Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Lê Lai "kỳ cục án"

Lê Lai “Kỳ cục án”


Lê Lai là nhân vật lịch sử. Thế nhưng quanh chuyện “Lê Lai liều mình cứu chúa” Lê Lợi và cái chết của vị Kỷ Tín [*] thời Hậu Lê này lại hình như có gì đó không được rõ...
Cái sự không rõ ấy là có việc “...cứu chúa” không? Và: có mấy Lê Lai khi Lê Lợi mở Hội thề Lũng Nhai [**]?

Từ sự hy sinh rõ ràng...

Lam Sơn thực lục [viết tắt là Thực lục, 1], truyền rằng do Nguyễn Trãi soạn năm 1431, Lê Thái tổ [Lê Lợi] đề tựa, viết về giai đoạn này như sau: Năm Mậu Tuất (1418) khi ấy Nhà vua ba mươi ba tuổi, khởi quân nghĩa ở Lam Sơn [...] quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, vua bèn vời các tướng bảo: - Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!" Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau?
Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa: - Tôi bằng lòng xin thay, mặc áo Nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!
Nhà vua lạy Trời mà khấn: - Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này Trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!
Vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân, phi vào giữa trận giặc, thét: - Ta đây là chúa Lam Sơn!
Giặc bèn xúm lại vây, bắt về thành, xử bằng hình phạt cực ác, những tội thường không thể sánh!

Bộ Đại Việt thông sử [viết tắt là Thông sử, 2] của Lê Quý Đôn soạn năm 1759, chép không có lời hứa của Lê Lợi, chỉ nói “...bởi thế Hoàng đế không địch nổi, thua trận phải chạy vào Mang Một (nay là Mang Chánh), rồi lần đến Trịnh Cao, giáp giới nước Ai Lao, nơi đây, dân thưa lương ít, trên đường không người đi lại. Đóng ở Mang Cốc trong núi hơn 10 ngày, phải dùng mật ong trộn với vũ dư lương (thứ phấn hồng trong đá) làm bữa ăn, rất là khốn đốn! Hoàng đế bèn hỏi các tướng: "Có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín thời xưa không?" Người ở thôn Ðặng Tú là Lê Lai khẳng khái vâng mệnh, tự nguyện mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh, quân Minh mừng rỡ, liền dồn cả quân vây chặt Lê Lai, Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lai về thành Đông Quan giết chết, chúng bèn lui binh, ta được thoát nạn”.

Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục [viết tắt là Cương mục, 3] của Quốc sử quán Triều Nguyễn soạn trong khoảng năm 1856-1881cũng ghi  nhận nhưng chép rõ hơn là sự việc xảy ra vào năm thứ hai của Bình Định vương- Kỷ Hợi 1419 chứ không phải năm đầu khởi nghĩa. Ở đoạn Lê Lợi đã trở thành Lê Thái tổ, Cương mục viết thêm:  “Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1429) tháng 12, phong Thiếu úy Lê Lai làm Thái úy [...] Trước kia, kịp khi trong nước đã yên, nhà vua tặng phong Lê Lai là Thiếu úy Lũng Nhai công thần. Đến đây, lại tặng phong thêm chức Thái úy, sai Lê Trãi [***] chép lời thề nguyền của nhà vua cất vào trong hòm bằng vàng để tỏ ý ghi nhớ không quên”.

...đến cái chết đầy nghi vấn

Một vài sách sử sau đó chỉ chép hoặc theo Thực lục hoặc theo Thông sử, Cương mục. Thế nhưng Bộ sử chính của thời Hậu Lê- Đại Việt sử ký toàn thư [viết tắt là Toàn thư, 4] truyền rằng do Ngô Sĩ Liên... vâng mệnh Lê Thánh Tông nối soạn, khi ghi lại những thời điểm trên lại rất... mơ hồ:Mậu Tuất, [1418], tháng giêng, ngày 13, bọn nội quan nhà Minh là Mã Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu vua (có sách chép là con vua, Minh sử chép là em vua) là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý... dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh[****].
Ngày 16, tên phản bội Ái (không rõ họ) dẫn đường cho giặc đi lối tắt, đánh úp đằng sau vua, bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân. Quân sĩ dần dần chán nản bỏ đi. Vua cùng bọn Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp bí mật nương náu ở trên núi. Tháng 2, vua hết lương, không còn gì nổi lửa. Gặp khi giặc lui quân, bèn về đắp thành đất ở Lam Sơn.
Tháng 9, Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đem quân tới sùng lục. Vua đặt quân mai phục ở Mường Một[*****], dùng tên thuốc độc bắn giặc chết và bị thương quá nửa. Bân thua rút quân về”... Không có một chữ một dòng nào về sự việc Lê Lai cứu chúa.
Đến đoạn sau,  năm Đinh Mùi, [1427, trước khi Lê Lợi lên ngôi một năm], Toàn thư lại viết: “...Tháng Giêng, bọn Lê Lựu, Lê Bôi ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn. Quân Minh tự lượng chống đỡ không nổi, đang đêm bỏ thành chạy trốn[...] Giết Tư mã Lê Lai [người viết nhấn mạnh], tịch thu gia sản, vì Lai cậy có chiến công, nói năng khinh mạn. Chém Thiên hộ Lý Vân và tòng nhân Bùi Vĩnh vì chở trộm mắm muối vào thành Chí Linh[*1]”...

Về sự việc này, Cương mục, Thực lục không thấy chép. Thông sử của Lê Quý Đôn thì ghi “...Viên Tư mã là Lê...[ Chính bản chỉ chép một chữ "Lê" (họ Lê) mà bên dưới bỏ trắng khoảng một chữ. Vậy không biết viên này tên là gì ?] cậy có chiến công thường thốt ra những lời khinh nhờn. Hoàng đế sai giết chết, và tịch thu gia sản. Viên Thiên hộ là Lý Vân và tòng nhân là Bùi Vĩnh, lấy trộm muối chở vào thành Chí Linh, ngài cũng sai giết cả. Và đều bị tịch thu gia sản”...
Còn việc truy phong, truy tặng Lê Lai, chỉ có Cương mục chép [đoạn trên], Toàn thư, Thực lục [*2], Thông sử không thấy nói đến. Toàn thư và Thông sử đều chỉ đề cập đến việc truy tặng cho Lê Thạch [Cháu vua, có sách chép là con vua, Minh sử chép là em vua] làm Trung Vũ Đại vương, đưa vào thờ ở tẩm miếu...

Có nhiều Lê Lai?
Đã từng có ý kiến [*3] cho rằng thời Lê Lợi có đến mấy...Lê Lai, nêu “Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông [Lê Lai]được truy tặng làSùng trung Đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần”, hàm thiếu uý, thuỵ là Toàn Nghĩa. Năm sau, Thái tổ sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của ông bỏ vào trong hòm vàng. Các đời vua sau tiếp tục phong tặng cho ông, cao nhất là năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong ông làm Trung Túc vương [...]” rồi dẫn theo sách “Võ tướng Thanh Hoá trong lịch sử dân tộc”, sử sách, văn bia còn để lại một số nghi vấn về những nhân vật khác cũng có tên Lê Lai sống cùng thời khởi nghĩa Lam Sơn.
Theo đó, sách Lam Sơn thực lục tục biên nêu trường hợp Nguyễn Thận người Mục Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá) là công thần khởi nghĩa Lam Sơn, được đổi sang họ Lê và tên Lai. Sách có đề cập đến một Lê Lai liều mình cứu chúa bị tử trận và sau đó nhân vật Nguyễn Thận này vẫn tiếp tục hoạt động. Như vậy đây là hai người khác nhau. Văn bia ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng đề cập đến một công thần khác của Lê Lợi cũng có tên là Lê Lai.
Một nguồn tài liệu khác lại cho rằng Lê Văn An, một công thần khác của Lê Thái Tổ cũng từng có tên là Lê Lai... Như vậy phải chăng là có đến hai ba Lê Lai? Ý kiến này để tồn nghi lại chuyện đó.
Theo người viết, ý kiến trên nêu tồn nghi là thận trọng nhưng liệu có khả năng có nhiều Lê Lai không?
Về trường hợp Nguyễn Thận được đổi tên thành Lê Lai, việc này- nếu có- phải xảy ra sau khi Lê Lợi lên ngôi và ban quốc tính họ Lê [chứ không đổi tên] cho nhiều công thần- nhất là số thuộc hạ đã cùng ông ăn thề ở Lũng Nhai. Thứ hai, nếu Thận là Lai thì sao suốt triều Hậu Lê, qua mấy đời vua cũng không thấy xuất hiện lần nào dù là trong phong quan chức?
Trường hợp Lê Văn An thì An cùng xuất hiện trong thời điểm Tư mã Lê Lai bị giết và xuất hiện sau đó khi được phong chức tước, Toàn thư, Cương mục... vẫn chép là Lê Văn An.
Tiếc là người viết chưa có điều kiện để được đọc Lam Sơn thực lục tục biên hay sách Võ tướng Thanh Hoá..., văn bia Quỳnh Lưu nên không biết cụ thể trong đó viết  gì song có lẽ giả thuyết nhiều Lê Lai quá... ít thuyết phục.

Mớ bòng bong sự thật

Chắc là chỉ có một Lê Lai. Vậy Lê Lai nào bị quân Minh giết, Lê Lai nào bị giết chép trong Toàn thư? Trả lời câu hỏi này cũng không dễ!
Thực ra, nếu nói Toàn thư hay Thông sử không chép gì về việc truy tặng cho Lê Lai là không hoàn toàn chính xác. Chỉ nên đặt vấn đề là tại sao các sử này không chép cụ thể như Cương mục thì đúng hơn. Bởi dù có chép khác nhau song Tư mã Lê Lai  hay Tư mã Lê... vẫn đã là một cách viết... truy. Tư mã là một trong ba chức quan cao nhất thời xưa: Tam công. Tam công có xuất xứ từ nhà Chu, gồm thái sư, thái phó, thái bảo [tam thái]. Bắc Nguỵ thì gọi là tam sư. Đến thời Tiền Hán (Tây Hán), tam công gồm thừa tướng (sau đổi thành đại tư đồ) quản lý về hành chính, thái úy (đại tư mã) quản lý về quân sự và ngự sử đại phu (đại tư không) phụ trách giám sát. Thời Hậu Hán (Đông Hán) các chức danh này được đổi tên thành tư đồ, tư mã , tư không, còn gọi là tam tư. Về sau, với sự hình thành của lục bộ (binh, hình, hộ, lại, lễ, công) thì tam công dần trở thành các chức danh danh dự, là các cố vấn cao cấp của triều đình.
Nên nhớ, khi lên ngôi, Lê Thái tổ phong quan chức cho những thuộc tướng còn sống, không người nào đến tước Công ngay thời điểm đó. Vậy vị Lê Lai này đã lập công trạng gì mà Ngô Sĩ Liên phải hạ bút truy cho chức Tư mã. Phải là một công trạng “đỉnh thiên lập địa” cỡ “liều mình cứu chúa” mới được? Bằng chứng là Cương mục cũng từng chép Lê Thái tổ truy phong cho Lê Lai là Thái uý. Thái uý và Tư mã thực ra chỉ là một. Không thể có một Lê Lai nào khác được truy phong cao đến mức như vậy [rất nhiều khai quốc công thần khác chỉ được ban biển ngạch đến tước Hầu].
Chúng tôi ngờ rằng Toàn thư không chép việc “cứu chúa” có lẽ là do một sự thực: Sau kỳ công, Lê Lai không bị quân Minh giết mà vẫn sống cho tới lúc... bị Lê Lợi giết- một năm trước khi hoàn thành đại nghiệp đánh Minh- năm 1427, như Toàn thư đã chép. Vì sau bị giết nên không chép đoạn trước kẻo thiên hạ cho rằng vua chưa là vua mà đã “bất nhân”. Thực lục cũng chỉ viết “xử bằng hình phạt cực ác, những tội thường không thể sánh” chứ không nói gì đến cái chết của Lê Lai là do quân Minh. Thông sử chép việc “cứu chúa” quá kỹ [có lẽ là theo Thực lục vì Toàn thư không chép] nên khi chép đến đoạn bị giết phải... cho mất chữ để khỏi “đụng đến thiên đình”.
Thực lục truyền là do Lam Sơn động chủ đề tựa, Nguyễn Trãi soạn vào năm 1431- ba năm sau khi Lê Lợi làm vua. Chúng tôi ngờ rằng vị trung thần “lấy chính nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo” này viết đoạn Lê Lai... vào nhằm nhắc nhở Lê Thái tổ về lời hứa khi còn hàn vi, ở bước đường cùng với người xả thân vì mình mà nay đã ra ma. Vì vậy Lê Lai mới được truy phong và sau đó sử thần Ngô Sĩ Liên phải viết truy.
Nếu quả thực Lê Lợi có giết Lê Lai thì cũng là chuyện thường tình của những đấng làm vua, cũng giống như Hán Cao tổ Lưu Bang giết Hàn Tín, Tống Thái tổ Triệu Khuôn Dẫn giết Đơn Hùng Tín, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương giết... vậy thôi. Và một vị vua đâu bao giờ... giết có một người? Điều đáng nói là việc Lê Lai “thế chúa” vẫn ngàn năm làm rung động lòng người trung nghĩa. Và ngày 22 tháng 8 nhuận, sao chổi mọc ở phương Tây, khi Lê Thái tổ băng, truyền rằng phải giỗ Lê Lai trước khi giỗ mình “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” là một niềm day dứt của đấng quân vương và cũng là một cử chỉ làm tròn lời hứa của mình trước Trời Đất.






[1] Theo bản sách điện tử: Bản khắc in khi sửa lại bộ Lam Sơn thực lục, đời Lê Hy Tông, năm Vĩnh Trị 1- 1676. Bản dịch của Bảo Thần, NXB Tân Việt năm Giáp Thân 1944.
[2] Bản sách điện tử: Lê Quý Đôn. Bản dịch Lê Mạnh Liêu, Ủy ban Dịch thuật - Bộ Văn hoá Giáo dục & Thanh niên -Saigon 1973.
[3] Bản sách điện tử: Quốc sử quán Triều Nguyễn 1856-1881. Viện Sử học, NXB Giáo dục, 1998.
[4]Theo bản sách điện tử: Bản in Nội các Quan bản, mộc bản khắc in năm Chính Hoà 18- 1697. Bản dịch Viện KHXH, NXB KHXH, 1993.

[*]Hán Cao tổ Lưu Bang đóng quân ở thành Vinh Dương, bị Hạng Võ dẫn quân Sở vây chặt. Tướng quân Kỷ Tín thấy tình thế nguy cấp, dâng kế lừa Sở. Tín bèn vận mũ áo Đại vương, dùng cờ quạt xe ngựa Hoàng đế ra cửa Đông hô rằng: "Ta là Hán Vương, vì cạn hết lương thực xin ra đầu hàng nước Sở". Quân Sở bèn xúm cả vào đấy. Hán vương thừa cơ hội lẻn ra cửa Tây trốn thoát. Sau Hạng Võ biết là giả, giết chết Kỷ Tín.

[**]Lũng Nhai: tức Lũng Mi, tên nôm là làng Mé, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Tại đây, vào ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân 1416 có một cuộc Hội thề lịch sử giữa Lê Lợi và 18 người chung chí hướng với ông. Những người có công lao khó nhọc ở Lũng Nhai chỉ những người đã tham gia khởi nghĩa buổi ban đầu.
[***] Nguyễn Trãi, được ban quốc tính.
[****] Núi Chí Linh: tức là núi Pù Rinh, thuộc xã Giao An, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.
[*****] Mường Một: hay Mường Mọt, sau là xã Bất Một, thuộc huyện Thường Xuân ngày nay.
[*1] Thành Chí Linh: lúc ấy quân Minh còn đóng giữ.
[*2] Thực lục không chép, có lẽ do là bản văn ngắn không thể chi tiết đến từng chi tiết được.
[*3] Xem Bách khoa toàn thư mở.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét