Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Người xưa xử án

Người xưa xử án
                                                                                                                               Tiểu lãn tử

Chuyện người…
Thời phong kiến, đã xuất hiện những quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, tục, lệ và lệnh vua có giá trị “lập tức thi hành” nhằm để bảo vệ cương thổ, bảo vệ long ngai, giữ gìn trật tự, trị an với những giềng mối như tam cương, ngũ thường* … Đời Thương (sau năm 1766 B.C) đã có những quy định mang tính… hình sự; Chu lệ** đời Chu (sau năm 1122 B.C) bên Trung quốc được khắc lên đỉnh đồng, thẻ tre… Đến thời Đông Chu-Chiến quốc (sau năm 403 B.C), khi “trăm hoa đua nở” (chữ dùng của Giản Chi- Nguyễn Hiến Lê), đã xuất hiện một “trường phái” pháp trị- chủ trương cai trị, quản lý lãnh thổ, dân đen, quần thần bằng pháp luật. Người “mở màn” của phái pháp gia này có thể là Thân Bất Hại (sinh khoảng năm 401 B.C đời Chu An vương, mất khoảng năm 337 B.C đời Chu Hiển vương. Nói “khoảng”, tại vì không chắc chắn lắm!) theo Sử ký, vốn chỉ là một viên quan nhỏ của nước Trịnh thời Chiến quốc, nhờ chủ trương của mình được tin dùng mà làm đến chức tướng quốc nước Hàn dưới thời Hàn Chiêu hầu.

Kế tiếp là Thận Đáo, người nước Triệu, sinh khoảng năm 370 B.C đời Chu Liệt vương. Hán thư nghệ văn chí xếp vào phái pháp gia, 42 thiên sách đều đã thất truyền.
Một pháp gia thực hành rồi mang hoạ vào thân vì pháp lệnh của chính mình*** là Vệ Ưởng (còn gọi là Công Tôn Ưởng, không rõ năm sinh, mất khoảng năm 338 đời Chu Hiển vương). Ưởng bỏ Nguỵ sang giúp Tần Hiếu công, hai lần biến pháp**** khiến Tần hùng mạnh, được phong làm tướng quốc, phong ấp ở đất Thương nên còn được gọi là Thương Ưởng.
------
*Tam cương: gồm quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương- ba mối quan hệ xã hội, gia đình. Ngũ thường:gồm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Cương thường là đạo làm người theo Nho.
**Chu lệ: Luật hình đời Hồng Đức cũng theo Chu lệ, định ra Thập ác là:1) Mưu phản: làm nguy xã tắc. 2) Mưu đại nghịch: phá hủy tông miếu. 3) Mưu bạn: phản ước theo giặc. 4) Ác nghịch: giết cha mẹ, chú, bác, cô, dì, anh chị, cha mẹ, chồng, ông bà, v.v... 5) Bất đạo: giết cả một nhà ba người. 6) Đại bất kính: tỏ ra vô thần, ở lầu vua, đi xe vua, lạm dụng nghi vệ vua. 7) Bất hiếu: chửi cha mẹ, không để tang. 8) Bất mục: mưu sát hay đánh các người đang để tang ba tháng, năm tháng. 9) Bất nghĩa.
10) Nổi loạn: thông dâm với người cùng họ để tang 5 tháng, với vợ lẽ ông.
Các tội này đều xử vào tội tử hình cả.
***Thương Ưởng biến pháp đến hai lần. Lần 1: lập hộ tịch; thanh niên trưởng thành phải ở riêng, không được ỷ lại vào cha mẹ; có quân công thì cấp đất, thăng bậc; khuyến nông. Lần 2: chia nước thành huyện; khai phá đất thì làm chủ đất đó; thống nhất đồ đo lường…
****Ưởng biết Tần Huệ vương không dung mình, trốn tới một lữ điếm. Chủ quán không dám chứa, nói phải có “bằng cứ” (giống như chứng minh nhân dân bây giờ)  mới ở trọ được. Ưởng phải trốn qua Nguỵ, người Nguỵ bắt giao lại cho Tần.  Ưởng bị hành hình.


Ưởng dụng pháp lệnh nghiêm khắc, vô tư: “phạt thì không kiêng kẻ có uy quyền lớn, thưởng thì không vì tư tình. Hình pháp thi hành lên tới cả thái tử, thích chữ vào má và cắt mũi quan sư phó” (Chiến quốc sách, Giản Chi&Nguyễn Hiến Lê , NXB Lá Bối1973, tr.157). Dân sợ, chấp hành luật triệt để mà không thương. Cũng chính vì vậy nên khi thái tử lên ngôi vua (Tần Huệ Văn vương), Ưởng bị giết bằng cách “ngũ mã phân thây” (năm ngựa xé thây).
Sau một chút, phải kể đến Tuân Huống (sinh khoảng năm 330 B.C Chu Hiển vương, mất khoảng năm 227 B.C Tần vương Chính) thường được gọi là Tuân tử- vốn là môn đồ Khổng giáo nhưng lại chủ trương “nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra vốn ác) đối lập hẳn với chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh tử. “Vì tin rằng tính ác, ông phản đối tự do cá nhân, muốn khắc phục con người [phải] trọng lễ hơn nhân, đề cao sự tập quyền” (Đại cương triết học Trung quốc, GC&NHL, NXB Cảo Thơm 70, quyển thượng, tr.58).
Người học với cả Thân và Tuân, tổng hợp tư tưởng phái pháp gia chính là Hàn Phi. Phi vốn là công tử nước Hàn, sinh khoảng năm 280 B.C đời Chu Noãn vương, cùng học ở Tuân với Lý Tư. “Tư tự cho mình kém Phi” (Sử ký Tư Mã Thiên, GC&NHL, NXB Văn Học 1988, tr.335). Phi vốn là người nói ngọng nhưng “văn của Phi chặt chẽ, khúc chiết, phân tích rất tỉ mỉ và làm người ta có cảm tưởng đọc một luật gia La Mã. ..Hàn Phi tử viết với lời văn như vậy, với một phong cách rất độc đáo đối với Trung quốc cổ” (GC&NHL, Sđd, tr.342). Theo Phi, Thân chỉ bàn về thuật; Thương chỉ bàn về pháp; Thận chỉ bàn về thế* .
Phi bỏ Hàn về Tần, không bàn đến nhân nghĩa (vì con người vốn ác) mà đề cao phương pháp dùng thế, dùng thuật, dùng pháp luật của pháp gia để trị nước. Hàn Phi chủ trương phải truyền bá pháp luật rộng rãi cho ai ai cũng biết và “thời đổi mà pháp không đổi thì loạn”…  Tuy được Tần vương Chính ngưỡng mộ nhưng Phi bị bạn học Lý Tư  (đang làm quan lớn ở Tần) ghen tài, dèm pha, hại chết . Chủ trương của Phi vẫn được thi hành ở Tần, giúp Tần vương Chính trở thành Tần Thuỷ hoàng đế.
Oái ăm thay, người thực thi chủ trương của Hàn Phi ở Tần lại chính là Lý Tư. Lý
người đất Thượng Sái, nước Sở, chỉ là một viên tiểu lại ở quận, nhân vì thấy con chuột ở nhà xí khốn khổ, còn con chuột ở nhà kho thì béo mập, mới cho rằng hiền tài hay kém cỏi chẳng qua là vì hoàn cảnh nên theo Tuân Huống học thuật đế vương.

*Thuật: để khiến cho bề tôi tuy có trí năng cũng không dám làm trái phép, không dám tự ý, chuyên quyền. Thuật để nắm vững quan lại, là cơ trí ngầm của vua. Pháp: dùng luật để trị dân. Trong thiên Nạn tam, Hàn Phi viết: “Pháp là biên chép trong đồ thư, bày ra ở phủ quan, ban bố trong dân gian…Pháp đã định thì không được dùng xảo ngôn mà hại pháp”… Thế: là thế của vua. Dù gặp vua thiếu tài đức “cũng phải tôn trọng”.


Thời Tần Thuỷ hoàng, Lý làm đến chức thừa tướng, “định ra pháp độ rõ ràng, đặt luật lệ” (Sử ký…, tr.588), thống nhất quốc độ, không phong đất cho ai, không lập con em làm vương… Riêng việc “đốt sách và chôn Nho” (Đại cương triết…, Q.hạ, tr.589), “làm cho thiên hạ ngu tối, không được lấy điều xưa mà chê ngày nay” (Sử ký…, tr.588) “là chính sách của Lý Tư chứ học thuyết của Hàn Phi không tàn nhẫn như vậy” (Đại cương triết…, Q. hạ, tr. 589). Sau khi Tần Thuỷ hoàng mất (năm 210 B.C ) khi tuần thú ở Cối Kê, hoạn quan Triệu Cao ép Lý Tư thông đồng giả di chiếu để bỏ con trưởng là thái tử Phù Tô, lập con thứ Hồ Hợi làm Tần Nhị thế. Rốt cuộc Lý cũng bị Triệu Cao xử đủ ngũ hình, chém ngang lưng ở chợ Hàm Dương vào tháng bảy, năm thứ hai của Nhị thế.
Chuyện ta…
Sau ngàn năm Bắc thuộc, tuy nước nhà độc lập, tự chủ nhưng các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê đều tồn tại với những khoảng thời gian ngắn ngủi, có lẽ chính vì thế mà cách cai trị xem ra không có gì khác với việc “lệnh vua là ý trời” và những quy định rời rạc về các tội được xem là đại hình và thuế má.
Chẳng hạn như trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên soạn vào thời Hậu Lê (thời Lê Thánh Tông, Hồng Đức thứ 10, năm 1479) còn ghi lại chuyện lúc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vào năm Mậu Thìn 968, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh đô về Hoa Lư. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám
phạm.
Hay như  chép việc vua Tiền Lê Ngoạ triều (Lê Long Đỉnh, 986- 1009) rằng “ Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: "Nó không quen chịu chết". Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui.
Có lần vua đi đến sông Ninh*, sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền**, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau.
---
*Sông Ninh: có lẽ là sông Ninh ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Đại Việt sử lược, q.1, tr.21b chép là sông Chỉ Ninh.

*Nguyên bản: "Hệ nhân chu đáo", đúng chữ là: "hệ nhân chu trắc" (buộc người vào bên cạnh thuyền), chữ trắc khắc in nhầm thành đáo.

Có lần vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”...

Bộ hình thư hoàn chỉnh đầu tiên ở nước ta xuất hiện vào triều Lý Thái Tông (năm 1000- 1054). Thái Tông tên huý là Phật Mã, là người trầm mặc, cơ trí, có tài trị nước. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Càn phù Hữu đạo thứ 4 (Nhâm Ngọ 1042 ), nhà vua cho rằng, “trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng”... Vì thế, vua sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư  (Theo Lê Quý Đôn, bộ Hình thư này gồm ba quyển, nay không còn (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí) của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu.
Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên vua mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo.

Đến đầu thế kỷ XV, thời nhà Hồ, năm 1410, Hồ Hán Thương sau khi được Quý Ly truyền ngôi, cũng định lại quan chế và hình luật nước ta (bấy giờ quốc hiệu là Đại Ngu*).




---
* Theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn; con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương phong ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Ngu có nghĩa là vui vẻ.
Phan Phu Tiên nói: Khổng Tử nói: "Không phải ma nhà mình mà cúng là
siểm nịnh". Vì thế Địch Thanh từ chối không nhận là dòng dõi Lương Huệ Công (Địch Thanh khi làm tể tướng nhà Tống, có người con cháu xa của Địch Nhân Kiệt tức Địch Lương Công (được phong là Lương Huệ Công) đem bức chân dung và bằng sắc của Lương Công đến dâng và bảo ông là con cháu xa của Lương Công. Ông từ chối nói: May gặp được phú quý nhất thời, đâu dám nhận là con cháu Lương Công); Lưu Việp tạ từ không nhận là họ hàng Lưu thái hậu. Nhà Đường tế Đế Nghiêu làm tiên tổ mà tiên nho chê cười: Chiêu Liệt là con cháu Trung Sơn Tĩnh Vương mà Ôn Công không thừa nhận (Chiêu Liệt là Lưu Bị, Trung Sơn Tĩnh Vương là con Hán Cảnh Đế, Ôn Công tức Tư Mã Quang, sử gia đời Tống, tác giả bộ sử Tư trị thông giám. Tư Mã Quang không thừa nhận Lưu Bị là dòng dõi vua Hán). Đâu phải có riêng tư gì trong việc khen chê!
Là vì họ hàng xa xôi, các đời biến đổi, khó mà tin chắc được. Quý Ly lại nhận là dòng dõi xa của
Hồ Công Mãn, tế Ngu Thuấn làm thủy tổ, thì cái tội dối đời để tiếm ngôi thực không gì to bằng.
Phải đến thời Hậu Lê, triều vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt mới thực sự có một bộ “quốc triều hình luật” (thường gọi là bộ luật Hồng Đức) có thể nói là hoàn chỉnh nhất từ xưa cho đến lúc ấy, cùng với các thể chế khác cũng được hoàn chỉnh trong triều vua này, kể cả thể lệ xét đoán, kiện tụng, kiểm sát*... Đó là sự kiện mùa Đông năm Hồng Đức 14 (Quý Mão 1483), vua sắc dụ cho Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Phó đô ngự sử Quách Đình Bảo, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Đào Cử, Hàn lâm thị thư Đàm Văn Lễ, biên soạn Thiên Nam dư hạ tập**. Đây là tập sách gồm đến 100 quyển, “ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, điều lệ, cáo sắc của cả một thời”. Vua đích thân đề vào bản thảo bài tựa:
Hỏa thử thiên đoan bố,
Băng tàm ngũ sắc ty,
Cánh cầu vô địch thủ,
Tài tác cổn long y***.
(Vải dệt lông chuột lửa,
Lụa năm sắc tằm băng,
Lại tìm tay vô địch,
Cắt may áo cổn rồng).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử, đời vua sau- Lê Hiến Tông (1461- 1504), tháng 7 năm Kỷ Mùi 1499, vua ban huấn điều cho trong kinh sư và ngoài các đạo gồm 24 điều, dựa vào Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập, như thế này:

1. Cha mẹ dạy con, phải dùng khuôn phép hợp với lẽ phải; con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được để buông tuồng vào cờ bạc rượu chè, tập nghề xướng hát, để hại đến phong tục.
2. Người gia trưởng tự mình giữ lễ phép tiết độ, để uốn nắn người trong nhà mình; nếu con em trong nhà làm việc trái, thì người gia trưởng sẽ bị tội.
---
* Tháng 8 năm Tân Mão, (Hồng Đức thứ 2, 1471) định chức trách của quan Đề hình là chức quan soát xét việc xử án có đúng hay sai. Từ Hình bộ thượng thư trở xuống, tới Đại lý tự và các ngục
quan, người nào tha hay buộc tội cho người không đúng luật pháp thì phải tâu hặc. Người có tội oan
uổng cũng phải xét lại và minh oan cho họ. Vệ Cẩm y xét kiện và ty Điện tiền xét án, nếu có trường hợp oan khuất, thê thảm thì phải tâu lên, hằng ngày phải thân hành tới xét hỏi.

**Sử thần của Khâm định Việt sử triều Nguyễn phê: “Sách chép chính sự mà đặt tên là "Dư hạ" [là] không hợp thể”.
Hàng ngày, ngoài thì giờ công tác nhất định, còn có thì giờ nhàn rỗi nghỉ ngơi, thì giờ ấy Hán văn gọi là "dư hạ".

***Sách Thần dị kỳ kinh của Đông Phương Sóc có nói rằng: Ở ngoài cõi Nam hoang có lửa,
trong lửa mọc loại cây không bao giờ chết. Lửa cháy đêm ngày dù mưa to gió lớn cũng không tắt. Trong lửa có con chuột nặng trăm cân, lông dài hơn ba tấc, nhỏ như sợi tơ có thể dệt thành vải. Sách Thập dị ký của Vương Tử Niên có nói rằng: Núi Viên Kiệu ở biển Đông có giống tằm băng dài bảy tấc, có vẩy, có sừng, lấy sương tuyết phủ lên, có kén tơ năm sắc, dệt làm áo mặc lội nước không thấm ướt.

3. Vợ chồng siêng năng, sẻn nhặt, sửa sang công việc trong nhà; đối với nhau có ân có nghĩa không bao giờ thay đổi; chỉ lúc nào người vợ phạm vào tội thất xuất ( Theo lễ giáo cổ, người đàn bà nào phạm bảy điều sau đây, sẽ bị chồng bỏ:  không có con- dâm đảng- không kính thờ cha mẹ chồng-lắm lời nhiều điều -ăn trộm, ăn cắp-ghen tuông-có bệnh như hủi, điên, câm điếc v.v... Nhưng đối với vợ của vua chúa thì dầu không có con cũng không phải bỏ, nên chỉ có "lục
xuất") bấy giờ phải dùng lý mà xử đoán, không được quá yêu quyến luyến, dung túng xuê xoa, để hại đến phong hóa.

4. Con em trong nhà, nên thân yêu với anh em, hòa thuận với làng xóm, lấy lễ nghĩa tự giữ mình, nếu người nào làm trái thì tôn trưởng dạy bảo bằng cách roi vọt nhỏ để quở phạt, quá lắm thì cáo tố ở cửa công xét xử.
5. Ngoài làng xóm, trong họ hàng, người nào gặp hoạn nạn, thì nên chu cấp thương xót lẫn nhau. Nếu có người làm việc nghĩa nổi tiếng, thì các viên phủ huyện sở tại trình với hai ty Thừa chính và Hiến sát thực tâu bày đầy đủ, sẽ được triều đình biểu dương.
6. Người đàn bà có lỗi, nếu cha mẹ và chồng có trừng trị, thì phải bỏ hẳn lòng tà, sửa đổi tội lỗi, không được thiện tiện tự ý bỏ trốn, có điều trái với đạo người đàn bà.
7. Đàn bà góa chồng, không được tìm kiếm người trai trẻ, nói thác là con nuôi, làm việc gian dâm vụng trộm.
8. Đàn bà, sau khi chồng chết, hoặc chồng có các con của người vợ trước cũng như con vợ lẽ nàng hầu, thì mình phải mang lòng yêu thương, không được lập tâm tham chiếm tài sản, lo toan làm việc lợi riêng cho mình.
9. Đàn bà, khi chồng chết mà mình chưa có con, thì nên ở nhà chồng, theo việc tang việc tế đúng như nghi lễ; không được tư túi tài sản đem lén lút về nhà cha mẹ đẻ của mình.
10. Bổn phận chính của người đàn bà là phải thuận theo chồng, không được cậy là cha mẹ mình giàu sang, mà kiêu ngạo với nhà chồng; người đàn bà nào trái lệnh, thì cả cha mẹ người ấy cũng phải tội.
11. Bọn sĩ phu phải đôn đốc học nghiệp, phẩm hạnh, giữ điển lễ chung; nếu có người nào thi thọt cửa quyền, dựa thế lực người trên, ra oai nạt nộ người khác, sẽ phải tước bỏ tên tuổi, suốt đời không được kể là hạng sĩ phu.
12. Bổn phận người điển lại chỉ có việc giữ sổ sách văn thư, làm công việc theo chức phận của mình; nếu có người nào dùng trí thuật làm điên đảo giấy tờ, thì viên quan cai quản phải kiểm xét cho ra để trị tội.
13. Quân và dân nên hiếu với cha mẹ, thảo với anh em, hết sức làm ruộng; người ra ngoài, người ở nhà, phải giữ gìn lẫn cho nhau: đến kỳ thượng phiên ( Chế độ triều Lê, quân và dân tuy ở nhà làm ruộng, nhưng mỗi xã vẫn có một số người cắt phiên nhau đi làm việc cũng trong một thời gian nhất định) thì vui vẻ đi làm công việc, không được lười biếng trốn tránh. Nếu có ai nổi tiếng là người lương thiện, thì các viên phủ, huyện sở tại trình lên hai ty Thừa Chính và Hiến sát xét thực, rồi tâu bày đầy đủ, sẽ được khen thưởng.
14. Người buôn bán nên theo thời mà lưu thông phẩm vật, không được lừa thưng tráo đấu, không được nhân cơ hội tụ tập đồ đảng, lén lút làm trộm cướp, người nào phạm pháp, sẽ bị trị tội nặng.
15. Việc cưới gả, việc tế tự, phải dựa theo lễ pháp, không được tiếm vượt quá phận định của mình.
16. Khi chèo hát, lúc hội hè, trai gái đến chơi xem, không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô.
17. Nhà cửa, hàng quán ở dọc đường, nếu có phụ nữ đi xa vào ngủ trọ, thì cửa ngõ phải đề phòng cẩn mật; nếu người nào dám lấy sức khỏe làm việc ô nhục, khi việc phát giác, thì người can phạm và chủ nhà đều phải trị tội.
18. Các viên phủ, huyện đều chiểu theo địa phận sở tại, cắm thẻ bài răn chặn trai gái
không được tắm cùng một bến, để tỏ rõ sự phân biệt về lễ phép.
19. Xã thôn nên chọn một, hai người tuổi cao, đạo đức, học lực khá, phẩm hạnh tốt làm người đứng đầu, cứ những ngày nhàn rỗi, đưa nhân dân đến đình quán, công sở, hội họp giảng giải lời cáo dụ, để cùng nhau trông vào đấy mà làm điều lành, cùng tiến đến phong tục tốt đẹp.
20. Trong hạt các phủ huyện, nếu có kẻ nào cường xâm chiếm ruộng đất, ức hiếp người cô độc, xui nguyên giục bị kiện cáo lẫn nhau, thì cho phép xã thôn dò xét tố giác để nghĩ trị; nếu phủ huyện nào vì tình riêng mà ẩn giấu đi, sẽ bị luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức.
21. Những nhà tước vương, tước công và đại thần chứa chấp người tư cách hèn hạ làm cò mồi đưa đồ đút lót, cùng nô tỳ những nhà ấy mua ức phẩm vật của dân, thì cho phép người đương sự đến cửa quan tố cáo, bọn can phạm sẽ bị trừng phạt nặng.
22. Viên quan giữ chức trách chăn dắt dân (Nguyên văn chép "mục dân chi quan", tức chỉ các viên phủ, huyện vì phủ, huyện là người gần gũi với dân hơn cả, phải làm cho dân được cơm no, áo ấm, nên quan niệm cổ cho phủ huyện có nhiệm vụ chăn dắt dân), nếu viên nào biết dạy bảo đốc sức nhân dân trong hạt hăng hái theo lễ nghĩa nhún nhường, thì ty Hiến sát xét thực, ghi vào hạng nhất trong dịp khảo công; nếu viên nào không siêng năng dạy bảo nhân dân, khi khảo công, liệt vào hạng không làm đầy đủ chức phận.
23. Xã trưởng, thôn trưởng, và phường trưởng người nào biết siêng năng, năng dạy bảo đốc sức, làm cho phong tục làng xóm trở nên tốt lành, thì các viên phủ huyện trình bày rõ với hai ty Thừa chính và Hiến sát xét thực, tâu lên triều đình, sẽ ban thưởng.
24. Phàm những người Man, người Lạo ở ven biên giới, phải kinh giữ luân lý, không được làm rối loạn đạo thường, như sau khi cha, anh, chú bác đã mất rồi, người nào là con cháu, anh em với người đã chết ấy không được nhận lấy vợ cả hoặc vợ lẽ của họ làm vợ mình; nếu ai trái lệnh, sẽ phải trừng trị một cách nghiêm ngặt.

Chỉ tiếc rằng, từ sau đời Lê trung hưng, chiến tranh, loạn lạc liên miên, bộ sách bị tan tác, “mười phần chỉ còn được một” và những điều được sách sử những đời sau chép lại.

Lời bàn của Vô Mao

Triệu Cao giết Tần Nhị thế. Rồi Cao cũng bị giết. Lưu Bang kéo quân vào Hàm Dương. Nho giáo lại thắng thế song pháp gia cũng chẳng phải thua. Pháp luật cứ thế song hành cùng những tín điều của Khổng Mạnh- bởi đấng quân vương nào cũng cảm thấy điều đó là quá ư cần thiết bên cạnh những gì nhân nghĩa- và lại không ngừng được bổ sung, cách tân trong quá trình cai trị, quản lý.
Trong những nguyên nhân, có một nguyên nhân khiến pháp luật phải liên tục hoàn bị: thời vua nào cũng có quan và thời vua nào cũng có quan hư, quan tham, quan vô dụng dù cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” và quan chỉ trở thành quan khi đã kinh qua trường lớp, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục lúc đó. Ngay bộ luật Hồng Đức cũng dành hẳn một phần lớn những chế định của mình để… quản lý quan lại; để hạn chế, trừng phạt kẻ làm quan không ra quan.
Pháp luật xưa dĩ nhiên có nhiều hạn chế, không đầy đủ (đương nhiên nhưng thế nào mới đủ?). Một hạn chế không vượt qua nổi suốt mấy ngàn năm phong kiến là pháp luật bao giờ cũng… ở dưới miệng vua. Lệnh vua mới là luật pháp tối thượng! Coi phim, thấy nhiều hình quan “dũng cảm”, “nổ văng miểng” là “thiên tử phạm tội cũng bị xử như thứ dân” song đã là vua thì chỉ có thể “thí” chứ không hề, không bao giờ bị “xử” cả!
Thời nay, pháp luật nhiều hơn, đủ hơn (dù cũng chưa đầy đủ!) lại sản sinh một vấn nạn khác: xử không cần luật hoặc là luật nọ xọ luật kia, thậm chí dụng luật để… thoát tội lỗi hai năm rõ mười. Ai tai!

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét