Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Mua quan bán chức

MUA QUAN BÁN CHỨC
                                                                                                                           Tiểu lãn tử

Triều đại nào cũng trải qua các giai đoạn thành- thịnh- suy- huỷ. Đời vua Lê Thánh Tông (lên ngôi năm Canh Thìn 1460, ở ngôi 38 năm) có thể nói là giai đoạn cực thịnh của triều Hậu Lê. Thịnh, nên Đại Việt sử ký toàn thư khen rằng “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường [bên Tàu, hai đời thịnh của Hán Đường] cũng không thể hơn được”. Song, dù là thịnh hay suy, triều đại nào cũng có “chuyện” của nó. Sau khi Nghi Dân giết Lê Nhân Tông để cướp ngai vàng [1], nhóm “khai quốc công thần” từng phò Lê Thái Tổ  như Nguyễn Xí, Lê Niệm… giành lại, đưa Tư Thành lên làm vua, “ơn” ấy không thể không “cám”[2]. Vì vậy, những năm đầu trên ngai vua, Thánh Tông  phải đối mặt với nhiều tệ nạn- mà… căng thẳng nhất vẫn là chuyện hối lộ, mua quan bán chức của nhóm… công thần.

“Bịt đường của hiền tài”
Chuyện hối lộ, mua quan bán chức vốn đã diễn ra… ì xèo trước đó dưới thời Nhân Tông. Trung hưng ký viết vào năm Quang Thuận [niên hiệu đầu của Thánh Tông] cho biết: “Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn thị là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai [GX nhấn mạnh]. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần [danh từ để gọi các viên quan quyền cao chức trọng thứ nhất, thứ nhì trong triều] như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần  như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện [GX], ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn siểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử [GX]…

Đó là việc trước mùa đông năm 1459, lúc Nghi Dân cướp ngôi. Tháng 6* năm 1460 các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt… xướng nghĩa, cùng bàn với nhau: “Nay Lạng Sơn vương Nghi Dân vô đạo, giết vua và Quốc mẫu hoàng thái hậu, tội ác không gì lớn bằng. Bọn chúng ta là bề tôi huân cựu, mắt thấy việc đó, đáng lẽ phải chết cho xã tắc, mà lại ở dưới kẻ nghịch, đứng trong triều của kẻ cướp ngôi giết vua, là tội nhân của muôn đời, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế [chỉ Lê Thái Tổ]dưới suối vàng nữa?” Thế là sau buổi chầu, mọi người đều vào ngồi ở Nghị sự đường ngoài cửa Sùng Vũ. Nhóm Nguyễn Xí giết chết phản nghịch đầu sỏ là Đồn, Ban trước Nghị sự đường, rồi sai đóng các cửa thành, mỗi người đem cấm binh đi dẹp nội loạn, giết hết bọn Trần Lăng. Các đại thần cùng bàn với nhau: “Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Bình Nguyên vương [chỉ Lê Tư Thành] thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết”, mới đón Tư Thành lên ngôi vua.

Tư Thành lúc này đã… trưởng thành nhưng ngai vàng… ngồi còn chưa nóng…, những việc tệ hại của quan lại… lớn đều chưa thể nói đến. Vì vậy, một năm sau khi lên ngôi, khi Nguyễn Như Đổ[3] không nằm trong nhóm Nguyễn Xí] xin cho Đỗ Bất Một tuổi đã già, được thôi việc quan, vua chỉ nói: “Trước kia, nhà ngươi xin bổ Bất Một làm Tổng tri vệ Bắc Bình, lúc ấy trong triều đã xôn xao bàn tán; bây giờ lại xin cho Bất Một được lấy chức Tổng binh để thôi việc. Nhà ngươi thật là người gian dối quá độ. Từ nay phải cẩn thận răn chừa mới được”. Nói thế, nhưng vua vẫn để Như Đỗ làm… Lại bộ thượng thư !
Rồi đến năm Quang Thuận thứ 3 (1462), vua cũng chỉ mới có sắc dụ Thái phó Nguyễn Xí một cách… nhẹ nhàng rằng: “Các ngươi vốn là quan võ làm trấn phủ. Nghĩa chữ “trấn phủ”, bọn vũ phu các ngươi có biết được không? Đến như Tăng Văn Trọng còn bị Khổng Tử chê là “trộm cắp ngôi vị”[ Khổng Tử nói: “Tăng Văn Trọng chẳng phải là kẻ trộm cướp ngôi vị đó ư? Biết Liễu Hạ Huệ là người hiền mà không cho cùng làm quan với mình” - Luận ngữ, thiên Vệ Linh công], huống chi các ngươi là bọn bịt đường của bậc hiền tài, khơi nguồn cho kẻ cầu may” ! Năm Quang Thuận thứ 4,  nhân việc Dương Quốc Minh tố cáo, vua ra sắc dụ cho Nguyễn Sư Hồi (con Nguyễn Xí), rằng: “…Ngô Tây lấy 30 lạng bạc… đến đút lọt bọn ngươi. Ngươi sai vợ lẽ nhận lấy. Vả khi trước nó đút lót cho cha ngươi là Xí 50 lạng, nay chuyển sang đút lót cho ngươi, tất cả là 80 lạng, hiện còn ở nhà ngươi, ngươi lại không biết hay sao? Nay đặc sai Tư lễ giám Nguyễn Áng đem sắc chỉ tới bảo ngươi và đòi lấy số 80 lạng đút lót ấy mang về. Ngươi có tội mà không ngại sửa bỏ tội lỗi thì sau này chắc chắn không bị tai họa”.
Đến thời điểm này, Thánh Tông cũng mới dám… “tịch thu tang vật” thôi nhưng còn “cẩn thận” dụ Hồi rằng: “Ta thể theo lòng người lên nhận ngôi báu, vẵn nhờ các bậc huân hiền đồng lòng giúp đỡ [GX], đến nay đã bốn năm rồi. Cha con ngươi, đầy nhà lớp lớp ngọc khuê giải ấn có thể gọi là thịnh lắm rồi. Ta vẫn tin ngươi. Dẫu có hư đó, cũng không hề suy giảm...”
Năm sau, vua cũng dụ Binh bộ thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích (bị tố cáo ăn hối lộ 34 lạng bạc) theo kiểu “vừa đấm vừa xoa” như  đối với Sư Hồi:“Tuy có dụ này, nhưng ta cũng che giấu cho để ngươi tự sửa lỗi…” và “…Xem sớ của ngươi tâu bày, rất là thiết thực, xác đáng, dù họ Vương, họ Ngụy đời Đường [Vương Khêu và Ngụy Trưng đời Đường Thái Tông đều nổi tiếng về thẳng thắn can ngăn vua] cũng không hơn được. Đáng ban cho 10 lạng bạc để đáp lại lòng trung thành của ngươi. Vả lại lời bàn của ngươi rất hợp với ý của tiên nho, trẫm đã khen ngợi và tiếp thu cả”…

Vua vẫn là vua…
Năm 1465, Nguyễn Xí mất, Thánh Tông như trút được một gánh nặng, bắt đầu mạnh tay hơn trong việc trừng trị quan tham. Trước kia, Lê Hán Đình làm Chuyển vận, khi tại chức tham ô, sợ dân kiện, tâu xin nghỉ… dưỡng bệnh. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467),  Chỉ huy sứ Đào Bảo tiến cử Hán Đình, “ca” Hán Đình và Thái chúc thừa Nguyễn Đức vốn giỏi binh pháp. Bọn Hán Đình dâng các trận đồ Trung hư; Mãn thiên tinh, Thường sơn xà... Vua khen ngợi, phong hai người làm Trấn điện phó tướng quân, sai quân tập theo trận đồ, hai ba lần đều không được. Vua sai Đình, Đức ra dạy cũng không được, nổi giận sai bắt đánh trượng rồi bãi chức đuổi về quê. Vua cho Binh bộ thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích… chơi không vì Vĩnh Tích năm trước đi nhận bạc đút lót của người, nay giữ trọng trách Binh tào, lại xin bậy bổng lộc cho một viên Tổng tri, cho nên thu lại thẻ bài và cho ở không…
Khi Đô cấp sự trung Trịnh Thiết Trường hặc tội Hình bộ Đỗ Tông Nam làm quan ăn hối lộ; Lại bộ Nguyễn Như  Đổ tiến cử người xấu, xin giao cho pháp ty theo luật trị tội, Thánh Tông y theo.  Ngự đến chỗ Đông cung, hỏi chữ nghĩa học hôm trước, vua sa thải bọn Đông cung thị giảng là Vũ Nguyên Tiềm và Tạ Bửu ở Phụng Nghi đường vì “gà bài” sẵn cho thái tử và khi ra ba đề chế, chiếu, biểu, bắt bọn Tiềm và Bưu thi thì họ đều… quên lối làm, cả ba bài đều không thành văn lý. Vua xem xong, phê “Đáng tởm” ! Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ, Đông cung quan Trần Phong và Đô ngự sử đài Trần Xác vì thế bị quở trách về tội bảo cử bậy.
Như Đổ đưa 8 người thế gia thân quen ra để vua chọn. Vua cho rằng họ là bọn mới lên, tài năng bình thường. Hôm sau  vua lại sai cử 10 người đang giữ các chức trách trong kinh, xem tờ tâu của các đại thần, rồi loại bỏ hầu hết trong diện xét chọn và phê rằng “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”.
Vua cho là Lương Như Hộc tiến cử Trần Quý Huyên không phải là người giỏi, xuống chiếu giam Như Hộc vào ngục và thu lại văn bằng của Quý Huyên. Trạng nguyên Lương Thế Vinh cũng bị quở trách vì năng lực không tiến bộ…

Năm 1468, tháng 3, trả lời Như Đổ xin cho giáo thụ [quan chuyên giữ việc dạy học trò] … được cất nhắc lên chức tri huyện [quan cai trị trong một huyện, giữ công việc hành chính], Thánh Tông phê “Giáo thụ cần phải để giữ chức vụ lâu dài, mới có thể mong họ giáo dục học trò thành người tài giỏi được. Nhà ngươi giữ chức vụ lựa chọn cân nhắc để bổ sung các chức, nếu dám có điều gì thay đổi, tội ấy không phải nhỏ đâu!” Đổ lại xin cho Quản lãnh … được thăng chức Tổng tri[Theo binh chế đời Lê Thánh Tông, đặt ngũ phủ quân, mỗi phủ 6 vệ. Tổng tri là chức đứng đầu một vệ; mỗi vệ có 5 sở hoặc 6 sở, Quản lãnh là chức đứng đầu một sở], nhà vua nói: “Lê Bốc có bệnh tê, yếu đuối không thể làm gì được. Thế mà nhà ngươi hai ba lần xin cất nhắc hắn, nhà ngươi thật là một viên quan gian giảo”.
Tháng 10, Lê Bô phạm tội, phải luận vào tội kình [Một tội trong ngũ hình. Người bị tội bị thích chữ vào trán rồi đổ mực lên trên]. Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo với các quan “…Như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà chịu tội lỗi. Thế là Trần Phong dám làm trái cả phép tắc của tổ tông, thiện tiện tác uy tác phúc, để làm hại cả nước. Vậy hạ lệnh cho pháp ty xét xử trị tội theo luật định”.
Phong vốn là người hay ton hót. Lúc ấy, cha vợ cả của vua là Nguyễn Đức Trung và cậu vua là Nguyễn Yên vừa có quyền thế vừa được vua yêu không ai sánh bằng, Phong dùng mánh khoé, siểm nịnh,  cúc cung phụng sự hai người này. Một hôm, vì dư luận áp bức, Phong phải đàn hặc sự trái phép của Đức Trung nên tối ấy, Phong đến nhà Đức Trung để tạ lỗi. Phong lại xin làm sui gia với Nguyễn Yên, suốt ngày đứng lạy ở sân nhà Nguyễn Yên, Yên mới nhận lời. Nhà vua bảo với Như Đổ: “Trần Phong là người ngoài mặt làm ra nghiêm nghị, mà trong bụng thì nhu ác, nói năng khinh suất. Đến như hắn ton hót phụng sự bọn quyền quý thì lật đật như con lanh già giẫm yếm xéo đuôi; liếm… trôn trĩ của Đức Trung, hút mủ nhọt cho Nguyễn Yên [Hai câu này do thành ngữ "doãn ung thị trĩ" (mút ung thư, liếm mủ máu), đời xưa dùng để chửi độc địa những hạng tìm mọi cách đê hèn bẩn thỉu, nịnh hót người quyền quý để cầu giàu sang] . Đấy là mánh khoé sở trường của hắn dùng để tiến lên chức quan cao cả”.

Tháng 5 năm sau (1469) thái tử thị giảng [Chức quan cĩ nhiệm vụ giảng giải mọi điều cho Thi tử hiểu. Thường lấy những người có văn học. Cũng gọi là Đông cung thị giảng] Phạm Phổ cùng vợ đến nhà Huy nhân [quan hàm của mệnh phụ trong cung, trật tòng tam phẩm] là Đồng Đào, vừa lúc Đồng Đào đã vào cung rồi. Phổ cùng vợ cúi rạp xuống đất lạy chồng của Đào, nhờ đưa con gái mình vào trong cung để củng cố quyền vị. Vua dụ các quan trong triều: “Phạm Phổ là đứa tặc thần của nhà nước thôi”. Vì thế Phổ bị bãi chức…

Mua bán cả… vua
Thời Lý nước ta cũng xảy ra hai lần mua bán … vua suýt tí nữa là thành công. Một vụ xảy ra đời Lý Thần Tông (lên ngôi năm 1128).  Trước, vua đã lập hoàng thứ  trưởng tử Thiên Lộc (sinh năm 1132, là con người thiếp nhưng sinh trước nên vừa gọi là thứ vừa gọi là trưởng) làm thái tử , dự định sẽ cho nối ngôi vua. Tháng 9- 1138, vua bệnh nặng, ba phu nhân Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đem của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, dặn nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi vua ốm nặng, sai soạn thảo di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh vua, nhưng nhớ lời dặn của ba phu nhân, cứ cầm bút mà không viết, cũng không dám có ý kiến. Một lát ba phu nhân đến, khóc lóc nghẹn ngào nói rằng: “Bọn thiếp nghe rằng, đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao khỏi nạn?” Vua vì thế xuống chiếu rằng: “Hoàng tử Thiên Tộ (sinh năm1136) tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo vương”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên bình rằng “ Việc Từ Văn Thông ăn hối lộ thì đã rõ ràng. Lời nói của ba phu nhân thế là thẳng thắn, nhưng tiếc rằng khi ấy không gọi ngay kẻ đại thần biết khuông phò xã tắc mà uỷ thác con côi”.

Thiên Tộ nối ngôi là Lý Anh Tông, ở ngôi 37 năm (1138- 1175). Năm 1174, thái tử Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết, cho nên chỉ phế làm thứ dân và bắt giam. Một hôm, vua gọi tể tướng Tô Hiến Thành đến bảo rằng: “Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn Long Trát (mới sinh) nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi. Nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già suy yếu, biết làm thế nào?” Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội, vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm thái tử bèn quyết định.
Năm sau (1175), Anh Tông lập Long Trát làm hoàng thái tử, cho ở đông cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung. Mùa hạ, vua không khoẻ, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng. Vua nói “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được?”, vẫn di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Hoàng hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Lữ thị [ghi theo Cương mục, bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Nữ thị]. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?” Hoàng hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang [4] hay sao? Thần không dám vâng chiếu”. Việc bèn thôi.
Đến năm 1178,  hết quốc tang, Chiêu Linh thái hậu [trước là hoàng hậu] ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng: “Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên”. Các quan đều chắp tay cúi đầu nói: “Thái phó [chỉ Tô Hiến Thành] là bậc cố mệnh đại thần [Bậc đại thần vâng mệnh lệnh nhận lãnh tờ chiếu của vua để lại khi vua sắp mất] nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử.  Bệ hạ[chỉ Chiêu Linh thái hậu] cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh"”. Hiến Thành quản lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục. Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm mưu khác nữa…

Lời bàn của Phi Mao
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi từng viết nước ta “… hào kiệt thời nào cũng có”. Lúc bị giết vì vụ Lệ chi viên, Nguyễn Trãi từng than vì đã không nghe lời khuyên của vài viên quan là đừng tiếp tục “quan hệ” với triều đình. Hai lời nói cách nhau không quá lâu xa. Nhiều hào kiệt phải… ra đi ngay vào thời Lê Lợi [năm 1247 giết Tư mã Lê Lai, tịch thu tài sản vì cậy có công, nói năng khinh mạn- trước khi trở thành Lê Thái Tổ vào năm sau]. Nhiều hào kiệt cũng phải… ra đi vào thời Thái Tổ, Thái Tông sau khi trở thành khai quốc công thần. “Sống gần vua như ôm hổ mà ngủ” là thế.
Song điều muốn nói ở đây còn là một phía khác- khi hào kiệt trở thành quan lại và khi quan lại xuất thân không phải từ… hào kiệt. Bên cạnh trung thần tất nhiên sẽ có nịnh thần; bên cạnh quan liêm sẽ có quan tham; bên cạnh quan công sẽ có quan… tư; bên cạnh quan trí sẽ có quan ngu; bên cạnh những người làm quan mà đói “cả nhà mặt xanh như rau” như khi Tố Như Nguyễn Du làm quan thì cũng có những người “làm quan cả họ được nhờ” [như lời Hàn lâm học sĩ Hồ Tông Thốc trả lời vua Trần Nghệ Tông (1370- 1372) khi làm An phủ, có lấy của dân, việc bị phát giác, Nghệ Tông thấy làm lạ hỏi ông chuyện đó. Tông Thốc lạy tạ thưa rằng: "Một con chịu ơn vua, cả nhà ăn lộc trời", vua tha tội cho. Tông Thốc làm quan đến đời Trần Phế Đế, năm 1386 được phong chức Hàn lâm học sĩ]... Nói chung là quan lại… mặt trái thì lại có trăm phương ngàn cách để tiến thân mà tài nghề, năng lực chỉ là chuyện… nhỏ; đấu tranh là chuyện… tránh đâu cũng bị trâu đánh… Còn trăm phương ngàn cách, “túm lại” cũng chỉ có mấy chữ, cho nên cũng chẳng cần mở rộng cái tivi làm gì. Đó là “nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”. Cần nhất là phải có tiền để vung vãi tung toé trong “quan hệ”; cần phải biết “lắng nghe” ý xếp để “dâng mỡ đến miệng mèo” khi thích hợp; cần phải biết… chơi tennis, biết… thẩm mỹ viện nào có thể biến Chung Vô Diệm thành Tây Thi hay rành cả tứ đổ tường… là một lợi thế [nhưng phải biết là chơi với ai, chơi khi nào]; chỉ cần biết “đội trên đạp dưới” là đã dư sức ngoi lên… Khi trở thành quan rồi thì cũng cứ những chiêu ấy mà thăng chức, mà gỡ gạc, mà tích luỹ bằng ngàn bằng vạn đồng vốn “mồ hôi nước mắt” đã dùng để lót đường, mà hạ cánh an toàn. Chứ  nếu “hy sinh đời bố củng cố đời con” lắm khi cũng… khốn nạn vì “tiền mình nó xài, con mình nó sai, vợ mình nó xơi” thì trót “được” tiếng quan tham cũng thành quan ngốc!
Đó chẳng qua là “nghệ thuật” làm quan cấp dưới. Làm quan cấp trên thì cần phải biết… cho cấp dưới… đi học đúng lúc, đúng nơi; cần thiết thì “thí chốt” để “những ai chưa bị lộ thì không bị lộ”. Phương châm cơ bản là không được làm trái với… mệnh trời, vua không biết đâu là con ngựa đâu là con dê thì mình cũng rứa. Và phải biết “gợi ý” đúng người cúng dường khi phải cúng- dù cho là một bữa nhậu, bởi “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, chứ có lẽ nào “tao ngồi trên mà chỉ được húp cháo còn tụi bây láo nháo ở dưới lại được ăn gà” ?


Phần chú thích
*Tháng ghi trong bài đều là tháng âm lịch.
[1]Năm Kỷ Mão 1459, mùa đông, mồng 3 tháng 10 , Lạng Sơn vương Nghi Dân đang đêm bắc thang, chia làm ba đường, trèo thành cửa Đông, lẻn vào cung cấm. Vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại.
Trước kia, Dương Thị Bí là mẹ Nghi Dân có tội với Thái Tông, nên Nghi Dân không được lập làm thái tử, mới ngầm mưu soán ngôi báu cùng Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng. Bấy giờ, Lê Đắc Ninh là Đô chỉ huy giữ cấm binh đương phiên trực, đã không chịu dẫn quân ra ngăn,  lại đem giúp kẻ phản nghịch.
[2] Con thứ tư của Thái Tông với Tiệp dư (Danh hiệu một nữ quan ở trong cung, cũng là vợ vua, nhưng cấp bậc thấp hơn phi tần) họ Ngô, người Thanh Hoá. Tục truyền rằng khi còn là Tiệp dư, khi sắp ở cữ, nhân thư thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra. Sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vua vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất.
[3] Nguyễn Như Đổ: Người làng Đại Lan, huyện Thanh Đàm (Nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn) khoa Nhâm Tuất (1442).
[4] *Bầy tôi nhà Ân, sau khi Thành Thang nhà Ân mất, cháu là Thái Giáp lên nối ngôi vua. Vì Thái Giáp thất đức, nên Y Doãn truất bỏ đi, cho ra ở Đông cung. Sau Thái Giáp biết bỏ điều tà theo điều chính, Y Doãn lại rước về lập làm vua.
*Bầy tôi nhà Hán, sau khi Hán Chiêu đế mất. Xương Ấp vương lên nối ngôi, vì Xương Ấp vương là người hoang dâm vô đạo, Hoắc Quang truất bỏ đi mà lập người cháu Hán Vũ đế tên là Tuân tức là Hán Tuyên đế. Sau Quang bị Tuyên đế buộc vào tội phản nghịch, phải tội giết cả họ.




















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét