Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Vía Thần Tài

THẦN TÀI
Đất có Thổ công, sông có Hà bá”.
Ngày xưa, sỹ nông công thương, nhà nào lại không có bàn thờ của “Đệ nhất gia chi chủ第壹家之主 này? Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ là Ba ngôi, “Tam vị nhất thể”. Bàn thờ Thổ công xưa hay đặt ba chiếc mão –một bà, hai ông- cánh chuồn bằng giấy ; có khi là đặt hẳn một bức tranh “vua bếp”- cũng hai ông, một bà. Tới đây hình như bắt đầu… lộn xộn rồi: Địa, Táo lung tung! Đây là chỗ khác nhau giữa xưa và nay. Xưa quan niệm Thổ công là Đệ nhất gia chi chủ (Chủ “năm bờ oăn” của nhà), vừa là thần Đất, vừa là thần Bếp núc.
Tuy hai mà một! Vì vậy, ba cái mão tượng trưng cho Thổ công (coi việc trong bếp), Thổ địa (coi việc trong nhà), Thổ kỳ (coi việc chợ búa, sinh sôi vườn tược). Mão Thổ công mỗi năm… một màu theo ngũ hành của năm mới: Kim màu trắng, Mộc màu xanh lá, Thuỷ- đen, Hoả- đỏ, Thổ- vàng. Bài vị Thổ công xưa đề chung cả “ba ngôi” rằng “Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Thổ địa Long mạch Tôn thần, Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chính thần”.
Người Việt có sự tích về Vua Bếp như sau: Xưa có vợ chồng Trọng Cao – Thị Nhi, lấy nhau lâu không có con, buồn phiền nên thường cãi nhau. Trong một lần như vậy, Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi giận chồng, bỏ đi, rồi lấy Phạm Lang làm chồng. Cao hết giận, bỏ mọi thứ, lang thang tìm vợ, hết tiền, phải ăn xin. Ngày nọ, Cao đến một nhà nọ, bà chủ nhà lại là Thị Nhi nhận ra chồng cũ của mình. Hai bên kể lể thì bất ngờ Lang về, Nhi cho Cao nấp tạm vào đống rơm vì sợ hiểu lầm. Không dè Lang đốt đống rơm để lấy tro bỏ ruộng, Cao bị đốt chết. Nhi hối hận cũng nhảy vào lửa. Lang thương vợ cũng nhảy theo. Trời thấy cả ba có nghĩa nên phong cho làm Táo, mỗi người một việc, Lang làm Thổ công, Cao làm Thổ địa, Nhi làm Thổ kỳ. Thời xưa trọng nam, khinh nữ, trai “năm thê, bảy thiếp” là thường. Đến chuyện của Táo thì… tréo ngoe. Tréo ngoe cả với cái nhìn bình thường. Thế  mới có câu Thế gian một vợ một chồng,Không như Vua Bếp hai ông một bà.
Người ta tin Thổ công là “ăng ten” của Ngọc hoàng, ghi chép mọi chuyện thiện ác trong nhà nên mới dùng đồ ngọt như thèo lèo, kẹo mứt cúng tiễn ông về trời trong Chạp ông Công vào ngày 23 Tết, để ông “hót” dùm cho những lời… đường mật. Ngày này, xưa tiễn ông về trời bằng cá chép (sống hoặc đồ mã) , nay thì đã có “cò bay ngựa chạy” bằng hàng mã. Khi tiễn, người ta cũng “hoá” mão cũ, thay bằng mão mới.

Ngày nay, nhất là ở đô thị, người ta “chia cắt” Táo và Địa “hai ngã đôi nơi”. Thổ địa … hạ thổ, ngồi chung với Thần tài, Tiên cô Tiên hữu ở nhà trên. Táo “di tản” xuống bếp, một mình một cõi. Cách thờ này chắc do ảnh hưởng từ Trung quốc. Bằng cớ là những bài vị vẽ kiếng để thờ Thổ địa- Thần tài song sinh “made in Cholon” đều ghi là Bản địa Thổ địa Thần kỳ Long thần, Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chính thần, Tiền hậu Địa chủ Tài thần…  Hai bên còn có câu đối: Kim chi sơ phát diệp. Ngân thụ chính khai hoa (Cành vàng vừa trổ lá, Cây bạc đã đơm bông). Còn bài vị Táo thì thường chỉ ghi vỏn vẹn là Định phúc Táo quân. Đôi khi có hai câu “ăn theo”: Hữu đức năng ty hoả, Vô tư khả đạt thiên (Có đức [mới] có thể trông việc lửa, Vô tư [mới] có thể lên trời).
Tương truyền, Trương Phi trong Tam quốc chí sau khi mất, cũng được phong làm Thổ địa. Gần đây trong Chợ Lớn còn bày bán tượng- mà theo lời ngừơi bán- là bà Thổ địa
tay cầm… ngọc như ý, thếp vàng sáng giới. Không biết đây là Thổ địa… phu nhân , Thổ địa lão bà bà hay là Tài thần nữ (?!).
Sẵn chuyện Thổ, Táo… chia ly, Táo làm… “ăng ten” cho trời, xin kể hầu các bạn câu chuyện “lượm” được trong một chuyến đi điền dã ở Bến Tre (lâu rồi, khoảng năm 1983):
Lần đó, Táo được mời đi ăn giỗ ở cồn Lân (An Giang) mới gởi nhà cho Địa, dặn biên không sót cái gì xảy ra, để Táo khỏi… tắc trách. Khi Táo về, mở sổ ra, đọc thấy Địa ghi như vầy:
Nữ tự Đông lai, Nam do Đoài chí. Nữ ngoạ như long phi, Nam quỵ như hổ phục. Nam nữ…, …” (Nữ từ phía Đông lại, Nam ở hướng Tây qua. Nữ nằm như rồng bay, Nam quỳ như hổ núp. Nam nữ… ). Táo lật qua trang sau, cũng chỉ thấy chấm, chấm, chấm (…, …) tức mình trách Địa: “Anh biên như vầy chết tui rồi. Chỉ toàn là chấm chấm. Tui biết là chuyện gì?” Địa cười ha hả: “Mèn ơi! Tụi nó xáp vô mần lia lịa. Ông nội tui hốt trấu vãi còn hổng kịp. Ở đó mà biên chữ…!?”
Thần… tiền
Đây có lẽ là vị thần được… mong đợi nhất, nhất là trong thời buổi tiền là Tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái… đà danh vọng, là cái … lọng che thân, là cán cân công lý… Thực ra, người ta cũng thờ Thần tài từ hồi xửa hồi xưa, “gom” ba vị vô một “tụ” Thổ công trong niềm tin phồn thực nông nghiệp  (Thổ kỳ- Thị Nhi). Cho nên đến khoảng đầu thế kỷ XX, dù có “tách tỉnh” thì Thần tài vẫn “trực thuộc Trung ương” ngồi chung với Thổ địa như thường (!?).
Thần tài ngày càng “liên tục phát triển”, lắm dạng, đa hình (riết rồi không biết đâu là hư, đâu là thực; đâu là Thần tài, đâu là… “Đồ” tài (!?). Ở trên chúng tôi có nói về “Thần tài nữ”. Ấy là bắt nguồn từ một câu chuyện cổ: Xưa có LÁI BUÔN tên Âu Minh, được Thuỷ thần (Hà bá) cho một cô hầu tên Như Nguyện. Minh đem Như Nguyện về nuôi, làm ăn ngày càng phát đạt. Sau, trong một ngày Tết, Minh đánh nên Như Nguyện sợ, chui vào đống rác rồi như “bóng chim, tăm cá”, biến mất. Từ đó nhà Minh ngày càng “xuống cấp”, nghèo xơ nghèo xác. Người ta thấy vậy, cho Như Nguyện là Thần tài, lập bàn thờ và từ đó có tục kiêng đổ rác trong mấy ngày Tết. Sợ đổ mất Thần tài thì… khốn nạn!
Cho nên, dù tượng trên có là Thổ địa lão bà bà hay Thần tài bà lão gì gì thì có lẽ… cũng được.
Tài thần, có cả con nít, có chị  có em, gọi là Hoà Hợp. Tài thần Hoà Hợp cũng có sự tích, đại khái kiểu “làm chơi… ăn thiệt” chứ không phải “tay làm hàm nhai”. Đây là “Tiên cô Tiên hữu” trong bài vị thờ chung cho Thần tài, Thổ địa. Tranh tượng thường gặp là hình hai đứa bé, đầu để chỏm hay ba vá, tay ôm đào tiên, phật thủ; ôm cá chép… với các “khẩu hiệu” như Chiêu tài tiến bảo, Tích ngọc đôi kim (Mời tiền dâng của báu, Trữ ngọc dư vàng) hoặc là phụ nữ, bà già tay cầm bó lúa [hoà], tay cầm hộp [hợp] , cầm đồng tiền điếu…  Thần tài nam thì… . quá nhiều, rối như canh hẹ- từ thần Tử vi trấn trạch, chiếu trạch vốn được treo ngoài cửa để… trừ tà, khu quỷ; đến Tài thần chính “made in China” là Huyền đàn Chân nhân Triệu Công Minh (nhân vật trong truyện Phong thần của Hứa Trọng Lâm) với bốn bộ tướng nào Chiêu bảo, Nạp trân, Chiêu tài, Lợi thị (Sao giống Ngũ phương Ngũ thổ Long thần quá!). Rồi còn “Tài bạch Tinh quân”- Thái bạch Kim tinh (Không hiểu sao trong khoa toán số, lại có câu “Thái bạch, sạch cửa sạch nhà”. “Sạch” đây là “hết sạch”, chỉ các năm gặp sao hạn này vào các tuổi 22, 31, 40… (nam), 26, 35, 44… (nữ) thì… hao tài)…
Đến thời hiện đại, thiên hạ còn tôn xưng (hay “hạ bệ”?) Di lặc Bồ tát qua hình tượng Bố đại Hoà thượng (ông tăng quảy bao lớn ) thành thần Tài nốt, khi cho ông nâng nén vàng  với slogun Kim ngọc mãn đường (vàng ngọc đầy nhà) lên khỏi đầu hoặc “trang sức” bằng vàng ngọc… Lại “phân thân” Văn tài thần, Võ tài thần, Tăng phúc tài thần… mà tuỳ địa phương, người ta “lôi vào” cả Tỷ Can (cũng là nhân vật trong Phong thần), Quách Tử Nghi (người đời nhà Đường), Quan đế (nhân vật trong Tam quốc chí), Thẩm Vạn Sơn, Lưu Hải (hai nhân vật này có liên quan đến… đồ tài)…
…Đồ tiền
“Đồ” tiền thường không được thờ như Thần tiền mà thường mang tính chúc tụng, mong mỏi của người… đang cần tiền, người mong người khác có tiền. “Đồ” tiền quan trọng nhất là cái Tụ bảo bồn của họ Thẩm nhưng Thẩm lại là một nhân vật trong truyện cổ của Trung quốc. Đó là cái chậu chứa vàng bạc, châu báu cùng một dạng với “nồi Thạch Sanh”. Cái “đồ “ thứ hai là con thiềm thừ (cóc ba chân) do Lưu Hải nhờ học phép luyện đơn với Lữ Đồng Tân (một nhân vật trong Bát tiên) mà thu phục được. Con thiềm thừ này có liên quan nhiều đến văn hoá Việt Nam. Có dịp chúng tôi sẽ đề cập. “Đồ nghề” thường gặp, hoặc là con thiềm thừ “cô đơn” mà các thầy phong thuỷ thời nay hay “khuyến cáo” gia chủ đi tìm mua; hoặc là có cả hình tượng ông Lưu câu cóc, giỡn cóc hay cưỡi cóc.
Ngoài hai thứ “đồ” trên, còn có tranh Đông Hồ với tranh đại cát (Tốt lành lớn), Heo đàn (Sung túc)… và tranh dán ngày Tết, bao lì xì với những lời “có cánh” đại loại  Niên niên hữu dư, Đinh tài lưỡng vượng (Năm tháng đều dư dả, Người tiền đều vượng)…
Chấm dứt chuyện thần… tiền là sự thờ thần. Thần tài dĩ nhiên là được hưởng hương khói quanh năm. Người có làm ăn buôn bán còn làm “tiệc” cúng thần vào ngày mùng 10 âm lịch với thịt quay, bánh bao không nhưn hay bánh hỏi, bánh mì, áo Thần tài, giấy quý nhơn, trà rượu… Khoảng vài năm nay, không biết do “thuật sỹ” nào bày đặt mà thiên hạ cúng Thần tài- Thổ địa thường trực bằng… tỏi- mà phải là tỏi Tây to đùng. Để khô thì thay củ khác. Vì thần ngồi… thấp nên phải… khử mùi chăng?!
Cách cúng vía Thần Tài, bài văn khấn thần tài mùng 10 Tết
Để tưởng nhớ Thần Tài mọi người chọn ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch là ngày thần Tài bay về trời làm ngày cúng vía Thần Tài. Vào ngày cúng vía Thần Tài thường sắm lễ như sau : 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.
Lễ cúng Thần Tài, Thổ Địa
Ngoài ngày vía chính của Thần Tài là ngày mùng 10 Tết, thì vào ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch, cùng với bàn thờ Tổ tiên và các bàn thờ khác trong nhà, hoặc vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng, mọi người thường cúng Thần Tài để trả lễ khi gặp vận hên tài lộc.
Lễ cúng Thần Tài, Thổ Địa phải chăm chút cho thật kỹ thì mới có kết quả tốt. Đa phần, các vị thần đều dùng mặn, đặc biệt chỉ có Thần Tài, Thổ Địa vừa dùng đồ mặn vừa dùng đồ chay. Lễ cúng nửa năm đầu là đồ mặn, từ tháng 7 âm lịch đến cuối năm là đồ chay.
Lễ cúng mặn từ tháng 1 âm lịch đến tháng 6 âm lịch: 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, gạo, muối hột để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.
Lễ cúng chay từ tháng 7 âm lịch đến tháng 12 âm lịch: 1 bình bông, 1 đĩa ngũ quả, 1 bộ giấy tiền vàng, chum nước, gạo, muối hột, bánh chay như bánh tét, bánh ngọt…
Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h – 7h và chiều tối từ 6h – 7 giờ, mỗi lần đốt 5 cây nhang. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa, và chưng nải chuối chín vàng. Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài. Hàng tháng thường lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.
Khi cúng xong gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được vãi ra ngoài. Vàng, bạc đại đốt ở ngoài, rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào, bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.

Bài văn khấn trong ngày cúng vía thần tài ( tham khảo)
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ Địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là……………………………..Tuổi…………............................... Ngụ tại……………………………………………………………………………………….
Hôm nay là ngày mùng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu (âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quản và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền và chư vị tôn Thân.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét