Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Nhà ở... dở... tình duyên

NHÀ Ở... DỞ... TÌNH DUYÊN
Nói về Love Story, đáng lẽ phải bàn về… người ta. Vì “nó” là chuyện của… người ta, không phải là chuyện của… cái nhà. Oái ăm ở chỗ, có người ta nào “iu” mà lại thiếu… cái nhà hay… cái giường? [Chắc chỉ trừ những “người ta” có xu hướng “về nguồn” hay là “nu để… bảo vệ môi trường”]. Bởi vậy, “đùng” một cái, cái nhà “có chỗ” trong… tình yêu.
Tựa bài này, “Nhà ở… dở… tình duyên” nhằm để… “câu view”. Vì, “lá mặt, lá trái”, có “dở”, tất nhiên là có “hay”. Nhà ở, dĩ nhiên, cũng có “nhà ở…tình rực rỡ”. Kẻ hèn này sẽ “tung lên mạng” cả hai loại ấy, chứ không có ý đồ “bôi đen” hay “tô hồng” gì cả...
1/- NHÀ Ở… DỞ… TÌNH
Có những ngôi nhà, tự nó đã mang trong mình một “sứ mạng thiêng liêng”. Đó là… “phá gia cang [1]”; phá hạnh phúc hôn nhân, đóng vai trò “kẻ thứ ba”[nhưng không phải là “một người đứng đó lặng im đứng nhìn” khi “một người đi với một người” đâu] mà là kẻ… chen vào giữa “cuộc tình hai kẻ”; làm… bại hoại gia phong; làm “vô duyên, bạc phận” của “người ta” [trong khi “người ta” đủ […] viên hoặc “mỹ nhân như ngọc”]. Cần “điểm mặt, chỉ tên”, cần “bê xê [b.c]” chúng trước “bàn dân thiên hạ”.
[1]: Cang= Cương. Nói theo kiểu Miền Nam. Theo Tự điển Thiều Chửu: Giường lưới. Lưới có giường mới kéo được các mắt, cho nên cái gì mà có thống hệ không thể rời được đều gọi là cương. Cương thường   đạo thường của người gồm : tam cương   (quân thần, phụ tử, phu phụ , , ) và ngũ thường   (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ). Cương kỷ   giường mối [giềng mối], v.v.
Phàm sự gì lấy một cái làm cốt rồi chia ra các ngành đều gọi là cương. Như sử cương mục   nghĩa là lối chép sử theo cách này.
Vận tải hàng hóa kết từng bọn đi cũng gọi là cương. Như trà cương   tụi buôn chè (trà).

*Tệ lậu hơn… vợ thằng Đậu
 Ở một căn nhà bất kỳ, dù là biệt thự hay chòi tranh, khi vào nhà, nếu ở phía TÂY BẮC, “chễm chệ” một cái “đô thị Hoa Thịnh Đốn” Water Closed [W.C] hay còn gọi là “toa lét” [toilettes, theo “Tây”. Trong Nam có một câu… hay lắm, gom cả Ta, Tây lẫn Mỹ, là như vầy: Get ta lô=Go toa lét=Đi vệ sinh], hay “tệ hơn nữa” là có cả một… “dãy toa lét hoạt động 24/24, 7/7”, bạn “có quyền” hiểu rằng, căn nhà ấy đang trở thành… “yêu quái”, khiến cho người sống trong đó “quân bất trung thì thần bất nghĩa” [vua chẳng trung chính, hà cớ gì tôi phải giữ đạo nghĩa?], “phụ bất từ thì tử bất hiếu” [cha chẳng hiền, chẳng khoan dung, mắc mớ gì mà con phải có hiếu?], “phu ăn chả thì phụ ăn nem” [Phu là chồng, Phụ là “quợ”. Câu này chắc… chẳng cần tới… dịch thuật]. Gia cang ở chỗ đó đã… “te tua như cái mền rách”. “Nhẹ nhất” là ở đó, chủ nhân ông của ngôi nhà sẽ có một hình bóng hom hem, nay đau mai yếu, hoặc chỉ… “đóng vai xác chết, trong phim Xác chết trên cao nguyên”, mờ nhạt, lép vế, hoặc đó là một người “thích đùa với sex” [Nếu đây là nhà của một nữ sỹ, nhất định đó là nhà của… Hồ Xuân Hương trong Dân gian]. Bạn đừng hòng nhìn thấy bóng dáng… người cha [không phải người ta], bởi “ông ấy” “xuất ngoại”… lâu rồi, “bỏ… [nhà] lâu rồi”.  “Bỏ” ở đây dùng theo nghĩa bóng, nghĩa… đa nghĩa, không phải là nghĩa đen, nghĩa đơn.
Lý do? – Tây bắc là phương vị thuộc quẻ Càn. Càn vi Thiên, Càn là Trời, là cha, là lão dương, là chủ nhân cả ngôi nhà... Còn WC là một “bất tiết minh” theo Phong Thủy, là chỗ “bao che” cho những gì gọi là “thúi hoắc” thải ra từ những “thân thể ngàn vàng” [Khi chúng còn trong thân thể thì vì… không thấy, không ngửi được, không… sờ được, không cảm được, nên chúng cũng là… ngàn vàng. Chỉ đến khi “tống khứ” chúng ra rìa rồi mới “biết” chúng là… thúi hoắc], là… “chuột ở ngoài bình”, là chỗ “thủy khứ”[nước thoát, nước đi, bại địa], là quẻ Khảm thuộc Thủy. Càn thuộc Kim, sinh Khảm Thủy nên Càn “chảy máu mũi” mà “hao gầy vóc dáng”; Càn phối với Khảm lại là Lục sát, Văn Khúc chủ về “dâm sinh sự” hay “dâm dương hoắc”, khiến chủ nhân dễ… “động cỡn”. Nếu WC này ở Tuất (Tây bắc thiên Tây) thì ngoài “đối tượng” cha già lâm nguy, còn có nguy cơ lây lan sang con gái út. Nếu WC ở Hợi (Tây bắc thiên Bắc) thì sự lây lan lại dịch chuyển sang con trai thứ.
“Nhà dột từ nóc”. Nhà không có nóc thì… “dột” từ đâu? Lúc này, ngôi nhà hoàn toàn… không bị dột, vì đã trở thành một cái… chậu… no nước rồi.
*Khi nhà là “kẻ thứ ba”
 - Kế tiếp là nhà xây cất theo trục Đông-Tây, Nam-Bắc mà ở tại Đông hoặc Tây hoặc Nam hoặc Bắc, lại có NƯỚC ĐỘNG [hồ cá, non bộ có nước chảy, vòi nước hay dùng, tường có nước chảy, sàn nước, vòi cấp nước vào nhà, sông suối tự nhiên ngay bên ngoài…], “tứ chính thủy thôi, phạm đào hoa”- thì vướng họa đào hoa. Họa này khiến cho vợ chồng dễ rơi vào cảnh “đồng sàng dị mộng”- cùng giường nhưng mạnh ai nấy mơ về… người khác và rất “gan dạ” để… biến giấc mơ thành hiện thực. Vì vậy mà “tan đàn, xẻ nghé”.
- Nhà xây theo trục bất kỳ, nhưng nếu LỐI ĐI TRONG NHÀ, lại bố trí thành đường theo tuyến Đông-Tây hay Nam-Bắc, dù trên tuyến này không có nước động, vẫn xem là bị phạm sát đào hoa. Vì bản thân “đường ngang, ngõ tắt” trong nhà ấy chính là một thứ Thủy động.
- Nhà có TƯỜNG BÊN PHẢI [Tính từ trong nhà nhìn ra] hoặc đường bên hông phải của nhà [Trong trường hợp nhà có hai hông là hẻm hoặc đường sá] DÀI hơn [Hơn càng nhiều càng xấu] bên trái. Phong Thủy gọi là nhà rơi vào tình cảnh bị… Bạch hổ hiến hoa. Cọp trắng dâng hoa [dâm sự vượng] nên nam nhân trong nhà dễ thành… bướm mải tìm hoa. Vì vậy mà người nam ít khi nghĩ đến chuyện… “một và chỉ một”, cũng không muốn lập gia đình sớm [“Làm chi cho mệt một đời”]. Đối với họ, hôn nhân là chuyện… “để mai tính”. Chỉ khổ một nỗi, “ngày mai” là ngày nào, theo kiểu marketing: “Ngày mai uống khỏi trả tiền”?
- Rồi cái nhà, mà trên TRẦN NHÀ “lủng lẳng” mọi thứ “linh tinh làm đẹp” (Căn cứ vào tầng trệt… nhìn lên. Nhất là khi chúng… “uốn éo” cỏ hoa) . “Coi vậy mà hông phải vậy” đâu.  Chúng không phải đang “tô điểm” cho căn nhà đâu, chúng đang trở thành một nỗi… “ám ảnh” đối với những người… thề nguyền chung thủy!
- Bạn “đẻ bọc điều”, “sướng từ bụng mẹ sướng ra”? Vì thế nhà bạn có hẳn một “vườn Thiền” hay “vườn Ngự uyển” gì gì đó. Cũng được. Có sao đâu? Song bạn nên chắc chắn rằng, khu vườn đó có hình dáng không giống như “vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”- hình bán nguyệt. Tại vì thì là nếu “vườn nó” hình bán nguyệt thì là vì tại “vườn nó” phạm vào phá kính sát, khiến cho bạn, hoặc sẽ rơi vào tình thế của Chu Mãi Thần- bát nước đổ đi, làm sao đầy lại, hoặc sẽ như người xưa [Hình như là vua Tự Đức] “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi”.
* “Bọn… thúi Hẻo”
“Hẻo” là… “Heo”. [Sorry các người không biết… “chặt Hẻo” là gì]. “Thúi hẻo” là … con Heo… hông “pị”… mần thịt. Nhà mà “thúi Hẻo” thì “nó”… “xẻo” mình [theo kiểu “uýnh trống cái tùng, cắc một cái, là lắt một miếng. Nôm na hay gọi “mỹ miều” là… “tùng xẻo”], “xẻo” cả tình, “xẻo” cả money. Lại Nôm na là “bọn chúng” thích “cứ từ từ… lắt” người ta ở trong nhà “ra khỏi cuộc tình”. Đây là kiểu nhà “thập diện mai phục… kích”, họa ẩn trong đó, “ăn mòn” từ trong đó mà… ra.
- Trong Phong Thủy, có “chiêu” gọi là… “khêu gợi đào hoa”, “kích hoạt đào hoa”, dành cho những ai đang… “khao khát”, “thèm muốn” [mà không được] đào hoa. Song cách này, ít khi nào “phong thủy sư” lại khuyên người ta nên dùng hoa đào… thật, mà “đồ giả vẫn hơn” khi đem hoa vào phòng ngủ [Không như cái câu: “Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, Đi rồi mới biết chẳng hơn “đồ nhà”]. Tại sao? – Bởi, bày “đồ thiệt”, có khi sẽ “mắc bẫy”, lợi thì chưa thấy mà “nát bấy” thì thấy liền. Bởi Phong Thủy không thích bày hoa thật- nhất là hoa mẫu đơn, thược dược, cúc đại đóa… màu đỏ, hoa thuộc loại dây thích… “leo trèo”, hay mấy loài… ẻo lả [liễu, thùy dương, …] trong “loan phòng”. Bởi “đồ thiệt” sẽ bị giam hãm trong vòng… sinh tử, sống đó rồi chết đó. Hoa hay liễu mà chết, sẽ đem lại một bầu không khí… “ủ rủ”, “tang tóc”, “khóc than”, khiến cho… “lửa lòng”… chợt tắt . Chẳng có lợi gì cho cái chuyện… cầu duyên mà ngược lại, chuyện “cầu hoài hổng thấy” lại… ứng nghiệm là… cái chắc.
“Túm lại”, phòng ngủ mà thấy hoa, thấy gương, cửa sổ ở đầu giường, cây cảnh “eo sèo” là tượng “đi không ăn cả, nhưng chắc chắn, ngã về… tay không”.
- Ngôi nhà bạn ở, nếu “nó” “rất dài và rất… cao”, hay phòng ngủ của bạn “rất dài và rất… hẹp” thì chúng đều “là… những ngày thương nhớ”, khiến cho bạn lúc nào cũng “ủ dột mày chau”, “lầm lỳ như bánh mỳ thiếu… bột nổi”, “điêu tàn” như thơ của Chế Lan Viên. Bởi “nó” đã trở thành “cái hang”, trở thành “con rắn”, khiến bạn “ưa thích” sự giấu mình, ẩn nấp, kín đáo, không thích… cởi mở hay cởi… ra, không thích bày giãi dù là đang…  khai bệnh với bác sỹ. Khi tâm sự của bạn hoặc của “người kia” “kín mít như hủ nút” thì… “bể bình” chỉ còn cách… chờ thời.
- Cũng không nên chọn kiểu nhà “cô phong độc ngạo”, một mình một cõi, cao chót vót khi xung quanh thấp lè tè, dù nó là “căn hộ siêu cấp” trong một cao ốc “quý sờ tộc” đi chăng nữa. Bởi, loại này chỉ thích hợp cho loại người thích… ẩn dật, thích “ngày đêm 6 thời thường lạy Phật”, thích “lặn sâu” mà không phải nín thở hay bịt miệng. Kiểu nhà này sẽ “lột” đào hoa của bạn từ từ, như người ta lột… vỏ chuối, cho tới khi… sạch sẽ.
- “Đoạn cuối cuộc tình” của “khúc này” là “THỦY HỎA TƯƠNG XUNG”, nước với lửa chẳng nên “đối mặt” nhau. Ở đây, “vai chính” là bếp với bồn rửa, bếp với sàn nước, bếp với… cái gì đựng nước để hoài không dẹp ở phía đối diện hoặc “gần gũi trên mức tình cảm”. Nước với lửa, quá gần cũng bất lợi cho đào hoa, mà “dòm nhau” cũng bất lợi y chang như vậy.
2/- NHÀ Ở… ĐỠ… TÌNH
* Chống “dở” bằng “dỡ”
Chỗ này hoàn toàn không có nghĩa gì theo kiểu “chơi chữ”, mà là có “chất lượng Phong Thủy 100%”. Bởi “chống”, bao giờ cũng bắt đầu bằng… “phá”. Phá bỏ cái cũ, nghĩa là đã có cái mới, cái khác với cái cũ, dù có khi lúc đó, “nó”… trống trơn.
Đối với “hồ sơ bệnh lý đào hoa” của nhà nói trên, mình có thể dựng “phác đồ trị liệu” đầu tiên là “sai thì … bỏ”. Tỷ như WC ở Tây bắc có thể giải pháp là “bỏ, không sử dụng”, hoặc “đập đi, để chi chướng mắt”. Biết “nước động” ở ni không tốt thì“cấm cửa” hoặc “di tản” nước qua chỗ nớ. Thanh Long [bên trái nhà], Bạch Hổ [bên phải nhà] như đôi đũa lệch thì “cắn răng”, “tề” chúng cho bằng khi xây phần chính của nhà, phần “dôi dư” dùng làm sân trước hay sân sau thì cũng… an toàn, không còn sợ cọp trắng đem “liễu ngõ, hoa tường” đến dâng [Dĩ nhiên điều này không thực hiện được, nếu hai bên nhà là hẻm hay đường, chứ không phải tường. Chỉ có nước “tháo chạy tán loạn” là hơn]. Cái trần nhà “lương thụ sát” thì chỉ cần… “làm cỏ” cho nó … phong quang. Khu vườn “bể kính” cần làm cho “gương vỡ lại lành”, tạo dáng lại là xong. “Khều” đào hoa thì chỉ dùng… đồ giả y như đồ thiệt và “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, để đúng nơi, “lấy hơi” đúng chỗ. Nhà hẹp mà cao nên phải chịu tốn tiền làm nền và gác lửng. Phòng hẹp mà dài thì nên chia cắt bằng… sông Bến Hải, nửa làm VNCH để… ở, nửa làm VNDC để… kho. Đang ở trong căn hộ thuộc chỗ “cô phong độc ngạo” “lỡ mua” thì cách hay nhất là… “sang tay”, “bán thu hồi vốn”, rồi… “hoàn tục”, kiếm chỗ trở về với nhân gian, mới có cơ hội “hỏi thế gian, tình là gì”. Thủy Hỏa tương xung chỉ cần dời chỗ của 1 trong 2; thủy hỏa tương cận [khi “xích lại gần nhau dưới 80cm”] lại cần đặt vách ngăn, để “nhà nàng” đừng hòng “ở cạnh nhà tôi”…v.v…
Khi “tháo dỡ”như vậy, ngôi nhà đã “lột đồ” cũ, “mặc đồ” mới, dù rằng “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương” [Bà Huyện Thanh Quan]-  thì cái “đêm trước đổi mới” ấy cũng đã… “thoát y” mà… đổi mới với thời gian…
* “Túp lều lý tưởng”
- “Lý tưởng” nhất, dĩ nhiên là ngôi nhà được bố trí theo Phong Thủy từ mảnh đất, cái vườn, phòng ốc, cho đến … cái giường. Không nên chọn ở cạnh “khu mồ mả Gia tộc X” hay nghĩa địa. Cũng không nên chọn chỗ mà phía đối diện ngày đêm gì cũng có đèn chiếu vào nhà mình [Loại này khiến mình tối nào cũng phải uống thuốc an thần Valium mới ngủ được. Mà đêm nào cũng “ngủ như chết” thì “mần” vào lúc nào? Tệ hơn nữa là nó khiến mình lúc nào cũng cảm thấy bất an, đến mức bỏ nhà mà… lang thang. Cứ lang thang thì làm sao “phang”?].
- Phòng ngủ nên chú ý đến màu sắc, ánh sáng “huyền ảo” phù hợp với mình. Không nên quá bừa bộn đồ đạc [Trừ đồ mới… cởi ra]. Phòng ngủ nếu hình vuông hay “hơi” chữ nhật một chút là “lý tưởng”.
- Giường ngủ nên kê trên đường chéo của cửa buồng với góc trong. Đây là vùng “vượng khí” của căn phòng.
- Nếu mình thuộc loại mà thiên hạ cho rằng “già kén” nên “kẹn hom” thì nên biết cách “đúng đắn” để khơi dậy đào hoa, để hóa giải sự “tiên thiên bất túc” [Trời sanh nó vậy] nếu có. Bởi “phong lưu vốn sẵn tư Trời, Đẻ ra người có người thời… vô duyên” [Sorry, chỗ này là… “hàng nhái”]…





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét