Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Con chó phiếm đàm

Năm Tuất, con chó phiếm đàm

Con chó có lẽ là một trong những thú nuôi trong nhà (gia súc) được thuần hoá sớm nhất- từ  cuối thời kỳ Đồ đá. Có lẽ là từ giống chó rừng lông vàng (Canis Aureus). Những người thợ săn thời đó chắc là cảm thấy yên tâm khi giữ chúng bên mình để đối phó với thú dữ, để chúng sủa báo động khi có thú dữ lảng vảng ở nơi tộc người cư trú.
Sau khi được thuần hoá, chó có thói quen xem người nuôi chúng là người chủ và trung thành với người đó. Tuy nhiên, một vài giống chó nuôi theo bầy đàn cũng “tuân lệnh” con chó được “bầu” làm đầu đàn- như giống chó kéo xe trượt tuyết của người Eskimo ở Bắc cực hiện nay vậy. Ở Việt Nam, chó gọi là “chó ta” thường có ba giống: chó vàng, chó mèo, chó lào và hai “bà con” là sói đỏ (người dân tộc phía Bắc gọi là hùng cẩu quẩy) và cáo được ghi vào Sách Đỏ  .

Con chó trong Tử vi đẩu số

Chính vì vậy, ở phương Đông, con chó xuất hiện rất sớm trong những nền văn minh. Việt Nam, Đông nam Á có lẽ là nơi “có chó trong nhà” sớm. Bằng chứng khảo cổ cho thấy, chó đã được “cưng” ở Việt Nam ba, bốn ngàn năm trước Tây lịch. Một hình ảnh thường thấy là: con chó xuất hiện trong Thập nhị Địa chi (12 Chi) dùng để tính toán lịch thời xa xưa của Việt Nam, Trung Quốc… xếp thứ 11, trước Chi Hợi (con heo). Thập nhị Chi khi phối hợp với Thập Thiên can sẽ hình thành một chu kỳ 60 năm gọi là Lục thập Hoa giáp. Thành ra, người Việt, người Hoa khi được hỏi tuổi thường tự “khai” mình “cầm tinh” con gì. Con gì ở đây, có “lớn” có “nhỏ” do Can phối với Chi tuần tự tạo ra. Thí dụ, nếu sinh năm 1970 cũng là tuổi con chó nhưng là Canh Tuất; còn sinh năm 1982 thì là Nhâm Tuất; sinh năm 1994 thì là Giáp Tuất… Thế nhưng vì sao sinh năm Tuất thì “cầm tinh” con chó? Chịu! Nhiều sách đã cố giải thích theo nhiều kiểu khác nhau, vận dụng cả Am dương Ngũ hành, Cơ lẻ Ngẩu chẳn, móng guốc… cũng không …nói tới cùng được. Thực ra, “Tuất” thời đi vào lịch không đồng nghĩa với “chó” mà có nghĩa là “cây cỏ úa tàn”- một hình ảnh gần gũi với những nền văn minh nông nghiệp. Song ý nghĩa này đã “phai phôi” và người ta chỉ nhớ đến “Tuất” là… “con chó”!
Người “cầm tinh” con chó nói chung là thẳng thắn, cương trực, có tín ngưỡng, năng động, thích tự lập. Khi có xung đột, họ thường muốn giải quyết chứ không muốn hận thù. Người tuổi Chó không coi “đồng tiền liền khúc ruột” nhưng cũng không lãng phí và biết cách kiếm tiền. Phụ nữ tuổi Tuất có sức hấp dẫn không thua món… “hạ cờ tây”, do tâm lý dễ thay đổi, đối đãi nhiệt tình, biết quan tâm đến “đối phương”.
Tuổi Chó thường thích hợp với nghề buôn bán, mở cửa hàng cửa hiệu, giáo dục, y bác sĩ, cố vấn, rao giảng tín ngưỡng, nhà tâm lý…

Con chó- Người bạn
Chó, trước hết là người canh cửa, bảo vệ nhà đáng tin cậy và không đòi… lương cao. Ngày nay, chó kéo xe chở người, chở hàng vẫn là “phương tiện vận tải” tiện nghi ở vùng băng giá. Chó berger (Đức) thường được chọn làm “vệ sĩ”, “cảnh sát”. Chó Saint Bernard, Newfound Land… còn được sử dụng cứu hộ người bị chết đuối, bị nạn ở những vùng có tuyết, tuyết lở ở vùng núi Alpes (Pháp). rồi dùng trong quân sự- từ việc truyền tin, rà mìn đến… đánh bom tự sát. Chó… thể thao, chó đua như Pointer, Retriever, … có khả năng đánh hơi rất thính và “tốc độ” để phục vụ những người mê săn bắn, cá cược.  Chú chó tên Laika ở Nga còn được bay vào vũ trụ. Cuối cùng, chó còn được nuôi chỉ để mà… “cưng” và nhiều giống chó loại này là tỏ ra… đắt giá! Chẳng hạn chó Bắc kinh, chó Chihuahua (chó Mễ), chó Đốm Damaltians…

Chó- Thịt chó

Người Việt phần đông đều biết câu Sống trên đời không an miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ không có mà ăn, chứng tỏ món “mộc tồn” (mộc: cây, tồn: còn. Cây còncon cầy) đã là món ăn… “truyền thống” đối với người Việt từ lâu xa. Thịt chó ngày nay, ngoài chả chìa, rựa mận, xáo măng, luộc, dồi… còn có thêm cà ry, nướng... Thậm chí có cả… tiết canh!
Thịt chó được “sính” vì người ăn cho rằng đó cũng là vị thuốc… tráng dương, bổ thận, lợi cho chuyện… “sung” của nam giới bởi có vị mặn, chua; tính nóng, không độc; có tác dụng ôn bổ tỳ, thận; trừ hàn, trợ dương. Và ăn thịt chó thì phải nhớ chó già, gà non ( thịt chó già không tanh, thịt gà non thì mềm), Chó tháng Ba, gà tháng Bảy (tháng giáp hạt, gà chó đều gầy, thịt không ngon) và phải biết… “tuyển” nhất vàng, nhì trắng, tam khoang, tứ đốm (Thịt chó bán hiện nay, con nào cũng vàng mượt. Làm sao mà chọn?). Đi ăn thịt chó phải lựa ngày mưa mới… “đã”. Thực ra, chính món “cẩu thận” (pín và tinh hoàn chó- không phải thận) phơi hay sấy khô mới được coi là thuốc tráng dương, chữa chứng suy nhược, liệt dương, di tinh, gối lưng mềm yếu. Còn theo nghiên cứu mới thì “cẩu thận” có nội tiết tố đực, protid và lipid. Sách thuốc xưa cũng còn ghi một vị thuốc khác từ chó là “cẩu bảo” (sỏi thận chó). Chính ra trong Đông y, người ta thường sử dụng là vị thuốc từ hải cẩu (chó biển) do đặc tính… đa thê- một con đực sống với vài… chục con cái- của chúng. Loại thường được quảng cáo rùm beng là… hải cẩu hoàn. Không biết có tác dụng thực không hay cũng chỉ lại là kiểu “ăn đuôi thì bổ… loanh quanh đâu đó”, một kiểu chữa bệnh tâm lý. Chỉ khiến cho giống hải cẩu đang trên đường tuyệt chủng vì bị săn bắt ráo riết.

Chút vui về chó

Sự “vui” vì loài tha ra, cắp lấy, bộ loay hoay (thơ nguyễn Khoa Vy, Thừa Thiên, 1881) rất phong phú. Từ  trong ca dao tục ngữ cũng đã có thể “nhặt” được hàng đống. Chẳng hạn , chế giễu thầy bói cũng có câu Nhà này có quái trong nhà, có con chó đực cắn ra đằng mồm. Rồi gần đây, một slogun của một công ty Đến chậm gậm xương bị xem là khiếm nhã cũng mang hơi hướng thành ngữ. Ghét ai thì chửi Đồ chó chết, Đồ chó đẻ… Chê ai thì bĩu Chó ngáp phải ruồi,Chó ngồi bàn độc... Hay kinh nghiệm chọn chó: Lỏ đầu thì nuôi, lỏ đuôi thì thịt, Chó khôn tứ túc huyền đề (móng đeo) Tai thì hơi cúp, đuôi thì cong cong… Không hiểu sao, tìm một câu ca dao tục ngữ thành ngữ về chó có ý nghĩa tốt thì hơi bị… hiếm! Những giai thoại cũng vậy, cứ dấm dẳng như chó cắn ma. Thôi cũng xin chép ra để không bị trơ như chó đá.
Một ông ở làng Động Trung (Thái Bình) mở tiệc mừng thọ, được người cho bức hoành đề Động trung xuân. Làng Động trung vẻ xuân tươi là quá hay nhưng chủ nhà treo chỉ dăm hôm là lôi xuống chẻ làm củi. Thì ra, ba chữ này vốn ở trong bài “Thiên thai”, có câu: Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt, Thần thần khuyển phệ động trung xuân (Văng vẳng bên non gà gáy nguyệt, Oang oang trước động chó chào xuân). Trước “động trung xuân” là “khuyển phệ”, có cái cù ngoéo“móc chủ nhân kia đã từng mở cửa hàng “mộc tồn” nên chó… sủa um làng Động Trung!
Nguyễn Công Trứ thời còn đi học, sau khi chọc nhà sư việc giấu nồi thịt chó trong bếp chùa, khi ra về đến giữa sân, bị hai con chó xô ra sủa. Nguyễn công ứng khẩu rằng: Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá. Còn hai con chó chửa từ bi…
Dưới thời Pháp thuộc, nhà Nho cũng mượn hình tượng con chó để lên án những kẻ cộng tác với giặc. Nói chung, “ý tại ngôn ngoại” được các ông “khai thác” triệt để để tránh sự bắt bớ . Dưới đây là ba… con chó ở ba vùng khác nhau:
1-     Con chó của Nguyễn Văn Giai
Ngắm cảnh Hà thành buổi sáng
Bốn bên hàng phố tiếng xôn xao/Trở dậy mà xem những thế nào. Lục sở trò bày trong rạp tối/Tam tài cờ cắm giữa thành cao. Giày tàu bịt gót, Ngô đi bãi/Váy lĩnh phơi trên đĩ rửa hào. Đốm vện khoang vằn vô số chó/Ra tuồng đắc ý chạy nhông nhao.
2-     Con chó của Song Nam Lê Văn Luyện (Nam Định):
Ai dạy như mày hỡi chó ơi/Lăm le bàn độc nhảy lên ngồi. Thức đêm dẫu có công vì chủ/Nếm bẩn cho nên tiếng để đời. Thấy kẻ ăn mày còn nghiến lợi/Theo người áo rách sủa vang trời. Này này bà đã mua riềng sẵn/ Chỉ đợi cho mày béo đấy thôi.

3-     Con chó chết trôi của Sầm Giang Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc, Mỹ Tho):
Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu/Thác thả lòng sông xác nổi phều. Vằn vện xác còn phơi hửng dửng/Thúi tha danh hãy nổi lều bều. Tới lui bịn rịn bầy tôm tép/Đưa đón lao xao lũ quạ diều. Một trận gió dồi cùng sóng dập/Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.
Ngoài bữa tiệc “Trên dưới đều chó” của Ong Ích Khiêm, Cao Bá Quát cũng có một giai thoại “Trên dưới đều chó” như vầy: Có hai viên quan cãi nhau. Do có họ Cao chứng kiến nên Tự Đức bắt Cao “tường trình”. Ong Cao dâng lên : Bất tri ý hà/Lưỡng tương đấu khẩu. Bỉ viết cẩu/Thử diệc viết cẩu. Thượng hạ giai cẩu/Dĩ chí đấu ẩu. Thần kiến thế nguy/Thần cụ, thần tẩu (Chẳng rõ tại sao/Hai bên cãi nhau. Bên này nói”chó”/Bên kia cũng “chó”. Trên dưới đều chó/Dẫn đến đánh nhau. Thần thấy tào lao/Sợ lây nên chạy). Thật là thâm thuý!
Chuyện vui của chó còn nhiều, nhưng e rượu cả vò, chó cả con thì… mất ngon nên tôi xin bày “món” cuối cùng: Con cầy trong chơi chữ. Thời Nam kỳ thuộc địa, tại một làng kia, có thầy cai tổng tên Hồng vốn thích văn chương nên cho dựng một cái quán làm nơi tụ hội tao nhân mặc khách cho ra vẻ. Quán đặt tên là “Quán Giai” (“Giai” chữ  Hán nghĩa là “tốt đẹp” nhưng “Quán Giai” mà nói lái theo giọng Nam Bộ thì …). Giới có học trong làng biết “quan ý” nên dựng một quán đối diện, đặt tên là “Quán Bô”. Tuy chữ “bô” trong tiếng Ta không được thanh nhưng trong tiếng Tây thì “bô”(beau) lại cũng là đẹp. “Quán Bô” mà nói lái thì…
Thầy cai Hồng biết, ức mà không làm gì được. Ngày khánh thành quán Bô, thầy đến  dự, nhắc đi, trách lại: “Các thầy giỏi thật!” Biết quan chửi mình “cầy thác” là “đồ chó chết”, một thầy “trả miếng”: “Bẩm, chúng tôi chỉ lo dạy học trong làng. Đâu dám làm phiền người có chức như thầy Cai!” Cai Hồng lẩm nhẩm nói lái từ  “có chức” rồi… im re ra về, không dám nói thêm lời nào nữa…

            Phong Linh tổng hợp.                                                                                                    




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét