cát (Tốt
lành lớn), Heo đàn (Sung túc)… và tranh dán ngày Tết, bao lì xì với
những lời “có cánh” đại loại Niên
niên hữu dư, Đinh tài lưỡng vượng (Năm tháng đều dư dả, Người tiền đều
vượng)…
Chấm
dứt chuyện thần… tiền là sự thờ thần. Thần tài dĩ nhiên là được hưởng hương
khói quanh năm. Người có làm ăn buôn bán còn làm “tiệc” cúng thần vào ngày mùng
10 âm lịch với thịt quay, bánh bao không nhưn hay bánh hỏi, bánh mì, áo Thần
tài, giấy quý nhơn, trà rượu… Khoảng vài năm nay, không biết do “thuật sĩ” nào
bày đặt mà thiên hạ cúng Thần tài- Thổ địa thường trực bằng… tỏi- mà phải là tỏi
Tây to đùng. Để khô thì thay củ khác. Vì thần ngồi… thấp nên phải… khử mùi
chăng?!
Tiên,
thánh, tổ nghề
Thờ
Tổ, mục đích là để giữ gìn công việc, liên lạc tình nghĩa, cứu giúp nhau giữa
người cùng nghề, để mong được “Tổ đãi”, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để mong
không bị “Tổ trác”. Nhiều Tổ nghề thường được người “đồng hội, đồng thuyền” lập
nơi thờ chung, mỗi năm tụ họp, góp tiền để trước lễ Tổ sau ăn uống. Những người
này có khi cũng lập bàn thờ Tổ ở nhà, nơi làm việc. Ở những chỗ này, bàn thờ Tổ
thường ở bên cạnh bàn thờ Gia tiên. Có khi thiên hạ thờ Thánh sư một cách… bí
mật, nằm ở chỗ ít bị… dòm ngó. Tại sao? Hạ hồi phân giải!
Trước hết là
Thần Nông- ông Tổ của nền văn minh lúa nước và cũng là ông Tổ của nghề thuốc Nam
thuốc Bắc . Theo Thái ất thần kinh (*) của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm thì Thần Nông [không phải Nông Thần theo cách nói của Trung quốc] là vị
“Hoàng” cuối cùng trong 12 Thiên hoàng tính từ thuở sơ khai. Thần Nông- Viêm đế
được Trung quốc “mời ngồi” vào vị trí Tam hoàng, trước thời Hoàng đế- người
đánh bại Xi vưu là lãnh tụ bộ Việt Cửu Lê và dứt quyền con cháu Thần Nông là Đế
Lai, bắt đầu nắm quyền một vùng đất rộng lớn phía Nam . Theo Trung Tây đối chiếu
Lịch đại kỷ niên Đồ biểu (*) thì thời Hoàng đế bắt đầu từ năm 2697 trước
Tây lịch. Tương truyền Thần Nông dạy dân ta trồng lúa, tìm hiểu cây cỏ để dùng
làm thuốc. Thần Nông nay ít thấy được thờ trong nhà. Ở đình miếu cũng… hiếm
nhưng mà còn.
*NXB
VHDT, H.2002, Dịch giả Thái Quang Việt. Tr. 17
Nghề
mộc, cất nhà thì thờ Lỗ Ban làm Tổ. Lỗ Ban, có sách cho rằng đó là Công Thâu
Ban, người nước Lỗ (hay nước Tống?), sống vào thời Chiến quốc, triều đại Đông
Chu (khoảng năm 400- 200 trước Tây lịch), cùng thời với triết gia Mặc Địch,
giỏi về sáng chế. Truyện Công Thâu Ban có ghi trong Chiến quốc sách.
Tương truyền, Lỗ Ban còn truyền lại cây thước Lỗ Ban dùng để đo cửa, nhiều bùa
Lỗ Ban cho lớp thợ cháu chắt. Do đó, xưa mới có chuyện thợ mộc làm nhà phản
chủ, dùng bùa Lỗ Ban ếm cho nhà đó lụn bại. Cách “úm xì bùa” thì nhiều nhưng
không tiện chép ra đây. Không biết có phải để… bù lại hay không mà cũng có “Lỗ
Ban sát” (mùa xuân ngày Tý, hạ Mão, thu Ngọ, đông Dậu- bốn ngày Xung kị việc
sửa chữa, tôn tạo nhà cửa) , rồi “Phủ đầu sát”(xuân ngày Thìn, hạ Mùi, thu Dậu,
đông Tý- kị khởi công), “Mộc mã sát” (mỗi tháng một ngày, kị khởi công, đục
đẽo)… để “bó tay” dân mộc! Nghề xây dựng cũng có Tổ riêng “thuần Việt”.
Đúc
đồng thì lấy sư Không Lộ (?- 1119) làm Tổ. Không Lộ sống đời nhà Trần, chuyên
tu Đà la ni (Dharàni), đắc thần thông. Chỗ này nên mở ngoặc để nhắc rằng: Không
phải đến đời Trần dân ta mới biết đúc đồng, mà đó là hậu quả của “một ngàn năm
nô lệ giặc Tàu”. Người Việt từng tự hào với trống đồng Đông sơn, với nõ thần
của An Dương Vương bắn ra một lúc cả ngàn mũi tên đồng. Mặt khác, không có lý
nào ba anh em Trần Điện, Trần Hoà, Trần Điền ở Hà Đông (được đặt tên đường ở
quận 5, Sài Gòn, được thờ Tổ tại Lệ Châu hội quán nằm trên đường mang tên “anh
em song sinh” với Đức thánh Trần là… Trần Hưng Đạo B) đã truyền cho dân nghề kim
hoàn tinh xảo từ thời Lý Nam Đế (544- 548) mà đến 600 năm
sau dân ta mới biết… đúc đồng! Tương tự là trường hợp Trạng Bùng Phùng Khắc
Khoan dạy dân dệt the, lụa vào đầu thế kỷ XVII. Hay Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ
(có sách nói là Phạm Đôn, có tên đường ở quận 5 cũng là Phạm Đôn) tỉnh Phúc Yên
dạy dân Nam Định nghề dệt chiếu vào cuối thế kỷ thứ XV…
Cuối
cùng, có những vị Tổ được thờ bí mật vì lý do nghề nghiệp không được… đàng
hoàng. Thí dụ như các kỹ viện ngày xưa thờ thần Bạch mi (Lông mày trắng). Còn
ngày nay, nếu như Thuyết “buôn vua” mà muốn thờ Tổ nghệ thì có lẽ sẽ chọn… Lã
Bất Vi làm “thần tượng” và cũng nên… kín kẽ một chút, chứ đừng “khoe mẽ” như
thế!
*Đài
Loan Thương vụ An thư quán phát hành. Trung hoa Dân quốc, năm thứ 55 (1966).
Tác giả Vạn Quốc Đỉnh. Tr. 1.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét