Đạo
hiếu là gì?
Hiếu
theo quan niệm thời xưa khác thời nay như thế nào?
Các
bạn biết chữ Hán thấy rõ: Chữ "Hiếu" là chữ viết tắt của hai chữ
"Lão" ở trên (lượt bớt phần dưới) và chữ "Tử" ở dưới.
"Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo
nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Đọc
bài "Đạo hiếu" của Nhất Thanh (Tr.331 cuốn "Đất lề quê
thói"- NXB Đồng Tháp) cùng với một số bài nói về lễ Mừng lão,Yến lão, tôi
rất nhất trí và không lặp lại, chỉ xin nói thêm vài lời.
Đạo
hiếu xuyên suốt trong mọi phong tục của
nhân dân ta, không thể không nói đến chữ hiếu khi viết về phong tục cổ
truyền của ta. Lễ tế, lễ tang, lễ cưới, kể cả sinh đẻ, xây nhà dựng cửa, hội hè
đình đám, việc nước, việc làng, thuần phong mỹ tục đã đành mà trong số những phong tục đã lỗi thời, ngày
nay bị xếp vào loại đồi phong bại tục,
ta cũng chắt lọc được một phần tinh hoa của đạo hiếu.
"Hiếu"
là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi
đức tính. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng, trong
"Luân lý giáo khoa thư" các em đã hiểu: "Công cha như núi
Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra"... Những chân lý đó, ai không chấp nhận, song quan niệm về chữ
"Hiếu" ngày nay cũng có phần khác thời xưa.
Tôi
không dám lên mặt dạy đời, chỉ xin thuật lại một buổi tranh luận trong nội bộ
gia đình tôi:
Trước
hết tôi hỏi" "Hiếu" là gì? Cháu nhanh nhảu trả lời:
"Hiếu" là hiếu với dân, Bác Hồ
khuyên" "Trung với nước, hiếu với dân". Đài báo cũng nhắc luôn:
" Hiếu với dân, tức là cán bộ phải chăm lo cho dân, đừng ăn hôi lộ, đừng
hách dịch với dân".
-
"Việc hiếu" là gì?
-
"Việc hiếu " là việc ... là việc... là việc cán bộ chăm lo cho nhân
dân mà không ăn của đút, không... Đến đây cháu lúng túng. Thằng con út tôi trả
lời thay:
-
"Việc hiếu" là việc đưa đám
ma, vì hôm trước, đưa đám ma xong, ông hàng xóm đứng lên cảm ơn thân
bằng cố hữu đã giúp gia đình lo xong
việc hiếu....
Đến
đây, được chú em tôi phụ hoạ thêm:
-
Cháu nói có lý đấy anh ạ! "Việc hiếu" là việc đối với người chết,
cho nên người ta thường nói
"Hiếu", "Hỷ", tức là chỉ việc tang, việc cưới. Nhưng cháu
ạ, việc hiếu phải ba năm chứ không phải đưa ma xong là xong đâu ! Đến như tiến sĩ Lý Trần Quán, một người tận
trung tận hiếu cuối triều Lê, trước khi chết còn viết đôi
câu đối "Tam niên chi hiếu dĩ hoàn. Thập phần chi trung vị tận" (Chữ
"Hiếu" 3 năm đã xong, chữ "Trung" mười phần chưa trọn).
-
Hiếu đối với người chết, còn đối với người sống thì sao? "Sự tử như sự
sinh" kia mà?
-
ồ, anh muốn biết con anh có hiếu hay không, xin anh hãy ráng chờ sau khi anh
chết sẽ rõ. Ca dao có câu "Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi chết xuống
làm văn tế ruồi". Thời xưa còn thế nữa là bây giờ. Nhưng anh cũng đừng lo
ruồi ăn hết phần, vì thanh niên ngày nay có biết đọc văn nữa đâu mà tế ruồi.
Đến
đây lại chuyển sang mục tranh cãi giữa tôi và chú em về quan niệm chữ
"Hiếu" thời xưa vàc thời nay.
-
Thời nay lớp trẻ chẳng biết "Chín chữ cù lao" là cái gì. Công ơn mang
nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn tốn bao nhiêu tâm lực, đến nay chúng nó có lớn
mà chẳng có khôn.
-
Tôi phàn nàn - Đã thế còn hỗn láo, bướng bỉnh...
-
Đó chẳng qua là cái món nợ đồng lần, mình
nuôi con rồi nuôi cháu cũng thế. Lớp trẻ bây giờ nhiều người nói ngược: "Sinh ra ta, nuôi ta
lớn lên, đó là trách nhiệm của các ông bô bà bô". Có đứa còn trách bố mẹ:
"Sao người ta ăn sung mặc sướng, được chiều chuộng. Bố mình thì "Khắt
khe", "Ky bo' mà còn kể ơn huệ!" - Chú em tôi kể thêm.
Đối
với những ông bố bà mẹ có những đứa con như vậy, quả thật là bất hạnh, song
cũng phải khẳng định số người đó rất
ít, vả lại khi đến tuổi trưởng thành,
được tiếp thu sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và qua khảo nghiệm
thực tế của cuộc đời, chúng sẽ thay đổi tính tình. Bố mẹ bao giờ cũng sẵn sàng
tha thứ, nước mắt chảy xuôi là lẽ thường tình.
Bàn
đến câu ca dao: "Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con
hư", rồi "Trứng khôn hơn vịt"... được dịp, con cả tôi xen vào:
-
Con xin phép cha mẹ và chú, con cãi cha mẹ không phải trăm phần trăm con hư cả.
Nếu cha mẹ nghĩ sai làm sai, con can ngăn thì đó có phải là bất hiếu đâu!
Ông
chú gật gù tán thành:
-
Cháu nói có lý. Câu "Con cãi cha mẹ trăm phần con hư" chỉ đúng khi
đứa con còn thơ ấu, chứ khi đã trưởng thành có nhiều cô cậu còn khôn hơn cha
mẹ. "Con hơn là nhà có phúc" mà ! Thời đại ngày nay, khoa học kỹ
thuật tiến vùn vụt, tư duy chính trị, kinh tế bây giờ cũng đổi mới mà cánh già chúng ta thường hay thủ cựu, bảo
thủ cố chấp. Âu cũng là mâu thuẫn giữa
hai thế hệ...
-
Theo chú, câu tục ngữ "Có con tội sống, không có con tội chết" có
đúng không?
-
Đúng thời xưa nhưng không đúng thời nay.
Thời xưa có câu "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (có 3 điều bất hiếu
với cha mẹ, trong đó không có con là điều nặng nhất). Cha mẹ ông bà tuy đã qua
đời nhưng không còn sống trong ta, nếu ta không có con thì sau khi ta chết, ta
cũng làm tiêu tan nốt giòng máu của bao đời tổ tiên, ông cha lưu lại. Nhưng còn
tội sống thì sao ? Có ít người cho rằng nuôi con chẳng qua chỉ mang thêm tội
vạ. Đã vậy sao nhiều người ghét con lại
thương cháu. Có lẽ họ nghĩ rằng chon họ đã không nối được nghiệp cha ông thì hy
vọng cháu mình sẽ nối.
Trong
cuốn "Một nghìn lẻ một đêm" một nhà thông thái đã trả lời đám đông:
"Nỗi khổ nhất và dai dẳng nhất trên đời là có đứa con hư". Nhưng còn
một mặt khác, mà là mặt tích cực và phổ biến "Con khôn nở mặt mẹ cha"
"Một con một của", có ai từ. Gặp nhau người ta hỏi thăm nhau:
"Mấy trai máy gái rồi ?", chứ có hỏi: "Mấy của rồi ?"đâu.
Còn như câu "Trẻ cậy cha, già cậy con" ngày nay liện còn đúng không ?
Nhân
nhắc đến những gương hiếu kính thời xưa được nhà vua ban biển vàng như thời vua
Lê Huyền Tông cách đây gần ba trăm năm (1663-1671), ban biển đỏ với bốn chữ vàng "Hiếu hạnh khả phong"
như thời vua Hàm Nghi cách đây hơn một trăm năm (1885-1888) chú em tôi thắc mắc
có tính chất gợi ý: "Thời nay thiếu gì gương hiếu kinh sao từ trung ương
đến địa phương chưa thấy có hình thức khen thưởng biểu dương gì ?. Trong quyển
"Nhị thập tứ hiếu" có Lục Tích người quận Cửu Chân mới 6 tuổi đến nhà
họ Viên ăn tiệc xong dấu quả quýt mang về cho mẹ Quận Cửu Chân là đất Thanh Hoá
ngày nay. Lục Tích cũng được liệt trong số "Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn
muôn thu", sao trong sử sách ta, không thấy nói đến.
Ông
chú vừa dứt lời, cậu con trai thứ của tôi xen ngay :
-
Tưởng ai nổi danh, chứ như Lục Tích giấy quýt về cho mẹ cũng đưa vào sử sách,
thì ở nước ta giấy mực đâu mà thống kê cho hết, ở một vùng cũng đến hàng ngày
hàng vận người. Ngay như cháu đây, lúc nhỏ cùng đi ăn giỗ với chú ở nhà thờ họ,
hẳn chí còn nhớ, lúc đó cháu mới bốn, năm tuổi, cháu còn nhớ chú xé sẵn cho
cháu một tài lá chuối trước khi ăn cỗ, thế rồi phần giò, phần nêm, chả, xôi,
hoa quả của cháu, cháu đều gói cả lại mang về phần mẹ, phần em, mặc dầu cháu
rất thèm, cháu hơn hẳn Lục Tích chứ chú!
Nghe
con nhắc lại chuyện cũ, vợ tôi nhoẻn miệng cười gật đầu tán thưởng. Tôi liếc
thấy vợ tôi còn rơm rớm nước mắt vì cảm động.
Cậu
con thứ của tôi, bỗng quay lại phía chú, đột ngột hỏi:
-
Vua ban bằng 'Hiếu hạnh" gì gì đó có đúng đối tượng không chú ? Hay lại
nghe dưới tâu báo lên, chỉ phong cho bọn
lắm tiền, khéo nịnh, để được ăn khao cho to ? Chú ạ, ngày xưa các cụ ngốc
lắm" "Đức Đại thánh họ Ngu vua Thuấn" thì đúng là không khôn:
hiếu với cha mẹ đã đành một nhẽ, chứ với mụ gì ghẻ cay nghiệt như kiểu mẹ con
Cám, gặp phải cháu thì ăn đám chứ đừng hòng "Trăm cay đắng một niềm ngon
ngọt". Đời nhà ai, có người chôn con nuôi mẹ như Hán Quách Cự mà cũng được
"Thơm nghìn muôn thu". Đáng lý ra triều đình phải ngiêm trị tội giết
người, hơn nữa lại là tội giết hại trẻ con.
Cuối
cùng chú em tôi quay sang hỏi tôi:
-
Theo ý anh, thế nào là "Có hiếu", thế nào là "Bất hiếu".
Giữa hai đứa con, anh chọn đứa nào, một như cháu đây: Con nhà nghèo, mới 4, 5
tuổi đã biết giành phần ngon về biếu mẹ, một là đưa giàu sang, không đúng ngày
giỗ cha cũng lấy cớ bịa ra ngày giỗ, cỗ bàn linh đình để khoản đãi, cầu cạnh
những kẻ cao sang, lmà ra vẻ người con chí hiếu, trong khi đó thì hắt hủi người
mẹ quê mùa, lam lũ nghèo hèn như trong chuyện "Báo hiếu cha" của
Nguyễn Công Hoan. Thế nào, giữa "Lục Tích nhà ta" mặc dầu có lúc còn
hỗn láo bướng bỉnh và nhân vật "Chủ hãng ô tô con cọp" của Nguyễn
Công Hoan, anh chọn đứa nào?
Dường
như để tránh dung dưỡng cho những điều không phải, chú em tôi quay lại, nhỏ nhẹ
bảo cháu:
-
Cháu ạ, cháu có thể tranh luận với cha mẹ nhưng phải lễ độ, từ tốn, phải biết
lựa lời, chọn lúc, tuyệt đối không được có thái độ nóng nảy, cáu gắt, hỗn láo,
nhất là khi có khách, khi ra đường, giữa
công chúng, hoặc trước mặt vợ con, đừng để ông bà trên bàn thờ quở mắng
bố mẹ cháu rằng không biết dạy con; đừng để vợ con cháu, em út cháu khinh nhờn
bố mẹ cháu, tất nhiên cũng khinh nhờn cả
cháu. Sau này cháu sẽ rõ: có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Từ
nãy đến giờ nhà tôi chỉ ngồi nghe, bây giờ mới lên tiếng: "Nghe cha con,
chú cháu nhà ông nói thì ai cũng có lý "!
Xin
mượn câu đó làm câu kết cho bài này.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét