Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Quốc triều Hình luật là của thời vua nào?

Quốc triều Hình  luật là của thời nào?
* Kính thưa ông, tôi có nghe thông tin trên đài về cuộc hội thảo khoa học tại Thanh Hoá ngày 17- 18/3 về “Quốc triều Hình luật”. Theo đó tôi biết “Quốc triều Hình luật” là chỉ Bộ luật Hồng đức đời nhà Hậu Lê. Thế nhưng tình cờ tôi đọc được thông tin thế này, xin ghi lại nguyên văn : “...Để tránh lộng quyền, Gia Long không đặt chức tể tướng, triều đình chỉ có 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công do các thượng thư đứng đầu có tả hữu tham tri, tả hữu thị lang giúp việc. Trong cung không lập ngôi hoàng hậu, chỉ có hoàng phi và các cung tần.
Nǎm 1815, bộ “Quốc triều hình luật” gồm 22 quyển với 398 điều luật đã được ban hành...
”[Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Tạp chí Quê Hương trên internet]. Theo đây thì “Quốc triều Hình luật” lại thuộc thời nhà Nguyễn.
 
Xin ông chỉ giúp, Quốc triều Hình luật thực ra là của thời nào?
Kính,
Lương Văn Sáo, Châu Thành Vĩnh Long.


-         Thưa ông Lương Văn Sáo,
“Cái” Quốc triều Hình luật mà người ta vừa tổ chức hội thảo đúng là Bộ luật Hồng Đức đời Hậu Lê, với vị vua chủ xướng là Lê Thánh Tông. Còn “cái” Quốc triều Hình luật mà ông trích dẫn cũng chẳng sai: đó là Bộ luật Gia Long triều Nguyễn hay còn gọi bằng cái tên Hoàng Việt luật lệ.
Quốc triều Hình luật thực ra là danh từ chung, dùng để gọi bộ luật được ban hành dưới một triều đại nào đó của thời Phong kiến. Sẵn đây tôi cũng trích lại từ internet hầu ông thêm mấy dòng: “Thời Trần có bộ Quốc triều Hình luật gồm một quyển ban hành năm Giáp Thìn 1244. [www.talawas.org]”. Như vậy, Quốc triều Hình luật quả chẳng thể là... một mình Bộ luật Hồng Đức rồi.
Nguyên nhân mà hiện nay khi nói đến Quốc triều Hình luật, người ta thường nghĩ ngay đến Bộ luật Hồng Đức- theo tôi- là do người đời sau đã biến... “của công” thành “của riêng”, biến từ chung thành từ riêng nên dẫn đến ông mới bị thắc mắc như vậy.
Cớ sự này có thể là do từ... lưu trữ. Thư tịch cổ của nước ta bị thất lạc rất nhiều [mà phần lớn “nhờ” các nước tự cho mình là văn minh hơn thu gom đem về bản quốc hoặc tiêu huỷ cho mất gốc tích]. Bộ luật Hồng Đức cũng không ngoại lệ nhưng may mắn hơn... đồng loại là còn giữ lại được một phần. Phần này hiện vẫn còn lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm [ Nội]. Tại đây có hai bản in ván khắc đều có tên là Quốc triều hình luật. Ngoài ra còn có một bộ sách chép tay tuy có tên gọi là Lê triều hình luật, nhưng nội dung của nó lại là bản sao lại của Quốc triều hình luật [nhà Hậu Lê] và chép vào thời gian sau này.
Trong đó bản Quốc triều hình luật ký hiệu A.341 là bản in ván khắc hoàn chỉnh hơn cả và được coi là văn bản có giá trị nhất. Bộ luật này gồm 6 quyển, in ván khắc trên giấy bản. Sách không ghi tên tác giả, không có dấu hiệu niên đại soạn thảo hay niên đại in ấn và cũng không có lời tựa hoặc các chú dẫn khác. Bìa nguyên bản cuốn sách đã mất, thay bằng một tờ bìa viết 4 chữ Hán Quốc triều hình luật bằng bút lông. Nội dung của bộ luật này đã được Phan Huy Chú ghi chép lại trong phần Hình luật chí của Lịch triều Hiến chương Loại chí, nhưng bị thiếu so với cuốn sách này.
Theo chúng tôi, Bộ luật Hồng Đức “chết tên” Quốc triều Hình luật là từ chỗ này.
Ở một hướng khác, tuy Bộ luật Hồng Đức ra đời trước và cũng chưa có tính khái quát hóa cao, phân ngành rõ như Bộ luật Gia Long nhưng bù lại, luật Hồng Đức lại được nhiều nhà nghiên cứu, luật gia cho rằng có chứa nhiều điểm tiến bộ hơn. Như giáo sư Vũ Văn Mẫu đã viết khi nhận xét về Hoàng Việt luật lệ rằng: "bao nhiêu những sự tân kỳ mới lạ trong bộ luật triều Lê đã không còn lưu lại một chút dấu tích nào trong luật nhà Nguyễn. Không còn những điều khoản liên quan đến hương hoả, đến chúc thư, đến các điều kiện về giá thú, đến chế độ tài sản của vợ chồng." (Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử, quyển 1, tập 1, Sài Gòn, 1973).
Tại vì vậy mà Bộ luật Hồng Đức xứng đáng mang tên Quốc triều Hình luật nhất trong các bộ luật xưa chăng?
Gió đông không phải gió đông mà là... gió đông
* Thưa ông, tôi không rành về văn chương xưa của nước ta. Vừa rồi tôi có đọc được hai bài thơ của thượng tướng Trần Quang Khải đời nhà Trần. Xin ghi nguyên lại như sau:
Xuân nhật hữu cảm I (春 日 有 感)
雨 白 肥 梅 細 若 絲,
閉 門 兀 兀 坐 書 癡。
二 分 春 色 閒 蹉 過,
五 十 衰 翁 已 自 知。
故 國 心 還, 飛 鳥 倦,
恩 波 海 濶, 縱 鱗 遲。
生 平 膽 氣 輪 囷 在,
解 倒 東 風 賦 一 詩。
Vũ bạch phì mai tế nhược ty,
Bế môn ngột ngột tọa thư si.
Nhị phần xuân sắc nhàn sai quá,
Ngũ thập suy ông dĩ tự tri.
Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện,
Ân ba hải khoát túng lân trì.
Sinh bình đởm khí luân huân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

Xuân nhật hữu cảm II (春 日 有 感)
月 色 微 微 夜 向 闌,
東 風 特 地 起 春 寒。
翻 空 柳 絮 黏 高 閣,
攪 夢 湘 筠 撲 畫 欄。
被 物 潤 從 天 外 雨,
驚 心 紅 褪 昔 時 顏。
袪 愁 賴 有 三 杯 酒,
撫 劍 悠 悠 憶 故 山。
Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan,
Đông phong đặc địa khởi xuân hàn.
Phiên không liễu nhứ niêm cao các,
Giác mộng tương quân bốc họa lan.
Bị vật nhuận tòng thiên ngoại vũ,
Kinh tâm hồng thoái tích thời nhan.
Khử sầu lại hữu tam bôi tửu,
Phủ kiếm du du ức cố san
Hai bài đều ghi cảm giác ngày xuân nhưng sao cũng đều viết là “đông phong”- gió đông?
Nguyễn Bảo Thái, quận 3 TPHCM.

-         Thưa ông Nguyễn Bảo Thái,
Bài thứ nhất đại ý nói mùa xuân, một người đóng chặt cửa, ngồi nhìn mưa bụi bay trên hoa mai, nghĩ đến ba phần ngày xuân đà bỏ phí hết hai, nay năm mươi tuổi biết sức đã suy, nhưng hào khí ngày nào vẫn còn, dùng vào chi hơn là đè ngọn gió Đông mà làm một bài thơ.
Bài thứ hai nói cảnh đêm xuân gần tàn, dưới trăng mờ hơi lạnh ngọn gió Đông đưa đến, sáng mấy chùm bông liễu trên không bay lạc vào gác, vài cành trúc đập vào hiên như muốn quấy rầy giấc ngủ, xa xa hình như đang mưa, hơi mát làm mọi sự tươi tỉnh. Sực nhớ, thấy mình chẳng còn xuân, nay chỉ có ba chén rượu giải sầu, nhưng khi say vỗ lại thanh gươm thời trẻ, nhớ ngọn núi xưa nơi đã tung hoành một thời.
Riêng về “ngọn gió đông ơi đừng thổi nữa...” mà ông nói, có thể do ông không nhận ra được mặt chữ Hán nên mới thắc mắc như vậy. Nguyên văn dùng chữ “đông” “phương đông, hướng đông”; còn “đông” theo ý ông hỏi lại là chữ  “đông” – “mùa đông”.
Người xưa cho rằng cứ 45 ngày là có một loại gió.  Mùa Xuân gió từ hướng Đông thổi lại, gọi là Anh nhi phong –gió trẻ thơ; còn gọi là Hoà phong- khí nó là Phong mộc, vạn vật nảy sinh, màu xanh đầy trời, khí hậu ấm dần... Còn gió mùa Đông, xưa gọi là gió Bấc (Bắc) hoặc Sóc phong, Đại cương phong (gió dữ) đem theo khí lạnh, đất trời ảm đạm, vạn vật thu tàng, nước trở thành băng, nhựa cây gom về rễ, có mưa thì lạnh như cắt... Xem ra hai loại gió khác nhau nhiều lắm.
Thành ra, gió đông như ý ông hỏi là thứ gió trong Tình anh bán chiếu: “Ngọn gió đông ơi đừng thổi nữa, Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi”... còn gió đông trong Xuân nhật hữu cảm là gió đông của : Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Kiều, Nguyễn Du).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét