Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Nhà & Người

Nhà & Người
                                                                                                                           Phong Vân

Những ngày đầu tháng 10, trên báo chí xuất hiện hai chuyện được rất nhiều người quan tâm: Vụ nhà đất của ông Hoàng Văn Nghiên, ông Lê Đức Thuý và việc cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt, chung tay góp sức giúp đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 6 (Xangsane). Đọc mà buồn. Một bên thì ra sức tranh thủ của công thành của riêng; đã có biệt thự còn muốn kiếm thêm nhà cao tầng, xuống lên bằng thang máy. Nghe đâu ngôi nhà nào trị giá cũng phải lấy tỷ đồng làm đơn vị. Một bên thì hàng chục ngàn gia đình đang mong chờ mỗi nhà được mấy miếng tôn, vài cây cột để dựng lại cái chòi, gượng cho qua mùa mưa bão. Vậy mà cây đinh cũng nhân dịp này… lên giá.
Miền Trung là mảnh đất nghèo, trời lại còn hành mỗi năm không chỉ là một bận. Nghèo thì nhà cửa tuềnh toàng, tạm bợ, làm sao chịu nổi hết bão này đến lũ kia? Ngày xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, sau cơn bão, gần một vạn gia đình ở miền Trung đang cảnh màn trời chiếu đất (nếu lúc này lũ về thì còn thê thảm đến chừng nào?) đang chờ sự giúp đỡ. Thế nhưng điều này đã diễn ra hàng trăm năm nay rồi, khiến cho người dân Trung hun đúc tính kiệm cần, kiên nhẫn. Thế nhưng không lẽ cứ mãi là như thế sao? Cơn bão Xangsane ít ra cũng giúp cho người ta nhận ra một điều: rất nhiều và rất nhiều người dân miền Trung hiện đang còn rất nghèo.
Vậy là cái vòng lẩn quẩn cứ diễn ra: vì nghèo nên nhà cửa không kiên cố; nhà cửa không kiên cố thì thiệt hại nặng nề khi có thiên tai; thiên tai thì năm nào cũng có; năm nào cũng bị thiệt hại nặng nề; khắc phục năm nay, năm sau lại phải khắc phục lại; nghèo lại hoàn nghèo nên nhà cửa không kiên cố…
Cái vòng này, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng không lẽ không có lối ra? Mọi chuyện không chỉ gói lại ở “phòng chống lụt bão” mà còn phải ở chuyện khiến cho “dân giàu”. Không cần giàu bằng ông Nghiên, ông Thuý. Chỉ cần người dân giàu đủ để làm cái nhà của mình cho chắc chắn như nhà của chú heo em út, đứng vững trước sự tấn công của con sói trong câu chuyện Ba chú heo con thì người dân có lẽ đã rất vui rồi. Chỉ cần người dân miền duyên hải giàu đủ để mua được tàu bè to hơn chiếc thuyền thúng, để khi ra khơi, biển cả “thân thiện” hơn thì người dân có lẽ đã rất vui rồi. “Gần dân” hình như chưa đủ, còn phải “lo cho dân” nữa chứ không phải chỉ biết “lo cho mình”, lo cho họ hàng mình như nhiều quan lớn thời nay.
Vụ ông Nghiên, ông Thuý đã có các cơ quan chức năng xem xét. Có lẽ hai ông so với… Hồ Tôn Hiến (Truyện Kiều) thì vẫn kém một bậc. Bởi dùng Kiều giết Từ Hải xong, Hiến buộc Kiều “phục vụ”. Sau Hiến lo bị “bể” nên giao Kiều cho một thổ quan. Cái chỗ kém của hai ông trên so với Hiến là ở chỗ Hiến còn biện minh rằng “Nghĩ mình phương diện quốc gia, quan trên trông xuống người ta trông vào”để “giẫy” Kiều đi. Vụ nhà đất của quan, có lẽ không chỉ là vụ của hai ông mà hình như đang diễn ra nóng hổi ở nhiều nơi- từ việc “chia đất” ở Đồ Sơn đến thành phố Hạ Long; từ “phố thường vụ” ở Đồng Phú đến “cồn quan huyện” ở Vĩnh Long… tuy vụ việc khác nhau song ai cũng dễ nhận ra chúng có cái gì chung. Cho nên, tôi không dám có ý kiến về vụ của hai ông, chỉ xin kể lại một câu chuyện đời xưa, xảy ra dưới triều Lê Thái Tông nước ta:
Thái Tông lên ngôi năm 1434. Bấy giờ các đại thần đều sai riêng quân lính làm nhà cửa lớn cho mình. Vua thấy thế, sai ngôn quan Phan Thiên Tước đi xem xét. Tước về, dâng sớ hặc tội tiền quân tổng quản Lê Thụ về các việc: Đang có quốc tang mà lấy vợ, làm nhà cao cửa rộng, sai người nhà xuất cảnh mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Vua hỏi: “Các đại thần đều không có chuyện đó hay sao, khanh chỉ tâu có một mình Thụ?” Thiên Tước tâu: “Đô đốc, tư khấu, tư mã đều là bậc đại thần cố mệnh cả, phải giữ mình ngay thẳng để còn dẫn dắt trăm quan. Có làm việc gì phải theo lễ, phép, nếu không, thì phải tâu cáo trước rồi sau hãy làm, cho nên bọn thần không thể không nói được. Chỉ vì thần thấy Thụ có đến mấy việc, nên nói gồm một thể. Nay vâng mệnh đi khám xét nhà cửa của các đại thần, dám đâu không làm hết chức phận”.
Tước lại dâng sớ kể những người làm nhà mới, từ  tham tri đông đạo Lê Định trở xuống đến quản lĩnh hơn 20 người. Vua không hỏi đến ai, chỉ sai khám xét một mình Thụ… Bọn đô đốc Lê Vấn, tư mã Lê Ngân cho Thụ là bậc thân huân, cố giải cứu nên vua chỉ tịch thu số vàng bạc mua bán vụng trộm, lại lệnh cho người thiếp của Thụ là Trình thị phải rút khỏi hộ tịch của Thụ, cho chuộc lại làm người ngoài mà thôi… 

Trong chuyện này, Thiên Tước tuy “mạnh miệng” nhưng cũng không dám tâu gì việc các vị “cố mệnh đại thần”. Nhưng giá mà các vị “cố mệnh đại thần” xưa cũng như nay, làm được như lời Thiên Tước “giữ mình ngay thẳng để còn dẫn dắt trăm quan. Có làm việc gì phải theo lễ, phép, nếu không, thì phải tâu cáo trước rồi sau hãy làm.”.. thì đó là phúc của dân. 










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét