Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Chợ trời... Phong thuỷ

CHỢ TRỜI… PHONG THUỶ
                                                                                                                    
Phong thuỷ [Feng Shui]là một trong những bộ môn văn hoá cổ của phương Đông, nôm na gọi là thuật xem đất, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Ngay từ thời xã hội nguyên thuỷ, con người đã biết chọn chỗ làm nơi ở. Mặc tử- thiên Từ quá [1] viết “Người xưa chưa biết làm nhà cửa thì chọn lăng phụ để ở, ăn ngủ trong hang”. “Lăng phụ” là triền đất bên sông. Đây là nguyên tắc “làm nhà gần nước” trong thuật Phong thuỷ sau đó. Di chỉ khảo cổ Bán Pha thuộc thời đồ đá mới, nằm trên triền sông Sản ở Trung quốc, cho thấy hầu hết các nhà đều quay mặt về hướng Nam để Đông ấm, Hạ mát. Đây chính là hướng Tý- Ngọ của Phong thuỷ sau này.
Tương truyền, đời Thương [1766- 1122] bên Tàu, Bàn Canh đã “tướng địa” định đô nhà Ân. Đời Tần [thế kỷ thứ III trước Tây lịch] đã có quan niệm về “long mạch”, “vương khí”, xây dựng nhiều công trình khổng lồ và đã quan tâm đến lành dữ của phần mộ... như việc Tần Thuỷ hoàng “chặt đôi” Bắc sơn, đổi tên Giang Lăng thành Mạt [cám bã] Lăng để tuyệt khí thiên tử của vùng đó… 500 năm sau; Việc sau khi Tần Thuỷ hoàng chết, Triệu Cao ép Mông Điềm tự sát vì tội xây Vạn Lý Trường Thành đã…“làm đứt địa mạch”; Cung A Phòng chiếm gần 300 dặm vuông, lớn đến nổi khi Hạng Võ vào Hàm Dương đốt cung, lửa cháy hơn ba tháng. Hay như chuyện Hàn Tín chôn mẹ ở “cao bi địa”, đời Hán được làm Sở vương rồi chết vì “thỏ hết thì chó bị luộc”…
Qua mỗi triều đại, Phong thuỷ càng lúc càng phát triển, trở nên có hệ thống, phức tạp và dĩ nhiên cũng… phân hoá thành nhiều hệ phái, tồn tại cho đến ngày nay. Thời hiện đại, xây dựng nhà cửa tăng tốc nên phần “dương cơ” lần hồi được chú trọng hơn phần “âm trạch”, “nhà” được chú trọng hơn “đất” [dĩ nhiên là hai phần kia vẫn tồn tại, chỉ là… ít dùng hoặc do “thầy địa” bị “mù”, gia chủ không quan tâm mà thôi]. Vì vậy, sách Phong thuỷ hiện đại đa phần đều nói về nhà [trong, ngoài] và nội thất nhưng cũng đã đủ làm người muốn biết, muốn tìm hiểu… tối tăm mặt mũi.

Một trời… sách…

Số sách phong thuỷ xưa- chỉ tính riêng của Trung quốc- có đến cả trăm tập, cả ngàn quyển, dù mất mát nhiều nhưng số còn lại mà muốn đọc cho hết không phải là chuyện ai cũng làm được, nếu không phải là anh chàng... Lý Vạn Quyển trong Thiền. Thời nay số sách mới cũng chẳng phải là ít. Sách Tàu, sách Nhật, sách Hàn, sách Việt… Ở nước ta, hiện tại [nhất là sau khi “mở cửa”] sách phong thuỷ có đủ loại: sách bằng tiếng Hoa của cả Trung Quốc, Hương Cảng lẫn Đài Loan; sách bằng tiếng Việt xuất bản trước năm 1975; sách bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài- “made in tại mấy cơ sở in lụa Việt Nam”; sách bằng tiếng Việt, sách dịch của những nhà xuất bản trong nước. Khoảng năm 1975- 1990, đi tìm mua sách thì phải biết chỗ bán, người bán phải “coi mặt” người mua rồi mới “xì” ra một cái danh mục cho lựa, lựa xong  đi một lát mới đem sách về. Nay thì đủ loại, chỗ nào cũng có, mà có sẵn. Tại Sài Gòn, sách tiếng Hoa bán nhiều nhất tại khu vực Chợ Lớn, trừ sách cũ và sách lịch hàng năm thường “ăn theo” một phần phong thuỷ mà thường thì năm trước thế nào, năm sau thế ấy, còn lại đa phần sách đều là bản photocopy. Chưa đọc nội dung, chỉ mới xem tựa đã thấy… ngây ngất như xem truyện kiếm hiệp của Kim Dung bắt gặp những tuyệt chiêu: Âm dương trạch chân diện mục [Bộ mặt thật của nhà và mồ mả] , Phong sinh thuỷ khởi hảo vận lai [Gió sanh, nước khởi, vận tốt tới] , … với những “yếu quyết” [quyết định căn bản], “chính tông” [chính hiệu con nai vàng], “giải hoặc” [giải trừ cái sự nghi ngờ] đầy… gợi cảm. Đa phần trong số này lại đứng tên những tác giả đương đại của Hồng kông, Đài Loan, Trung quốc, ít thấy cổ thư. Sách bằng tiếng Việt [lậu và không lậu] thì hầu như vào nhà sách nào cũng thấy, không ít thì nhiều, cũng “hấp dẫn” chẳng kém với những Hồng Vũ cấm thư [Sách cấm đời Hồng Vũ. Dịch từ Hán văn], Thẩm thị Huyền không học [Huyền không học của họ Thẩm. Dịch từ Hán văn]… Rồi sách do người mình biên soạn, sáng tác như Dương cơ chứng giải [Chứng nghiệm giải thích nhà ở], Phong thuỷ dành cho doanh nghiệp ... Rồi đến sách phong thuỷ nhưng mà dịch của… Tây như Tri thức cổ đại hoà nhập trong đời sống hiện đại, Trang trí nội thất theo quan niệm phong thuỷ… Giá cả “thượng vàng hạ cám” đều đáp ứng. Quả là chưa lúc nào sách phong thuỷ ở ta “giàu” bằng lúc này.

Một trời… bát nháo

“Giàu” thì cũng tốt. Chỉ khổ một cái là sách phong thuỷ lại không có… chia lớp, phân ban như sách… giáo dục. Vì vậy người đọc đi tìm sách phong thuỷ giống như… hoa lạc giữa rừng gươm- cuốn nào cũng… na ná như cuốn nào, biết chọn mặt nào để… tốn tiền đây? Thực vậy, sách bằng tiếng Việt thì nhiều, quá nhiều nhưng có tình trạng “luộc”, “xào”, “đầu Ngô mình Sở”, “thương vay khóc mướn”. Sách mới và cả sách lậu nhiều khi chỉ khác nhau… cái tựa, khiến người xem cứ mài mại lạ, mài mại quen. Y như bò và trâu đều là “ngưu”, là loài nhai lại vậy. Nhiều cuốn nhặt chỗ này vài đoạn, cuốn kia vài phần, quyển nọ vài khúc rồi “lắp ráp” theo kiểu… giải phẫu tạo hình là xong một quyển mang tên mình, “thầy địa” như ai. Sách cũ trước 1975, sách dịch thì bị “bệnh” khác. Nhiều khi nguyên tác chỉ một nhưng các thầy “bu” lại dịch. Thí dụ như quyển Bát trạch minh cảnh của Nhược Quán đạo nhơn đời Thanh bên Tàu thì ở ta có ít nhất cũng bốn năm người dịch, khiến cho kẻ hậu sinh chẳng biết đâu mà lần. Hay như cuốn Trạch vận tân án và cuốn Thẩm thị… ở trên đều dịch từ tác phẩm của Thẩm Trúc Nhưng… Một số cuốn “tân thời” thì đẩy phong thuỷ đi… quá hớp, đến nổi một cây kéo, một cục đá nhỏ cũng… phong thuỷ, khiến người ta nhớ đến câu nhất ẩm nhất trác giai tiền định [ăn uống cũng do tiền định] , tẩu hoả nhập ma hồi nào không hay khi “ăn phong thuỷ, uống phong thuỷ, ngủ cùng… phong thuỷ” . Một số cuốn lại viết theo kiểu “u u minh minh”, cắt đầu cắt đuôi, chỉ chừa khúc giữa, ra vẻ “bí truyền”, thiên cơ bất khả lậu sạch, e… có người lợi dụng. Thí dụ như bản đồ lường thiên xích vốn là 81 bộ vị vận hành theo nguyên tắc nhất định của 9 con số Lạc thư nhưng có sách chỉ trưng ra mấy cái đường… xẹt lên xẹt xuống mà không “hé răng” một lời…
Các tình trạng trên đến đó chưa phải là hết. Còn phải báo động thêm một cái tệ nữa là hiện tuợng nguỵ thư mà các “thầy” biết chữ Nho, chữ Hán hiện đại cũng phải dè chừng. Nguỵ thư là sách dỏm. Trong sách Dương cơ… tác giả Lộc Dã Phu từng hoài nghi quyển Bát trạch… của Nhược Quán đạo nhơn là nguỵ thư do triều Mãn Thanh cố ý “ký gởi” vào nước ta. Người viết bài này, trong một lần đi Chợ Lớn, thấy quyển Phong sinh thuỷ khởi… có thể đem lại vận tốt nên tò mò đọc thử. Quyển sách này của một vị tự xưng là Chính tông Tam nguyên Địa lý chân quyết, Ngoạ Long chân nhân [Chắc là tự ví mình còn siêu hơn Khổng minh Gia Cát Lượng- chỉ được người đời tôn xưng là Ngoạ Long tiên sinh] , dày hơn 200 trang. Toàn bộ quyển “kỳ thư” này, té ra chỉ là sự tính toán chỗ an vị Lộc trong nhà. Người có học Tử vi đẩu số, Bát tự, Lục Nhâm… đều biết bài thơ an Lộc như vầy: Giáp lộc tại Dần, Ất tại Mão; Bính Mậu lộc Tị, Đinh Kỷ Ngọ; Canh- Thân, Tân- Dậu; Nhâm- Hợi, Quý- Tý. Nói nôm na thì tuổi chữ Giáp, lộc ở chi Dần, chữ Ất lộc ở chi Mão… Thế nhưng ông Ngoạ Long chân nhân thì vì là chân nhân khác người, nên phán như vầy: Giáp Ất lộc ở Dần, Bính Đinh Mậu lộc ở Tị, Kỷ lộc ở Hợi, Canh Tân lộc ở Thân, Nhâm Quý ở Hợi. Theo cách tính này nên “Ất đích môn” [cửa ở Ất] , ở Dần, ông chú thích “Kiến lộc, Cát”… Cái “hiểm” ở đây là vị Mộ của ông chân nhân cũng rơi vào Thìn Tuất Sửu Mùi [tứ Mộ] y chang như cách tính của những môn nói trên. Còn cái “độc” là nếu theo cách tính của ông thì có những lúc lộc không phải là lộc, mà là “Sống dê”[Dương nhẫn], là Tuyệt… Người biết chữ Hán nhưng không có căn bản, “ba chớp ba nháng” bê nguyên xi của ông chân nhân mà tính cho người ta thì có ngày “hòn đất sẽ biết nói năng, ông thầy địa lý hàm răng chẳng còn”.

Thầy bà cũng… ngáo

Tất nhiên nói như  vậy không phải là kẻ hèn này có ý “quơ đũa cả nắm”. Vẫn có những cuốn sách nghiên cứu, khảo luận về phong thuỷ một cách nghiêm túc và nên xem cho biết. Phần này người viết xin hẹn lại để nói tiếp cho xong cái… chợ trời phong thuỷ hiện nay.
Sách thì vậy, các thầy địa- nhất là các thầy sanh sau đẻ muộn, các thầy “lớn mình ên”, các thầy thấy “làm ra ăn nên” trong lĩnh vực này- cũng… nảy nở không kém. Vẫn là chiêu bài “chân truyền”, “chứng nghiệm” [Dĩ nhiên là có chân truyền hay chứng nghiệm hay không thì chỉ một mình thầy biết, một mình thầy hay] , các thầy “âm thầm” mọc lên đầy nhóc. Rồi thêm thời buổi internet, các thầy lại có cơ hội mở rộng không gian, kiếm thêm thân chủ. Thầy nào cũng tự khoe mình là “thiên hạ đệ nhất gia”, rằng ông mỗ, bà mỗ vì không nghe tui mà tán gia bại sản, thân bại danh liệt… ông mỗ bà mỗ vì nghe tui mà một tháng… trúng số độc đắc ba lần , v.v…
Ngẫm nghĩ lại, người viết bài này cũng hết hồn. Hết hồn vì lẽ thứ nhất: như tác giả Lộc Dã Phu làm nghề phải hơn 20 năm mới rút hết tinh huyết, kinh nghiệm bản thân để viết lại vỏn vẹn một cuốn sách và cũng chỉ gói lại ở phạm vi “xương máu” của mình, chưa bàn đến những lĩnh vực khác; Lẽ thứ hai: Các thầy quả là… mạnh miệng khi tự phong cho mình đã trên thông thiên văn dưới hiểu địa lý; Lẽ thứ ba: Kẻ hèn được thân chủ kể cho nghe nhiều chuyện mà không biết nên khóc hay nên cười về các “đại sư phong thuỷ”. [Chuyện đầu tiên là chuyện… chung của những câu chuyện.] Nhiều thầy được mời đến coi nhà, chỉ phán về cái “trạch” , không thèm đếm xỉa gì đến vùng đất, thế đất, cảnh quan. Thầy “khá hơn” thì còn ra trước cửa hay miếng đất dòm dòm ngó ngó rồi phán về cột điện, về cái cây bên kia đường hay cạnh cửa, thùng rác trước nhà...Chẳng lý gì đến địa khí, thiên khí. Rốt cuộc gia chủ tốn một mớ tiền sửa chữa nhà nhưng lại là chuyện... tốn thêm, chứ chẳng “canh cải” được gì. Chuyện thứ nhì, thầy đủ đầy lệ bộ, trịnh trọng nghi lễ cúng bái thập phương nhưng lễ không hậu hĩ đố chỉ được thầy... đường đến nhà. Đáng nói là thầy cúng xong, đem xôi đem gà về  thì chưa già một tháng chủ gia hoạn nạn thậm đa, kẻ sứt tay, người gãy gọng. Hay như chuyện nguyên chủ tịch quận G mời thầy về… giải hạn. Thầy phán phải dựng cái “án sơn” cho thiên hạ… khỏi dòm ngó. Giải xong thì ông quận cũng được giải… nhưng mà giải về nhà lao. Chuyện thứ ba, gia chủ đưa thầy cửa trước, rước thầy cửa sau, thầy này phê thầy kia “ngu”, thầy kia phê thầy này “dốt”. Đến đệ tam sư, ông này cười rằng “hai ông ấy đều ngu dốt [Rốt cuộc không biết “cha” nào ngu dốt?]” Sở dĩ có chuyện này bởi vì mỗi thầy một phái, phái này… đái vào phái kia nhưng có thầy nào chịu để tâm, chịu chiêm nghiệm xem mình đúng được mấy phần, như Lộc Dã Phu đã làm. Bởi “mì ăn liền” mà. Chuyện thứ tư, thầy đọc được vài cuốn phong thuỷ đã tưởng rằng mình “vô địch thiên hạ”, “võ lâm chí tôn” nên tự xem lời từ kim khẩu [cái miệng bằng vàng] của mình là khuôn vàng thước ngọc, hù doạ thân chủ từ chỗ tối thui này qua chỗ tối tăm khác nếu “dám” cãi lời thầy. Có khi “ốc chưa lo nổi cho ốc, còn lo công cốc nói mò” thôi. Bởi cũng có thầy mù sờ voi thật sự khi xưng là “đại sư”, song có những việc sách vở “hù” đầy ra đấy mà thầy lại… mù tịt, khăng khăng buộc thân chủ phải huỷ bản vẽ kiến trúc [Tốn thêm chừng 10 triệu chớ mấy], vẽ lại cửa cái theo ý mình cho đúng… xuyên tâm sát và thoát khí tuồn tuột; làm lại cái bếp… tuyệt mạng để… [Vì gia chủ lễ không hậu nên thầy biết thì vẫn biết nhưng định “chơi” chăng?]. Có lẽ cũng nên nói với thầy rằng, trong Phổ Hiền thập nguyện, nguyện thứ chín Bồ tát nói “hằng thuận chúng sanh” đó, thưa thầy.

Thôi, nói chẳng qua để mà nói, viết chẳng qua để mà viết. Thời buổi Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều, thì ai ơi… xin đừng, ai ơi… xin đừng vì thế mà “yêu nhau buổi sớm, buổi chiều ghét nhau”…@




[1] Người nước Lỗ, sống vào khoảng thế kỷ thứ V trước Tây lịch, chủ trương thuyết “Kiêm ái”. Cuốn Mặc tử do môn đệ chép lời dạy của ông, hiện còn 53 thiên nhưng nhiều thiên do người sau hoặc phái Biệt Mặc soạn thêm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét